Tóm Tắt Nội Dung
Ý Nghĩa 12 đại Nguyện Dược Sư Lưu Ly Vương Quang Phật
7 vị Dươc Sư Phật với tâm đại bi vô lượng và năng lực dẫn dắt tất cả chúng sinh đến bờ giác ngộ. Ngài đã hóa hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau để cứu khổ ban vui cho chúng sinh.
7 Vị Phật Dược Sư Như Lai
Thông thường có bảy Đức Phật Dược Sư, hoặc 8 Đức Dược Sư (nếu cộng thêm Đức Thích Ca Mâu Ni), hạnh nguyện của các Ngài rất tương đồng như giúp chúng sinh được cứu khổ ban vui, sinh vào thiện đạo,thân hình đầy đủ các căn, được giàu có, xinh đẹp, thọ mạng dài lâu, tiêu trừ các tội lỗi về phạm giới khuyết giới, tiêu trừ các tội trộm cắp nghèo khó, giúp trừ các bệnh khổ thân tâm ma quỷ ám hại, được vãng sinh Tịnh Độ….
Đức Phật Dược Sư là một đấng giác ngộ có lòng bi mẫn vô biên đối với hết thảy chúng sinh. Ngài hộ trì chúng sinh tránh khỏi những đớn đau về tâm hồn và thể xác, khỏi những hiểm nguy và chướng ngại, và giúp họ trừ diệt ba độc tố – tham trước, sân hận và si mê – cội nguồn của mọi bệnh tật và nguy hại. Ngài là đấng Y vương Toàn giác.
Theo các Kinh điển Phật Giáo thì Đức Dược Sư Như Lai có 7 tôn tượng. Có thuyết cho là mỗi vị có mỗi đại nguyện và ứng thân riêng từng vị. Có thuyết cho là các Ngài từ nhất thể là Đức Dược Sư Như Lai mà phân thân ứng hiện (ứng thân).
Danh hiệu của các Ngài là: Thiện Danh Xưng Cát Tường Như Lai; Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai; Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai; Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai; Pháp Hải Lôi Âm Như Lai; Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như lai; Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Danh hiệu của 7 Đức Dược Sư Như Lai như sau:
Thứ Tự | Danh hiệu | Cõi Tịnh Độ | Ghi Chú |
1 | Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương Như Lai | Quang Thắng Thế giới | Toàn thân màu vàng |
2 | Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai | Diệu Bảo Thế giới | Toàn thân màu vàng đỏ |
3 | Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai | Viêm Mãn Hương Tích Thế giới | Toàn thân màu vàng nhạt |
4 | Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Vương Như Lai | Vô Ưu Thế giới | Toàn thân sắc hồng |
5 | Pháp Hải Lôi Âm Như Lai | Pháp Tràng Thế giới | Toàn thân sắc vàng |
6 | Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai | Thiện Trụ Bảo Hải Thế giới | Toàn thân sắc đỏ |
7 | Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai | Tịnh Lưu Ly Thế giới | Toàn thân màu xanh ngọc lưu ly |
Danh pháp 7 vị Phật Dược Sư Như Lai tiếng Phạn
- Suparikirti-tanamasriraja: Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương Như Lai
- Svaragosaraja: Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai
- Suvarnabhadradravimala: Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai
- Asokottamasriraja: Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Vương Như Lai
- Dharmakirtisagara: Pháp Hải Lôi Âm Như Lai
- Abhiyaraja: Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai
- Bhaisajyaguru: Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Ý Nghĩa 12 đại Nguyện Dược Sư Lưu Ly Vương Quang Phật
Lướt Nhanh
1. Phát hào quang chiếu sáng mọi chúng sinh.
2. Cho chúng sinh biết đến Nhất thiết trí của mình.
3. Cho chúng sinh thực hiện được ước nguyện.
4. Hướng dẫn chúng sinh đi trên đường Đại thừa.
5. Giúp chúng sinh giữ giới hạnh.
6. Giúp chúng sinh chữa lành các thứ bệnh do sáu giác quan sinh ra.
7. Chữa bệnh thuộc về thân tâm cho mọi chúng sinh.
8. Cho phụ nữ tái sinh trở thành nam giới.
9. Tránh cho chúng sinh khỏi rơi vào tà kiến và giúp trở về Chánh Đạo.
10. Tránh cho chúng sinh khỏi tái sinh trong thời mạt pháp.
11. Đem thức ăn cho người đói khát.
12. Đem áo quần cho người rét mướt.
1. Phát hào quang chiếu sáng mọi chúng sinh.
Nguyện thứ nhất, Đức Dược Sư phát nguyện chứng được Vô thượng Bồ đề là đạt được trí tuệ tột đỉnh để giúp cho mọi người hết khổ, được an vui và họ biết phục vụ lại người khác. Vì Ngài biết rõ tất cả chúng ta đều có khả năng mang an vui, hạnh phúc cho mình, cho người; nhưng vì thiếu trí tuệ, bị vô minh ngăn che, nên không thể giải thoát, không làm được việc lợi ích cho đời.
Thời Phật Dược Sư xa xưa vậy mà Ngài đã biết được lợi ích vô cùng của trí tuệ. Ngày nay chúng ta dễ dàng nhận thấy sức mạnh của con người không bằng con hổ, con voi, nhưng khống chế được chúng nhờ trí tuệ.
Và thời hiện đại là thời văn minh khoa học, cũng do trí tuệ loài người được phát huy cao, nên tạo ra được những tiện nghi tốt đẹp cho cuộc sống của con người. Nhưng loài người phát huy trí tuệ mà không có tình thương chỉ đạo, không hướng đến việc phục vụ con người một cách tốt đẹp, mà lại gây ra đau khổ rất nhiều cho chính con người và cho muôn loài.
Trí tuệ con người phải kèm theo lòng từ bi mới có thể phục vụ lợi ích cho nhân loại. Xây dựng thế giới Tịnh Lưu Ly, Đức Phật Dược Sư phát nguyện phát huy hiểu biết cao nhất để phục vụ cho người dân ở đó được hưởng cuộc sống sung sướng nhất. Thế giới Cực Lạc của Đức Phật Di Đà cũng vậy.
Đó là hai mô hình thế giới văn minh của Phật chỉ có tình thương và xây dựng hạnh phúc tối đa cho người dân; ở Tịnh độ đó không có ác độc, nguy hiểm, giết người, đói khát, bệnh tật, đau khổ, v.v…
Như thế giới văn minh của loài người ngày nay thường hủy diệt mạng sống của con người và các loài hữu tình khác, cũng như gây ra vô số bệnh tật quái ác, tạo ra những rủi ro vô cùng, hiểm nguy vô tận.
Tụng kinh Dược Sư, niệm Phật Dược Sư, nghĩ đến lời nguyện thứ nhất của Đức Dược Sư, chúng ta nỗ lực nâng hiểu biết của mình lên đến tầm cao. Giả sử chúng ta sinh về đó, cũng để học hỏi, thực hành và xây dựng được thế giới văn minh như Đức Phật Dược Sư; không phải để hưởng thụ.
2. Cho chúng sinh biết đến Nhất thiết trí của mình.
Nguyện thứ hai của Đức Phật Dược Sư là có được thân như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, hào quang chiếu mười phương khiến cho chúng hữu tình trông thấy là được an lành.
Người Ta-bà phát triển trí tuệ, nhưng thân tâm ác độc, ô uế, nên đã tạo ra khổ đau cho nhau. Thực tế cho thấy con người càng khôn thì càng làm khổ nhiều người. Ngày xưa, con người đánh nhau bằng tay, sau đánh bằng đá, cho đến bằng gươm giáo và tiến đến súng đạn, vũ khí tàn phá giết người hàng loạt.
Văn minh kèm theo tâm tham vọng và sự ác độc đã gây tác hại vô cùng cho chính con người và cho mọi loài.
Vì thế, tu hành, chúng ta chuyển đổi nghiệp thân thành thân công đức, bằng cách dùng thân này phục vụ chúng sinh hay xã hội.
Đọc kinh Dược Sư, niệm Phật Dược Sư, chúng ta phải sửa đổi thân cho trong sạch và nhờ người phát hiện chỉ giùm. Khi có được thân tốt rồi, nghĩa là không ai chê trách.
Chúng ta không làm gì lợi ích cho người, nhưng cũng không làm phiền ai; đó là giai đoạn tu Tiểu thừa. Nhưng sang bước thứ hai, tu Đại thừa, phải dùng công đức trang nghiêm, tức làm việc tốt để trang nghiêm thân.
Tinh thần này của Bồ tát được Tổ sư dạy trong bài sám Quy mạng rằng “Kỳ hữu kiến ngã tướng, nãi chí văn ngã danh, giai phát Bồ đề tâm, vĩnh xuất luân hồi khổ …”, nghĩa là ta thành tựu được nhiều việc tốt lành đến mức người trông thấy, hoặc chỉ nghe đến tên, họ cũng phát tâm Bồ đề, mãi mãi thoát khỏi khổ đau của kiếp sống luân hồi.
Song song với thân trong sạch, sâu kín trong tâm chúng ta, cũng nhận chân được tâm duyên khởi lên vọng tưởng điên đảo, hay tâm lắng yên. Phải giữ cho tâm trí lắng yên. Chúng ta tụng kinh, lễ Phật, kinh hành, ăn uống, v.v… , nói chung, mọi sinh hoạt đều phải ở trong trạng thái tĩnh thức, tâm trí lắng yên.
Thí dụ, ăn thì lo ăn, không nghĩ ngon dở; vì tâm lắng yên, không phân biệt thức ăn. Chỉ cần ăn để sống, là ăn trong tĩnh thức, tâm không phân biệt là không vọng niệm, nên thức ăn ngon dở cũng vậy. Còn khởi tâm thức ăn dở thì nuốt không vô.
Tụng kinh cũng vậy, tập trung tâm trí, theo dõi lời Phật dạy, suy nghĩ về những lời nguyện của Đức Dược Sư như thế nào mà Ngài thành Phật. Đức Phật Thích Ca nói về việc làm của Đức Phật Dược Sư để nhắc nhở chúng ta làm theo Ngài.
Nói cách khác, Đức Phật đưa ra mẫu người tiêu biểu là Đức Phật Dược Sư nhằm dạy chúng ta hành Bồ tát đạo, để tự trang nghiêm mình, trong tương lai chúng ta cũng đạt được quả vị như Đức Phật Dược Sư.
3. Cho chúng sinh thực hiện được ước nguyện.
Nguyện thứ ba của Đức Phật Dược Sư là sử dụng được phương tiện; vì thông minh và đạo đức, nhưng không có phương tiện, không làm được.
Thí dụ, phải có bình lọc nước là phương tiện để lọc nước cho sạch; cũng vậy, tâm người dơ bẩn thì phải có pháp để thanh lọc tâm cho trong sạch.
4. Hướng dẫn chúng sinh đi trên đường Đại thừa.
Nguyện thứ tư, nếu có người theo tà đạo, Đức Dược Sư khiến họ trở về chánh đạo. Nếu theo nhị thừa, Ngài khiến họ cầu Vô thượng giác. Phải có khả năng, uy tín, đạo lực, mới chuyển đổi được người khác đi theo con đường chân chánh. Không đủ uy tín, đạo lực mà nói là bị họ giết, như ở Ấn Độ có 93 tôn giáo, trong đó có nhiều người rất ác; nói khác có thể làm hại đến tánh mạng.
Xưa kia, Đức Phật Thích Ca cảm hóa được hàng tà đạo, người mê tín, vì Ngài có đủ ba nguyện đầu tiên giống như Đức Phật Dược Sư.
Ngày nay, cũng có tà đạo rất nhiều. Tà đạo làm sai trái và dọa nạt người. Đức Dược Sư nhận thấy rõ khi tu Bồ tát đạo, nói họ không nghe, còn bị giết. Vì thế, Ngài nguyện rằng sau khi thành Phật, Ngài sẽ giáo hóa những người xấu ác này.
Tụng kinh Dược Sư, nghĩ đến nguyện thứ tư của Ngài, chúng ta từ bỏ tâm ích kỷ để cùng sống hài hòa với đại chúng, phát huy tâm vô ngã vị tha trên bước đường tiến đến Vô thượng Bồ đề.
5. Giúp chúng sinh giữ giới hạnh.
Nguyện thứ năm, với người tu nhị thừa, đức Dược Sư khiến họ phát tâm Bồ đề và phát tâm rồi, Ngài khiến họ có được tam tụ tịnh giới.
Chưa thành Phật, chúng ta có lúc tốt, lúc xấu. Nhưng không tốt là hủy phạm thì đọa vào ba đường ác. Thí dụ người cúng dường, bố thí một khoảng thời gian lại khởi ác tâm, tức tâm đã thay đổi. Nhẹ nhất là thoái Bồ đề tâm, từ bỏ tâm vị tha, theo cách sống vị kỷ; nhưng hậu quả tệ hơn nữa là thân bệnh hoạn, tâm buồn phiền, hoàn cảnh sống khó khăn thêm.
Khi thoái tâm, phạm sai lầm như vậy, đáng lẽ bị đọa ác đạo; nhưng ta nhớ đến Đức Phật Dược Sư có trí tuệ tuyệt vời và công đức lực giáo hóa vô cùng, thì tiến tu trở lại được và thân tâm ta cũng được thanh tịnh.
6. Giúp chúng sinh chữa lành các thứ bệnh do sáu giác quan sinh ra.
Nguyện thứ sáu, Đức Phật Dược Sư thấy trên cuộc đời này có nhiều người thân hình xấu xí, bị người khinh chê, ruồng bỏ, vì tai điếc, mắt mù, nói năng ngọng liệu, tay chân tật nguyền, lác hủi, điên cuồng. Những người này đau khổ, họ càng ác nữa, thì sẽ bị đọa. Đức Phật Dược Sư nghĩ cứu họ, vì Ngài có trí phương tiện, là có cách giải quyết cho họ thoát khổ.
Đức Phật Dược Sư có trí phương tiện để giúp đỡ, chuyển đổi cuộc sống của người ăn hại trở thành người hướng đến Vô thượng Bồ đề, là người tốt. Nếu biết tu, sống theo lời Phật dạy, lần lần cũng được giải thoát. Kinh Pháp Hoa nhắc rằng gả cùng tử nghèo khổ vào chùa ở, chỉ quét lá cũng có cơm ăn, chỗ ở, áo mặc. Nhưng nếu biết tiết giảm sự tiêu xài, có được thặng dư, vẫn giúp người khác được.
Niệm Phật Dược Sư, chúng ta noi theo gương tốt của Ngài, giúp đỡ những người kém may mắn hơn ta. Tùy phước báo, uy tín, khả năng của mỗi người chúng ta mà đóng góp cho những mảnh đời bất hạnh có được nụ cười hạnh phúc, chắc hẳn Phật Dược Sư cũng đưa tay dẫn chúng ta tiến thêm trên con đường tốt lành này.
7. Chữa bệnh thuộc về thân tâm cho mọi chúng sinh.
Nguyện thứ bảy, với những người bị bệnh hiểm nguy, lại nghèo khổ, không nhờ vả ai được, vì mọi người đều xa lánh họ. Phật Dược Sư
Ngày nay, lời nguyện này của Đức Phật Dược Sư được thể hiện qua hình ảnh từ bi của các nhà sư Thái Lan dấn thân vào hoạt động cứu giúp những người mắc bệnh Aids.
Tại những trung tâm do các nhà sư xây dựng và điều hành, tình thương vô ngã vị tha của người đệ tử Phật đã ban phát cho những người mắc căn bệnh quái ác của thế kỷ, mà ít ai dám gần gũi.
Các sư đã hướng dẫn bệnh nhân áp dụng pháp Phật, để cắt được cơn đau hành hạ thân xác, giải tỏa được tâm khổ đau vì bệnh nghiệp và chuẩn bị tinh thần cho họ xả thân được nhẹ nhàng khi rời bỏ kiếp người tạm bợ này đến một thế giới an lành.
8. Cho phụ nữ tái sinh trở thành nam giới.
Nguyện thứ tám, với người mang thân phụ nữ chịu nhiều đau khổ, Phật Dược Sư cũng có cách hướng dẫn họ tu hành, chuyển thành thân nam, bằng cách chuyển đổi tâm người nữ và chuyển nghiệp của người nữ.
Tâm người nữ là tâm yếu đuối, cần người chăm sóc. Nay nương theo Đức Phật Dược Sư, tự phấn đấu đi lên. Sinh hoạt thực tế cho thấy cũng có những phụ nữ làm được nhiều việc quan trọng hơn nam giới.
Vì vậy, người nữ cần thay đổi tánh yếu hèn và nỗ lực vươn lên để tạo nam tính. Chuyển nữ thành nam bằng cách phát huy trí tuệ, thấp nhất cũng có việc làm, cao hơn là giữ vị trí lãnh đạo cao cấp trong xã hội như làm Tổng Thống, Bộ trưởng, Chủ tịch, v.v… , tức thể hiện được trí tuệ và phước báo hơn người. Tuy mang thân phụ nữ, nhưng ý chí như đàn ông, là đã tạo được những yếu tố cần có của nam giới.
Trước khi tu, nghĩ rằng cần lập gia đình để sống, cần có người bạn đời để nương tựa, cần có những tình cảm ủy mị. Nhưng tu theo Phật Dược Sư, người phụ nữ phát tâm làm việc từ thiện, giúp đỡ người khác, biết tự sống độc lập, tự tạo sự nghiệp bằng chính đôi tay và khối óc của mình, biết tự tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống, biết vui với cái vui của người khác, v.v…
9. Tránh cho chúng sinh khỏi rơi vào tà kiến và giúp trở về Chánh Đạo.
Nguyện thứ chín, nếu có người sa vào lưới ma, bị tà giáo ràng buộc, Đức Phật Dược Sư hóa giải cho họ không còn sợ kẻ tà. Làm được như vậy, vì Đức Dược Sư có uy lực lớn hơn kẻ tà, thì họ mới sợ và Ngài mới khuyên được họ từ bỏ con đường tà. Ngài chuyển tâm họ hướng đến Vô thượng Chánh đẳng giác, nhờ sống trong chánh pháp, nên kẻ tà ác không hại được, gọi là tà bất cảm chánh.
10. Tránh cho chúng sinh khỏi tái sinh trong thời mạt pháp.
Nguyện thứ mười, với những người phạm phải sai lầm, bị giam cầm, Đức Phật Dược Sư có nguyện lớn cứu những người vô minh này bằng cách đưa họ về thế giới Tịnh Lưu Ly. Nếu họ ở Ta bà, sẽ bị ba loại ma bao vây, không thoát được, nhất là ngũ ấm ma, tức nghiệp bên trong và thiên ma bên ngoài gây khó khăn, khó thoát khỏi.
Được về thế giới Tịnh Lưu Ly tu, dù làm công hèn hạ cũng không bị nợ đòi. Trước nhất, ở thế giới của Ngài, tâm được yên thì mới tháo gỡ được vô minh; còn ở đây, vô minh này lại sinh ra sai lầm khác. Xây dựng thế giới Tịnh Lưu Ly và Ngài giáo dưỡng cho người ở đó trở thành người tốt, giỏi, đạo đức, sau đó cho họ trở về Ta bà để trả nợ.
Tụng kinh Dược Sư, chúng ta cũng theo hạnh của Ngài, trong phạm vi chuyên môn, hướng dẫn người sống và làm việc theo hướng tốt đẹp để không phạm kỷ luật, làm được việc và có cuộc sống bình an.
11. Đem thức ăn cho người đói khát.
Nguyện thứ mười một, những người cầu thức ăn mà tạo nghiệp ác, Đức Phật Dược Sư khiến họ có đủ vật thực và dạy pháp Phật, khiến họ được Vô thượng Bồ đề. Đây là cách giải quyết riêng của thế giới Tịnh Lưu Ly mà chúng ta ở đây khó hiểu được, nên không dám bàn đến.
Nhưng theo ý kiến chủ quan, ăn chay thì không sát hại sinh mạng của các loài. Và tiến lên, giảm việc ăn uống, ăn vừa đủ sống, cho đến ăn nhẹ, ăn ít; vì nhu cầu vật chất của ta không nhiều, có thể tự giải quyết được và còn dư thừa để bố thí cho người nghèo thiếu.
12. Đem áo quần cho người rét mướt.
Nguyện thứ mười hai, người nghèo khổ không có áo mặc, Đức Dược Sư cho họ chẳng những đầy đủ đồ dùng mà còn có dư đồ tốt đẹp.
Hai nguyện sau cùng liên quan đến việc cơm ăn, áo mặc được Đức Phật Thích Ca giải quyết cho người tu ở Ta bà bằng “Tam thường bất túc”, nghĩa là ăn mặc ít, sống phạm hạnh, không đòi hỏi vật chất nhiều. Nhưng Đức Phật Dược Sư cho biết ở thế giới Tịnh Lưu Ly, người dân được ăn mặc thoải mái.
Kết Luận 7 Vị Dược Sư Phật Và Ý Nghĩa 12 đại Nguyện Dược Sư Lưu Ly Vương Quang Phật
Tóm lại, Đức Phật Dược Sư nhận thấy rõ con người gặp nhiều khó khăn vì thiếu thốn vật chất, sức khỏe, tiền của, trí tuệ, mà lại có dư những bệnh tật, nghèo khổ, ngu dốt, tai nạn; nói chung có đủ những thứ xấu ác, nên người ta dễ dàng tạo ra nhiều tội lỗi, hoặc khó tiến tu Bồ tát đạo.
Với tâm từ bi vô lượng, phước trí vô biên, Đức Phật Dược Sư đã phát 12 lời nguyện khi hành Bồ tát đạo, dẫn đến thành quả là Ngài xây dựng được Tịnh độ tên là Tịnh Lưu Ly, một thế giới hoàn toàn tốt đẹp.
Ở Đông phương Tịnh độ của Ngài, của báu dư thừa, giáo dục hướng thượng tuyệt vời, được sống chung với những bậc Bồ tát đại bi, đại trí, dưới sự hướng dẫn của Đức Dược Sư và Thánh chúng, người dân ở thế giới đó hưởng được những phương tiện tốt nhất để tiến nhanh đến quả vị Vô thượng Đẳng giác.
Để chuẩn bị hành trang về thế giới Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư, thiết nghĩ chúng ta tụng kinh Dược Sư, niệm Phật Dược Sư, nghĩ đến đức hạnh của Ngài, nghĩ đến thế giới thuần tịnh của Ngài, chắc chắn phải nỗ lực tu tạo theo những hạnh nguyện của Đức Dược Sư. Đó chính là những thềm thang cho chúng ta bước đến thế giới Tịnh Lưu Ly của Ngài.
Phụ Lục
Tải file Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật PDF
Tổng hợp & dịch từ: Thư viện Hoa Sen, Tuyenphap, Wikipedia, Phật giáo Việt Nam, WeeklyBuddha
Đóng góp duy trì:
Qua MOMO https://nhantien.momo.vn/1OSnF4fCTrj
Paypal https://paypal.me/meditationmelody
Hãy theo dõi chúng tôi:
Thanh Âm Thư Giãn + Meditation Meloady
Sagomeko Internet Marketing Services – Trà Sữa Đài Loan Hokkaido Vietnam – Du lịch Đất Mũi Cà Mau – Bracknell Berks Funeral celebrant
Đọc thêm các bài viết chính:
Phật Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Phật Dược Sư Lưu Ly Vương Quang, Liên Hoa Sanh Guru Rinpoche, Lục Độ Phật Mẫu – Tara.Lục Tự Đại Minh Chú, Chú Đại Bi Tiếng Việt, Chú Đại Bi tiếng Hoa, Chú Đại Bi tiếng Phạn, Chú Lăng Nghiệm, Chú Tiêu Tai Cát Tường, Chú Vãng Sanh, Chú Om Ah Hum
Thanh Âm Thư Giãn chân thành cảm ơn.