[ad_1]
GNO – Phật giáo được truyền vào Việt Nam tính đến nay đã trải qua hơn 2.000 năm lịch sử và có thời kì đạo Phật đã trở thành tư tưởng đạo lý giữ vị trí là quốc giáo như thời Lý và thời Trần. Cùng với điều kiện đó Phật giáo đã được hưng phát tại đất Nghệ An.
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, khảo cổ tại các tự viện và phế tích cũng như trong tâm thức người dân xứ Nghệ đã chứng minh Phật giáo có mặt tại đất Nghệ An cách đây hàng ngàn năm.
Có thể nói đạo Phật đã được phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân xứ Nghệ, mỗi làng xã đều có chùa để thờ Phật, đặc biệt khi vua Trần Nhân Tông về đây chiêu mộ binh sĩ đánh đuổi quân Nguyên Mông, thời kỳ này nhiều chùa đã được vua ban chiếu xây dựng và khuyến khích nhân dân công đức lập chùa.
Trong thời gian vua Lê Lợi lập đại bản doanh cũng như thời kì vua Quang Trung tiến quân ra thành Thăng Long cũng đã dựa vào cơ sở chùa chiền để đóng quân và huấn luyện binh sĩ.
Không chỉ có vậy, ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, các nhà Nho yêu nước tại Nghệ An, nhân dân đã đoàn kết tập hợp dưới lá cờ đại nghĩa tích cực đấu tranh dành độc lập dân tộc. Trong giai đoạn này nhiều chùa đã được các sĩ phu sử dụng là nơi tập hợp quần chúng, mở trường dạy học, luyện binh luyện tài để tố chức các phong trào đấu tranh. Với tinh thần “Phật pháp bất ly thân thế gian giác” Tăng Ni, Phật tử đã hoà cùng dòng chảy cách mạng, không ngại khó khăn, đã hiến cúng tất cả tài sản đất đai ruộng vườn, hương hỏa của chùa để tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước.
Trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, các phong trào yêu nước đã phát triển rộng sâu trong đời sống nhân dân. Nhiều Tăng Ni đã trực tiếp tham gia cách mạng, nhiều chùa chiền đã trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để tập trung cơ sở vật chất ủng hộ phong trào toàn quốc kháng chiến, đồng thời cũng để tránh quân xâm lược lợi dụng chiếm đóng lâu dài. Tất cả đóng góp của giới Tăng Ni, Phật tử Nghệ An đã góp phần vào những thắng lợi chung trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc qua các thời kỳ.
Chiến tranh kết thúc, cũng như bao vùng quê khác ở miền Bắc, đặc biệt hơn là Nghệ An còn là tuyến lửa đạn bom trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và còn là cái nôi của nhiều phong trào yêu nước.Cũng chính vì thế cơ sở vật chất của Nghệ An chỉ là đống ngổn ngang đổ nát, những vết bom hằn sâu trong lòng đất và hầu hết là vườn không nhà đổ. Trong hoàn cảnh đó, các cơ sở thờ tự của Phật giáo tại Nghệ An cũng không còn tiếng chuông tiếng mõ, hình dáng của Tăng Ni, Phật tử chỉ còn lại trong tâm thức của mỗi người dân…
Niềm tin mới
Tưởng rằng mất hết dấu tích của Phật giáo nơi xứ Nghệ, song cũng như sức sống bền bỉ của con người Nghệ An, chùa Cần Linh tại thành phố Vinh còn lại tương đối nguyên vẹn và là ngôi chùa duy nhất tại Nghệ An có sư trụ trì, tiếng chuông mõ đã lại được khởi lên vang khắp xa gần. Phật tử Xứ Nghệ lại vân tập về đây để củng cố đạo lực sau bao năm chiến tranh gian khổ, từng bước khôi phục phát triển lan toả về những phế tích Phật giáo vùng quê.
Mặc dầu đời sống nhân dân, Phật tử sau chiến tranh vô cùng khó khăn, nhưng với truyền thống gắn bó lâu đời, bên cạnh đó là sự chỉ dẫn,giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, Phật tử Nghệ An đã từng bước khắc phục khó khăn, góp công, góp của xây am làm thất để tôn trí thờ Phật, tiếp tục duy trì văn hóa Phật pháp của tổ tiên.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất của 9 hệ phái Phật giáo trong cả nước. Ni trưởng trụ trì chùa Cần Linh đã được suy cử tham gia Uỷ viên Hội đồng trị sự khoá I.
Trong quá trình phát triển Phật giáo Đàng Trong (từ Quảng Bình ra Thanh Hoá), chùa Cần Linh là điểm dừng chân của chư tôn đức trung ương Giáo hội trong mỗi chuyến hành hương Phật sự và là cầu nối đạo pháp với Phật giáo các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Tuy nhiên do sự tàn phá hết sức nặng nề của chiến tranh, trong thời gian qua các tỉnh lân cận lần lượt được Trung ương Giáo hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành các thủ tục tiến hành thành lập Giáo hội Phật giáo. Còn Nghệ An vẫn phải đợi đến dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới hoàn tất các thủ tục cần thiết để cho ra đời tổ chức Phật giáo.
Sự chậm trễ và muộn mằn này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Sau gần 40 năm đất nước hoà bình, thống nhất, 30 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng và trưởng thành, Phật giáo Nghệ An mới ra đời. Tuy có muộn nhưng Phật giáo Nghệ An vẫn được xiển dương.
Tuy có lúc ở cao trào phát triển, có lúc ở thời khắc khó khăn do chiến tranh kéo dài huỷ hoại nền văn hoá tâm linh, nhưng hôm nay mạch đạo pháp nơi đây lại được nối liền. Đây chính là minh chứng hùng hồn để khẳng định sức sống của đạo Phật mãi mãi trường tôn và tôn vinh trong đời sống xã hội.
Viên Thức
Chùa Cần Linh Ở P.Cửa Nam, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia được xếp hạng năm 1992 * Giới thiệu chung: Chùa Cần Linh là Trụ sở của Giáo hội phật giáo VN tại Nghệ An, được công nhận về mặt pháp lý và là điểm đến của nhiều người khi hành hương về với cõi Phật. Chùa được xây dựng từ thế kỷ IX cuối thời Lê. Trong sách Đại Nam nhất thống chí (tập II, trang 191, NXB Thuận Hoá) có cả một đoạn khá dài nói về lịch sử ngôi chùa này. Truyền thuyết đất Hoan Diễn kể rằng: Cao Biền, một danh tướng đời Đường của Trung Quốc được cử sang Việt Nam làm Tiết Độ sứ, vốn là một nhà địa lí có tiếng, nên đi đến đâu cũng thường xuyên “ngắm nghía” thế đất, mạch nước để xây dựng đền đài, miếu mạo. Một phần là để nâng cao việc giáo dục “lễ nghĩa quân thần”, phát triển tôn giáo, phục vụ cho mục tiêu thống trị theo đúng nghĩa của “đại quốc”; Song mặt khác cũng là để “yểm” các huyệt lộ linh thiêng trên đất Việt. Khi đến đất Hoan Diễn (là Nghệ An bây giờ), Cao Biền nhận thấy long mạch ẩn vào dãy núi Đại Huệ chạy dài về phía Đông, còn mảnh đất nay là chùa Cần Linh chính là phần đầu của con Rồng, biểu hiện tụ khí địa linh nhân kiệt của đất phương Nam (khi đó). Nghĩ rằng sẽ chinh phục được nước Nam và duy trì nền thống trị Bắc thuộc lâu dài, nên vào năm 866, Cao Biền đã cho làm một ngôi chùa ở đây để “cầu may”. Hơn nữa, vào thời điểm đó ở làng Vang (nay là phường Đông Vĩnh, TP Vinh) nam giới thường chỉ sống được không quá 40 tuổi, nên việc xây chùa còn là để nhờ phép nhà Phật giúp cho Cao Biền và những người đàn ông ở mảnh đất này kéo dài thêm tuổi thọ. Ban đầu Cao Biền đặt tên chùa là Linh Vân Tự (nghĩa là “chùa mây thiêng”). Trước đây, đã từng có hai vị vua đến thăm chùa Cần Linh. Đó là vua Tự Đức và vua Bảo Đại của vương triều nhà Nguyễn. Khi đến cúng tế, cầu phúc an dân ở đây, vua Tự Đức đã hiến cho chùa hai bức vọng bằng chữ Hán với dòng chữ Triện đề “Vương triều Đức tự hiến cúng”. Quá trình ở lại nơi này, vua Tự Đức thấy ngôi chùa linh thiêng với nhiều huyền tích bí ẩn, nên đã hiến tặng thêm một bức đại tự “Cần Linh”. Thực ra, ý ông muốn nói là “Cầu Linh”, nghĩa là ai muốn cầu cái gì, đến đây sẽ được toại nguyện vì nơi này rất linh thiêng. Tuy nhiên, lâu dần dân gian đọc chệch đi, hay có thể vì những lệ kiêng huý quá rườm rà của triều Nguyễn mà chữ “cầu linh” sau đó đã được đọc thành “Cần Linh” và nghiễm nhiên trở thành tên của chùa suốt bao nhiêu năm tháng sau này. Chùa Cần Linh còn được người dân quanh vùng và du khách thập phương gọi bằng tên dễ nhớ: chùa ” Sư nữ” bởi các vị trụ trì ngôi chùa từ trước đến nay đều là nữ giới. Chùa Cần Linh được xây dựng trên một khoảng đất cao ráo, thoáng đãng, phía đông và phía nam chùa có sông Cồn Mộc chảy qua, trong một khuôn viên rộng, đẹp, là nơi thờ Phật. Trong chùa có gần 100 pho tượng, trong đó bức tượng Phật Thích Ca làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng đặt ở trung tâm thượng điện có giá trị nhất cả về nghệ thuật điêu khắc và niên đại ra đời. Đặc biệt bức tượng đã thể hiện được lòng từ bi, nhân ái của Đức Phật. Chùa Cần Linh không chỉ là nơi thờ Phật, sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân quanh vùng, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Hiện nay, cơ sở vật chất của chùa đã được tôn tạo, nâng cấp ngang tầm xứng đáng với danh hiệu di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Theo Cinet.gov.vn |
[ad_2]