[ad_1]
GN – Thật sự ai có chút từ tâm hẳn cũng phải nghẹn thở khi nhìn hình ảnh người cảnh sát da trắng đè gối lên cổ người da đen cho đến chết, mặc lời van xin thảm thiết.
Tôi nghĩ nếu cũng hành động đó mà anh cảnh sát làm trong khi bị kích động, làm để khống chế người đang chống cự lại mình, thì chắc hành động đó có phản cảm nhưng sẽ không gây xúc động, phản ứng mạnh đến dường ấy. Đằng này anh cảnh sát da trắng ghì cổ người khác mà gương mặt không lộ một chút cảm xúc nào, bình thản ngó qua, ngó lại, tay đút túi quần như thể đang nhởn nhơ dạo bước ở đâu đó. Tánh mạng một con người đang nằm dưới cái đầu gối của anh là con số không. Sao người ta có thể lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại? Dù là màu da gì, ngôn ngữ chi, cũng là đồng loại với nhau. Hình như anh không nhớ đến bài học mà mấy con vi-rút vô hình đang dạy cho anh, cho chúng ta rằng nó không phân biệt chủng tộc, giới tính, màu da. Rằng cuộc sống mong manh lắm, xin chớ chấp chứa hận thù.
Nhưng hình như con người càng gần với máy móc, thì trái tim họ càng cạn khô. Bây giờ những chuyện ngày xưa họa hoằn lắm mới thấy xảy ra, đôi khi bị coi là không tưởng, thì chúng lại xảy ra hàng ngày quanh ta. Mở tờ báo ra, ta sẽ đọc những tin tức như cha mẹ, anh chị em kiện cáo nhau; con đánh cha; mẹ vứt con, trẻ ranh cũng tập giết người. Một va chạm nhỏ, một ánh nhìn vô tội cũng có thể đưa đến giết nhau. Mới yêu nhau đó, quay lưng là thành kẻ thù. Ôi thời đại! Ôi từ tâm của con người!
Càng nghĩ tôi càng muôn vàn biết ơn Đức Phật, người đã dạy cho chúng ta những bài học đơn giản, nhưng đầy tình người. Ngài nhắc ta rằng máu ai cũng đỏ, ai cũng biết đau, nên chớ hại người.
Tôi thật sự nghĩ, nếu anh cảnh sát kia là Phật tử, chắc chắn chuyện đáng tiếc kia không thể nào xảy ra. Người Phật tử chắc chắn sẽ không làm người khác đau đớn đến chết như thế, gần như là một cuộc hành hình chậm rãi để thưởng thức sự đau đớn của người bị hại. Người Phật tử sẽ không nỡ đánh ai đến cái thứ hai, thứ ba nếu thấy người ta đau đớn, dù người đó là đứa trẻ hư, hay người ngáo đá, kẻ trộm cướp.
Không trách cái chết tức tưởi, đau đớn đó của người đàn ông da đen George Floyd đã tạo ra những phản ứng mạnh mẽ. Làn sóng biểu tình nổi dậy khắp nơi. Căm hờn nổi lên trong ánh lửa, trong gào thét, đập phá điên cuồng. Một sai lầm này dẫn đến bao sai lầm khác. Đó là thói đời, đó là cách ứng xử của người không biết tu. Lần nữa tôi lại nghĩ: nếu là Phật tử họ sẽ nhớ đến lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp cú (3-5):
Hiềm hận không giải được hiềm hận.
Đúng vậy, để đáp trả cho cái chết tức tưởi của người đàn ông da đen, đám đông nổi loạn, đốt phá, nhưng để đáp trả hành động đốt phá là dùi cui, hơi cay. Và để đáp trả hơi cay, dùi cui là lại tiếp tục đập phá, cướp bóc, vân vân. Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ không bao giờ kết thúc mà không gây tạo thêm nhiều vết thương.
Nhưng “Nó đánh tôi, mắng tôi” mà không đáp trả lại bằng mọi cách để hả nỗi hiềm hận không phải là dễ. Làm sao để không phân biệt “nó” và “ta”. Làm sao để không có khoảng cách? Khi tự soi lại mình tôi thấy “cái dễ” của Phật thật khó làm biết bao! Như ngay anh chị em trong nhà, đôi khi có việc đôi co, ta cũng thấy khó mà chịu lép vế.
Nhưng “Không hận diệt hận thù”, lời dạy của Đức Phật mới chính xác làm sao. Điều gì đã khiến cho “sức nóng”, cho hằn thù của đám đông dường như lắng xuống, nếu không phải là do vị cảnh sát trưởng đã can đảm quỳ gối xuống trước đám đông, nếu không phải là cái bắt tay thân thiện của người biểu tình và người lính liên bang.
Đó là nhìn quanh ta, nhìn người mà nói. Còn chúng ta, những người tự xưng là Phật tử, ai không từng đọc qua hay thuộc những lời dạy này của Đức Phật. Chúng ta có đối xử phân biệt với nhau không? Và tại sao lại phân biệt? Có phải cũng là vì ngã chấp, vì còn ôm hiềm hận.
Tôi nhớ khi bắt đầu học Phật. Tôi chẳng hề biết có sự phân biệt Nam tông và Bắc tông. Tưởng chùa nào cũng như chùa nào, cũng thờ Phật như nhau. Phật tử nào cũng hạnh phúc được học giáo lý của Đức Phật: làm lành lánh dữ, đầy từ tâm đối với mọi người. Nhưng học thêm, biết thêm, rồi lại thêm buồn. Phật tử với nhau mà cũng có nhiều lấn cấn.
Có cô Phật tử trẻ vào tiệm sách một ngôi chùa Bắc tông, cô thì thào hỏi người bán sách, “Ở đây có bán sách Phật giáo Nguyên thủy không?” và ngó trước, ngó sau như thể đang làm điều gì gian dối. Một Tết nọ, chị tôi đi chùa, thấy một sư cô, chị hoan hỷ đến cúng dường một bao lì xì đỏ. Sư cô không vội nhận bao thư mà hỏi: “Có ăn chay trường chưa?”. Khi chị tôi ngượng nghịu lắc đầu thì sư cô cũng lắc đầu, nói: “Vậy thì tôi không nhận”. Chị tôi thu tay lại, ngượng ngùng, lúng túng. Còn tôi, một lần mang sách ấn tống đi cúng dường các chùa, không phân biệt Nam hay Bắc tông. Vào cửa, đặt thùng sách xuống và mở lời. Một bà có tuổi đang ngồi ở tấm phản, lớn tiếng: “Sách gì? Sách gì? Đừng có đem ba cái sách Bắc tông vào đây nha!”. Rồi mặc cho tôi giải thích, năn nỉ cho để sách lại, sư trụ trì về sẽ xét, nếu không thích hợp thì có thể vứt đi. Nhưng cả bà, cả người ngồi ở bàn ghi phiếu công đức đều xua tay, lắc đầu. Tôi cúi xuống khiêng thùng sách, mồ hôi chảy vào mắt, cay rát. Gần đây trên Facebook có những bạn cũng thường đăng những lời Phật dạy, lời các thiền sư dạy, rất hay, nên nhiều Phật tử vào xem và tán thán. Nhưng, có bạn thẳng thừng tuyên bố, ai vào đây mà niệm A Di Đà, bạn sẽ cắt (unfriend) người đó. Lòng từ ở đâu? Lòng bi ở đâu? Những chuyện nhỏ như thế mà Phật tử cũng không thể làm ngơ cho nhau, thì nói gì những thứ cao xa hơn. Niệm A Di Đà mà vẫn biết sợ nhân quả, biết giữ năm giới, không tốt sao? Nếu ai cũng có lòng từ ái, luôn nghĩ đến cảm xúc của người khác, thì đã có bao nhiêu chuyện đáng tiếc không xảy ra. Đừng để Phật tử Nam tông và Bắc tông nhìn nhau với hiềm hận.
Mong rằng mọi người hãy mở lòng ra với nhau. Hãy cố gắng thực hành lời dạy của Đức Phật, dầu là trong muôn một. Xin cho chúng con có thêm lòng từ, lòng bi để có thể:
“Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu”.
(Kinh Pháp cú, 3-5 – HT.Thích Minh Châu dịch)
[ad_2]