[ad_1]
NSGN – Ở phạm vi Nhân thừa, Phật giáo cung cấp nền đạo lý về đạo đức con người khá hoàn chỉnh để xây dựng một xã hội hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Công bằng mà nói, tôn giáo có thể góp phần ổn định nhưng cũng có thể gây nên những bất ổn trong xã hội. Theo lịch sử phát triển tôn giáo tại Việt Nam, các tôn giáo hiện đang sinh hoạt bao gồm một số du nhập từ bên ngoài và một số hình thành ngay trên mảnh đất quê hương. Từ kết quả thống kê dân số năm 2009, hiện có 13 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận pháp nhân(1).
Là một tôn giáo được du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ trước và sau Tây lịch (từ khoảng thế thứ II – III trước TL đến thế kỷ II – III sau TL), Phật giáo được hình thành và phát triển đến ngày nay. Suốt thời gian trên dưới 2.000 năm, Phật giáo đã trải qua rất nhiều thăng trầm cùng với sự thăng trầm của lịch sử nước nhà nhưng Phật giáo luôn khẳng định tôn chỉ và lập trường là đồng hành cùng dân tộc. Là một trong số ít tôn giáo chủ trương không sát hại (ahimsa), Phật giáo phản đối chiến tranh, bạo động và các hình thức gây bất ổn xã hội. Trong những trường hợp buộc phải tự vệ để bảo vệ đất nước và bảo vệ Phật giáo, thì Phật giáo không thụ động mà chủ trương đấu tranh bất bạo động, và bước đường cùng là đấu tranh vũ trang qua hình thức “cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Sau khi đất nước giành độc lập từ thế kỷ thứ X, Việt Nam đã trải qua nhiều triều đại và chế độ khác nhau, trong đó có nhiều thời kỳ lãnh đạo đất nước là các Phật tử. Bài viết này sẽ chỉ giới hạn trong thời gian nói trên và ba vấn đề chính sẽ được đề cập bao gồm: Phật giáo với việc ổn định xã hội; xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các Phật tử; và nhu cầu khẳng định vị trí xứng đáng của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Phật giáo với việc ổn định xã hội
Lịch sử Phật giáo từ khi được thành lập đến nay chưa từng xảy ra đấu tranh nội bộ gây bất ổn xã hội, mặc dù Phật giáo vẫn bị phân chia ra nhiều tông phái như các tôn giáo lớn khác. Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 100 năm, kỳ kiết tập kinh điển lần thứ hai được triệu tập và trong lần kiết tập này đã có mầm móng phân chia ra hai tông phái lớn là Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ. Hai tông phái lớn này sau đó tiếp tục phân chia thành hai mươi bộ phái(2). Mặc dù có sự phân hóa rất lớn trong Phật giáo sau Đức Phật nhập diệt nhưng một điều đáng ghi nhận là chưa từng xảy ra bạo lực tranh chấp vị thế lẫn nhau giữa các tông phái. Ngày nay, Phật giáo vẫn tồn tại hai tổ chức lớn là Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy, cùng với Kim cang thừa xuất phát từ Đại thừa. Tất cả các trường phái Phật giáo này, dù có những điểm dị biệt trong khi truyền bá Chánh pháp, vẫn hợp tác và chưa từng có xung đột với nhau. Đó là một bằng chứng cho thấy Phật giáo không gây bất ổn xã hội về mặt nội bộ Phật giáo.
Phật giáo không kỳ thị khi chiếm vị trí ưu thế trong xã hội: Vào những năm đầu độc lập tự chủ, nhà nước Việt Nam còn non trẻ và cần sự trợ giúp của các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trí thức và tướng lãnh. Các nhà sư Việt Nam là những trí thức tài năng và một lòng vì nước nhà nên rất được các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, và cả đời Trần trọng dụng(3). Trong bốn triều đại liên tiếp, Phật giáo có vị trí quan trọng. Đặc biệt dưới triều đại Lý và Trần, Phật giáo trở thành quốc giáo. Cho dù được công nhận vị trí quốc giáo và được hưởng những ưu đãi nhất định, Phật giáo cũng chưa từng kỳ thị với các tôn giáo khác, lúc bấy giờ là Nho giáo và Lão giáo. Nhờ thế, Phật giáo không tạo nên bất ổn xã hội về mặt cạnh tranh phát triển theo kiểu ‘ỷ mạnh hiếp yếu’, trừ phi chính kẻ yếu ganh tỵ gây nên bất ổn. Lịch sử nước nhà chứng minh sự kiện này(4). Như vậy, về lãnh vực tôn giáo, Phật giáo luôn giữ tinh thần hòa hợp cùng tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, Phật giáo phản đối các chính sách kỳ thị, đàn áp bằng đối thoại và đấu tranh bất bạo động. Sau khi nhà Trần sụp đổ, các triều đại kế tiếp và các chế độ sau đó thay nhau cai trị đất nước. Nho giáo và sau đó là Thiên Chúa giáo một thời chiếm vị trí ưu thế. Trong khoảng thời gian này, Phật giáo không ít lần bị chỉ trích, kỳ thị và thậm chí bị đàn áp. Dưới thời nhà Hồ, nhà Lê và các triều đại sau đó (trừ thời chúa Nguyễn), Nho giáo độc tôn. Nhiều Nho gia kỳ thị, chỉ trích Phật giáo(5). Phật giáo không làm điều tương tự với họ mà hướng về phục vụ tín ngưỡng dân gian, khuyến khích dân chúng làm điều thiện theo tinh thần nhân quả. Đức tin của quần chúng đối với Phật giáo ảnh hưởng đến vua quan, khiến các vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông… xuống chiếu cho các quan phải tịnh hóa thân tâm, ăn chay, làm phước theo tinh thần từ bi đạo Phật để cầu nguyện mưa hòa gió thuận(6). Đó là lối ứng biến rất linh hoạt và có hiệu quả của Phật giáo. Đáng tiếc nhất là dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo bị chèn ép và đàn áp. Đỉnh điểm của nó là vụ sát hại tám em Phật tử tại Đài phát thanh Huế(7). Phật giáo kiên trì kêu gọi thực thi quyền bình đẳng bằng nhiều hình thức như tuyệt thực, biểu tình bất bạo động và thậm chí tự thiêu. Cuộc đấu tranh của Phật giáo có thể gây bất ổn tạm thời nhưng mục tiêu của nó là nhằm xóa sổ chính sách bất ổn xã hội trước đó của chế độ và đem lại ổn định lâu dài cho cộng đồng Phật tử nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung.
Xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các Phật tử
Sự chỉ trích, kỳ thị và đàn áp Phật giáo có phải do Phật giáo bi quan và yếm thế? Để trả lời phần nào về câu hỏi trên, chúng ta hãy điểm qua các vị lãnh đạo (vua) Phật tử qua các thời kỳ và sự đóng góp của họ như thế nào cho đất nước Việt Nam.
Từ khi giành độc lập từ Trung Quốc (939) đến nay, đất nước trải qua 1074 năm (2013). Theo sử liệu, những lãnh đạo Phật tử được chép lại bao gồm những vị sau:
Nhà Đinh, có vua Phật tử Đinh Tiên Hoàng (924 – 979)(8). Nhà Tiền Lê, có vua Lê Đại Hành (941 – 1005)? Không rõ vua có quy y không nhưng việc ông lắng nghe sự góp ý của Thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh là rõ ràng. Nhà Lý có tất cả chín đời vua Phật tử(9) và nhà Trần có 12 đời vua Phật tử(10). Dưới thời chúa Nguyễn (1558 – 1777), các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Chú được ghi chép là Phật tử. Tất cả những vua Phật tử vừa nêu đều đóng góp nhiều công sức từ đáng kể đến vĩ đại cho sự nghiệp giữ nước và phát triển bờ cõi, trừ những vị được kế ngôi khi còn nhỏ. Nói đúng hơn, tất cả những vị vua vừa nêu, hiểu và hành đúng giáo lý Phật giáo, và đều thành tựu lớn trong sự nghiệp trị vì của họ. Ở đây, ba vị tiêu biểu trong ba triều đại là Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Nguyễn Phúc Chu được nêu ra để minh họa.
Sự nghiệp của ba vị vua chúa Phật tử được sử sách lưu danh. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lý Thánh Tông (1023 – 1072) là bậc vua tốt, thực lòng thương dân như cha mẹ thương con, trị nước bình yên”, và cho rằng yếu kém của vua là xây tháp Báo Thiên(11)và cung Dâm Đàm(12). Xây dựng và để lại một trong bốn di sản quốc gia mà bị chê như vậy phải chăng là thành kiến? Ông là một vị vua nhân từ và sự nghiệp của ông đã để lại ba dấu ấn lớn là đổi quốc hiệu thành Đại Việt, cho xây Văn Miếu và mở rộng thêm ba châu phía Nam. Về vua Phật tử Trần Nhân Tông (1258 – 1308), Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”(13). Vua từng lãnh đạo nhân dân hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược vào các năm 1285, và 1287. Sau khi xuất gia, vua thường du hành khuyên dân hành Thập thiện(14). Còn chúa Phật tử Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725), thọ Bồ-tát giới tại gia, là người có công mở mang bờ cõi phát triển đất nước, dùng giáo lý nhà Phật trị vì nhân dân. Vua đã để lại “một trang lịch sử huy hoàng đáng tự hào của dân tộc”(15).
Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông và chúa Nguyễn Phúc Chu là hai trong số rất hiếm các vua chúa được các Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Khoa học xã hội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học vào các năm 2008, và 2011 theo thứ tự. Chủ đề hội thảo khoa học của hai vị vua chúa là: “Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, cuộc đời và sự nghiệp” được tổ chức tại Quảng Ninh với 90 tham luận của các học giả từ nhiều nước,(16) và “Quốc chúa – Bồ-tát Nguyễn Phúc Chu và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước” được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với gần 100 tham luận(17). Rõ ràng, để được chọn làm chủ đề hội thảo khoa học, sự đóng góp của hai vị vua chúa này cho nước nhà phải là vĩ đại hay chí ít cũng xứng đáng được tôn vinh. Thế thì, Phật giáo không những không như nhận định sai lầm đã nêu ở trên mà trái lại còn góp phần làm cho nhân dân đoàn kết, đất nước thanh bình phát triển thịnh đạt!
Khẳng định vị trí Phật giáo từ giá trị đóng góp
Từ kết quả trên, công bằng mà nhận xét và đánh giá thì Phật giáo không những không làm xã hội bất ổn, đất nước yếu hèn mà ngược lại còn là yếu tố để gắn kết nhân tâm, xây dựng xã hội ổn định, phát triển đất nước phồn vinh yên bình. Phật giáo không phải là hệ thống triết lý về đường lối cai trị mà là hệ thống minh triết về các vấn đề đạo đức và đặc biệt tâm linh hướng đến giác ngộ, giải thoát Niết-bàn. Ở phạm vi Nhân thừa, Phật giáo cung cấp nền đạo lý về đạo đức con người khá hoàn chỉnh để xây dựng một xã hội hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Những vị vua Phật tử anh minh đã rất sáng suốt tận dụng nguồn minh triết này trong việc “liên kết nhân tâm, xây dựng đất nước”. Có thể nói rằng: “việc phụng sự đạo Phật của họ cũng chính là phụng sự quốc gia, và giữ gìn triều đại của họ”(18). Đây chẳng phải là sự đóng góp của nền minh triết Phật giáo hay sao?
Như vậy, nhìn nhận và đánh giá một nền đạo lý tôn giáo cùng với tổ chức của tôn giáo ấy nhất thiết phải dựa trên nền tảng công bằng là sự đóng góp thiết thực của nó trong đời sống con người. Chính giá trị đóng góp ấy quyết định vị trí của nó trong xã hội và do đó, xã hội cần nhìn nhận, tôn vinh giá trị ấy. Có như vậy thì chúng ta mới tránh khỏi lối đánh giá thỏa hiệp, cào bằng theo ý chí chủ quan. Phật giáo đồng hành cùng với đất nước Việt Nam suốt hơn 20 thế kỷ và đã để lại nhiều trang sử vàng son. Lịch sử Việt Nam cũng đã chứng minh giá trị minh triết đạo Phật và sự đóng góp thiết thực của các vua chúa Phật tử qua các thời kỳ.
Do đó, nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của Phật giáo là điều mong mỏi của giới Phật giáo và có thể cũng là của những người yêu mến đạo Phật(?). Để cho các cấp lãnh đạo nhà nước nhìn nhận đúng giá trị minh triết của đạo Phật, không có cách nào tốt hơn là tất cả giới Phật giáo phải giới thiệu nền minh triết chân thực của đạo Phật cùng với sự thực hành của chính bản thân mình. Phật giáo dạy đoàn kết hòa hợp, từ bi hỷ xả, dấn thân phụng sự dưới trí tuệ minh triết của đạo Phật. Thế nên, trước nhất và trên hết cộng đồng Phật giáo phải chứng minh bằng hành động cụ thể thiết thực lời huấn thị này. Khi ấy, sự cảm hóa sẽ diễn ra một cách tự nhiên như là kết quả tất yếu của quy luật nhân quả.
Nhìn chung, chủ trương của Phật giáo ít nhất là nhằm đem đến sự ổn định và an bình cho xã hội. Vì vậy Phật giáo không thụ động, thờ ơ trước sự bất ổn của xã hội, và nhất là chiến tranh tàn phá con người và thiên nhiên. Các Phật tử lãnh đạo Việt Nam đã từng minh chứng lời nhận định này. Ngày nay, để Phật giáo trở nên chiếm ưu thế và đóng góp nhiều hơn cho nền văn hóa dân tộc như nó đã từng làm, giới Phật giáo cần phải phổ biến nền minh triết của đạo Phật cho mọi người thưởng thức, đồng thời khẳng định giá trị nền minh triết ấy qua chính sự tu tập của mình. Quần chúng nhân dân, nhờ đó, sẽ được soi sáng để nhận diện con đường chân chánh mà họ cần phải đi.
Chú thích
(1) Theo bảng báo cáo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 1-4-2009.
(2) Pháp sư Thánh Nghiêm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, NXB.Phương Đông, 2008. <http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-83_4-12004_5-50_6-1_17-70_14-1_15-1/>.
(3) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: NXB.Văn Học, 2000, tr.185-186.
(4) Sđd., tr. 392.
(5) Sđd., tr. 484-6.
(6) Sđd., tr. 502-3.
(7) Sđd., tr.1047.
(8) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, TP.HCM: NXB.TPHCM, 2002, tr.444.
(9) Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, và Lý Chiêu Hoàng (nữ).
(10) Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiếu Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, và Trần Thiếu Đế.
(11) Một trong ‘An Nam tứ đại khí’, gồm tượng Phật chùa Huỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, và vạc Phổ Minh.
(12) Đại Việt sử ký toàn thư, bản điện tử, tr.105-6.
(13) Sđd., tr. 185-6.
(14) Nguyễn Lang, tr.285.
(15) http://www.giacngo.vn/thoisu/2011/08/22/5A7408/.
(16) http://www.lichsuvietnam.info/index.php?option=com_content&view=article&id=267:hoi-thao-tran-nhan-tong&catid=19:tin-tuc&Itemid=16.
(17) http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110822/quoc-chua-bo-tat-nguyen-phuc-chu.aspx.
(18) Nguyễn Lang, tr.396.
[ad_2]
Source link