[ad_1]
NSGN – Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã.
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy.
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người1.
Tự ngã và sự cố chấp vào tự ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, tang thương và mất mát. Khi tự ngã được đề cao thì con người thỏa mãn, hạnh phúc, nhưng một khi tự ngã bị xúc phạm thì sự bực bội, và thậm chí là thù hận sẽ khởi sanh. Tùy theo sự luyến ái và cố chấp vào tự ngã, tùy theo tính chất, quy mô của sự xúc phạm mà mức độ phiền não hoặc hận thù được kéo theo tương ứng.
Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều cuộc chiến đẫm máu mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự thương tổn và hủy nhục tự ngã tha nhân. Vương tử Tỳ Lưu Ly (Sanskrit ghi là Virūḍhaka: विरूढक. Pāli: Viḍūḍabha) là một trường hợp điển hình như vậy2. Bị sỉ nhục về nguồn gốc xuất thân, ôm ấp vết thương đó bằng lòng hận thù cao độ, được tưới tẩm bởi sự xúc siểm ngoa mị của bề tôi bất chánh, Tỳ Lưu Ly đã thảm sát gần như hoàn toàn vương tộc Thích Ca3. Với mức độ tàn khốc từ cuộc thảm sát này, ngôn ngữ tư pháp ngày nay xem đó tương đương như tội diệt chủng (genocide)4.
Khảo luận sau đây cố gắng làm sáng tỏ những sự kiện xoay quanh cuộc thảm sát này cũng như lý giải tại sao vương tộc Thích Ca lại thiên di đến tận Gandhāra.
Tỳ Lưu Ly và cuộc thảm sát dòng họ Thích
Tư liệu về vua Tỳ Lưu Ly và cuộc thảm sát vương tộc Thích Ca được cả hai truyền thống kinh điển Hán tạng và Nikāya cùng đề cập.
Ở Hán tạng, có thể tìm thấy câu chuyện này ở kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 26, phẩm Đẳng kiến5; và kinh Nghĩa túc, quyển hạ, kinh Duy Lâu Lặc vương6. Trong tư liệu Nikāya, câu chuyện Tỳ Lưu Ly được ghi lại trong Chú giải truyện Pháp cú (Dhammapāda Commentary)7; và trong tác phẩm Jātaka, chuyện số 7, Chuyện nàng lượm củi, chuyện số 465, Chuyện Sala-cổ thụ cát tường. Trong tư liệu Nikāya, nội dung câu chuyện về Tỳ Lưu Ly ở tác phẩm Chú giải chuyện Pháp cú và chuyện Sala-cổ thụ cát tường giống nhau đến từng chi tiết. Không những vậy, khi đối chiếu cả hai nguồn tư liệu Nikāya so với tư liệu Hán tạng, thì nội dung câu chuyện về vương tử Tỳ Lưu Ly cũng rất giống nhau trong những nội dung căn bản.
Như vậy, đây là một sự kiện có thật, được bảo chứng bằng nhiều nguồn kinh điển khả tín trong Hán tạng cũng như Nikāya.
1- Tỳ Lưu Ly – thân thế và tính tình
Vương tộc Sākya sống ở Kapilavatthu có hoàng thân Mahānāma là người kế nghiệp vương quốc Kapilavatthu sau khi vua Suddhodana quá vãng. Thân vương Mahānāma trước đây đã lấy tỳ nữ Nāgamundā và sanh ra một người con gái tên là Vāsabha Khattiyā.
Trong khi vua Pasenadi trị vì vương quốc Kosala ngỏ ý cầu hôn một người con gái của vương tộc Sākya8; xuất phát từ nhiều lý do khác nhau nên vương tộc Sākya đã gả nàng Vāsabha Khattiyā, một người con gái có mẹ ở giai cấp thấp, cho quốc vương Pasenadi. Tỳ Lưu Ly là đứa con được sanh ra từ cuộc hôn nhân không rõ ràng về danh phận. Nói cách khác, Tỳ Lưu Ly là con của vua Pasenadi và nàng Vāsabha.
Tuy có mẹ xuất thân từ giai cấp thấp, nhưng do được giáo dưỡng trong môi trường quyền quý và tình yêu thương của vua cha Pasenadi, nên Tỳ Lưu Ly từng bước trở thành một người mộ Phật và là một tướng quân (Senāpati) uy dũng. Trong kinh Trung bộ, kinh Ái sanh số 87, vua Pasenadi đã khẳng định tình cảm của mình dành cho vương tử Tỳ Lưu Ly thông qua đoạn hội thoại với hoàng hậu Mallikā.
– Tâu Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho tướng quân Viḍūḍabha, Ðại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
– Này Mallikā, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho tướng quân Viḍūḍabha thì sẽ có sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu não?9.
Sống trong tình yêu thương và truyền thống mộ Phật của cha mẹ, Tỳ Lưu Ly cũng ảnh hưởng phần nào từ môi trường giáo dục này. Đoạn hội thoại giữa Tôn giả Ānanda và tướng quân Tỳ Lưu Ly trong kinh Kaṇṇakatthala đã cho thấy Tỳ Lưu Ly cũng đam mê học hỏi Phật pháp.
– Thưa tướng quân, tướng quân có nghe nói đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba không?
– Thưa vâng, Tôn giả. Chúng tôi có nghe nói đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Và ở đây, vua Pasenadi nước Kosala cũng nghe có nói đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba.
– Này tướng quân, ông nghĩ thế nào? Vua Pasenadi nước Kosala có thể đánh đuổi hay trục xuất chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba ra khỏi chỗ ấy được không?
– Thưa Tôn giả, vua Pasenadi nước Kosala không thể thấy chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba, làm sao vua lại có thể đánh đuổi hay trục xuất chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba ra khỏi chỗ ấy?
– Cũng vậy, này tướng quân, chư Thiên có não hại tâm, sanh lại tại đây, không có thể thấy được chư Thiên không có não hại tâm, không sanh lại tại đây, làm sao lại có thể đánh đuổi hay tẩn xuất chư Thiên không có não hại tâm, không sanh lại tại đây ra khỏi chỗ ấy được?10.
Từ những nguồn tư liệu vừa nêu đã chứng minh rằng, cho đến lúc trưởng thành làm một vị tướng quân, Tỳ Lưu Ly vẫn còn là một vương tử hiền lành và là một người ủng hộ cũng như đam mê học hỏi Phật pháp. Vậy nguyên nhân nào khiến cho vương tử Tỳ Lưu Ly trở thành một kẻ phiến nghịch với tôn thân?
2- Nguyên nhân cuộc thảm sát
Đã có lần vua Pasenadi biết được nguồn gốc thấp kém của vợ mình, là nàng Vāsabha nên đã phế truất tước vị cả mẹ lẫn con, bắt cả hai phải sống trong nội cung và không được tự do đi lại. Biết chuyện, Đức Phật đã khuyên vua Pasenadi:
Thưa đại vương, Vāsabha Khattiyā là con gái của ai?
– Bạch Thế Tôn, của Mahānāma.
– Khi nàng đến, nàng là vợ của ai?
– Bạch Thế Tôn, của tôi.
– Thưa đại vương, nàng là con gái của vua. Nàng đến làm vợ vua. Nàng sanh đứa con trai cho vua. Ðứa con trai ấy, do lý do gì lại không làm chủ vương quốc thuộc sở hữu của người cha? (Jataka. No.7).
Từ lời khuyên này, vua Pasenadi đã khôi phục nhân thân và địa vị của mẹ con Tỳ Lưu Ly. Đây là dấu ấn thứ nhất ảnh hưởng tiêu cực đến tâm tư của vương tử Tỳ Lưu Ly khi còn thơ ấu.
Không những vậy, trong một lần về thăm quê ngoại, vương tử Tỳ Lưu Ly đi vào một nơi thâm nghiêm của hoàng gia (royal rest-house) và vô ý ngồi lên trên một bảo tọa nằm ở vị trí trung tâm của tòa nhà. Các Thích tử biết chuyện này nên đã trách mắng Tỳ Lưu Ly thậm tệ, và sau đó họ tẩy rửa căn nhà cũng như chỗ ngồi đó bằng sữa và nước. Theo vương tộc Thích Ca, căn nhà này và chỗ ngồi đó đã bị một đứa trẻ có nguồn gốc nô tỳ làm cho dơ bẩn, nên cần phải làm lễ thanh tẩy(arghya)11. Luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa cũng ghi nhận và lý giải thêm về trường hợp này12. Đây là sự tác động thứ hai, làm cho hạt giống hận thù trong vương tử Tỳ Lưu Ly thêm sôi sục, dâng trào.
Tư liệu Nikàya cho rằng, thời điểm vương tử Tỳ Lưu Ly về thăm quê ngoại và bị sỉ nhục nặng nề vào lúc 16 tuổi. Tư liệu Hán tạng không ghi về tuổi tác, nhưng cho biết vào thời điểm ấy, vương tộc Sākya vừa hoàn thành một giảng đường lớn, giảng đường này sau đó được Đức Phật dự lễ khánh thành. Đây cũng lúc Đức Phật đã lớn tuổi và không khỏe lắm, nên ngài Mục Kiền Kiên đã thay Phật thuyết bài kinh Lậu pháp được ghi lại trong Tạp A-hàm13. Với một thanh niên vừa trưởng thành, sự phát triển về tâm sinh lý chưa ổn định, việc bị nhiều người bên ngoại làm nhục về nguồn gốc nhân thân, đã tạo nên một vết thương lớn khó phai mờ trong tâm khảm.
Không những vậy, nỗi nhục này còn được nhân lên bởi sự xúc siểm của Bà-la-môn Hảo Khổ theo ghi nhận từ kinh Tăng nhất A-hàm thuộc Hán tạng, hoặc sự hỗ trợ của cận thần Dīgha-Kārāyana theo tư liệu Nikàya. Viên quan Dīgha-Kārāyana vốn là một người cháu của đại tướng Bandhula, vốn có oán thù với vua Pasenadi trước đó. Trong khi vua Pasenadi giao cho Dīgha-Kārāyana tín vật của vương quyền trước khi vào nghe pháp với Đức Phật, tại một tu viện ở thị tứ Medulampa của người Sākya14, thì viên quan ấy đã đoạt lấy và sau đó trao lại cho Tỳ Lưu Ly, để vương tử chính thức nắm lấy vương quyền dù chưa được phép của thân phụ. Đây là điều kiện thuận lợi, làm chín muồi quyết tâm phục hận của Tỳ Lưu Ly đối với vương tộc Thích Ca.
Trên đây là những nguyên nhân trong đời hiện tại. Trong một liên hệ xa hơn, tức là nguyên nhân nhiều đời về trước, theo tư liệu Nikāya thì dòng tộc Thích Ca đã ném thuốc độc xuống dòng sông hại chết nhiều loài thủy tộc, nên hôm nay phải chịu họa diệt vong. Cũng liên quan đến thủy tộc, kinh Tăng nhất A-hàm thuộc tư liệu Hán tạng cho rằng, trong nhiều kiếp về trước, vua Tỳ Lưu Ly làm thân cá, mang tên Câu Tỏa, dòng tộc Sakya đã ăn loại cá đó nên hôm nay phải gánh lấy tai ương. Tác phẩm Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ nại da dược sự, quyển 18 cũng cho rằng, khi vương tử Tỳ Lưu Ly làm thân một con cá lớn, thì vương tộc đã ăn cá ấy nên kiếp này phải gánh lấy khổ quả.
Trong những nguyên nhân nêu trên, thì nguyên nhân bị hủy nhục về nguồn gốc nhân thân, bị xúc phạm nặng nề về đẳng cấp thân tộc mang tính thuyết phục hơn cả. Vì lẽ, điều đó phù hợp với quan điểm phân biệt đẳng cấp, đã ăn sâu trong tim và trong tâm của người dân Ấn, từ thuở xưa cho đến hôm nay.
3- Diễn biến và hệ quả của cuộc thảm sát
Sau khi được cận thần Dīgha-Kārāyana trao cho biểu tượng vương quyền, Tỳ Lưu Ly lên ngôi vua và bắt đầu thực hiện dã tâm của mình. Nhớ lại mối hận năm xưa, lúc bị vương tộc Sākya khinh khi về thân phận, Tỳ Lưu Ly quyết tâm kéo binh về làm cỏ kinh thành Kapilavatthu.
Trước sự kiện này, theo tư liệu Nikāya, Đức Phật đã ba lần can ngăn Tỳ Lưu Ly bằng cách ngồi dưới một cội cây bên con đường chính của cuộc hành quân chinh phạt. Điều đặc biệt kỳ thú trong sự kiện này là cội cây Ngài đang ngồi, tuy thuộc phần đất của vương thành Kapilavatthu nhưng bị khô trụi lá, trong khi đó có rất nhiều bóng cây râm mát, nhưng thuộc phần đất của Tỳ Lưu Ly.
Khi kéo quân sang, thấy Đức Phật ngồi dưới gốc cây trụi lá, Tỳ Lưu Ly kinh ngạc nên đã dừng ngựa vấn an, và sau đó cầu xin Đức Phật đừng ngồi dưới gốc cây khô kia. Nhân đó, Đức Phật đáp rằng:
– Thưa Ðại vương, cứ để mặc Ta. Bóng cây của thân tộc Ta khiến cho Ta mát mẻ. (Jataka. No. 465).
Câu nói quan trọng này được nhiều nguồn tư liệu cùng xác tín. Đơn cử như Pāli ghi là: Hotu, mahā rāja, ñātakānam chāyā nāma sītala15; bản Anh ngữ dịch là: Let be, king! The shade of my kindred keeps me cool16; bản Hán ghi là: 親族之廕故勝外人17.
Từ câu trả lời này, Tỳ Lưu Ly đã phần nào hiểu được tấm lòng của Đức Phật đối với vương tộc của mình nên đã ban lệnh thu quân. Qua ba lần như vậy, lần thứ tư, Đức Phật biết rằng nghiệp quả của vương tộc Thích Ca đã chín muồi nên Ngài đã không sử dụng biện pháp hỗ trợ nào nữa.
Với bao nỗi uất hận được tích tập từ thuở bé, cộng với sự xúc siểm của những cận thần xấu ác như Dīgha-Kārāyana, Tỳ Lưu Ly đã thảm sát gần như hoàn toàn dòng họ Thích Ca, xương chất thành đống, máu chảy thành sông, chỉ trừ ông ngoại Mahānāma và vài người thân thuộc. Sau đó không lâu, đau khổ với những lỗi lầm do đứa cháu ngoại bất trị gây ra với vương tộc Sākya, Mahānāma cũng tự trầm tuẩn tiết.
Từ cuộc thảm sát của Tỳ Lưu Ly, kinh thành Kapilavatthu chìm ngập trong tang thương với bao nỗi đau trầm thống. Có những gia đình cha mẹ đều mất vì vương nạn Tỳ Lưu Ly, nên con cái phải bơ vơ nương tựa với người thân. Đây cũng là trường hợp về hai người cháu ngoại của Tỳ-kheo Thiện Ngữ, do vì cả cha và mẹ đều mất từ vương nạn nên ông ngoại đã vất vả khất thực để nuôi dưỡng, chăm nom18. Không những vậy, có những vị Tỳ-kheo-ni do vì chiến loạn của Tỳ Lưu Ly nên phải qua đêm một mình ở ngoài thành nên phạm lỗi, nhân đó Phật đã dạy rằng, đây là việc chẳng đặng đừng nên không có tội19. Thậm chí, có những người Thích Ca do quá sợ hãi nên phải quy y ngoại đạo để giữ gìn sinh mạng của mình. Điều này, luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa, quyển 191 đã ghi:
Do vua ác Tỳ-Lư-Thích-Ca đã tàn sát các người họ Thích trong thành Kiếp-tỷ-la-phạt-tốt-đổ. Những người họ Thích sống sót do sợ hãi nên nương theo ngoại đạo xuất gia để giữ lấy thân mạng. Đức Phật vì họ nên nói: các ngươi do sợ hãi nên nương theo ngoại đạo xuất gia, thọ pháp phục của họ. Nay không còn lo sợ nữa, tất nên trở về quy y nơi pháp Phật. Vì vậy, Đức Phật ra lệnh cho các đệ tử đặc biệt độ những người đó, nhân đấy vô lượng người họ Thích từ ngoại đạo trở về quy y pháp Phật20.
Trong cuộc thảm sát vương tộc Thích Ca của Tỳ Lưu Ly, trừ một số ít còn sống sót, để rồi không lâu sau đó, đại diện vương tộc Sākya ở Kapilavatthu đã đến Kushinagar cầu xin một phần Xá-lợi của Đức Phật để phụng thờ21; thì ngoài ra còn có bốn vương tử dòng họ Sākya đào thoát đến khu vực Gandhàra.
Cuộc thiên di đến Gandhāra của vương tộc Thích Ca
1- Khái quát về Gandhāra và tư liệu liên quan đến cuộc thiên di trong Đại Đường Tây Vực ký
Gandhāra (Sanskrit: गन्धार), là tên gọi cổ xưa chỉ cho vùng thung lũng Peshawar theo ngôn ngữ địa phương ngày nay. Gandhāra đã từng là một khu vực rộng lớn, từ phía Tây bắc tỉnh Prontier của Pakistan, và trải rộng đến thung lũng Kabul của Afghanistan22. Khu vực rộng lớn này là lãnh thổ của nhiều quốc gia, mà ngày nay chỉ còn tên gọi trong nhiều trang chính sử. Trong số những quốc gia thuộc khu vực Gandhāra có thể kể đến những nước như Ô-trượng-na, Phạm-diễn-na, Hí-ma-đát-la và Thương-di. Bốn quốc gia này có liên hệ đến bốn vị vương tử Thích Ca đã đào thoát từ cuộc thảm sát của Tỳ Lưu Ly.
Theo tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký, quyển sáu, ngài Huyền Tráng đã cho rằng, trong những di tích còn sót lại ở thành Kapilavatthu, thì còn có bốn ngôi tháp nhỏ, đánh dấu nơi bốn vị vương tử Thích Ca đào thoát đến những khu vực phía Bắc Tuyết Sơn.
Phía Tây nam nơi thảm sát họ Thích, có bốn ngôi tháp nhỏ, đây là nơi bốn vị vương tử Thích Ca cầm quân kháng cự… Bốn vị này bị đánh đuổi, nên chạy lên hướng Bắc Tuyết Sơn. Một vị làm vua nước Ô-trượng-na, một vị làm vua nước Phạm-diễn-na, một vị làm vua nước Hí-ma-đát-la, một vị làm vua nước Thương-di, nhiều đời nối nghiệp, hậu duệ không dứt23.
Ở đây, tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký có độ khả tín khá cao, đã được học giới công nhận về phương diện tư liệu. Tuy nhiên, việc phối kiểm bằng nhiều nguồn tư liệu khác cũng là một phương thức làm rõ thêm nội dung thông tin quan trọng này.
Trước hết, Ô-trượng-na, Phạn ngữ ghi là Udiyāna, có nghĩa là khu vườn. Ngoài ra còn được phiên âm là Ô-trường, Ô-tôn, Ô-tràng, Ô-trành… Quốc gia này ngày nay là một khu vực nằm trong thung lũng sông Swat, quận Swat, thuộc Pakistan24. Trong Đại Đường Tây Vực ký ghi lại rằng, một trong bốn vị vương tử Thích Ca đã đến khu vực này và kết thân với một Long Nữ, để cuối cùng dựng nên đất nước Ô-trượng-na. Mặc dù tư liệu ngài Huyền Tráng trộn lẫn giữa hiện thực và huyền thoại, tuy nhiên, sự kiện vương tử Thích Ca từng lưu lại tại đây được ngài đề cập rất chi tiết.
Thứ hai là Phạm-diễn-na, tức là khu vực Bamyan, là một trong 34 tỉnh của Afghanistan ngày nay. Thuở xưa, Phạm-diễn-na là một điểm dừng chân lý tưởng cho những đoàn lữ hành trên Con đường tơ lụa25. Đặc thù của đất nước Phạm-diễn-na được ngài Huyền Tráng mô tả đúng như quang cảnh mà chúng ta thấy ngày hôm nay: Con người ở đây nương vào hang núi để làm nhà ở, phần lớn đô thành đều dựa vào sơn động để dựng nên26. Có lẽ do thuận lợi về điều kiện đặc thù này, nên Phật giáo tại Phạm-diễn-na dễ dàng tạo nên những bức Đại Phật khổng lồ dựa vào vách núi, mà hai bức tượng Phật lớn trong số những công trình Phật giáo vĩ đại tại Bamyan, đã bị phá hoại bởi phiến quân Taliban vào tháng Ba năm 2001.
Thứ ba, Hí-ma-đát-la. Phạn ngữ ghi là Himatala, có nghĩa là dưới chân núi Tuyết, nay là vùng Daraim, Đông bắc Afghanistan, phía Nam sông Kokcha27. Ngài Huyền Tráng đã cho biết thêm: Khi xưa đây là một cường quốc mà quốc vương vốn là vương tộc Thích Ca28.
Thứ tư, Thương-di. Phạn ngữ ghi là Sgamaka, nay là vùng đất Chitral, phía Nam núi Hindu-Kush, thuộc Pakistan29. Ngài Huyền Tráng ghi nhận: Quốc vương vốn dòng họ Thích nên tôn sùng Phật pháp. Vì vậy nhân dân tuy thấm nhuần nhưng quả thật vẫn chưa thuần tín lắm30.
2- Sự nghiệp hoằng pháp của hậu duệ vương tộc Thích Ca tới Gandhāra
Trong kinh thư Hán tạng, có nhiều tác phẩm kinh điển cũng như nhiều vị Pháp sư có nguồn gốc từ Gandhāra. Về kinh thư, một trong những bằng chứng quan trọng được phát hiện vào năm 1994, là những thủ bản kinh cổ bằng mẫu tự Kharoṣthī, là chữ viết của ngôn ngữ Gandhārī, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ nhất, do Cơ quan sưu khảo Ấn Độ và phương Đông, thuộc Thư viện Anh quốc (The British Library’s Oriental and India Office Collections)31 chủ trì. Trong 29 thủ bản kinh cổ này, có một phần bản kinh Phúng tụng (Saṅgīti)32 có kèm theo những dòng chú giải. Sau khi đối chiếu cẩn thận từ nhiều phiên bản như Sanskrit, Pāli, ông Richard Salomon và cộng sự đã phát hiện ra rằng, bản kinh này rất giống với phiên bản kinh Chúng tập33, trong Trường A-hàm. Đây là một bằng chứng quan trọng chứng minh rằng, kinh văn từ Gandhāra ngay từ rất sớm đã được truyền đến Trung Quốc.
Một phần đất nước Ô-trượng-na ngày nay
Theo lịch sử Phật giáo, sau khi Đức Phật diệt độ, Gandhāra là một khu vực ở Bắc Ấn mà ở đó Phật giáo phát triển rất mạnh. Ngay tại đất nước Ô-trượng-na, theo ghi nhận của ngài Huyền Tráng, trong Đại Đường Tây Vực ký, quyển 3, đã tồn tại cùng lúc giáo nghĩa cả năm bộ phái Phật giáo như: Đại chúng bộ, Nhất thiết hữu bộ, Ẩm quang bộ, Hóa địa bộ, Pháp mật (tạng-nv) bộ. Điều đó đã khẳng định sự hưng thịnh của Phật pháp tại khu vực này. Ở đây, một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho Phật pháp hưng thịnh tại nước Ô-trượng-na, đó là do công lao hộ pháp của quốc vương, được ghi nhận trong Tục cao tăng truyện, truyện của ngài Na Liên Đề Lê Da Xá. Ngoài ra, sử liệu cũng ghi nhận rằng, có một Tăng nhân từ Gandhāra đến Trung Hoa hoằng pháp có nguồn gốc từ vương tộc Thích Ca, đó là Sa-môn Tỳ Mục Trí Tiên, cũng là một Pháp sư có nguồn gốc từ nước Ô-trành.
* Quốc vương nước Ô-trường
Vua nước Ô-trường34 cùng họ với Phật, tức họ Thích Ca, dòng dõi Sát-đế-lợi. Đương thời, quốc vương nước Ô-trường thương dân như con, bản thân thâm tín Phật pháp. Vào mỗi canh năm đã thức dậy đảnh lễ Tam bảo, dâng hương hoa và thành khẩn cúng dường. Khi mặt trời lên thì thăng đại điện giải quyết việc nước. Vào khoảng giờ Thìn, vua dùng hương thủy để tắm tượng Phật. Mỗi ngày, trong cung thường thiết trai cúng dường cho hàng trăm chư Tăng. Quốc vương cùng phu nhân tự tay dâng cúng phẩm. Đến lúc hoàng hôn thì nhà vua sao chép vài hàng kinh văn và cùng các bậc danh tăng đàm luận Phật pháp. Sau đó, nhà vua hội nghị với quần thần bàn luận việc nước. Đến tối, vua lên điện Phật tự tay thắp đèn, lễ bái, và tụng đọc kinh thư. Hơn ba mươi năm, quốc vương đều thực hành như thế.
Trên đây chỉ là một phần tư liệu về vua nước Ô-trường, trộn lẫn trong tiểu sử của ngài Na Liên Đề Lê Da Xá.
Cũng cần nói thêm rằng, vào niên hiệu Thần Quy năm thứ hai (519) triều Bắc Ngụy, Tỳ-kheo Huệ Sanh trong tác phẩm Bắc Ngụy Tăng Huệ Sanh sứ Tây Vức ký đã ghi nhận: Quốc vương nước Ô-trượng-na vốn chỉ ăn rau quả trường trai, siêng năng lễ Phật hai thời sớm tối35.
* Sa-môn Tỳ Mục Trí Tiên
Theo Khai nguyên thích giáo lục, quyển 636, Sa-môn Tỳ Mục Trí Tiên vốn là người Bắc Ấn Độ, nước Ô-trành, dòng dõi Sát-đế-lợi, là hậu duệ của vương tộc Thích Ca. Thuở xưa, nhân vì vương tử Tỳ Lưu Ly công phá thành Ca-tỳ-la-vệ, tru diệt họ Thích. Lúc ấy có bốn vị Thích tử đã nổi giận về việc trái đạo này nên xuất thành cầm quân kháng cự. Bốn vị vương tử phát thệ rằng, chúng tôi vì giống nòi của Chánh pháp nên nguyện không làm người xuất gia. Bốn vị vương tử bỏ đi xa và mỗi người đều làm vua một nước. Nay là vua Ô-trường, Phạm-diễn… nhiều đời nối dõi đến nay không dứt. Pháp sư Trí Tiên là hậu duệ đời sau của vương tộc Thích Ca. Ông đã cùng với đệ tử tại gia là Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (Gautama Prajñāruci) đến Nghiệp Thành vào niên hiệu Hưng Hòa năm thứ ba (541) đời vua Hiếu Tĩnh Đế (524-552). Dịch phẩm của Pháp sư Tỳ Mục Trí Tiên gồm 6 bộ luận hiện còn được bảo lưu trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu37.
Nhận định
Tư liệu kinh điển ở cả hai truyền thống ở Hán tạng và Nikāya đã đồng thời xác tín rằng, sự kiện thảm sát dòng họ Thích Ca của vua Tỳ Lưu Ly là một sự kiện chấn động lịch sử nói chung và Phật giáo nói riêng. Tính khốc liệt của cuộc thảm sát lên đến đỉnh điểm, đến nỗi nhiều người họ Thích phải trốn lẫn trong ngoại đạo để bảo toàn sinh mạng của mình, như luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa đã chỉ ra. Đặt mình trong bối cảnh đó, mới có thể hiểu được vì sao bốn vị vương tử Thích Ca phải đào thoát đến tận Gandhāra.
Bàn về sự kiện bốn vị vương tử Sākya lập quốc ở Gandhāra, tác giả Étienne Lamotte trong tác phẩm History Indian Buddhism cho rằng, đó là chuyện ngụy tạo (apocryphal), vì vào khoảng thế kỷ thứ VI B.C, khu vực này đã nằm dưới quyền kiểm soát của vương triều Achaemenid38.
Theo chúng tôi, lịch sử các quốc gia cổ đại thường gắn với huyền thoại, ngay như vương triều Achaemenid cũng khó tránh khỏi điều này. Không những vậy, căn cứ vào minh văn bằng mẫu tự Kharoṣthī khắc ở trụ đá Shāhbāzgaṛhī và Mānsehrā, thuộc phía Bắc Pakistan, tác giả Richard Salomon cho rằng, vào giữa thế kỷ thứ III tr.TL, Phật giáo đã xuất hiện tại Gandhāra, dưới sự bảo trợ của vương triều Asoka39. Do vậy, câu chuyện về bốn vị vương tử Thích Ca đào thoát vương nạn Tỳ Lưu Ly đi đến tận Gandhāra vẫn chứa đựng những yếu tố hợp lý.
Thứ nhất, đoạn đường từ Kapilavatthu lên Gandhāra không quá xa, khoảng cách đó chỉ bằng một phần mười, nếu so sánh với cuộc hành trình của ngài Huyền Tráng. Trong điều kiện của vương tộc, đó là cuộc thiên di không quá khó khăn.
Thứ hai, trong Đại Đường Tây Vực ký, sự ghi nhận của ngài Huyền Tráng rất chi tiết. Từ khởi điểm xuất phát trong thành Ca-tỳ-la-vệ, cho đến bốn quốc gia có dấu ấn của bốn vị vương tử, ngài Huyền Tráng đều quan tâm và ghi chép cẩn trọng.
Thứ ba, nhiều nguồn sử liệu cùng ghi nhận rằng, có nhiều hậu duệ của vương tộc Thích Ca sinh sống tại Gandhāra, cũng như từ Gandhāra đến Trung Hoa hoằng pháp từ rất sớm. Điều đó khẳng định sự hiện hữu của vương tộc Thích Ca ở Gandhāra.
Như vậy, sự kiện vương tộc Thích Ca đào thoát đến tận Gandhāra sau cuộc thảm sát của Tỳ Lưu Ly là một sự kiện có cơ sở lịch sử. Riêng về việc các vị vương tử ấy lập quốc hay làm vua thì chưa đủ dữ liệu để khẳng định. Vì lẽ, đôi khi tư liệu lịch sử Ấn Độ, cụ thể là lịch sử Phật giáo, thường không phân định rạch ròi giữa một vị vua nhỏ (rāja) hay một bậc đại vương (mahā rāja); giữa đô thị nhỏ (पुर: pura) 40 hay là một quốc gia (जनपद: janapada)41.
Trong tất cả, điều có thể khẳng định là, dù ở trong hoàn cảnh nào, vương tộc Thích Ca ở Gandhāra vẫn khẳng định vai trò của mình trong lãnh vực hoằng dương Phật pháp, đây là một sự thật được bảo chứng bởi nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Chúc Phú
__________________________________
(1) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.144.
(2) Theo ngài Ñāṇamoli, một trong những lý do để vua Viḍūḍabha chinh phạt dòng họ Thích Ca vì muốn nới rộng bờ cõi lên miền cực Bắc. Cf, Bhikkhu Ñāṇamoli, The Life of the Buddha according to the Pāli Canon, Kandy, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 2006. p.345.
(3) Thị tộc Sākya (Sākya clan) thuộc đẳng cấp Kshatriya. Căn cứ vào nghĩa reigning order của từ Phạn ngữ Kshatriya, chúng tôi dùng từ vương tộc với ý nghĩa trọng thị. Xem, M. Monier Williams. A Sanskrit-English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p.325.
(4) S. N. Sadasivan, A Social History of India. Delhi: S.B. Nangia-A.P.H Publishing Coporation, 2000. p.64.
(5)大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十六, 等見品第三十四.
(6) 大正藏第 04 冊 No. 0198 佛說義足經, 卷下, 維樓勒王經第十六.
(7) Thiền viện Viên Chiếu, Tích truyện Pháp cú, tập 1, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr. 339-357. Nguyên tác: Eugene Watson Burlingame, Buddhist Legends. Vol 29. Viḍūḍabha wreaks vengeance on the Sākyas, Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1921. p.30-46.
(8) Theo kinh Tập, chương 3, đại phẩm, kinh Xuất gia, câu 442, Đức Phật cho biết rằng đất nước Ngài phụ thuộc vương triều Kosala. Xem, Hajime Nakamura, Gotama Buddha. Vol 1. Tokyo: Kosei Publishing Co., 2002. p.36.
(9) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Ái sanh, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.137.
(10) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Kaṇṇakatthala, số 90, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.159.
(11) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p.89. Chữ Hán phiên âm là 閼伽. Cf, William Edward Soothill, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, London: Kegan Paul, Trench, Trubner & Co., Ltd, 2005. p.451.
(12)大正藏第 27 冊 No. 1545 阿毘達磨大毘婆沙論, 卷第十四, 雜蘊第一中智納息第二之六. Nguyên văn: 如罵太子毘盧釋迦言. 婢子何以昇我釋種堂.
(13)Tạp A-hàm, tập 1, kinh 319, Lậu pháp, Thích Đức Thắng dịch, NXB.Phương Đông, 2010, tr.619-623. Kinh tương đương: Kinh Tương ưng bộ, tập 4, chương 1, Tương ưng sáu xứ, phần g, Năm mươi kinh thứ tư, phẩm Rắn độc, kinh Dục lậu, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2001, tr.298-306.
(14) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Pháp trang nghiêm, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.146.
(15) V. Fausboll., The Jātaka together with its commentary being tales of the anterior births of Gotama Buddha. Vol 4. London: Luzac and Company Ltd., 1963. p.152.
(16) E. B. Cowell, The Jataka or Stories of the Buddha’s former births. Vol. 4. Trans. W. H. D. Rouse, MA. Cambridge: At the University Press, 1901. p.96.
(17)大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十六, 等見品第三十四.
(18)大正藏第 23 冊 No. 1442 根本說一切有部毘奈耶, 卷第六, 斷人命學處第三.
(19)大正藏第 22 冊 No. 1425 摩訶僧祇律, 卷第三十六, 明十九僧殘法之一.
(20) 500 Đại A-la-hán và Tôn giả Thế Hữu tạo – Huyền Tráng dịch sang Hán, Luận A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa, tập 8, cư sĩ Nguyên Huệ dịch, NXB.Hồng Đức, 2014, tr.438-439.
(21) Kinh Trường bộ, kinh Đại Bát Niết-bàn, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.346.
(22) Richard Salomon, Ancient Buddhist Scrolls from Gandhāra, Seattle: University of Washington Press, 1999. p.3.
(23)大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第六, 劫比羅伐窣堵國. Nguyên văn: 誅釋西南, 有四小窣堵波, 四釋種拒軍處…四人被逐, 北趣雪山, 一為烏仗那國王, 一為梵衍那國王,一為呬摩呾羅國王, 一為商彌國王, 奕世傳業, 苗裔不絕.
(24) Thiền viện Viên Chiếu, Dõi bước Huyền Trang, NXB. Hồng Đức, 2014, tr. 95.
(25) Sđd, tr. 81.
(26)大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第一, 梵衍那國. Nguyên văn: 人依山谷逐勢邑居. 國大都城據崖跨谷.
(27) Thiền viện Viên Chiếu, Dõi bước Huyền Trang, NXB. Hồng Đức, 2014, tr. 177.
(28)大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第十二, 呬摩呾羅國. Nguyên văn: 其先強國王釋種也.
(29) Thiền viện Viên Chiếu, Dõi bước Huyền Trang, NXB. Hồng Đức, 2014, tr. 179.
(30)大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第十二, 商彌國. Nguyên văn: 其王釋種也. 崇重佛法. 國人從化莫不淳信.
(31) 96 Euston Road, London NW1 2DB, United Kingdom, Oriental and India Office Collections on the 3rd floor.
(32) Richard Salomon, Ancient Buddhist Scrolls from Gandhāra. Seattle: University of Washington Press, 1999. p.89.
(33)大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第八, 眾集經第五.
(34)大正藏第 50 冊 No. 2060 續高僧傳, 卷第二. 那連提黎耶舍.
(35)大正藏第 51 冊 No. 2086 北魏僧惠生使西域記. Nguyên văn: 國王菜食長齋.晨夜禮佛.
(36)大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第六, 沙門毘目智仙.
(37)大正藏第 12 冊 No. 0341 聖善住意天子所問經; 大正藏第 26 冊 No. 1526 寶髻經四法憂波提舍; 大正藏第 26 冊 No. 1534 三具足經憂波提舍; 大正藏第 26 冊 No. 1533 轉法輪經憂波提舍;大正藏第 31 冊 No. 1608 業成就論;大正藏第 32 冊 No. 1631 迴諍論.
(38 Étienne Lamotte, History Indian Buddhism, Paris: Institute Orientaliste Louvain La Neuve, 1988. p.101.
(39) Richard Salomon, Ancient Buddhist Scrolls from Gandhāra, Seattle: University of Washington Press, 1999. p.5.
(40) M.Monier-Williams. A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p.635.
(41)Ibid, p. 410.
[ad_2]
Source link