google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Hoa sen, biểu trưng cho một vị Bồ-tát được minh họa trong kinh Duy Ma Cật

Văn Hóa

[ad_1]

NSGN – Là một hình tượng, hoa sen không những đại diện cho Phật giáo như một biểu tượng mà còn xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật và văn chương, chẳng hạn như kiến trúc, hội họa, thủ công mỹ nghệ, điêu khắc và thi ca. 

Phật giáo, bắt nguồn nơi triết học Ấn Độ, được phát triển cách đây hơn 2.500 năm bởi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với mục đích giúp cho con người đạt được hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau và từ đó tạo nên một thế giới hòa bình, tự do và an lạc.

Một trong những giáo lý cốt lõi của đạo Phật là Tứ diệu đế, mà nó nói rõ về bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế). Chân lý này nhấn mạnh trải nghiệm siêu việt khổ đau, như là tiến trình giác ngộ, mà ở trong đó đau khổ là chất liệu tích cực cho giải thoát. Khổ đau là không thể chối cãi, nó liên quan đến những thách thức và căng thẳng trong đời sống, sự không thỏa mãn và bất lực, mà nguyên nhân là sự thiếu hiểu biết về chân lý vô thường và nỗi sợ hãi về những điều không chắc chắn.

Phật giáo khẳng định rằng vạn vật thì vô thường và luôn thay đổi theo lý duyên khởi. Thuyết này giải thích về bản chất của các pháp, rằng mọi sự vật đều là tạm thời và tồn tại như một phần của một chuỗi liên tục. Một thể liên tục như vậy có kết quả từ một đời sống sinh tử nối tiếp sinh tử, cùng với đó là chu kỳ mất đi rồi lại tái sinh qua một hình thức khác, và vì đó mà chúng sinh phải chịu đau khổ trong đời sống thế tục. Chu kỳ này lặp lại một cách nhanh chóng và không thể nhìn thấy được, do cuộc sống hiện hữu như một chuỗi những khoảnh khắc nối tiếp nhau. Như vậy chúng sinh có hai đặc điểm: không tồn tại độc lập và bình đẳng. Không có gì có thể tồn tại độc lập và bản chất không thể tách rời nhau của vạn vật cho thấy sự bình đẳng giữa chúng. Chẳng hạn, một hạt giống chỉ có thể phát triển khi có đủ ánh sáng mặt trời, nước, không khí và đất. Hạt giống sẽ chết nếu thiếu bất kỳ thành phần nào kể trên. Tương tự, độ ẩm ảnh hưởng đến chất lượng của nước và không khí từ đó tác động gián tiếp đến quá trình phát triển của hạt giống. Sự phụ thuộc lẫn nhau biểu thị sự biến đổi liên tục giữa nhân và quả mà nó tạo nên nghiệp. Hành vi tốt (nhân tốt) sẽ dẫn tới một kết quả tốt, và ngược lại. Các kết quả ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại và tương lai cũng như các kiếp sau của chúng sinh trong vòng luân hồi, do đó người Phật tử phải hành động thận trọng để đạt lấy những kết quả tốt và ngăn chặn những hậu quả xấu trong tương lai. Như vậy, con người chịu trách nhiệm cho quyết định và hành động của họ, và từ đó không còn sự than vãn khi gặp tai họa.

Thực tế, trong khi người ta thường hoan hỷ đón nhận các sự việc mà họ kỳ vọng, nhưng hiếm khi họ dễ dàng chấp nhận những sự việc không như ý. Phật giáo đưa ra nhiều giáo lý và pháp môn nhằm làm giảm đi đau khổ, qua đó giúp người tu tập có sự hiểu biết sâu sắc rằng các pháp xảy ra như thế nào, làm sao vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và tránh việc làm hại người khác. Điển hình trong đó là giáo lý Bát Chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tính tấn, Chánh niệm, Chánh định. Đặc biệt, thiền có hiệu quả trong việc tu tập Chánh niệm và Chánh định, điều này không chỉ giúp đạt đến giải thoát tâm linh mà hiện nay nó còn được áp dụng như các phương pháp trị liệu và lợi ích tâm lý trong nhiều tình huống khác nhau như ở nơi làm việc, và giáo lý này cũng được áp dụng với những người không phải Phật tử hay thanh thiếu niên.

Ngoài sự tương thuộc giữa vạn vật, Phật giáo đề cập đến hai lĩnh vực: thuyết Duyên khởi (bản chất của vạn vật) cùng với luật Nhân quả như đã nói ở trước, và khả năng giác ngộ vốn có. Mục đích cuối cùng của người Phật tử là trở thành một vị Phật, nghĩa là một người tỉnh thức. Vì mọi người đều có Phật tính bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc, tầng lớp xã hội, cho nên mọi chúng sinh đều bình đẳng và có thể giác ngộ. Một khi giác ngộ, họ sẽ thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, từ đó đạt được Niết-bàn (đoạn trừ phiền não và chấm dứt luân hồi). Theo nghĩa này, bình đẳng Phật giáo gắn liền với bản chất của hiện hữu, bao trùm cả con người và phi con người, là điển hình lòng từ bi của đạo Phật. Nó soi sáng tất cả chúng sinh và mang tới hy vọng giải thoát khỏi đau khổ.

Những nguyên tắc này có mặt trong hầu hết các truyền thống Phật giáo, đặc biệt là Đại thừa, một trong những tông phái Phật giáo được phát triển vào thế kỷ thứ nhất và được truyền bá khắp Bắc và Nam Á. Khác với các tông phái khác, Đại thừa đặc biệt nhấn mạnh đến lòng vị tha, được gọi là Bồ-tát đạo, trong đó Bồ-tát đề cập đến những người hy sinh giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Vì thế, tinh thần của Đại thừa cũng tương đồng với tinh thần của Bồ-tát, và “lòng vị tha của Bồ-tát” là khát vọng của các Phật tử Đại thừa.

Có bốn vị Bồ-tát vĩ đại – Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Địa Tạng, Phổ Hiền – đại diện cho Đại bi, Đại trí, Đại nguyện, Đại hạnh, chỉ rõ sứ mệnh chính yếu của Bồ-tát và Đại thừa. Để thực hiện những nhiệm vụ này, các vị Bồ-tát thực hiện Tứ vô lượng tâm và tu tập Lục độ Ba-la-mật. Tứ vô lượng tâm biểu hiện sự tương hỗ giữa bốn tâm xác định tình thương của Bồ-tát: tâm từ mang niềm vui đến cho chúng sinh, tâm bi xoa dịu nỗi đau của chúng sinh, tâm hỷ là vui với niềm vui của chúng sinh, và tâm xả là đạt được sự yên bình nội tâm bằng tuệ giác bình đẳng và vô phân biệt. Những phẩm hạnh của Lục độ Ba-la-mật bao gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền đinh và trí tuệ. Với những phẩm hạnh này, Bồ-tát làm lợi ích chúng sinh và chính họ cũng là những chúng sinh giác ngộ. Phật giáo Đại thừa đặt ra một hệ thống tương tác mà ở đó chư Bồ-tát và chúng sinh cùng hợp tác mang lại kết quả.

Hệ thống tương tác này xây dựng một liên kết giữa Bồ-tát và chúng sinh, cho thấy một thực tế rằng Bồ-tát là một phần của chúng sinh. Trong khi Tứ vô lượng tâm trực tiếp đối với người nhận, nó cũng đem lại lợi lạc cho chính người tu tập. Tương tự, bố thí thì lợi lạc cho cả người nhận và người cho bởi vì thông qua hành vi giúp đỡ, người bố thí có thể làm trăng trưởng lòng từ bi và thành tựu tuệ giác. Kết quả từ sự cho đi hào phóng, Bồ-tát tiếp tục trau dồi các phần còn lại của Tứ vô lượng tâm và Lục độ Ba-la-mật. Vòng luân lưu này làm lợi lạc cho tất cả những người tham gia.

Nhiều kinh sách Đại thừa giải thích rõ ràng khái niệm Bồ-tát và Bồ-tát đạo, trong đó có kinh Duy Ma Cật, mà nó đã trở thành một trong những bản kinh phổ biến ở phương Tây vào đầu thế kỷ XIX. Kinh này diễn giải những giáo thuyết trọng tâm của Phật giáo bằng những khái niệm sâu sắc, sẽ được giải thích nơi những phần sau của bài viết này, mà nó soi rọi ánh sáng vào sự phát triển của các tông phái khác, chẳng hạn như Thiền tông. Không quá ngạc nhiên, bản kinh đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ. Hiện cũng có phiên bản tiếng Anh, với ba bản dịch nổi tiếng của McRae (2004), Thurman (1976/1986) và Watson (1997), tạo nên một nguồn cảm hứng về Phật giáo Đại thừa trong giới học giả phương Tây.

Qua bản kinh, bài viết này tìm hiểu cách hình ảnh ẩn dụ hoa sen biểu thị cho các phẩm chất của một vị Bồ-tát như thế nào, sứ mệnh hoằng đạo và mối liên hệ giữa Bồ-tát với chúng sinh. Việc phân tích về Bồ-tát đạo cũng chứng minh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa người bố thí và người nhận bố thí, một điểm quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Nó cho thấy sự hữu ích của những giáo lý Phật giáo trong việc phát triển con người và đạt lấy hạnh phúc.

Hoa sen là một biểu trưng của khái niệm Bồ-tát

Ngoài việc hiểu về những ý nghĩa của hoa sen trong đạo Phật, kinh Duy Ma Cật còn giải nghĩa động lực giữa Bồ-tát và chúng sanh, Bồ-tát đạo, nhưng điều cần thiết để hoàn thành Bồ-tát đạo thông qua pháp môn bất nhị, như được thuật lại ở nơi phẩm Phật đạo (phẩm tám):

“Ví như chỗ gò cao không thể sinh hoa sen, mà nơi bùn lầy thấp ướt mới có hoa sen. Như thế, người thấy vô vi, vào chánh vị không còn sanh trong Phật pháp được, mà ở trong bùn lầy phiền não mới có chúng sinh nghĩ đến Phật pháp mà thôi. Lại như gieo hạt giống trên hư không thì không sinh được, ở đất phân bùn mới tốt tươi được. Như thế, người đã vào vô vi chánh vị không sanh được trong Phật pháp, kẻ khởi ngã kiến như núi Tu Di còn có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà sinh trong Phật pháp. Cho nên phải biết tất cả phiền não là giống Như Lai. Ví như không xuống bể cả, không thể có bảo châu vô giá, cũng như không vào biển cả phiền não thì làm sao mà có ngọc báu nhất thiết trí”.

Sự liên hệ giữa hoa sen và bùn biểu thị một mối liên hệ không tách biệt; hay quan trọng không kém, có một sự thống nhất giữa tính đa dạng với tính đồng nhất, bằng việc phá bỏ lối tư duy nhị nguyên của con người.

Mối liên hệ giữa chư vị Bồ-tát và chúng sinh

Thuật ngữ Bodhisattva bắt nguồn từ tiếng Sanskrit, “Bodhi” có nghĩa là tỉnh thức và “sattva” đề cập đến chúng sinh. Thuật ngữ này cho thấy rõ rằng chúng sinh có thể trở thành Bồ-tát vì trong bản chất của họ có hạt giống giác ngộ. Bồ-tát giác ngộ từ một người bình thường, và khái niệm giác ngộ dùng để xác định một người nào đó là Bồ-tát hay là một kẻ phàm phu. Bồ-tát là một người đã tỉnh thức, và kẻ phàm phu là người còn mê lầm và chưa dấn thân vào quá trình tu tập giác ngộ. Ngoài ra, một người phát nguyện giúp đỡ người khác cũng là một vị Bồ-tát. Như vậy, điều này lại một lần nữa chứng minh rằng Bồ-tát là chúng sinh và chúng sinh là Bồ-tát. Mặc dù các vị Bồ-tát đã sẵn sàng trở thành Phật, thoát khỏi khổ đau và sống ở nơi Tịnh độ, họ sẵn lòng trì hoãn việc chứng nhập Niết-bàn để ở lại thế giới mê lầm vì lợi ích của chúng sinh. Quyết định này là vì lòng từ bi muốn giúp đỡ những người khác. Bởi vì sống với chúng sanh là hạnh nguyện của các vị Bồ-tát, họ quyết định hòa nhập với cộng đồng thế tục, nhờ đó họ không xa rời chúng sanh. Điều này xác định một mối quan hệ rõ ràng giữa hai phía, bởi vì cả hai bên đều phụ thuộc lẫn nhau.

Với hoa sen biểu thị cho một vị Bồ-tát thanh tịnh và giác ngộ, và bùn biểu thị cho một cá nhân đang lạc lối, kinh Duy Ma Cật nhấn mạnh rằng hoa sen mọc trên đầm lầy nhưng vẫn nổi lên trên mặt nước, như một vị Bồ-tát mặc dù đang sống trong thế giới ô trược cùng với những người đang chịu khổ đau vẫn sẽ không bao giờ bị uế nhiễm. Điều này thể hiện thái độ sống của một vị Bồ-tát, người đang theo con đường Bồ-tát và thực hiện lòng vị tha Bồ-tát. Một sự liên hệ chặt chẽ giữa người bố thí vị tha (một vị Bồ-tát) và người nhận (một người bình thường) khiến cho họ không thể tách rời: chúng sanh là một đối nhân cần thiết cho Bồ-tát thành tựu Bồ-tát đạo, và Bồ-tát là một hình mẫu cho chúng sanh như là một hiện thân của giác ngộ, trí tuệ và từ bi.

Khẳng định những phẩm hạnh này, kinh Duy Ma Cật diễn giải rằng bất kỳ ai “cho đi tất cả những gì mình có mà không cầu mong sự báo đáp thì người đó là một vị Bồ-tát”. Lòng nhân từ ấy được thực hiện để diệt trừ các phiền não, qua đó thành tựu Bồ-tát đạo. Sứ mệnh này vạch ra một mối liên hệ có tính vị tha giữa Bồ-tát và chúng sanh. Bản kinh ẩn dụ những mối liên hệ mật thiết này bằng việc cho rằng một vị Bồ-tát yêu thương tha nhân như yêu thương con cái mình, nếu người đó bị bệnh Bồ-tát cũng sẽ bị bệnh. Nếu bệnh người đó được chữa khỏi Bồ-tát cũng sẽ lành bệnh. Do đó, Bồ-tát và chúng sanh cùng mang lợi lạc đến cho nhau. Chúng sanh thì ước muốn được Bồ-tát giúp thoát khỏi khổ đau, trong khi đó Bồ-tát phát triển từ bi và trí tuệ thông qua việc cứu độ chúng sanh. Điều này làm sáng tỏ tầm quan trọng của mỗi bên, cũng như hoa sen sẽ dễ dàng khô héo nếu như thiếu bùn, và bùn lầy sẽ trở nên vô giá trị nếu thiếu vắng hoa sen. Một cá nhân sẽ làm rực rỡ thế giới xung quanh mình khi người ấy mở rộng lòng mình ra để giúp đỡ những người khác.

Để thực hiện nghĩa vụ cao cả này, Bồ-tát phát Bồ-đề tâm (anuttarā-samyak-saṃbodhi), một tâm thức giác ngộ mà Bồ-tát trang bị cho chính mình để toàn tâm cứu độ chúng sanh. Phát Bồ-đề tâm để khơi dậy lòng từ bi là một tiến trình chuyển hóa từ một kẻ phàm phu trở thành một vị Bồ-tát. Tâm Bồ-đề đi cùng với tâm chính trực và sâu vững, cùng với Tứ vô lượng tâm và phương tiện thiện xảo. Tâm chính trực thì “không vị lợi” và chân thành, tâm sâu vững duy trì một tâm trí kiên định trên con đường cứu độ chúng sinh. Cả hai tâm thái này vun bồi cho Bồ-đề tâm trên con đường tu tập Bồ-tát đạo. Áp dụng Tứ vô lượng tâm cùng với lòng vị tha và trí tuệ là tuyệt đối cần thiết, bởi vì trong Phật giáo Đại thừa, trí huệ là một sự hiểu biết thấu đáo cách các pháp hiện hành. Sự thấu hiểu này giúp họ thoát khỏi phiền não khi cứu giúp một người đau khổ. Không có nó, “sự suy giảm lòng thương” sẽ phát sinh, kết quả là mất dần lòng từ bi. Sử dụng tối ưu ba tâm (Bồ-đề tâm, tâm chính trực và tâm sâu vững) và Tứ vô lượng tâm một cách linh hoạt để phù hợp với nhu cầu của mỗi chúng sanh thì đây là phương tiện thiện xảo. Phương tiện thiện xảo và trí huệ hỗ trợ lẫn nhau, bởi vì biểu hiện của trí tuệ là phương tiện thiện xảo hoàn hảo. Những phẩm chất này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn cũng như hoa sen trong bùn (thế giới trần tục) thì thanh khiết hơn là trong hồ sạch (tịnh độ).

Một trong nhưng công việc thiêng liêng mà các vị Bồ-tát cam kết là tạo ra những cõi Tịnh độ riêng cho từng loại chúng sanh, những người mất phương hướng vì những nghịch cảnh khác nhau, và đây là phương tiện thiện xảo. Nơi các cõi Tịnh độ, chúng sinh có thể vượt qua được những chướng ngại và có được an lạc. Đoạn kinh này trình bày về cõi Tịnh độ:

“Chính các chúng sinh là Phật quốc của chư Bồ-tát… Bởi vì Bồ-tát đạt được Tịnh độ là do muốn đem đến lợi ích cho chúng sinh. Chính vì muốn giúp chúng sinh đạt được thành tựu nên họ phát nguyện giữ lấy Phật quốc (Tịnh độ)”.

Tịnh độ thì hữu ích với chúng sinh hơn là với các vị Bồ-tát; chư vị Bồ-tát ở đó vì chúng sinh đang ở đó, và khi tất cả chúng sinh đều giác ngộ, sự tồn tại của các vị Bồ-tát không còn cần thiết. Điểm này chỉ ra sự bình đẳng giữa chư Bồ-tát và chúng sinh, không có sự thấp kém hay cao cả, mà biểu hiện cho sự tương hỗ giữa hai bên.

Tóm lại, Bồ-tát và chúng sinh thì không khác nhau hay tách biệt nhau. Thay vào đó, mối quan hệ này vượt qua mối quan hệ tôi-bạn, và thiết lập mối quan hệ “chúng ta” mà từ đó hai bên cùng đồng lòng hướng tới thành tựu giác ngộ. Điều này thắt chắt sự đồng hành và củng cố tính liên đới. Phật giáo Đại thừa làm gia tăng tính liên đới thông qua Tứ vô lượng tâm, mà nó không chỉ chia sẻ khổ đau và hạnh phúc mà cũng phát triển lòng vị tha vô điều kiện. Trong khi hành xử vị tha có liên hệ tích cực đến hạnh phúc như một phần thưởng bên trong, mà nó liên quan đến khả năng liên kết thần kinh, nó cũng thúc đẩy sự phát triển cá nhân để nâng cao ý nghĩa cuộc sống, chất lượng của cuộc sống, và mức độ hài lòng với cuộc sống.

Bất nhị

Nhị nguyên, được hỗ trợ bởi cơ chế thần kinh, là một mô thức suy nghĩ thông thường của con người, mà ở đó luôn biểu hiện hai mặt đối lập: sạch/dơ, ngắn/dài, đẹp/xấu, nóng/lạnh, thông minh/ngu ngốc. Những cặp nhị nguyên tạo nên sự phán xét phân biệt rồi xác định sự vật là tốt hoặc xấu. Hậu quả là con nguời buộc phải lựa chọn một trong hai, điều lần lượt tạo nên những mâu thuẫn cảm xúc. Người ta bực bội với hoàn cảnh không thuận lợi và hoan hỷ với nhưng gì họ ưa thích. Những cảm xúc này có xu hướng kích động tam độc tham, sân, si và dẫn tới những hành động xấu. Mặc dù vậy, các cặp đối lập thì tồn tại cùng với nhau: chúng tạo ra sự so sánh giữa các đối tượng mà thực ra không có một giá trị tuyệt đối nào. Các sự việc tồn tại cùng nhau, bổ trợ cho nhau. Ví dụ, đẹp chỉ có thể biểu hiện khi có xấu. Sự tương đối này củng cố sự phân biệt thái cực này và thái cực khác và tạo nên sự phản khảng, do đó sẽ tạo ra hiểu lầm, định kiến và thiên vị. Ngược lại, trí huệ Đại thừa chủ trương phá bỏ nhị nguyên. Một ví dụ từ bản kinh:

“Suy nghĩ nhị nguyên là phiền não. Nơi nào không có suy nghĩ nhị nguyên, đó là Tịnh độ. Suy nghĩ hỗn loạn là phiền não. Nơi nào không có suy nghĩ hỗn loạn, nơi đó là Tịnh độ”.

Mặc dù hoa sen thì thuần khiết và bùn thì ô uế, như được mô tả trong kinh Duy Ma Cật, chúng không đối nghịch nhau. Một bông sen không mọc trên đất sạch, thay vào đó nó mọc ở nơi bùn lầy. Điều này hàm chỉ cách hiểu Phật giáo mà nó cho rằng sự thuần khiết và ô nhiễm thì không tất yếu mâu thuẫn nhau. Sự khác biệt giữa tích cực và tiêu cực đôi khi chỉ đơn thuần do cảm nhận, mà không có một sự khác biệt tuyệt đối. Ví dụ, nước rửa chén thì dơ bẩn đối với con người nhưng lại là thiên đường của muỗi. Tương tự, thoát khỏi thế giới trần tục (bùn) là mục đích của người Phật tử, trong khi đó các vị Bồ-tát (sen) thì phát nguyện sống ở thế gian để cứu độ chúng sinh, và thế gian là nơi để tu tập Bồ-tát đạo. Chỉ bằng cách này, Bồ-tát có thể thành tựu lòng vị tha. Sự hợp nhất giữa thanh tịnh và ô nhiễm gợi ra hình tượng phụ thuộc lẫn nhau giữa Bồ-tát và chúng sinh.

Hơn nữa, lời dạy rằng “phiền não tức Bồ-đề” chứng minh tính bất nhị trong Phật giáo, khi hoa sen là Bồ-đề (giác ngộ) và bùn là phiền não. Kinh Duy Ma Cật nhắc lại rằng, khi chúng ta hiểu được bản chất của tâm, thì không có phiền não nào có thể tồn tại. Phiền não là nguồn gốc của đau khổ, là chướng ngại cho hạnh phúc. Tuy nhiên, nó cùng là một pháp, theo thuyết duyên khởi. Hiểu rõ bản chất của phiền não cho chúng ta trí tuệ để dập tắt đau khổ. Đối với các vị Bồ-tát, các chướng ngại là nguồn gốc cho sự giác ngộ, cũng như bùn giúp cho sen phát triển đẹp ngời: “Trần thế là nơi để tu tập, từ nơi đó chúng ta hiểu rõ bản chất của các pháp”. Trải nghiệm này cũng áp dụng cho con người khi họ học được từ thất bại. Khi vượt lên trên sự thất bại, con người hiểu rằng sự đau khổ chỉ là nhất thời, bởi vì “tất cả các sự việc trên thế gian này chỉ như huyễn mộng và ảo ảnh”. Một cách hiểu khổ đau thâm thúy như vậy là sự giải thoát, mà nó hướng dẫn con người trở thành Bồ-tát. Ngoài ra, điều này giúp chinh phục nỗi sợ về cái chết, khi họ hiểu được bản chất của sự sống và cái chết như được nêu ra nơi bản kinh:

“(Phân biệt) sinh tử với Niết-bàn hình thành nên một thái độ nhị nguyên. Nhưng nếu ta thấy được bản chất thật của sinh và tử, ta thấy rằng không có sinh và tử, không có buộc, không có mở, chẳng có sinh, chẳng có diệt”.

Bản kinh cũng thảo luận về bản chất tồn tại và cùng tồn tại của các cặp đối lập:

“Thân và sự diệt mất thân là hai. Nhưng thân không khác sự diệt mất thân. Tại sao vậy? Bởi vì người thấy tướng thật của thân thì không khởi suy nghĩ thấy thân hay sự diệt mất của thân. Thân và sự diệt mất của thân không phải là hai thứ”.

Những Phật tử rất muốn rời khỏi thế giới trần tục mà nó đầy phiền não, và muốn đi vào cõi Tịnh độ. Điều này lại tạo nên phân biệt thành hai cõi. Tuy vậy, bản kinh nhắc nhở rằng:

“Thế gian với xuất thế gian là hai. Nhưng bởi vì bản chất của thế gian là không, như vậy thế gian thực tế cũng chính là xuất thế gian”.

Bởi vì phiền não là nguồn gốc của giác ngộ, như đã đề cập ở trước, thế giới trần tục không nhất thiết phải bị chán ghét. Thay vì vậy, Tịnh độ ở ngay nơi thế giới trần tục này. Vượt thoát khỏi khổ đau thì Tịnh độ xuất hiện. Khi giác ngộ thì thế giới trần tục cũng chính là lối vào Tịnh độ.

Nhị nguyên ảnh hưởng tới nhận thức và phản ứng giác quan; và nhận thức thì ảnh hưởng tới cảm xúc và hành xử. Bất nhị là một pháp môn trí tuệ của Phật giáo Đại thừa dành cho cả Bồ-tát và chúng sinh. Bồ-tát giữ tâm không phân biệt, từ đó không phán xét và bình đẳng, nhờ đó họ có thể giữ tâm thanh tịnh thực hiện từ, bi, hỷ và xả. Những điều này giúp cho Bồ-tát thành tựu Bồ-tát đạo và đạt được lòng vị tha cao cả. Tương tự, bằng việc gạt bỏ nhị nguyên, chúng sinh thành tựu được tâm không phân biệt và bình đẳng, qua đó họ có thể thoát khỏi khổ đau và trở thành Bồ-tát. Tóm lại, Bồ-tát và chúng sanh mà họ là hiện thân của tinh thần chấp nhận và dung chứa vĩ đại nhất, đang cùng đi trên con đường hướng tới sự giác ngộ, với sự bình yên và tỉnh giác bên trong.

Kết luận

Mối liên hệ biểu tượng giữa hoa sen và bùn đề cập đến mối liên hệ mật thiết và sinh động giữa Bồ-tát và chúng sinh, như trong kinh Duy Ma Cật đã giải thích. Bùn thì dơ bẩn nhưng là thiết yếu cho sự phát triển của sen. Tương tự, một vị Bồ-tát thì phải sống cùng với chúng sinh, đó là một thực hành cần thiết của Bồ-tát đạo. Phát khởi Bồ-đề tâm, mà đó là bản chất nội tại, các vị Bồ-tát nhiệt tâm cứu độ chúng sanh bằng cách sử dụng Tứ vô lượng tâm, trí tuệ, phương tiện thiện xảo và pháp môn bất nhị, để thành tựu lòng vị tha Bồ-tát.

Trịnh Phụng Cơ (鄭鳳姬) – Phan Huy An dịch

(Nguồn: Asia Pacific Journal of Religions and Cultures, Vol. 2, No. 1, 2018)

[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest