[ad_1]
Những ngày Tết nguyên đán 2008 của cộng đồng người Việt ở xứ sở Ucraina xa xôi mang nhiều ý nghĩa hơn, thiêng liêng hơn. Lần đầu tiên, bà con Việt kiều tại thành phố Kharkov được đi lễ chùa năm mới ngay trên quê hương thứ 2 này. Một ngôi chùa mang phong cách văn hoá Việt và được bắt nguồn từ lòng thành của những người con đất Việt thành đạt nơi xứ người…
Nguyện ước một ngôi chùa Việt
Những biến động chính trị tại Liên Xô cũ ảnh hưởng mạnh mẽ đến người nước ngoài sinh sống tại đây. Nhiều người Việt tại Nga đã ở lại Ucraina làm ăn, sinh sống. Và cộng đồng Việt Nam tại Kharkov được hình thành cách đây hơn chục năm. Kharkov là cố đô của đất nước Ucraina xinh đẹp và được biết đến là một thành phố đa sắc tộc, đa tín ngưỡng.
Chùa Trúc Lâm – Kharkov
Hai thập kỷ, khoảng thời gian không quá dài cho những thành công về kinh tế của cộng đồng người Việt tại Ucraina. Nhưng như nhiều người con Việt xa quê trên khắp năm châu bốn bể, phía sau thăng trầm cuộc sống, bản sắc văn hoá Việt vẫn luôn được lưu giữ trân trọng, thiêng liêng. Người Việt theo Đạo phật nhiều, và mong muốn được đi lễ chùa ngay trên quê hương thứ 2 Ucraina trở thành ước nguyện thường trực trong tâm khảm kiều bào.
Ai sẽ thực hiện ước nguyện này? Các doanh nghiệp thành đạt tại Ucraina, đứng đầu là Tập đoàn Technocom của các ông chủ trẻ vốn là cựu sinh viên tại Moscow đã đưa ước nguyện của hàng nghìn bà con cộng đồng trở thành hiện thực: xây dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên mảnh đất này. Tổng chi phí của ngôi chùa lên tới hàng triệu đô-la, nhưng ngôi chùa không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng Việt kiều, nó còn có giá trị và ý nghĩa quan trọng trong xu thế hội nhập: quảng bá hình ảnh, văn hoá Việt Nam ra thế giới rộng lớn…
Sau này, khi đứng dưới tam quan ngôi chùa uy nghi, Chủ tịch danh dự tập đoàn Technocom Phạm Nhật Vượng nhớ lại, và chia sẻ về ý tưởng xây dựng một ngôi chùa Việt tại Kharkov. Ông bảo rằng, chuyện ngôi chùa Việt mang đậm văn hoá Việt, tín ngưỡng Việt đã ấp ủ trong lòng ông từ lâu. Phạm Nhật Vượng xem đây như một nguồn cảm hứng, nguồn nội lực trong hoạt động kinh doanh của mình.
Những tháng ngày trăn trở và khát khao của các ông chủ trẻ Technocom không kéo dài. TGĐ Technocom Lương Quốc Bình cũng nhớ lại: “Việt Nam cũng như Ucraina, đang trong giai đoạn hội nhập với thế giới, hơn nữa tình hữu nghị lâu đời giữa 2 dân tộc đã được thời gian thử thách là đảm bảo bằng vàng cho một công trình tâm linh, hướng thiện như ngôi chùa được ra đời. Việc xin phép ở cả 2 phía đều không gặp trở ngại gì…”.
Ngày 28-4-2007, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Ban quan hệ quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Tập đoàn Technocom mời sang Kharkov chủ trì lễ động thổ xây dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Ucraina.
Thế rồi sau 2 năm chuẩn bị tích cực, tỷ mỉ đến từng tiểu tiết và 7 tháng thi công hầu như không có ngày nghỉ, một tác phẩm mang đầy đủ bản sắc, cấu trúc, tâm linh thuần Việt ra đời: chùa Trúc Lâm – Kharkov. Ít ai có thể ngờ, giữa đất nước Ucraina xa xôi lại xuất hiện một ngôi chùa với quần thể kiến trúc hùng vĩ, độc đáo nhưng đậm phong cách chùa Việt Nam. Trúc Lâm – Kharkov có đầy đủ các hạng mục như tất cả các ngôi chùa trên đất mẹ Việt Nam: điện Tam bảo, Nhà tổ, Bảo tháp, Tháp Quan âm, Tháp chuông, Tháp khánh, Nhà khách, Tam quan…
“Thợ ta” xây chùa Việt trên xứ Bạch dương
Chùa Trúc Lâm – Kharkov được “chăm chút” nhờ bàn tay của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm trong nước. Hơn 100 thợ xây, thợ mộc, nghệ nhân từ 7 tỉnh phía Bắc sang Kharkov. Họ đều là những người thợ giàu kinh nghiệm, được tuyển chọn kỹ càng. Công việc tại Kharkov đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế như đắp hoa văn bằng giấy bản, giấy dó, trạm trổ mái cong và đúc nặn những con vật linh thiêng trong chùa. Các kỹ sư, kiến trúc sư người Ucraina, những người đã có kinh nghiệm xây các giáo đường đạo chính thống được mời đến cùng phối hợp thực hiện.
Chùa Trúc Lâm – Kharkov không chỉ là ngôi chùa thuần tuý, nó còn có một thông điệp không thay đổi: Những người con đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất cũng luôn hướng về đất mẹ.
Chùa Trúc Lâm – Kharkov không chỉ là ngôi chùa thuần tuý,
nó còn có một thông điệp không thay đổi:
Những người con đất Việt,
dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất cũng luôn hướng về đất mẹ.
Nhiều loại vật liệu xây dựng hiếm tại Kharkov như ngói đỏ, gỗ quý, đá hoa… được chuyển từ Việt Nam sang. Tất cả đều được kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng để đảm bảo công trình có thể chịu đựng được sương gió, băng giá của xứ sở bạch dương.
Người trực tiếp phụ trách về kỹ thuật thi công là kỹ sư trẻ Phạm Thành. Anh Thành cho biết, công trường khi đang xây dựng lúc nào cũng có khoảng 100 công nhân, kỹ sư, nghệ nhân từ Việt Nam sang. Trong đó, phần việc quan trọng nhất là hoàn thiện nội thất, các chi tiết mái cong, đúc hoa văn rồng phượng và các công việc đòi hỏi kỹ thuật mà người địa phương không thể làm được do các nghệ nhân phụ trách. Những người thợ đất nước sở tại Ucraina được giao phần việc điều khiển các phương tiện kỹ thuật như máy xúc, máy san đất, máy đóng cọc hoặc công việc xây thô.
Kỹ sư Thành bảo: “Đây là công trình lớn, mang đầy ý nghĩa văn hóa và tâm linh nên không thể lơ là và chủ quan được. Chúng ta phải xây dựng làm sao để chùa chịu được cái giá lạnh của xứ sở này và tồn tại hàng thế kỷ, để con cháu nhiều đời được hưởng”.
Anh Nguyễn Hoàng Lý, 39 tuổi, người đã từng có gần 2 chục năm làm thợ xây cho biết, những người thợ được tuyển sang đây từ 7 tỉnh khác nhau ở miền Bắc: Hà Nội, Nam Định, Hà Tây, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh. Họ đều là những người từng tham gia xây chùa lâu năm. Người thợ nào cũng bảo, được sang Kharkov làm việc, nhất là việc xây dựng chùa là một vinh dự lớn. Và để đảm bảo hoàn thành công trình, hầu hết công nhân, nghệ nhân tham gia xây chùa đã tự nguyện làm việc 9-10h/ngày, thậm chí không cần ngày nghỉ cuối tuần.
Lễ khánh thành chùa Trúc Lâm – Kharkov
Lễ khánh thành chùa Trúc Lâm – Kharkov
Cuối năm 2007, sau những nỗ lực ngày đêm không ngưng nghỉ của cả “thợ ta” và “thợ Tây”, ngôi chùa Trúc Lâm – Kharkov được hoàn thiện. Những ngày xây chùa trên đất Ucraina của công nhân lao động Việt Nam kết thúc, nhưng niềm vui những ngày giao lưu văn hoá, kỹ thuật vẫn còn đọng lại. Anh em công nhân nhớ mãi câu chuyện vui về… cái điếu cày Việt Nam trên xứ sở bạch dương này. Điếu cày có lẽ là dạng văn hoá vật thể điển hình nhất chỉ Việt Nam có.
Nó không chỉ làm cho nhân viên hải quan ở cửa khẩu nước bạn phải tò mò, nâng lên đặt xuống xem xét, mà còn làm các tay thợ xây dựng người Ucraina xúm lại… đòi thử. Sau khi thấy cánh thợ Việt Nam “bắn” thuốc lào kêu xoành xoạch, một anh thợ trẻ bản xứ đã ngửa cổ dốc ngược chiếc điếu cày của bác phó mộc Hà Tây lên để… nhìn vào trong. Anh thợ này chỉ muốn biết vì sao điếu lại… reo vui như thế! Thế là bao nhiêu nước điếu hôi rình đổ hết vào người anh thợ “ham tìm hiểu”.
Chưa hết, cũng chỉ vì cái tính tò mò, “thèm của lạ”, một anh thợ xe ủi nặng ngót một tạ, mới sáng sớm chưa ăn gì đã đòi “bắn” một điếu thuốc lào Tiên Lãng. Sau khi rít một hơi tan ròn như người “nhớn”, anh thợ đã đổ vật ra thẳng cẳng vì… say thuốc. Vui là vậy, nhưng với cánh thợ Việt Nam, có lẽ đó là những cuộc giao lưu văn hoá khó quên nhất.
Thông điệp từ Trúc Lâm tự
Ngày 19 và 20 tháng 12/2007 là một ngày không quên với cộng đồng người Việt Nam tại Kharkov nói riêng và trên toàn Ucraina nói chung. Ngôi chùa Trúc Lâm – Kharkov uy nghiêm và hoành tráng dành cho cộng đồng Việt Nam được khánh thành. Chùa Trúc Lâm – Kharkov trở thành một trong những công trình kiến trúc độc đáo và giá trị nhất ở thành phố này.
Được thắp nhang, thành kính trước đức Phật dưới mái chùa Trúc Lâm – Kharkov, bà con Việt kiều ai ai cũng bảo, nơi xứ người xa xôi này, không có niềm vui nào bằng. Nguyện ước của bà con đã thành hiện thực. Đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt tại Kharkov đã phong phú hơn, và bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Phật giáo được giữ gìn, củng cố trên đất nước Ucraina.
Những ngày Tết nguyên đán 2008 ý nghĩa và thiêng liêng hơn với cộng đồng người Việt tại Kharkov
Những ngày Tết nguyên đán 2008 ý nghĩa và thiêng liêng hơn
với cộng đồng người Việt tại Kharkov
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch danh dự Tập đoàn Technocom – người đã phát tâm kiến lập chùa Trúc Lâm – Kharkov xúc động: “Việc xây dựng chùa Trúc Lâm – Kharkov xuất phát trước hết từ nguyện vọng được giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng tại đất nước Ucraina. Một động lực rất quan trọng để chúng tôi xúc tiến việc xây dựng chùa, đó là nguyện vọng tín ngưỡng tâm linh, luôn cầu mong những điều tốt lành, hướng mọi người đến cái thiện, năng làm điều thiện, tránh xa cái ác để xã hội ngày một trong sạch hơn, cuộc sống được vui vẻ và hạnh phúc hơn”.
Chứng kiến việc xây dựng chùa Trúc Lâm – Kharkov từ ngày khởi công đến giây phút khánh thành, Đại sứ Việt Nam tại Ucraina Nguyễn Văn Thành là một trong những người xúc động nhất. Đại sứ Thành tâm sự: “Từ thời điểm này, một nét văn hoá Phương Đông, một nét văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam đã được chấm phá, điểm tô trên nền văn hoá châu Âu, trên nền văn hoá Ucraina anh em có truyền thống lâu đời, cởi mở và bao dung…”.
Được mời sang làm các nghi lễ khánh thành, hô thần nhập tượng, Hoà thượng Thích Thanh Chỉnh, Phó thư ký Ban thường trực Hội đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự thành hội Phật giáo Hà Nội không giấu nổi cảm xúc của mình. Hoà thượng bảo, lần đầu tiên trong đời, ông được chiêm ngưỡng những bông tuyết trắng tinh rơi từ trên trời cao xuống, từ phía Đức Phật và đáp nhè nhẹ lên lớp mái ngói vảy cá còn tươi roi rói, lên tháp chuông của một ngôi chùa Việt.
Hoà thượng Thích Thanh Chỉnh đứng lặng đi vì xúc động khi nghe tiếng chuông chùa. Cũng vẫn là tiếng chuông ông đã nghe hơn 80 năm nay, nhưng ông bảo, hình như, trong không gian của một vùng đất xa lạ, tiếng chuông nghe lạ lắm. “Nó tác động vào thẳng trong tâm thức khiến trái tim tôi đập gấp gáp hơn. Tiếng chuông là giọng nói, là khẩu khí của một ngôi chùa. Nó như báo lên với Đức Ngài rằng, tại một miền đất xa xôi hàng vạn dặm, đã có những người con của Ngài đang làm một việc lớn vì đại nghĩa. Tôi đã đi hầu hết các chùa trong nước, thì ngôi chùa Trúc Lâm – Kharkov đây là một trong những chùa to và đẹp nhất…”.
Những ngày xuân 2008 này của hơn 7 ngàn bà con Việt kiều tại Kharkov thật ý nghĩa và linh thiêng. Họ được hướng tâm mình về đức Phật, được đi lễ cầu may mắn, tài lộc dù đang ở tận xứ sở bạch dương xa xôi. TGĐ Technocom Lương Quốc Bình tâm sự về những dự định quảng bá văn hoá Việt Nam tại Ucraina trong tương lai. Ông Bình tâm sự: “Chúng ta đã có một ngôi chùa bề thế, hoành tráng là bước đi bản lề cho các hoạt động tiếp theo. Technocom sẽ xin một vị sư trụ trì từ trong nước sang để tổ chức và điều hành Phật sự của chùa, tiến tới thành lập Hội phật tử Việt Nam tại Ucraina, trực thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ mở các lớp học giảng về Phật pháp, Việt Nam học tại Ucraina…”.
Ông Bình nhớ rõ lời dạy của Hoà thượng Thích Thanh Chỉnh khi khánh thành chùa Trúc Lâm – Kharkov: “Để có một ngôi chùa thờ phật tiêu biểu cho văn hoá dân tộc là một việc làm rất khó. Song để duy trì Phật pháp và phục vụ tín ngưỡng cho bà con cũng là một việc không dễ chút nào. Chùa Trúc Lâm – Kharkov sẽ góp phần nhỏ cùng đạo Phật và các tôn giáo khác, tạo dựng cuộc sống hoà bình, hữu nghị, tốt đẹp hơn cho nhân loại”.
Chùa Trúc Lâm – Kharkov không chỉ là ngôi chùa thuần tuý, nó còn có một thông điệp không thay đổi: Những người con đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất cũng luôn hướng về đất mẹ. Và sau những thành công về kinh tế, họ minh chứng “con đường văn hoá, tôn giáo” là cách đi hiệu quả nhất để khẳng định thương hiệu Việt Nam trong con mắt người dân thế giới.
[ad_2]