[ad_1]
NSGN – Đức Phật xuất hiện trên thế gian như mặt trời phá tan màn đêm u tối. Giáo pháp của Ngài đã mang lại những giá trị phổ quát cho nhân loại suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ nay. Sau khi giác ngộ, Ngài đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại làm thay đổi nhiều quan niệm sai lầm cố hữu tồn tại hàng ngàn năm tại Ấn Độ, giải phóng những khổ đau cho tầng lớp hạ tiện bị khinh rẻ và áp bức lúc bấy giờ. Trong vô số giáo lý mà Ngài đã thuyết giảng, tư tưởng bình đẳng là một trong những giáo lý nhiệm mầu giúp phá tan định kiến xã hội nhìn giá trị con người phát xuất từ chủng tính.
Sau khi người Aryan xâm chiếm Ấn Độ1, tạo thành sự phân biệt tôn ti giữa kẻ chinh phục và dân bản xứ, từ đó dần dần diễn biến thành hiện tượng phân hóa và thế tập về chức nghiệp. Có lẽ sự xác lập chế độ này kéo dài đến mãi thời đại Phạm thư (1000 tr.TL-800 tr.TL), vì vào thời đại này chủ nghĩa “Bà-la-môn chí thượng” được hình thành. Giai cấp Bà-la-môn tự cho rằng họ từ miệng Phạm thiên sinh ra; Sát-đế-lợi từ hai vai Phạm thiên sinh ra; Phệ-xá từ rốn Phạm thiên sinh ra và Thủ-đà-la từ chân Phạm thiên sinh ra.
1. Bà-la-môn (brāhmaṇa): Là tầng lớp cao nhất trong xã hội, có nhiệm vụ cố vấn cho quốc vương và lo việc cầu nguyện, tế tự. Họ lợi dụng thế lực tôn giáo để kiểm soát và điều hành thế giới tinh thần con người.
2. Sát-đế-lợi (kṣatriya): Bao gồm vương tộc, hoàng thân, thủ lĩnh và dũng sĩ các nước nhỏ. Quyền thống trị của một quốc gia do đẳng cấp Sát-đế-lợi nắm giữ. Nhưng trong kinh Phật thì phần nhiều cho Sát-đế-lợi nằm ở địa vị thứ nhất, tức trên đẳng cấp Bà-la-môn.2
3. Phệ-xá (vaiśya): Bao gồm thợ thủ công, thương nhân, nông dân, người chăn nuôi… Chủng tính này phải nộp thuế cho tầng lớp vua chúa, quý tộc. Tuyệt đại bộ phận trong số họ là những người bị bóc lột và bị áp bức.
4. Thủ-đà-la (śūdra): Bao gồm những người tiện dân và nô lệ, là thành phần thấp bé chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Mỗi chủng tính hoạt động độc lập, theo chế độ nội hôn, là một tập thể người cùng chung họ hàng, nghề nghiệp truyền đời nhau. Ai sinh trong chủng tính nào thì được hưởng thân phận của chủng tính ấy như là yếu tố mặc khải của kinh Vệ-đà.
Giai cấp đứng đầu bốn chủng tính Ấn Độ lúc bấy giờ là Bà-la-môn. Bà-la-môn có nghĩa là thanh tịnh, thuần khiết hoặc thần thánh. Đây là giai cấp không những nắm quyền lực về tôn giáo, mà còn là giai cấp có đặc quyền cố vấn cho quốc vương trong xã hội. Trên thực tế, người nắm quyền binh chính trị và quân sự là giai cấp Sát-đế-lợi. Đối với nền chính trị lúc này, một mặt, Sát-đế-lợi bắt buộc dân chúng cấp dưới thi hành chính sách của mình đặt ra; nhưng mặt khác, Sát-đế-lợi phải tuân hành giáo quyền của giai cấp Bà-la-môn áp đặt. Cho nên Sát-đế-lợi là giai cấp trung gian nằm giữa Bà-la-môn và tầng lớp thợ thuyền, buôn bán, công nghệ, nông dân. Thái tử Tất-đạt-đa sinh ra trong chủng tính này. Trong khi tầng lớp vương tộc phát động chiến tranh thì thành viên trong giai cấp tế tự Bà-la-môn không thể không thực thi công tác thực dân. Lúc bấy giờ, nông nghiệp và chăn nuôi quả là cần thiết, tầng lớp thương nhân buôn bán cũng không thể thiếu trong xã hội chủng tính Ấn Độ. Họ thuộc tầng lớp lao động bình dân, gọi là Phệ-xá. Chủng tính này vừa tuân theo mệnh lệnh tôn giáo của Bà-la-môn vừa bị chi phối bởi nền chính trị của Sát-đế lợi.
Theo Áo nghĩa thư thì chủng tính Thủ-đà-la bị ba chủng tính trên cô lập. Ba chủng tính đầu có quyền tụng kinh Vệ-đà và quyền tự do tế tự. Đến một lứa tuổi nào đó thích hợp, họ có thể xuất gia làm Sa-môn để thực hiện đời sống tôn giáo; còn chủng tính Thủ-đà-la không có quyền như vậy, họ chỉ được đọc thơ tự sự trong văn học dân gian và tục ngữ để được chút niềm vui thay cho tôn giáo của họ mà thôi. Thậm chí họ không được quyền ngước nhìn vào mặt những người Bà-la-môn, vì như vậy Bà-la-môn sẽ bị ô uế.
Chứng kiến bao cảnh bất công tồn tại cố hữu trong xã hội Ấn Độ do chế độ chủng tính mang lại và những mâu thuẫn từ các quốc gia láng giềng xâm chiếm, đánh phá nhau, Thái tử Tất-đạt-đa kiên quyết tìm cho mình một hướng đi giải thoát thực sự. Sau khi thành đạo, Đức Phật phá bỏ ranh giới phân biệt đẳng cấp xã hội và làm cuộc đại cách mạng tư tưởng để xóa tan sự bất công cố hữu ấy. Ngài dùng tình thương để đối xử tử tế với tầng lớp nô lệ vốn bị ba đẳng cấp trên miệt thị.
Đức Phật luôn kiên trì lập trường của mình khi xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Ngài thu nạp những người có tâm nguyện tu tập giải thoát từ tất cả các tầng lớp xã hội, mà không từ chối bất cứ đẳng cấp nào, dù là thương nhân, ngoại đạo, nô lệ hay quý tộc, Bà-la-môn, quốc vương. Trong Tăng đoàn do Đức Phật thiết lập, Ngài hoàn toàn không dựa theo chức nghiệp, thành phần xuất thân hoặc địa vị xã hội của họ để đặt ra bất kỳ đặc quyền hay sự hạn chế nào. Ngài xóa bỏ tất cả những gì có liên quan đến lễ nghi hoặc pháp lệnh chuyên chế phân biệt đẳng cấp xã hội. Chính nhờ tinh thần bình đẳng không phân biệt này mà Đức Phật được đa số quần chúng cung kính, đặc biệt là giai cấp hạ đẳng, như phụ nữ, người nghèo khổ, người nô lệ bị áp bức, chà đạp. Họ xem Đức Phật như là vị “Cứu thế” vĩ đại của nhân loại, giải phóng mọi bất công và đem lại tự do cho con người.
Trong kinh Tăng nhất A-hàm, Đức Thế Tôn đã dạy các Tỷ-kheo: “Nay có bốn con sông lớn, nước từ nguồn A-nậu-đạt lưu xuất. Thế nào là bốn? Đó là sông Hằng, sông Tân-đầu, sông Bà-xoa, sông Tư-đà. Nước sông Hằng kia từ Ngưu đầu khẩu chảy về hướng Đông, sông Tân-đầu từ Sư tử khẩu chảy về hướng Nam, sông Tư-đà từ Tượng khẩu chảy về hướng Tây, sông Bà-xoa từ Mã khẩu chảy về hướng Bắc. Bấy giờ, nước bốn con sông lớn sau khi uốn quanh dòng A-nậu-đạt rồi, sông Hằng đổ vào biển Đông, sông Tân-đầu đổ vào biển Nam, sông Bà-xoa đổ vào biển Tây, sông Tư-đà đổ vào biển Bắc. Lúc ấy, bốn con sông lớn đổ vào biển rồi, không còn tên gọi trước nữa, mà chỉ gọi là biển. Ở đây cũng vậy, có bốn chủng tính. Những gì là bốn? Đó là Sát-lợi, Bà-la-môn, trưởng giả và cư sĩ. Họ ở chỗ Như Lai, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì không còn dòng họ cũ nữa, mà chỉ gọi là Sa-môn đệ tử Thích-ca. Sở dĩ như vậy là vì đại chúng của Như Lai giống như biển lớn, bốn đế cũng như bốn con sông lớn, trừ bỏ kiết sử, vào thành Niết-bàn vô úy. Cho nên, này các Tỷ-kheo! Các ngươi nếu có ai ở trong bốn chủng tính, cạo bỏ râu tóc, với niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo, thì những người ấy sẽ bỏ hết tên gọi trước đây, tự xưng là đệ tử Thích-ca. Sở dĩ như vậy là vì Ta nay chính là con của họ Thích-ca, từ dòng họ Thích xuất gia học đạo. Tỷ-kheo nên biết, muốn bàn về ý nghĩa của đứa con ruột, thì phải gọi là Sa-môn con dòng họ Thích”.3
Ở mọi nơi mọi lúc, Đức Phật đều lấy nhân cách cao thượng của một bậc thầy giác ngộ làm sự nghiệp giáo hóa. Nhân cách cao thượng ấy được thể hiện ở việc tôn trọng tính thiện lương của con người mà bác bỏ tư tưởng ưu liệt về nhân chủng. Theo cái nhìn bình đẳng của Đức Phật, nếu những người nô lệ được giáo dục đàng hoàng, biết tu dưỡng đạo đức thì họ có khả năng trở thành những con người vĩ đại, đáng cung kính. Ngược lại, những kẻ tự cho mình là người cao quý được sinh ra trong giai cấp vương tộc hay Bà-la-môn, nếu không được giáo dục chu đáo, không biết trau dồi đức hạnh thì suốt đời cũng chỉ là những kẻ ngu si, vô trí, cống cao, ngã mạn mà thôi. Khi đánh giá phẩm hạnh một con người, cần phải nhìn nhận về trí tuệ và đạo đức của họ chứ không thể xét họ thuộc vào thành phần chủng tộc nào do xã hội quy định. Phàm là người thì ai cũng có thể tự xây dựng cho mình một đời sống chân chính để trở thành người có trí tuệ và đạo đức. Việc xây dựng giáo đoàn bằng tinh thần từ bi và bình đẳng đã công khai phản bác chế độ đẳng cấp theo định kiến của xã hội Ấn Độ bấy giờ.
Đức Phật tượng trưng bằng hình ảnh rất sống động khi lấy nước trong trăm sông và nước trong biển lớn để thí dụ. Trăm sông khi đổ vào biển cả đều mang một vị, đó là vị mặn. Cũng vậy, dù cho bất kỳ ai ở vào bốn chủng tính của xã hội, nếu xuất gia tu hành chân chính thì cũng đều thấm nhuần một vị, đó là vị giải thoát. Không phải Đức Phật đưa ra vấn đề này để lý luận suông mà chính Ngài đã triệt ngộ và thực hành thuần thục tính bình đẳng trong cuộc sống hàng ngày đối với các thầy Tỷ-kheo. Đức Phật luôn nghĩ đến chúng sinh có duyên lành được độ. Ai có duyên trước Ngài độ trước, ai có duyên sau Ngài độ sau.
Chẳng hạn, Ni-đề vốn là một người nghèo khổ, thuộc giai cấp không thể tiếp xúc, hàng ngày sinh sống bằng nghề gánh phân thuê, nhưng Đức Phật vẫn tiếp nhận và cho gia nhập giáo đoàn. Ban đầu, do tâm lý tự ti mặc cảm nên Ni-đề không dám gặp mặt Đức Phật, vì nghĩ rằng Đức Phật là dòng dõi hoàng tộc, các đệ tử Ngài là quý nhân, còn ông là kẻ hạ tiện, hèn hạ. Nhưng bằng tấm lòng từ bi, Đức Phật thu nhận ông vào giáo đoàn xuất gia tu học. Sau một thời gian ngắn tinh tấn tu tập, Ni-đề đã chứng đắc thần thông. Bấy giờ, rất nhiều người thuộc chủng tính Bà-la-môn hoặc vua chúa phản đối những người hạ tiện được xuất gia làm Sa-môn, nhưng Đức Phật vẫn kiên định lập trường bình đẳng của mình. Ngài luôn dùng thí dụ dễ hiểu để ví cho lập trường này: “Pháp của ta thanh tịnh mầu nhiệm, cũng như nước sạch có thể tẩy trừ được tất cả cấu uế, cũng như ngọn lửa lớn có thể thiêu cháy mọi vật, dù vật lớn hay nhỏ, tốt hay xấu đều có thể cháy thành tro. Pháp của ta cũng vậy, rộng lớn vô biên, dù là người giàu hay nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ, nếu ai có khả năng tu tập thì đều dứt sạch hết các ham muốn”4.
Ưu-ba-li vốn là một thợ cắt tóc trong cung đình thuộc chủng tộc Thủ-đà-la. Sau khi xuất gia, ông tinh thông giới luật, là một vị trì luật đệ nhất trong mười đệ tử lớn của Đức Phật. Ưu-ba-li cũng là người trùng tuyên Luật tạng trong lần thứ nhất kết tập kinh điển. Cô gái Bát-cát-đế thuộc dân hạ tiện Ma-đăng-già tự nhận mình là hạng người không thể tiếp xúc, nên không dám dâng nước cúng dường A-nan. A-nan mang giáo lý bình đẳng của Đức Thế Tôn ra thuyết giảng thì cô ta mới dám hiến cúng. Trong kinh Lăng nghiêm thường cho nhân duyên gặp gỡ và tiếp xúc này là màn kịch luyến ái phát xuất từ dục tâm của Bát-cát-đế. Cuối cùng, Bát-cát-đế cũng xuất gia làm Tỷ-kheo-ni, chứng đắc quả vị A-la-hán. Sở dĩ Đức Phật phủ nhận hoàn toàn phẩm giá hạ tiện của giai cấp nô lệ đã được định hình trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, là vì Ngài lấy nhân cách làm trung tâm để xây dựng nên quan điểm bình đẳng nhất như giữa chúng sinh và Phật, như trong kinh Hoa nghiêm dạy: “Tâm, Phật và chúng sanh, ba thứ không sai biệt”.5 Có thể nói, quan điểm này không hề có trong tư tưởng xã hội Ấn Độ trước đây. Đức Phật đưa ra quan điểm bình đẳng để thức tỉnh tính tự giác của mỗi con người, vì ai ai cũng có khả năng trau dồi trí tuệ và đạo đức. Người nào chưa có tự do tín ngưỡng tôn giáo thì giờ đây có quyền tín ngưỡng tôn giáo, người nào chưa có tự do học hành thì giờ đây có quyền học hành như bao nhiêu người ở giai cấp khác. Đây là chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa bình đẳng trong giáo lý của Đức Phật. Tinh thần này được Đức Thế Tôn vận dụng trong đời sống hòa hợp của giáo đoàn.
Từ những thành tựu an lạc, hòa hợp, giải thoát của Tăng đoàn do Đức Phật hướng dẫn, mọi giai tầng xã hội đã nhìn thấy những giá trị con người mà lâu nay chế độ chủng tính đã phớt lờ hoặc phủ nhận. Tinh thần bình đẳng của Đức Phật đã vượt lên trên các định chế của xã hội để mang lại hạnh phúc, tự do cho mọi người, dù họ sinh trong giai cấp bình dân hay quý tộc. Tất cả con người sinh ra trên đời này đều mang dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn nên không thể nói giai cấp này cao hơn giai cấp kia, hay chủng tính kia thấp hơn chủng tính nọ từ nơi xuất phát. Tất cả mọi người đều bình đẳng về quả báo của các hành nghiệp thiện hoặc ác, bình đẳng về quyền lợi được thụ hưởng tất cả những giá trị phổ quát của con người. Sở dĩ có sự phân chia giai cấp quý tiện trong xã hội Ấn Độ lúc ấy là do tầng lớp Bà-la-môn tự cho mình có đặc quyền sinh sát trong tay, bắt buộc những người khác phải phục tùng vô điều kiện. Thuyết bình đẳng của Đức Phật đã phản bác những bất công của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ và còn mang giá trị nhân văn cho đến hôm nay.
Con người thông minh hay ngu độn, cao quý hay thấp hèn là do hành nghiệp của họ chứ không phải do nơi chủng tính họ sinh ra, như Đức Phật trả lời người Bà-la-môn thờ lửa Bà-la-đọa-xà trong kinh Tiện dân: “Chẳng phải nơi sinh ra là tiện dân, cũng chẳng phải nơi sinh ra là Bà-la-môn, bởi do hành vi mà con người trở thành tiện dân, và cũng do hành vi mà con người trở thành Bà-la-môn”.6
Thích Hoằng Trí
______________
(1) Aryan là tộc người Ấn-Âu vùng Trung Á, thân thể cao to, mặt vuông vắn, nhiều râu, mũi hẹp nhưng cao, da ngăm đen. Khoảng 2000 năm trước Tây lịch, dân tộc Aryan di chuyển sang hai hướng Đông và Tây. Nhánh di chuyển về phía Tây đến Hy Lạp, miền bắc nước Ý, trở thành thủy tổ của dân tộc châu Âu. Hai nhánh di chuyển về phía Đông thì một nhánh vào Ba Tư, trở thành giống người Iran; một nhánh vào định cư ở vùng Pañjab thuộc thượng lưu sông Indus, tiêu diệt văn minh Ấn Độ cổ đại ở vùng này, sáng lập nên văn hóa Ấn Độ thuộc hệ Aryan, giới học giả gọi là người Ấn Độ A-lợi-an (Indo-Aryan). Người Ấn Độ A-lợi-an phần nhiều sùng bái thần tự nhiên, kinh điển mang tính đại biểu được hình thành sớm nhất ở vùng Pañjab là thánh điển Vệ-đà (Veda). Vệ-đà lại chia thành 4 bộ, gồm: 1. Ṛg-veda; 2. Sāma-veda; 3. Yajur-veda; 4. Atharva-veda. Về sau, người Aryan lại di cư đến vùng đồng bằng trù phú nằm giữa sông Hằng và sông Yamunā, xác lập nên chế độ bốn chủng tính.
(2) Tạp A-hàm, quyển 20, kinh số 548 [Đại chính tân tu, tập 2, số hiệu 99, tr.142, a18]; Trường A-hàm, phần 2, kinh Tiểu duyên [Đại chính tân tu, tập 1, số hiệu 1, tr.36, b28].
(3) Kinh Tăng nhất A-hàm, quyển 21, phẩm Khổ lạc, 29 [Đại chính tân tu, tập 2, số hiệu 125, tr.658, b27-c14].
(4) Kinh Hiền ngu, phẩm Ni-đề độ duyên,33 [Đại chính tân tu, tập 4, số hiệu 202, tr.397, b11-b14].
(5) Kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm, quyển 10: “Như tâm, Phật cũng vậy. Phật, chúng sinh như vậy. Tâm, Phật và chúng sinh. Ấy ba không sai biệt 如心佛亦爾, 如佛眾生然, 心佛及眾生, 是三無差別. [Đại chính tân tu, tập 9, số hiệu 278, tr.465, c29].
(6) Kinh tập, kinh Tiện dân: “Phi nhân sinh lai nãi tiện dân, diệc phi sinh thị Bà-la-môn, nãi do y hành đương tiện dân, diệc y hành thị Bà-la-môn 非因生來乃賤民, 亦非生是婆羅門, 乃由依行當賤民, 亦依行是婆羅門. [Đại chính tân tu, tập 27, số hiệu 12, tr.36, a4].
[ad_2]