[ad_1]
GN – Thư viện Spring nằm trong một thị trấn nhỏ nhiều cây xanh. Đây là nơi tôi thường lui tới mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Không gian xanh mát và những ô cửa sổ xinh xắn làm cho tôi thấy dịu nhẹ hơn sau những ngày tất bật. Tôi coi nơi đây là một trong những nốt trầm đáng giá giữa cuộc sống kiểu Mỹ đầy cao trào bận rộn. Điều đặc biệt ở thư viện này là nó có nhiều sách Phật giáo, tôi tìm thấy sách của Đức Dalai Lama và Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng một số tác giả viết về Phật giáo của phương Tây.
Thỉnh thoảng, trong hàng sách về tôn giáo và văn hóa phương Đông, tôi bắt gặp một bác người Mỹ già tìm kiếm sách. Bác cũng hay chọn sách Phật giáo, như tôi. Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau, thi thoảng vài tháng mới gặp thoáng qua một lần. Có vẻ như ông cũng nhớ mặt tôi, bởi cái hàng sách này rất ít người tìm kiếm.
Một chiều mưa bão lớn, tôi bị mắc kẹt lại trong thư viện rất lâu. Thật tình cờ, bác cũng có mặt ở đây. Khi tôi vừa cầm cuốn “Fragrant Palm Leaves” (Nẻo về của ý – Thích Nhất Hạnh) và đi đến chiếc ghế bành màu nâu đỏ sát cửa sổ để ngồi đọc lại cuốn sách yêu thích trong lúc chờ mưa tạnh, thì bác cũng đã ngồi gần đó và bắt chuyện. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với nhau về đạo Phật. Điều làm tôi bất ngờ là ông ấy rất yêu thích và hiểu biết nhiều về hình tượng Quán Thế Âm Bồ-tát.
Ông bắt chuyện đầy tinh tế: “Tôi thấy cô đeo sợi dây chuyền có tượng Đức Quán Thế Âm, có vẻ như cô rất yêu thích?”. Tôi gật đầu xác nhận. Ông ấy tiếp lời “Tôi nghiên cứu về đạo Phật hơn 20 năm rồi, không dám nói mình là Phật tử thật sự, nhưng tôi thích đạo Phật và đặc biệt rất thích hình tượng Quán Thế Âm Bồ-tát”. Nói đoạn, ông chìa ra cho tôi cuốn sách viết về Quán Thế Âm của một tác giả phương Tây. Tôi lật nhanh vài trang đọc lướt qua, nhận ra đây là cuốn sách khá dễ đọc mà lại rất khoa học, có nhiều kiến thức sâu sắc.
Tôi dần trở nên cởi mở hơn với bác. Tôi hỏi bác thích hình ảnh nào nhất của Quán Thế Âm, ông nói rất thích hình tượng chiếc bình nước cam lồ với nhánh dương liễu. Tôi thật sự thấy thú vị với câu trả lời này, hỏi: “Ông nghĩ sao về hình ảnh đó?”. Bác nói: “Những giọt nước thanh tịnh mầu nhiệm đó chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim”. Nói đoạn, ông đưa tay lên ngực trái, mỉm cười thật nhẹ nhàng. Ông nói tiếng Anh khá hay, có vẻ kiểu Anh chuẩn mực chứ không phải là kiểu phát âm nặng trĩu của miền viễn tây Texas. Ngưng một lúc lâu nhìn ra trời vẫn mưa lớn, nước tạt vào cửa kính thật mạnh, ông quay sang nhìn tôi rồi nói tiếp: “Giúp đỡ ai đó một chuyện nhỏ, nói với ai đó một lời dễ chịu, cười với ai đó trong một ngày ảm đạm… những điều đó cũng giống như cho đi giọt nước cam lồ. Cho đi tình yêu thương là cách bắt đầu thực hành đạo Phật”.
Tôi im lặng nhìn ông dù trong lòng vô cùng thích thú với những gì ông đang nói. Tôi cứ có cảm giác người đàn ông này rất quen thuộc như đã từng gặp nhau từ lâu lắm rồi, có thể hiểu được suy nghĩ của tôi đến như thế. Có thể tượng Phật trên sợi dây chuyền của tôi phát đi tín hiệu mầu nhiệm. Tôi không biết. Tôi chỉ biết là, ông, dưới hình hài một người phương Tây xa lạ, lại nói với tôi những lời rất gần, rất thấu hiểu.
Một lúc lâu, tôi hỏi: “Ông bắt đầu thực hành đạo Phật từ khi nào?”. Ông bảo: “Đôi khi, sống làm sao để những người xung quanh cảm nhận được sự nhẹ nhàng của mình, rồi cũng thấy thật sự thoải mái khi ở gần mình, đó là những bước thực tập đầu tiên của tôi”. Tôi gật đầu đồng ý. Đoạn, ông nói tiếp: “Để nhận ra tôi thực hành những điều đó là dựa trên nền tảng triết lý Phật giáo, thì khoảng vài năm trở lại đây. Nhưng, suy cho cùng, tôi thấy mình đã thực hành điều đó từ rất lâu, từ hồi còn bé. Cha mẹ tôi là những người rất tử tế, lúc nào cũng sống vui vẻ với những người xung quanh, tìm cách này hoặc cách khác để giúp đỡ láng giềng, người thân… Từ nhỏ, tôi được sống trong không khí đó, thực tập những điều đó một cách rất tự nhiên”.
Bên ngoài trời vẫn mưa như trút nước. Bác hỏi tôi có muốn dùng một tách trà không. Bác quay đi và rồi mang đến cho tôi một ly cà-phê nóng. Ông nói: “Thư viện hết trà rồi, chỉ còn cà-phê. Tôi hy vọng nó làm cho cô thấy ấm áp khi trời vẫn còn mưa ngoài kia”. Tôi nhấp một ngụm cà-phê, nhìn ra cửa sổ. Cả hai đều im lặng và bắt đầu đọc sách. Đoạn, ông lại hỏi tôi: “Cô hình như mới đến vùng này?”. Tôi nói mình là người mới và bắt đầu kể cho ông một vài khó khăn. Ông chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại gật gật đầu. Tôi không nói quá nhiều, chỉ điểm qua vài việc và tôi kết luận mình có được sự bình tâm nhờ thực hành thiền, và đôi lúc bế tắc thì hay niệm chư Phật và Bồ-tát Quán Thế Âm. Ông mỉm cười: “Cô biết sao không, có một cách để tự mình luôn thấy sống cân bằng cho dù gặp nhiều khó khăn?”. Tôi cười: “Đôi khi tôi có biết một vài lý thuyết, nhưng thực tế đôi khi tôi cũng phát điên”. Ông cười lớn vì câu nói đùa của tôi, rồi ông bảo: “Khởi nguồn của việc để cho tâm trở nên thanh tịnh đó là yêu thương nhìn lại bản thân mình đúng cách. Đó là yêu thương thực sự từ bên trong xem nó muốn gì, chứ không phải yêu thương theo kiểu chăm chút quần áo đẹp, làm móng tay nhiều màu, hay đi một đôi giày cao gót lộng lẫy. Cô thử nghĩ coi, đi một đôi giày cao gót là làm đau chân, đau cột sống, đau cái cơ thể này, chứ yêu thương gì nó? Yêu thương chính mình, đó là chính tự tay mình tưới giọt nước cam lồ cho chính mình rồi”.
Tôi cười rồi đưa tách cà-phê lên: “Cảm ơn giọt nước cam lồ của ông dành cho tôi ngày mưa bão. Đây là một trong những ly cà-phê ngon nhất từ khi tôi đến vùng này, và là ly cà-phê có hương vị đặc biệt hiếm hoi trong đời tôi”.
Ông cười lớn, bảo, tôi thấy vui khi nhìn cô vui. Rồi mưa cũng vơi đi và tôi cũng phải rời thư viện cho rất nhiều công việc đang chờ. Tôi rất muốn xin số điện thoại, email hay bất kỳ một thông tin nào đó của ông để liên lạc, nhưng tôi thấy ngại. Ông cũng không hỏi thông tin của tôi. Có vẻ như cả hai đều có chung suy nghĩ, rằng để mọi việc thật tự nhiên. Hữu duyên sẽ gặp lại.
Từ đó đến nay đã rất nhiều tháng ngày trôi qua, vô số lần tôi đến thư viện nhưng không gặp lại ông. Tôi cũng cố tình đến nhiều khung giờ khác nhau để mong gặp lại ông, nhưng tất cả đều như ảo ảnh.
Có lẽ, Bồ-tát chỉ xuất hiện vào thời điểm cần thiết.
[ad_2]