[ad_1]
GN – Khi tôi đang viết bài này, thời tiết đi vào đông: mưa lê thê, nhiệt độ xuống thấp, khiến cái lạnh như thấm vào cây cỏ, vào đất trời.
Con người phải che chắn thân thể bằng vài lớp áo, lại thêm dịch Covid-19 hoành hành ác liệt và… vô hình, khiến mọi người cảm thấy bất an và cơ cực muôn phần.
May mắn năm nay, thời tiết Huế tương đối dễ chịu hơn những năm trước, tuy nhiên phía Nam từ Quảng Nam đến Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên, lũ lụt lớn và kéo dài một cách bất thường, gây sạt lở ở vùng núi, sông suối và bờ biển, hư hại đường sá, cầu cống, đê đập, cùng nhiều thiệt hại về nhân mạng, mùa màng và tài sản. Nói sao cho hết thời tiết cực đoan ở miền Trung…
Hàng năm, người Huế đếm ngày mong cho tai trời ách nước chóng qua. Ngày đó là 23-10 âm lịch. Dân gian ở Huế có câu vè:
“Ông tha mà bà chẳng tha
Bà cho cái lụt hăm ba tháng mười”.
Đúng thật, quy luật xưa nay là như vậy. Qua ngày 23-10 âm lịch, dân Huế yên tâm vì lụt bão chấm dứt, để rồi:
Hôm ni trời Huế lại tươi
Một chút nắng sớm hoa cười trong sương
Lao xao lá hát bên đường
Mây giăng đỉnh Ngự, sông Hương hiền hòa…
(thơ Đặng Thị Nga)
Một chút nắng sớm là hiếm hoi, chỉ đủ tô điểm cho mùa đông giá lạnh vốn khó thấy tia nắng mặt trời. Vậy mà, dầu thế nào đi nữa, đông nhất định chuyển sang xuân! Xuân đến ban đầu lơ thơ, ngập ngừng với ít ngày đẹp, trời quang, rồi đến giáp Tết, sẽ có những ngày mặt trời ló dạng cho cây cỏ đầm chồi nẩy lộc, ra hoa, cho mọi người làm ăn, cho người dân thơ thới đi chơi, ngắm cảnh, cho du khách gần xa đến Huế.
Thật ra, từ đông sang xuân, có gì lạ đâu, chỉ là chuyện thời tiết bốn mùa tuần hoàn, luân hồi, sinh diệt, diệt sinh… Nhưng, thời tiết khi thì quyến rũ, khi thì hành hạ con người, với xuân hạ thu đông đủ cung bậc của tâm tư và tiết trời, và con người sống khôn ngoan là thuận theo mùa.
Mùa đông là mùa vạn vật trở dạ để cống hiến sản phẩm cho mùa xuân. Mùa đông là giấc ngủ dài cho cây cỏ cựa mình. Sau tiết Đông chí là thời gian thích hợp để trồng cây, nhà nông tất tả làm đồng, vào phân, un gốc, tỉa cành… để rồi vui xuân đón Tết. Các xứ ôn đới phương Tây càng thấy rõ giao mùa biến hóa diệu kỳ như thế nào. Trời đông một màu ảm đạm, sương tuyết hàng mấy tháng trời, thế rồi một sáng chớm xuân, cỏ cây đồng loạt đơm chồi, nảy mầm xanh.
Vạn vật như thế thì con người cũng như thế. Những khắc nghiệt trong mùa đông chính là hình ảnh của con người hành động khắc phục khó khăn, để sống và phải sống. Vì vậy, mùa xuân là mùa của hy vọng, hạnh phúc và tình yêu. Ở bất cứ nơi đâu và thời đại nào, mùa xuân đều được trọng vọng, suy tôn, và thiên hạ khai hội chúc mừng năm mới một cách hào phóng.
Trong nhịp sống rộn rã chào đón mùa xuân, người tu hành theo Phật cảm nhận một cách an nhiên lẽ vô thường:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai…
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi).
Nhưng đồng thời vẫn lâng lâng niềm vui huyền diệu, như vượt lên mọi đối đãi nhị nguyên:
… Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai) 1.
Bài thơ Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Thiền sư Thích Mãn Giác (1052–1096) vừa đủ sâu sắc và cô đọng để mọi người đều ít nhiều lãnh hội như một công án.
Riêng đối với Nhật Liên tông, một tông phái Phật giáo Nhật Bản, cái nhìn đông qua xuân đến nói lên tinh thần nhập thế tích cực của giáo phái này. Đây là một giáo phái của Phật giáo Đại thừa do Đại sư Nichiren Daishonin (Nhật Liên, 1222-1282) sáng lập, đặt niềm tin tuyệt đối vào kinh Pháp hoa. Đại sư Nichiren nghĩ rằng toàn bộ thông điệp của kinh Pháp hoa và mật nghĩa của nó đã ẩn chứa trong câu tụng thần chú tiếng Nhật: Namu Myōhō-Renge-Kyō (Nam-mô Diệu pháp Liên hoa kinh). Đại sư Nichiren có một bức thư mà sau này rất nổi tiếng: “Winter Always Turns to Spring” (Đông luôn luôn chuyển qua xuân) trong tác phẩm The Writings of Nichiren Daishonin:
“Những người tin vào kinh Pháp hoa thì định trí rằng, dầu đang trong mùa đông, mùa đông nhất định chuyển sang mùa xuân. Từ xưa đến nay chưa từng có ai nhìn thấy hay nghe nói mùa đông chuyển sang mùa thu. Cũng như vậy, chúng ta chưa bao giờ nghe nói về một tín đồ tu theo kinh Pháp hoa chuyển thành một người thường. Kinh dạy, “Nếu có những người thấm nhuần kinh, thì không một người nào rời bỏ con đường đi đến quả vị Phật”.
Đại sư Nichiren đã gửi thư này vào tháng 5-1075 cho một nữ Phật tử bổn đạo Myoichi để sách tấn người Phật tử này trong hoàn cảnh ngặt nghèo: hai vợ chồng bị đàn áp chính trị, bị tịch thu tài sản, sau này chồng qua đời, con bị bệnh, chị lại kém sức khỏe; thật là một mùa đông tệ hại trong cuộc đời chị.
Sư phụ Nichiren cũng có mùa đông cuộc đời gian nan vô cùng hiếm có: do những tư tưởng lập thuyết và tiên đoán chính trị xã hội bất lợi cho quyền lực cai trị, do bị nghi kỵ vì tiếng tăm quá lớn, ông đã bị ám sát, thảo am bị đốt cháy, bị kết án, xử trảm (nhưng may mắn không thành), bị lưu đày. Trong thư này, Đại sư Nichiren đã động viên Myoichi một cách từ bi, cố gắng khơi dậy trong chị tinh thần chiến đấu để vượt qua những nghi ngờ và sợ hãi. Đại sư bảo đảm chồng chị, người kiên trì tín ngưỡng cho đến cuối đời, chắc chắn đạt được quả vị Phật.
Mùa đông nhất định chuyển sang mùa xuân, chân lý đơn giản đó lại là bài học cho mỗi người. “Chìa khóa để chiến thắng trong cuộc sống của chúng ta nằm ở việc chúng ta phải vật lộn vất vả như thế nào khi ở trong mùa đông, chúng ta sử dụng thời gian đó một cách khôn ngoan như thế nào và chúng ta sống mỗi ngày có ý nghĩa như thế nào với niềm tin rằng mùa xuân nhất định sẽ đến. Chính cái lạnh giá của mùa đông đã kích thích sự phát triển của các chồi cây anh đào, khiến cây nở hoa hoàn hảo khi mùa xuân đến. Tương tự như vậy, hạt giống Phật tính được khơi dậy khi chúng ta đấu tranh chống lại nghịch cảnh, được trang bị bằng cách tu tập Phật giáo. Thông qua những nỗ lực gian khổ, chúng ta củng cố những lĩnh vực mà chúng ta yếu nhất, khám phá những phẩm chất và khả năng mà chúng ta không biết rằng chúng ta sở hữu, để cuộc đời của chúng ta nở hoa”. (Daisaku Ikeda, Chủ tịch Hội Phật giáo Soka Gakkai International – SGI)
Mùa đông nhất định chuyển sang mùa xuân; đông là nghiệp báo, là nỗ lực cải nghiệp; xuân là thọ nghiệp tốt, là tăng trưởng thiện nghiệp. Cả đất trời, vạn vật và con người thọ nhận mùa xuân hoan hỷ, cùng nhau chia sẻ và tạo duyên lành vì hạnh phúc của chúng sinh và tương lai bền vững của Trái đất.
1 Hòa thượng Thanh Từ dịch bài “Cáo tật thị chúng”
[ad_2]
Source link