[ad_1]
NSGN – Từ ái là ngọn đuốc sáng rực, không bao giờ tắt; đã có thể chiếu sáng, lại có thể tỏa nhiệt. Khi con người cho đi từ ái, nhân gian sẽ thêm sáng sủa, xã hội sẽ thêm ấm nồng.
Khắp nơi trên trái đất này đâu đâu cũng có dòng suối nước nóng, thỉnh thoảng còn có núi lửa bùng cháy, cho thấy trái đất này đang tàng trữ nhiều nhiệt năng. Có điều trên thế giới này, mọi người ai cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của người khác, nhưng lại không rộng lượng cho đi sự quan tâm và sự yêu thương của mình, bởi thế tạo nên sự lạnh nhạt quạnh hiu trong trái tim người trần gian. Chỉ có nhóm lên ngọn đuốc từ ái trong nội tâm của mỗi người, thì mới có khả năng chiếu sáng thế gian bằng ánh sáng của nó, sưởi ấm nhân gian bằng sức nóng của ánh mặt trời.
Từ (慈) là lòng trắc ẩn, là sự bi mẫn và quan tâm đối với người khổ nạn; ái (愛) là thương yêu, là tấm lòng nhân ái và thiện lành, là giúp đỡ và đồng cảm đối với tha nhân. Trong thế kỷ XX, thế giới thay đổi cực lớn, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật khiến người ta kinh ngạc, nhưng mà cuối thế kỷ, các thiên tai như địa chấn và lũ lụt không ngừng, các hoạt động khủng bố và chiến tranh dồn dập xảy ra, hầu như không ngày nào yên ổn. Giữa người với người, giữa các quốc gia dân tộc, giữa các tín ngưỡng khác nhau, đang đầy dẫy thù địch và thù hận. Chính ở chỗ này khiến cho loài người đã tạm biệt thế kỷ XX trong không khí thấp thỏm âu lo.
Bước sang thế kỷ XXI, chúng ta hy vọng có thể có một thế giới mới hòa bình, lý trí và công nghĩa, cùng xây dựng nên một tương lai ấm áp, vui vẻ, tươi sáng hơn. Để thực hiện chí nguyện to lớn có liên hệ tới vận mệnh của loài người, chúng ta nên cùng nhau thành tâm cầu nguyện, tay trong tay cùng nhau phấn đấu vươn lên; điều quan trọng hơn, mỗi một người đều cần bắt đầu từ tự thân: “Thà đốt sáng ngọn minh đăng trong nội tâm của chính mình, còn hơn cứ ngồi nguyền rủa sự tối tăm của thế giới bên ngoài”.
Khi lòng khiết tịnh quang minh, thì tâm hồn chính là ngọn đèn sáng tỏa; khi trong lòng có “tình” có “ái”, thì tâm hồn chính là bó đuốc ấm áp. Đã có ngọn đèn sáng tỏa và bó đuốc ấm áp, thì địa ngục nhân gian tối tăm cay nghiệt trong phút chốc có thể hóa thành thiên đường hạnh phúc ấm áp sáng trong.
Thiên đường ở chỗ nào? Nếu như trong tâm có từ ái, thì thiên đường chính ở trong tâm của chúng ta, ở ngay chỗ đứng của chúng ta, ở nơi mà chúng ta có thể với tới. Nếu như mọi người đều có thể thương yêu nhau chân thành, hai bên cùng vui vẻ, đồng cảm và giúp đỡ lẫn nhau, thì cuộc sống trần tục hiện thực này chính là thiên đường mỹ lệ.
Tình yêu là tình cảm sâu đậm thanh khiết nhất, tôn quý nhất, vĩ đại nhất trong tâm hồn loài người, nhưng khó tránh khỏi sự phân chia lớn nhỏ, sâu cạn, thân sơ. Bạn tình cũng như sự yêu thương vui vẻ bên nhau giữa những đôi vợ chồng, là khởi nguyên của sinh mệnh, là sự mở đầu của luân lý; tiến thêm một bước nữa của sự phát triển tình cảm ấy thì có hiếu giữa con cái với cha mẹ, tình như thủ túc giữa anh với em, và cả sự cùng chung chí hướng giữa những bạn bè với nhau. Những thứ này đều là tình yêu chân thành; chỉ có điều, những người mà bạn yêu thương không phải là những người bình thường không quen không biết mà chính là người thân và bạn bè thân thích của mình; ở phạm vi này, tư tình quá nặng, phạm vi yêu thương quá nhỏ, mặc dù đáng quý, nhưng vẫn không được xem là bậc vĩ nhân.
Tình yêu lớn lao cao quý chân chính tất không giới hạn nơi sự phân chia thân sơ, mà đối tượng đồng cảm quan tâm chính yếu là những người yếu thế trong xã hội, cho đến những người nghèo khó bơ vơ không nơi nương tựa, hoặc không có khả năng chăm sóc bản thân… Từ bi của Phật giáo, nhân ái của Nho giáo, hay bác ái của Cơ Đốc giáo, tất cả đều là tình thương yêu thanh khiết cao vời, tuyệt không dung chứa sự phân biệt thân sơ, cho đi nhưng không có mong cầu trả lại. Bởi vì có tình yêu, cho nên dù đang ở trong mùa đông giá rét vẫn khiến cho con người cảm thấy ngập tràn ấm áp.
Tình yêu là một bó đuốc; nó có khả năng chiếu sáng thế giới, cũng có khả năng rọi sáng cuộc đời của bạn. Nó sưởi ấm xã hội, đồng thời cũng sưởi ấm tâm hồn của bạn; nó có thể nâng cao nhân tính, mang đến ánh sáng thanh khiết cho chốn trần gian phàm tục này.
Trương Bồi Canh
(Nhã Tuệ dịch)
(Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ Tế Văn Hóa Chí Nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.50-52)
_____________
* Trương Bồi Canh (1925-2005) là nhà văn người Đài Loan. Tác phẩm của ông thấm nhuần văn hóa truyền thống Trung Quốc với các tư tưởng chủ đạo là Phật, Nho, Lão. Năm 1975, ông phát tâm quy y với Đại sư Tinh Vân. Trương Bồi Canh có nhiều tác phẩm viết về Phật giáo như: Hồi quy Phật-đà đích thời đại (Thời đại quy về với Đức Phật), Phật tung vạn lý kỷ du (Vạn dặm theo dấu Đức Phật)… Sau khi ông mất, Chen Qingli, Giáo sư Trung văn ĐHSP Bắc Kinh Trung Quốc đã viết một bài nghiên cứu về con người và sự nghiệp viết văn của ông, nhan đề: Tùng dung thể ngộ nhân sinh áo diệu: bình Đài Loan tác gia Trương Bồi Canh đích tản văn sáng tác, đăng trên Tạp chí Văn Học Hoa Văn, năm 2006.
[ad_2]