google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Bạn với trời xanh

Phật Giáo Ứng Dụng

[ad_1]

NSGN – Có những ngày lao đao, từ giảng đường đại học tôi gọi về cho ba tôi. Ba tôi nói: Bây giờ con đừng suy nghĩ gì cả, hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến mây trắng trời xanh. 

Ba tôi lúc đó đã ngoài sáu mươi tuổi, sức khỏe cũng không được tốt lắm. Vậy mà ông chạy xe máy một quãng đường 60km vào đến nơi tôi học để đưa cho tôi cuốn An lạc từng bước chân của Sư ông Nhất Hạnh. Đó là thời điểm Sư ông trở lại Việt Nam và sách của Sư ông được phép bán trong nước. An lạc từng bước chân là một cuốn sách tiêu biểu cho phương pháp thực tập hiện pháp lạc trú của Làng Mai.

Và hình ảnh trời xanh đã được tác giả đề cập ngay ở những trang đầu tiên: “Bầu trời xanh ở ngay trước mắt ta. Ta đâu cần phải đi đâu xa để thưởng thức trời xanh”. Có lẽ ba tôi nghĩ cuốn sách sẽ giúp tôi giải tỏa căng thẳng. Nhưng tôi lúc đó vẫn còn là một con ngựa hoang ham rong ruổi ngoài đồng nội với những hoa thơm cỏ lạ bộn bề, nào biết gì về chân hạnh phúc. Tôi không phải là ba tôi, một người luôn tìm thấy niềm vui trong những cuốn sách đạo lý. Cho nên hình như tôi đọc mà lòng vẫn dửng dưng. Thế mới biết, không phải cứ muốn giúp người khác là giúp được. Thảo nào có câu Phật không độ người vô duyên.

Phật hôm qua và Phật hôm nay 

Tôi không nhớ tuổi trẻ của tôi đã trôi qua như thế nào. Hình như tôi đã trải qua mối tình đầu ở tuổi mười lăm, tuổi mà nàng Kiều bán mình chuộc cha. Đức Phật với tôi lúc đó mơ hồ như một truyền thuyết, một huyền thoại hay một vị thần linh không thể nào với tới. Ba tôi đã từng là huynh trưởng của Gia đình Phật tử, nhưng dưới thời bao cấp, lương giáo viên của ba mẹ tôi không đủ nuôi bốn đứa con gái ăn học. Ba tôi đã phải làm nghề đánh cá bằng bình điện. Dù tuổi thơ của tôi thấm đẫm lời kể của cha về ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ và rằng chính ngài phải trả quả báo bị ngoại đạo đánh chết vì xưa kia làm nghề đánh cá. Vì nuôi con mà ba mẹ tôi đã cam lòng tạo bao ác nghiệp, như trong kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân đã nói.

Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân là quyển kinh Phật đầu tiên tôi được tiếp xúc. Đọc và quán chiếu những lời dạy trong bản kinh này, tôi nhận ra tình yêu thương của ba mẹ luôn đi cùng tôi suốt đời này và ngay cả sau khi tôi chết đi. Mỗi ngày ngẫm nghĩ như thế, một hôm tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân có nhiều bản dịch, nhưng tôi thích nhất là bản dịch dạng bốn chữ một câu mà tôi chưa được biết tên dịch giả. Bản dịch đó mở đầu như thế này: “Tôi nghe thế này, một thời Phật ở, trong một tịnh xá, vườn Cấp Cô Độc, cây của Kỳ Đà”… Chính mẹ tôi là người đã thỉnh kinh sách từ ngôi chùa làng về cho tôi. 

Tôi lớn lên như bao kẻ phàm tục khác và nỗi đau khổ đầu đời của tôi là bị mụn trứng cá. Tôi cảm thấy mình khiếm khuyết và ôm nỗi mặc cảm đó suốt tuổi thanh xuân. Lúc đó, giá như tôi biết được bài kệ Soi gương của Làng Mai thì có lẽ tôi đã không đau khổ như thế:

Chánh niệm là đài gương 

Gương soi hình tứ đại 

Đẹp nhất là tình thương 

Và cái nhìn rộng rãi.

Nàng Kiều lang bạt suốt mười lăm năm. Tôi không đẹp, không tài, cũng không có hiếu như nàng Kiều. Tôi chỉ giống nàng ở chỗ lang bạt kỳ hồ. Tôi lang bạt suốt ba mươi năm ở kiếp này mới gặp được Phật pháp. Còn những kiếp về trước thì tôi không được biết. Nhưng có lẽ tôi phải trải qua nỗi đau khổ triền miên vì mụn trứng cá suốt tuổi thanh xuân để rồi sau đó mới nhận ra được chân lý “Đẹp nhất là tình thương, Và cái nhìn rộng rãi”, nhan sắc bên ngoài là vô thường giả tạm và những ung nhọt bên trong một tâm hồn chật hẹp ích kỷ mới thật đáng buồn. Có lẽ tôi phải trầm luân suốt ba mươi năm để rồi mới nhận ra đạo Phật là bến đỗ cho cuộc đời mình. Không sớm cũng không muộn, đầy đủ nhân duyên thì biểu hiện mà thôi. 

Đức Phật mà tôi biết bây giờ khác với Đức Phật trong thời ấu thơ của tôi nhiều lắm. Và tôi biết theo thời gian, Đức Phật trong nhận thức tôi sẽ còn thay đổi nhiều nữa.  

Giỏi mà lại vô minh  

Từ nhỏ đến lớn, tôi chủ yếu làm bạn với sách vở mà ít khi đi ra với thiên nhiên. Thật kỳ lạ là thầy cô giáo và bạn bè đã từng luôn khen ngợi tôi học giỏi, nhưng nhìn lại quãng đời ấy của mình, tôi nhận thấy là tôi không biết gì cả về cuộc sống, một kẻ vô minh đáng thương. Quả thật, tấm bằng đại học đã không giúp tôi tránh khỏi căn bệnh trầm cảm. Sau này đọc cuốn Duy biểu học của Thầy Nhất Hạnh, tôi tự hỏi không biết đề tài thơ Ê-xê-nhin (Yesenin) mà tôi chọn cho luận văn tốt nghiệp của mình có đóng vai trò gì trong căn bệnh trầm cảm của tôi hay không. Ê-xê-nhin là một thiên tài thơ ca, người được gọi là nhà thơ Nga nhất trong các nhà thơ Nga. Thơ ông u buồn như cuộc đời của ông. Ông tự sát khi còn đang rất trẻ, đang đứng trên đỉnh cao danh vọng. Tôi đã cố gắng thâm nhập thế giới nội tâm u buồn của nhà thơ này và hoàn thành luận văn với số điểm khá cao. Có lẽ tôi đã tưới tẩm hạt giống u buồn tuyệt vọng khi tôi chọn nghiên cứu về Ê-xê-nhin.

Lẽ ra tôi chọn đề tài Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, một tác phẩm hồn nhiên dành cho tuổi thơ. Nhưng một anh bạn cùng lớp đã đề nghị tôi đổi đề tài để thuận tiện cho anh ta. Tôi đồng ý không chỉ vì “lòng tốt” mà có lẽ còn vì sự kiêu ngạo rằng tôi có thể hoàn thành tốt bất cứ đề tài nào. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi nghiên cứu đề tài Dế mèn phiêu lưu ký, có lẽ tôi sẽ có cơ hội đắm mình vào trong thế giới trẻ thơ, sẽ hoàn thành tốt đề tài đó và sẽ không bị bệnh trầm cảm nhấn chìm chăng? Tôi tự hỏi, nhưng rồi tự trả lời, căn bệnh trầm cảm có lẽ cũng là nhân duyên đưa tôi đến với đạo Phật.

Như sư Minh Niệm đã dạy: Nếu không có khổ đau Biết đâu là hạnh phúc Nhờ mộng mị hôm nào Ta tìm về tỉnh thức. Ai đó đã từng nói, chỉ có người từng bị trầm cảm mới có thể hiểu được nỗi đau khổ khủng khiếp của trầm cảm. Và người trầm cảm muốn tự sát vì họ nghĩ rằng cái chết sẽ giải thoát cho họ khỏi nỗi đau khổ ấy. Tất nhiên đó là một ý nghĩ vô minh. Người bình thường thì sợ chết, người trầm cảm thì sợ đau khổ. Nghĩ cho cùng hai loại người này cũng không khác nhau lắm, bản chất đều là sợ đau khổ.

Hạnh phúc là gì

Tôi cũng vậy, tôi không thích đau khổ và tôi muốn được hạnh phúc, như mọi chúng sanh khác. Vấn đề là làm thế nào để có hạnh phúc.

Sau khi đã xuất gia rồi, tôi vẫn còn lao đao. Trước đây tôi cứ nghĩ thế giới của người tu là thế giới của thiên đường, bước vào đó là tạm biệt nỗi buồn và chỉ hưởng thụ sự sung sướng thôi. Quả thật là một ý nghĩ ngây thơ. Khoác áo người tu, tôi vẫn cứ đau khổ như bất cứ chúng sanh nào, thậm chí còn đau khổ mãnh liệt hơn khi một bên là khát vọng chứng đắc, một bên là sự thật những phiền não có vẻ như tăng lên.

Trong những ngày phiền não ấy, tôi mơ màng ngắm trời xanh. Trời xanh trong mắt tôi lúc ấy đẹp tuyệt. Nhưng như cụ Nguyễn Du nói, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Trong tâm trạng cô đơn, khoảng trời xanh diệu vợi mênh mông kia càng làm tăng thêm cảm giác cô đơn lạc lõng của tôi. Tôi tâm sự với Thầy tôi rằng: “Bạch Thầy, con cảm thấy cô đơn và chỉ còn biết làm bạn với trời xanh mà cũng không hết cô đơn.” Thầy tôi dạy: “Có một khoảng trời xanh biếc mênh mông làm bạn rồi thì còn cô đơn gì nữa con”.

Lời dạy của Thầy làm tôi bừng tỉnh. Phải rồi, đã có bầu trời làm bạn rồi thì còn cô đơn gì nữa. Trời xanh là bạn của tôi, một người bạn rất đẹp và rất lành, rất rộng lượng. Cũng từ đó tôi không còn cảm giác cô đơn lạc lõng khi nhìn trời. Ngược lại, mỗi khi nhìn trời tôi cảm thấy hạnh phúc. Bầu trời với tôi đã trở thành sự sống mầu nhiệm. Tôi nghĩ rằng chỉ sau khi được thầy chỉ dạy, tôi mới biết cách nhìn trời. Bạn của ta là trời xanh. Ta là trời xanh. Chỉ còn trời xanh. Và không chỉ có trời xanh là bạn của ta, mà những áng mây trắng kia, vầng trăng tròn hiền dịu kia, ngôi sao hôm lung linh kia, những đóa hoa tươi thắm kia… Tất cả, tất cả đều là bạn của ta. Ta cũng mầu nhiệm như tất cả thiên nhiên tươi đẹp ấy. Sao còn phải mặc cảm, sao còn phải cô đơn. Mọi loài là bạn của ta, kể cả con người là thế giới mà có lúc ta ngỡ không thể nào tới với họ được. Không còn khoảng cách. Ta chan hòa với thế giới.

Ngắm trời thay cho những người trầm cảm

Tôi hỏi một người bạn đồng tu, chị có biết vì sao người ta thích nhìn trời không. Bạn tôi bảo, vì nó rộng, nó nhẹ nhàng, nó đẹp. Tôi thì lại nghĩ, ngoài chuyện đẹp ra, thì có thể còn vì bầu trời ở trên cao. Người ta luôn muốn vươn tới đỉnh cao. Bất cứ là đỉnh cao gì. Tôi vẫn tin rằng bản chất con người là thích hướng thượng. Tôi lại nghĩ đến những người trầm cảm. Đến chính mình trong những ngày trầm cảm. Lúc ấy cuộc đời không có niềm vui nào nữa hết, không còn ý nghĩa.

Những người trầm cảm rất khó giúp, bạn ạ. Tiếp xúc với họ là tiếp xúc với cả một kho tàng đau khổ. Ngay cả sư Minh Niệm là người có kinh nghiệm tâm linh mà cũng cho biết rằng giúp bệnh nhân trầm cảm là một việc làm cay đắng, vì những người bệnh chỉ biết trách móc. Tôi nghĩ người duy nhất không sợ bệnh nhân trầm cảm đó là Đức Phật. Đức Phật đã làm tỉnh cơn điên của nàng Patacara. Như tôi bây giờ, tôi cũng chưa đủ khả năng để giúp những người trầm cảm. Nhưng tôi có thể hiểu được họ. Điều duy nhất tôi có thể làm cho những người trầm cảm là hiểu những gì họ phải chịu đựng và không xa lánh họ.

Tôi cũng không trách những người đã xa lánh tôi, những người đã khiến tôi có cảm giác bị cô lập. Không ai muốn gần một người chỉ biết than thở và vung vãi những hạt giống khổ đau cho người khác. Chính người thân của tôi cũng đã sợ tôi trong giai đoạn bệnh của tôi kịch phát. Chính những cảm xúc tôi đã trải qua giúp tôi phát sinh lòng bi mẫn với những bệnh nhân trầm cảm. Không một ai muốn ở bên họ cả, thậm chí cả gia đình của họ.

Với những bệnh nhân trầm cảm, nói với họ rằng trời xanh kia rất đẹp là một điều vô nghĩa, và không thể nào bảo họ ngắm trời để cảm thấy hạnh phúc. Tôi nghĩ mình phải ngắm trời và hạnh phúc thay cho những người trầm cảm, họ đánh mất khả năng sống hạnh phúc và đó là bi kịch của họ. Trầm cảm theo Phật học thì chỉ là một trong số các tâm sở, tên của nó là tâm phiền muộn. (Theo cuốn “Chết, vào thân trung ấm và tái sinh theo Phật giáo Tây Tạng”).

Bệnh nhân trầm cảm và đời sống tâm linh

Bệnh trầm cảm vấp phải những kỳ thị từ xã hội là một sự thật. Đó là những gì tôi đã trải qua. Họ nói rằng tôi phải tự giúp chính mình chứ đó là một căn bệnh không ai giúp được. Tôi không nghĩ vậy. Theo kinh nghiệm của tôi, bệnh nhân trầm cảm cần tới hai người thầy. Một là thầy thuốc, còn người thầy kia là vị thầy tâm linh. Điều quan trọng là bệnh nhân đó phải biết nghe lời. Trầm cảm không đơn giản là một bệnh tâm lý. Bản thân tôi bị trầm cảm từ nguyên nhân là hệ thần kinh bị tổn hại. Tôi phải dùng thuốc để hạn chế những biểu hiện của bệnh. Tuy nhiên trong thời gian đó tôi thực tập theo pháp hành của các sư cô Làng Mai hướng dẫn, nhờ đó tôi đã có thể giảm bớt số thuốc phải uống, và bác sĩ điều trị cho tôi tỏ ra ngạc nhiên khi tôi chỉ uống một chút thuốc mà vẫn ngủ được. Có lẽ tôi là một bệnh nhân đặc biệt của ông.

Và điều may mắn của tôi là tôi được chấp nhận cho xuất gia. Tôi nghĩ mình may mắn hơn những bệnh nhân khác đang trải qua những cuộc điều trị vô vọng ở bệnh viện, sống vật vờ ở gia đình, hoặc âm thầm tìm đến cái chết. Trong những ngày đen tối nhất (theo tâm trạng của tôi thôi, chứ còn khách quan thì lúc đó tôi vừa tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm ở một tòa soạn báo, gia đình đang rất kỳ vọng ở tôi), thì tôi lại nghĩ đến chùa như một nơi có thể giúp tâm hồn tôi yên tĩnh. Có lẽ đó là lúc nhân duyên giữa tôi và đạo Phật đã chín muồi. Không ai hiểu vì sao tôi bỏ dở một sự nghiệp hứa hẹn để đi vào nơi tịch mịch. Tôi không có vấn đề gì với xã hội, chỉ là cảm thấy cần sự yên tĩnh trong tâm hồn, có lẽ sau hai mươi mấy năm tâm hồn của tôi đã loạn động đủ để bây giờ nó cần sự nghỉ ngơi. Thật không thể hiểu trước đó tôi chưa từng được gặp một vị tu hành nào, cũng chưa từng bước chân vào chùa, vậy mà lúc đó tôi quả quyết chỉ có ở chùa tôi mới có thể tĩnh tâm.

Lúc còn ở trên giảng đường đại học, tôi nghe một giảng viên ta thán về đạo Phật. Vị này bất mãn về việc đạo Phật được gọi là từ bi mà lại không cho phép một số hạng người được xuất gia như là thiếu căn, như là bệnh tâm thần… Có lẽ vị này cũng có nghiên cứu về giới luật của nhà Phật. Ngược lại, vị thầy này lại ca ngợi tinh thần phục vụ tận tuỵ của các ma-xơ đối với những đối tượng như bệnh nhân cùi. Điều làm tôi không thích là thầy tỏ ra sùng bái nền văn minh vật chất của phương Tây một cách cực đoan. Lúc đó tôi không am hiểu gì về đạo Phật ngoài những lý thuyết khô khan được truyền đạt trên lớp, nên dù không thích nhưng tôi cũng không có ý kiến gì trước quan điểm của thầy. Nhưng bây giờ khi đã trở thành một tu sĩ, tôi tự thân cảm nhận được lòng từ bi vô hạn của các đấng bề trên đã chấp nhận ý nguyện xuất gia của tôi, một bệnh nhân trầm cảm, vì lòng từ bi đó mà bệnh của tôi đã dần hồi phục.

Quan điểm của y học là bệnh trầm cảm không thể chữa khỏi. Nhưng tôi thấy Phật pháp đã chữa lành cho tôi, không chỉ thế, tôi tin rằng chỉ cần tiếp tục tu học đúng Chánh pháp, tôi sẽ trở thành một bậc giác ngộ có khả năng cứu độ cõi đời này. Bạn có thể không tin, nhưng tôi tin, như vậy là đủ.

Bắt đầu từ một nụ cười

Nỗi buồn của tôi bắt đầu từ bệnh mụn trứng cá, từ mối tình đầu vô vọng và từ những thất bại khác trong cuộc sống, nên từ năm mười lăm tuổi tôi đã khoác lên mình bộ mặt u buồn mà nhìn vào người ta nói là thất tình. Nếu nói rằng thương một người mà không được đáp lại là thất tình, thì tôi tự cho mình là một kẻ thất tình may mắn. Nếu không tôi đã thành một phụ nữ tầm thường suốt đời quanh quẩn với chồng con, không có cơ duyên học và hành Phật pháp. Tôi đã trải qua một thời gian dài phiền muộn, một nỗi u buồn vô nghĩa lý kéo dài từ đó cho đến năm ba mươi tuổi, bằng khoảng thời gian trầm luân của nàng Kiều. Trong thời gian đó bệnh trầm cảm đến như là đỉnh điểm của bi thương. Tôi hiểu rằng tôi cần chừng đó thời gian để khôi phục lại trạng thái bình thường của mình, trở lại như một người bình thường mà không phải là một kẻ nghiện u buồn. Còn giác ngộ lại là một việc cần nhiều thời gian hơn nữa, xa hơn nhiều lắm, khó hơn nhiều lắm. Nhưng tôi biết tất cả những gì tôi phải làm trong hiện tại là mỉm cười. Làm ngược lại những gì tôi đã làm mười mấy năm trước. Tôi nhớ tôi bắt đầu biết mỉm cười từ khi đọc sách của thầy Nhất Hạnh.

Thời gian đầu tôi gặp rất nhiều bối rối trước phản ứng của người khác. Có khi tôi được hỏi, vì sao tôi cười một mình. Có khi tôi được hỏi, vì sao tôi nhìn người khác mà cười. Có gì đâu, tôi chỉ đang tập yoga cho cái miệng của tôi thôi mà. Sau này tôi tự nhủ, tôi không cần quan tâm suy nghĩ nhiều đến phản ứng của người khác, tôi chỉ nên lo chuyện của mình. Tôi không cần phải mong chờ người ta tán thưởng nụ cười của tôi như là Sư ông Nhất Hạnh đã viết trong cuốn An lạc từng bước chân.

Tạm biệt nền văn nghệ đứt ruột

Tôi nhớ hồi nhỏ, mỗi lần tôi nghe hoặc là hát những bài hát buồn thương, ba tôi quở liền rằng: “Các con phải nghe và hát những bài gì mà khiến tinh thần phấn chấn, chứ còn những bài đó làm cho chân tay mình bủn rủn, hết muốn làm việc các con à”. Nghĩ lại, chính ba tôi là người đầu tiên, và Sư ông Nhất Hạnh là người thứ hai đã dạy cho tôi thế nào là văn nghệ chân chính. Đó là nền văn nghệ tưới tẩm hạt giống lành mạnh, an lạc cho chúng ta mà không phải là cào cấu những niềm đau nỗi khổ của mình rồi vung vãi ra cho độc giả lãnh đủ.

Vậy mà thời gian ở trên nhà trường tôi được dạy rằng nỗi buồn là chất liệu, là cảm hứng của thi ca. Thi ca hay thì phải khơi gợi nỗi buồn. Vì tin tưởng vào điều đó nên tôi càng có cơ hội đắm đuối trong buồn thương đến thành nghiện đau khổ. Tôi đã đọc và sáng tác những tác phẩm buồn rầu; nghe những bài hát bi ai. Cứ ngỡ làm vậy là đúng, là dẫn mình đến cứu cánh hạnh phúc. Thật như người muốn đi ra Bắc mà lại lên tàu vào Nam. Tôi đã tưới tẩm hạt giống trầm cảm cho mình mà nào hay biết.

Hỡi những nhà làm văn nghệ và những người thưởng thức, xin hãy cẩn thận với những gì mình sáng tác và những gì mình tiếp nhận. Xin hãy tưới tẩm cho mình và cho người những gì nuôi dưỡng, lành mạnh, an lạc, những năng lượng giúp chúng ta đi tới. Có một người bạn học khác trường đại học với tôi đã từng nói với tôi một câu rất đau cho bản thân tôi và cho ngành văn chương: “Dân văn các bạn chỉ giỏi truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ, tiểu thuyết rặt những cảnh xác thịt”.

Trong khi đó, những tác phẩm tưới tẩm hạt giống tốt cho chúng ta, điển hình như những cuốn sách của thầy Nhất Hạnh, thì người đời lại ngại đọc. Lý do là vì họ sợ khi nghe nhắc đến chuyện tu hành. Xây dựng một nền văn nghệ lành mạnh là trách nhiệm của cả người sáng tác và người thưởng thức, trong đó, một nền văn nghệ tình sầu, kích động, đứt ruột là điều không đáng có và không hợp với đạo đức lẫn sự phát triển đi lên của nhân loại.

Cho phép mình hạnh phúc

Trưa nay nhiều mây quá. Những cụm mây trắng như bông lần lượt xuất hiện rồi biến mất qua vùng trời xanh mênh mông quen thuộc mà tôi được ngắm. Tôi không ngủ trưa, chọn cho mình một gốc cây có bóng mát và lặng lẽ ngắm trời xanh sau vài phút tĩnh tọa, thở và cười. Tôi nhận thấy mình đã bắt đầu có thói quen hạnh phúc mỗi khi nhìn trời. Tôi cũng biết vùng trời kia, đám mây trắng kia là các pháp hữu vi, bản chất của nó là vô thường, vô ngã…

Tôi cũng nhớ Phật dạy người tu phải hộ trì sáu căn. Nhưng tôi biết phải có lý do nào đó để Sư ông Làng Mai luôn nhắc đến trời xanh mây trắng như là một hiện hữu nhiệm mầu nuôi dưỡng hạnh phúc:

Mắt thấy được trời xanh

Tai nghe tiếng chim hót.

(Bài tụng hạnh phúc)

Hay là: Chim hót thông reo hoa nở,

Trời xanh mây trắng là đây. 

(Châu ngọc Pháp hoa)

Một vị đại sư cũng đã dạy hãy nên nhìn những hình ảnh đẹp đẽ mà chớ nhìn những hình ảnh xấu xa bại hoại…

Bất giác tôi tự hỏi không biết nếu tôi chết khi trong tâm đang nghĩ đến trời xanh thì tôi sẽ sinh về đâu. Rồi tôi tự trả lời bằng câu nói của Sư ông Nhất Hạnh: “Khi có hạnh phúc thì về đâu cũng được”. Không cần phải băn khoăn thêm. Nếu ngắm trời đem lại cho tôi hạnh phúc thì sao tôi không cho phép mình hưởng niềm hạnh phúc đó? Khi nhìn cái gì, ta là cái đó. Khi ngắm trời xanh, tôi cũng mênh mông như trời xanh. Thênh thang như trời xanh.

Trời có nói gì đâu

Tôi viết một bài về trời xanh mây trắng và gửi cho thầy tôi xin góp ý. Thầy đọc rồi dạy tôi: “Con ngắm trời thêm hai mươi năm nữa thì viết sẽ hay.

Viết về trời xanh mây trắng mà con toàn nói chuyện sách vở và giáo lý nên bài viết bị khô. Sư ông Làng Mai viết bằng kinh nghiệm thực chứng nên văn của Thầy ngọt ngào và nhẹ nhàng”. Nhưng tôi không buồn. Tôi chỉ vừa thoát khỏi đoạn trường mười lăm năm cách đây không lâu mà. Tôi biết điều tôi nên làm là tiếp tục làm bạn với trời xanh. Để lại thấy hạnh phúc khi ngắm trời. Biết rằng mình còn đôi mắt sáng. Biết mình đang sống, và đang có tự do. Biết rằng mình không cô đơn, rằng không chỉ trời xanh mà tất cả mọi loài là bạn của mình.

Giữa buổi trưa yên tĩnh, đâu đây vang lên tiếng chim hót véo von. Tôi cũng tập mỉm cười khi nghe tiếng chim hót. Tu là tập. Mình đã tập để đau buồn được thì nay mình cũng sẽ tập để cho mình hạnh phúc được. Xen lẫn vào khá gần là tiếng hát của một dàn karaoke, tiếng xe cẩu làm việc. May quá, ngẩng lên tôi vẫn tìm gặp được người bạn im lặng muôn đời, như Khổng Tử nói: Thiên hà ngôn tai? (Trời có nói gì đâu). Trời có nói gì đâu, miễn lòng ta không bộn bề thế sự thì một mảnh trời xanh vẫn hằng có mặt cho ta, thiên nhiên bốn mùa vẫn hằng có mặt cho ta: 

Mùa xuân, trăm hoa đua nở 

Mùa thu, trăng vằng vặc 

Mùa hạ, cơn gió mát 

Mùa đông, tuyết sẽ rơi 

Nếu điều vô dụng không vướng mắc tâm ngươi 

Bất cứ lý do gì cũng đều tốt cả.

(Vô môn quan) 

Hạnh phúc và may mắn quá, trời xanh là bạn của ta. 

Anh Nhi



[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest