google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Suy nghĩ về tiếp biến văn hóa Phật giáo thời Lý-Trần

Văn Hóa

[ad_1]

NSGN – Tiếp biến văn hóa là một vấn đề thú vị trong các nền văn hóa thể hiện sự tương tác với một hoặc nhiều nền văn hóa khác dẫn đến biến đổi mô thức văn hóa của chính mình (văn hóa đích) cũng như là nền văn hóa nguồn1 trong quá trình tương tác, tiếp xúc lâu dài.

Bài viết này, chúng tôi tìm hiểu tiếp biến văn hóa giữa Phật giáo (phần nào đó đại diện cho văn hóa Ấn Độ) và Việt Nam. Đề cập đến những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan làm cho Phật giáo phát triển mạnh và thậm chí được xem là “nơi bảo vệ ý thức dân tộc, chống sự đồng hóa về văn hóa” như Phan Ngọc đã phát biểu trong công trình Bản sắc văn hóa Việt Nam. Tìm hiểu về Phật giáo Thiền phát triển mạnh trong thời kỳ Bắc thuộc, thậm chí đến các thế kỷ X – XIV được xem như dòng tư tưởng chủ lưu (dưới thời Lý – Trần).

Một vài quan điểm về tiếp biến văn hóa

Có nhiều quan điểm học thuật về tiếp biến văn hóa, chúng tôi lựa chọn một số quan điểm của các nhà nghiên cứu văn hóa tiêu biểu (mà chúng tôi tiếp cận được) đề cập đến vấn đề này để làm cơ sở trình bày tiếp biến văn hóa Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ độc lập, tự chủ Lý – Trần.

Năm 1935, ba nhà khoa học Mỹ là R.Linton, R.Redfield, và M.J.Herskovit đã tham gia vào quá trình nghiên cứu và một năm sau (1936) họ đưa ra định nghĩa tiếp biến văn hóa: “Tiếp biến văn hóa được hiểu là các hiện tượng khi các nhóm cá nhân thuộc các nền văn hóa khác nhau tiếp xúc liên tục với nhau với kết quả là sự thay đổi mô thức văn hóa ban đầu của một hoặc cả hai nhóm” [Nguyễn Văn Hiệu 2017: Bài giảng Nghiên cứu văn hóa Việt Nam từ góc nhìn xuyên văn hóa, lớp Nghiên cứu sinh Văn hóa học, K10/2017]2.

Nhà nghiên cứu văn hóa nhân loại A.L. Kroeber (1876 – 1960) cho rằng “Tiếp biến văn hóa bao gồm những biến đổi sản sinh ra trong một nền văn hóa do ảnh hưởng của một nền văn hóa khác, kết quả dẫn đến là sự tương đồng của hai nền văn hóa đó gia tăng. Ảnh hưởng có thể là tương hỗ hoặc là lấn át một chiều. Sự đồng hóa đem lại có thể tiến hành cho đến khi một nền văn hóa bị triệt tiêu bởi sự hấp thụ nền văn hóa kia, hoặc những nhân tố khác có thể can thiệp để làm cân bằng sự đồng hóa và giữ cho hai nền văn hóa đó tồn tại riêng biệt. Thường thì quá trình tiếp biến đó có xu hướng thực hiện dần dần từng bước mà không đột ngột, trong khoảng thời gian dài của lịch sử”3.

The Columbia Encyclopedia: “Tiếp biến văn hóa là sự biến đổi do kết quả của sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau qua thời gian. Tiếp xúc có thể đem lại những hệ quả rõ rệt, như việc một nền văn hóa này vay mượn một số nét từ một nền văn hóa khác, hoặc là sự dung hợp tương đối của các nền văn hóa riêng rẽ”4.

Theo các tác giả công trình Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam (2016), hình thức tiếp biến văn hóa thường gặp nhất là sự hỗn dung văn hóa, lai tạo văn hóa (cultural syncretism, hybridization) ở cung bậc trung gian, giữa hình thức đề kháng văn hóa và đồng hóa văn hóa. Ở đây, không có độ chênh lịch sử, hiệu thế văn hóa quá lớn, do vậy không xảy ra hiện tượng thâu hóa hoặc phản đối cực đoan trong quá trình tiếp biến văn hóa. Đối tượng hỗn dung tồn tại như một lò luyện hợp văn hóa (melting pot), lúc đầu pha trộn nhiều yếu tố văn hóa khác biệt nhau như tiến hành một thao tác hỗn hợp. Sau dần, đối tượng hỗn dung đã bản địa hóa những nhân tố ngoại sinh, tiến tới một kiểu phản ứng hóa học, tạo ra một hợp chất mới, mang nhiều sắc thái và nguồn gốc, nhưng vẫn là thành phẩm của riêng mình. Điều kiện để quá trình hỗn dung văn hóa được thành công, là đối tượng phải có một bản sắc, bản lĩnh văn hóa mạnh nhưng vẫn đậm chất khoan dung [Nguyễn Văn Kim 2016: 56].

Một số quan điểm về tiếp biến văn hóa nêu trên giúp chúng ta hiểu thêm về sự chọn lựa văn hóa của người Việt thời kỳ độc lập, tự chủ Lý – Trần. Nếu không có tiếp biến văn hóa với Trung Hoa và Ấn Độ, ắt hẳn văn hóa Việt Nam thời Lý – Trần đã có diện mạo khác và có lẽ văn hóa Việt Nam ngày nay cũng khác đi.

Tiếp biến tư tưởng Phật giáo vào văn hóa Việt Nam

Trong thời kỳ đạo Phật mới du nhập vào Việt Nam, tức là vào thời kỳ đầu Tây lịch, đạo lý vô thường của Phật giáo có tác dụng tích cực là gây được trong các từng lớp nhân dân đông đảo niềm tin thời kỳ đô hộ không thể nào kéo dài mãi, người Việt sẽ có ngày được giải phóng và sống độc lập, tự do. Có thể là các Thiền sư Việt Nam thời bấy giờ, trong các buổi thuyết pháp và giảng dạy đã biết nhen nhúm trong dân chúng niềm tin và tư tưởng lạc quan đó. Hơn nữa, đạo Phật với tư cách là một hệ tư tưởng không phải là tư tưởng từ Trung Hoa sang, mà là từ Ấn Độ truyền vào ngang qua thương nhân và Tăng sĩ Ấn Độ bằng con đường hòa bình nên được nhân dân Việt Nam chấp nhận và hoan nghênh. Đó cũng là “phương thuốc tốt đối trị bệnh tư tưởng đại Hán, du nhập vào nước ta cùng với quân đội xâm lược và Khổng giáo” [Minh Chi 2003: 10]. Ngay khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã tỏ ra là một hệ tư tưởng thích hợp với người Việt thời bấy giờ. Dù bất cứ du nhập vào nước nào, nhất là sau khi trải qua một thời kỳ lâu dài, đều bản địa hóa, nghĩa là mang ít nhiều sắc thái của nền văn hóa của nhân dân nước ấy, chịu ảnh hưởng ít hay nhiều của hoàn cảnh địa lý – lịch sử nước ấy. Người Việt đã bản địa hóa Phật giáo theo cách của người Việt, nếu theo cách diễn đạt của Phan Ngọc thì đạo Phật cũng bị “khúc xạ” qua tâm thức của nhân dân Việt Nam, nhưng đó là một sự chấp nhận cởi mở của người Việt đối với đạo Phật. Mỗi dân tộc đều làm công việc bản địa hóa theo phong cách riêng của mình để rồi văn hóa của chính họ lại mang một diện mạo mới. Không thể có một mô hình chung cho tất cả các nước được. Nhưng dù bản địa hóa thế nào đi chăng nữa thì Phật giáo dù là ở Việt Nam hay Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia v.v… đều có những nét chung nhất để Phật giáo vẫn là Phật giáo.

Phan Ngọc trong công trình Bản sắc văn hóa Việt Nam có những nhận xét về mối liên hệ giữa Phật giáo với sự hình thành và thống nhất của các quốc gia Đông Nam Á trước đây: “Ở Đông Nam Á tôn giáo đảm nhiệm vai trò này (ý thức hệ – VVT) và ở Đông Nam Á lục địa, đó là Phật giáo. Tình hình Việt Nam cũng thế. Do đó, dưới thời Bắc thuộc, chính Phật giáo là nền tảng của thống nhất dân tộc, và những ông vua mở đầu cho sự thống nhất dân tộc ở Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia cũng đồng thời là người đầu tiên lấy một hình thức nào đó của Phật giáo làm thành quốc giáo. Trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại tộc thống trị, chính sự chấp nhận Phật giáo là sự phản ứng lại chế độ cai trị của ngoại tộc để chuẩn bị cho sự lật đổ chế độ thống trị” [Phan Ngọc 2002: 39].

Luy Lâu trở thành trung tâm Phật giáo còn trước cả Trung Quốc là vì người Việt tiếp thu đạo Phật là đạo của hòa bình. Thiền uyển tập anh có dẫn lời của Thiền sư Trí Không (Quốc sư Thông Biện) khi đàm đạo với Thái hậu Linh Nhân đã dẫn lại lời của Đàm Thiên trả lời Tùy Văn Đế rằng: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Phật giáo vào Trung Quốc chưa phổ cập đến Giang Đông mà xứ ấy đã xây ở Liên Lâu hơn 20 bảo tháp, độ được hơn 500 vị Tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi. Thế là xứ ấy theo đạo Phật trước ta. Bấy giờ các vị sư Ma-ha-kỳ-vực, Khương Tăng Hội, Chi-cương-lương, Mâu Bác đến ở đó truyền đạo” [Viện Triết học 1991: 32]. Đó chỉ là sự thuận tiện về mặt không gian địa lý đơn thuần. Còn lý do chủ yếu là đạo Phật đầu tiên đã truyền bá vào Việt Nam thông qua con đường hòa bình tức là các nhà buôn và các nhà sư đến từ Ấn Độ, cho nên nó không gặp phải trở lực nào của nền văn hóa bản địa. Ngược lại, nó còn kết hợp với nền văn hóa bản địa lúc bấy giờ đang bị tư tưởng đại Hán chèn ép, đồng hóa. Phật giáo trở thành tư tưởng đối trọng chống lại tư tưởng Nho giáo phương Bắc. Lực đối trọng này về sau ngày càng phát huy tác dụng, rồi ngay khi đất nước vừa giành được độc lập, đạo Phật có vị trí quan trọng trong các triều đại như Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần. Những nhà sư đức độ được các ông vua thời Lý phong là quốc sư như Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu.

Nói tóm lại, đạo Phật có những nét chung, đồng cảm với người Việt bấy giờ. Nét chung đó chính là tính vị tha, vô ngã, tính nhân bản của một hệ tư tưởng bất bạo động (non-violence). Phật giáo thông cảm, củng cố và cổ võ cho tinh thần đấu tranh giành độc lập, thoát khổ của nhân dân Việt Nam. Đạo lý về sự khổ của Phật giáo lúc ấy phù hợp với hoàn cảnh bị áp bức của dân tộc Việt Nam. Phật giáo, tiêu biểu là Thiền tông đã được truyền bá rộng rãi vào Việt Nam với một số tông phái khác. Tuy rằng sau này người Việt thời Lý – Trần đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo và lòng vị tha, vô ngã, nhưng cách chọn lựa trước sự thử thách sống còn: độc lập hay nô lệ, làm chủ đất nước hay bị chà đạp theo cách nói của người Việt đã tổng kết từ lâu đời “nước mất thì nhà tan” thì sự chọn lựa bạo lực để đập tan âm mưu xâm lược của kẻ thù là một sự chọn lựa sáng suốt. Kẻ thù đến, người Phật tử không thể ngồi gõ mõ tụng kinh để cầu viện Phật hay Bồ-tát đến đuổi chúng đi được. Nếu làm vậy chẳng khác nào vọng tưởng để rồi cuối cùng phải chuốc lấy tai vạ bị đô hộ, để lại sự ô nhục ngàn đời trong sử sách. Nói như câu nói thời danh của Hồ Chí Minh là “Nhân dân Việt Nam lăn vào cái chết để tìm cái sống”. Cái tinh hoa của sự kết hợp giữa dân tộc và Phật giáo là ở chỗ đó. Dưới thời Lý, Trần, Phật giáo ở đây chủ yếu là Phật giáo Thiền, Phật giáo biện tâm theo cách nói của các vị vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông.

Lời sau đây của nhà nghiên cứu Phan Ngọc càng chứng tỏ vai trò của Phật giáo dưới thời Bắc thuộc với việc bảo tồn ý thức hệ, chống đồng hóa của phương Bắc: Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Tổ quốc luận. Dưới thời Bắc thuộc nó là nơi bảo vệ ý thức dân tộc, chống sự đồng hóa về văn hóa” [Phan Ngọc 2002: 49]. Phật giáo vào Việt Nam, trở thành một bộ phận của dân tộc Việt Nam, theo cách diễn đạt của học giả Minh Chi thì “Phật giáo hòa vào dân tộc Việt Nam như nước với sữa đến nỗi không phân biệt được đâu là nước và đâu là sữa nữa”5. Cho nên, Phật giáo Việt Nam dưới góc độ nào đó cũng phục vụ cho dân tộc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam là “Phật giáo Tổ quốc luận” [Phan Ngọc 2002: 49]. Thi sĩ cận đại Việt Nam Hồ Dzếnh viết: “Trang sử Phật/ Đồng thời trang sử Việt/ Trải bao độ hưng suy/ Tuy có nguy mà chẳng mất”. Hay như câu thơ mộc mạc của sư Huyền Không: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Có thể nói rằng, Phật giáo thời Lý – Trần đã vũ trang cho dân tộc Việt một lòng tự tin, tự cường vô hạn. “Tự thấy mình có đầy đủ khả năng để thành Phật, không cần lên núi, lánh đời mà tìm Phật, mà cần nhìn thẳng vào mình, nhìn thẳng vào nội tâm mình”6. Ở góc độ nào đó, Khổng giáo cũng không giúp ích gì cho chính người Trung Hoa trong các họa xâm lăng của người mà họ gọi là “man di mọi rợ” huống hồ chi là người Việt, khi nó được truyền bá một cách có chủ ý, có lợi cho họ. Ông cha ta ý thức rõ được điều này cho nên trong thời kỳ tranh đấu giành độc lập, không hy vọng gì vào hệ tư tưởng Nho giáo Trung Hoa. Hệ tư tưởng có thể đối trị lại nó (hệ tư tưởng Nho giáo) chính là Phật giáo. Phật giáo không xem Trung Hoa là trung tâm của trời đất cho nên đã an ủi được lòng tự ti, mặc cảm của nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Hơn nữa, đạo Phật còn vũ trang cho nhân dân ta một hệ tư tưởng mới khả dĩ đối trị được tư tưởng đại Hán. Chính các cụ túc nho Việt Nam cũng phản đối Nho giáo kịch liệt. Lời sau đây của cụ Phan Chu Trinh thể hiện rõ quyết tâm đó “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc”, nghĩa là không phế bỏ chữ Hán thì không đủ sức để cứu nước Nam.

Phật giáo Thiền thời Lý, Trần cho thấy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam của nó. Nhân dân đoàn kết xung quanh ai? Hạt nhân đoàn kết đó là vua chúa và quan lại để có thể giáng trả những đòn chí tử vào quân thù. Ở Việt Nam, theo các cụ túc nho như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu thì “chẳng khi nào Phật giáo gây ra sự hèn yếu cả”.

Thap-Phat-hoang-Tran-Nhan-Tong.jpg
  • Facebook
  • Twitter
  • Pinterest
  • Blogger
  • reddit
  • Tumblr

Tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông – chùa Hoa Yên (Yên Tử)

Phật giáo Thiền biện tâm – một sự chọn lựa và vận dụng sáng suốt của người Việt thời Lý – Trần

Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần đồng thời cũng là vị Phật tử thuần thành, có kiến thức uyên bác về nội điển (Phật học) và ngoại điển đi theo Phật giáo và xem Phật giáo là không có chấp tướng. Trong Khóa hư lục, bài Phổ khuyết phát Bồ-đề tâm, nhà vua nói rằng: “Không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, Tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm. Vốn không phân biệt nam nữ, sao lại còn chấp tướng…” [Nhiều tác giả 2003: 235].

Những đại diện xuất sắc của thời Lý – Trần đó là các ông vua Phật tử, Thiền sư như Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ và nhiều Thiền sư khác. Phật giáo Thiền thời Lý – Trần là kết tinh của các thành tố nội sinh của dân tộc Việt, đó là ý thức phản kháng nạn xâm lăng thường trực của người phương Bắc và triết lý Thiền tông. Các ngài đã có những lựa chọn sáng suốt để đánh bại kẻ thù.

Học giả Minh Chi cho rằng cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông thành công rực rỡ của dân tộc Việt theo ngoài những yếu tố góp phần cho thắng lợi chung trong cuộc kháng chiến Nguyên – Mông đã được nói nhiều như yếu tố địa lý địa hình, khí hậu đã làm giảm nhuệ khí quân xâm lược, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc v.v… còn có một nhân tố nữa góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đó là Phật giáo Thiền, tức Thiền tông (Việt Nam) thời bấy giờ. Phật giáo như là hệ tư tưởng chủ đạo và dân tộc Việt Nam như là người đã biết chủ động và sáng tạo, chọn lọc trong hệ tư tưởng Phật giáo tất cả những gì là tinh hoa nhất, tích cực nhất, phù hợp với tình hình Việt Nam. Nó là chất men hội tụ và xúc tác, làm cho cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, đứng dậy đánh tan quân xâm lược. Phật giáo Lý – Trần là Phật giáo Thiền, Phật giáo biện tâm, rất chú ý tới cuộc sống thực tại. Đạo Phật không quay lưng lại với cuộc sống đời thường mà trái lại, nó quan tâm sâu sắc đến cuộc sống đời thường. Phật giáo không chỉ quan tâm đến cuộc sống sau này, Niết-bàn mà chú trọng đến từng giây phút ở hiện tại. Nó quan tâm đến tất cả các giai đoạn sống – chết của con người. Quá khứ không thể can thiệp vào được nữa, tương lai thì chưa đến, do đó cuộc sống hiện tại là quan trọng nhất. Bốn câu cuối của bài phú nôm Cư trần lạc đạo của nhà vua kiêm Thiền sư Trần Nhân Tông đã cho thấy tinh thần Phật giáo rất phóng khoáng của Phật giáo đời Trần, một Phật giáo biện tâm: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc san hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mích/ Đối cảnh vô tâm mặc vấn thiền?” (Ở đời vui sống hãy tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm/ Lặng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền!) [Minh Chi 2003: 167].

Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị vua tin theo Phật giáo thuần thành như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và đặc biệt là Trần Nhân Tông đã đem lại một kỳ tích cho nhân dân Đại Việt thời Trần. Đó là cống hiến của Phật giáo đời Trần góp phần cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thắng lợi ba lần trước quân Mông – Nguyên mà chúng ta không thể không nhắc tới.

Thay lời kết

Trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc và thời đại độc lập, tự chủ Lý – Trần, nhân dân Việt Nam đã chọn và tiếp biến tư tưởng Phật giáo chứ không phải Nho giáo để làm hệ tư tưởng chính thống. Hệ tư tưởng Phật giáo trong bối cảnh đó thật sự cần thiết cho người Việt thời Bắc thuộc và thời đại Lý – Trần, còn về sau này vì sao Nho giáo được đề cao và trở thành quốc giáo lại là chuyện khác. “Hai triều đại Lý, Trần đánh dấu đỉnh cao của sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam nói riêng, vào đất nước và xã hội Việt Nam nói chung. Một sự hội nhập không chỉ xảy ra trên bình diện văn hóa, mà trên nhiều bình diện khác của đời sống xã hội” [Minh Chi 1988/2000: 244].

Phan Ngọc gọi con người Việt Nam là con người Tổ quốc luận7, nghĩa là dưới mắt họ, tổ quốc là lớn nhất. Mọi xung đột giai cấp, gia đình, dòng họ đều phải dẹp bỏ khi tổ quốc bị lâm nguy. Phật giáo Việt Nam cũng không thể làm khác được vì nó đã gắn bó vận mệnh của mình như máu thịt với người Việt Nam. Cho nên khi tổ quốc bị lâm nguy thì mọi người cùng đồng lòng ra sức đánh giặc cứu nước, và những bậc có trí tuệ hơn người như các vị Thiền sư, Thầy, Tổ thì lại phải càng làm gương và gánh lấy tránh nhiệm nhiều hơn. Và chúng ta cũng không lạ gì khi các Thiền sư tên tuổi được phong làm “Quốc sư” tức là “thầy của vua”, của nước có trách nhiệm hiến kế cho nhà vua và quần thần. Đó là một nét đẹp trong Phật giáo Việt Nam thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần.

Về quan hệ và ảnh hưởng văn hóa theo Nicolai Konrad, sức mạnh của các nền văn minh cổ này lớn đến nỗi tất cả các dân tộc ở mức độ này hay mức độ khác đều rơi vào ảnh hưởng của chúng là đương nhiên và “việc các dân tộc này xây dựng nền văn minh của mình trên cơ sở sự tồn tại của văn minh cổ đại là hiện tượng chung của lịch sử, các dân tộc trung thế kỷ ở cả phương Đông lẫn phương Tây” [dẫn lại Nguyễn Văn Hiệu & Đinh Thị Dung 2017: 106]. Vấn đề nhân dân Việt Nam tiếp thu những gì, loại bỏ những gì của đạo Phật từ Ấn Độ và Trung Hoa du nhập vào là một chủ đề lớn, nó đòi hỏi một phương pháp nghiên cứu liên ngành mà chúng tôi không có điều kiện để bàn ở đây. Có thể nói rằng, Phật giáo trong giai đoạn này là rất phù hợp và cần thiết với dân tộc Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông tuy rằng đi tu nhưng lại rất quan tâm đến tình hình chính trị, an ninh của đất nước. Lý do tại sao ông chọn Yên Tử làm “căn cứ địa” cho Giáo hội Trúc Lâm, theo lời của sử gia Ngô Thì Nhậm là vì “Từ trên đỉnh núi Yên Tử, Trần Nhân Tông có thể quan sát được sự động tĩnh của các cánh quân xâm lăng từ phía Bắc xuống” [Nhiều tác giả 2003: 136].

Nguyễn Văn Thành

________________

(1) Itamar Even Zohar 2014: Tlđd.
(2) Nguyên văn: “Acculturation comprehends those phenomena which result when groups of individuals having different cultures come into continuous first-hand contact, with subsequent changes in the original culture patterns of either or both groups” [R. Linton, R. Redfield, M.J. Herskovit (1936)].
(3) Dẫn lại Nguyễn Văn Kim (cb) 2016: Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr.45 – 46.
(4) Dẫn lại Nguyễn Văn Kim (cb) 2016: Tlđd, tr.46.
(5) Xem thêm ý kiến của GS. Minh Chi trong “Về sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam”, đăng trong Tạp chí Giao Điểm số 01/1996.
(6) Xem thêm Minh Chi: Phật giáo và phong trào Khổng giáo cách tân cuối đời Đường và đời Tống tại Trung Quốc, đăng trên tuyển tập Giao Điểm (tập 2) “Phật giáo trong thế kỷ mới”, Hoa Kỳ 1997, tr.15.
(7) Từ của GS. Phan Ngọc dùng nhiều lần trong công trình Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn Học, 2002.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Hà Văn Tấn 1981: “Giao lưu văn hóa ở người Việt cổ”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, 5-1981.
2- Itamar Even Zohar 2014: Lý thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hóa, văn chương (Trần Hải Yến và Nguyễn Đào Nguyên dịch), Nxb Thế Giới.
3- Minh Chi 1996: “Về sự hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam”, đăng trong Tạp chí Giao Điểm số 01-1996.
4- Minh Chi 1998/2000: “Bàn về hội nhập của Phật giáo vào nền văn hóa Việt Nam”, in trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học, lần thứ I, Hà Nội, 15-17-7-1998, Nxb Thế Giới, 2000, tr.239 – 245.
5- Minh Chi 2003: Truyền thống Văn hóa & Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn Giáo.
6- Nguyễn Văn Hiệu & Đinh Thị Dung 2017: Văn hóa học và một số vấn đề lịch sử, văn hóa, Nxb Đại Học Quốc Gia TP.HCM.
7- Nguyễn Văn Kim (cb) 2016: Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
8- Nhiều tác giả 2003: Thiền học đời Trần, Nxb Tôn Giáo.
9- Phan Ngọc 2002: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn Học.
10- Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ & Nguyễn Thúy Nga dịch & chú), Nxb Văn Học, 1993.
11- Viện Triết học 1991: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa Học Xã Hội.

[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest