[ad_1]
NSGN – Quần thể hang động Vân Cương (雲崗石窟)tọa lạc tại chân núi Ngô Châu, cách thành phố Đại Đồng (大同) khoảng 16km về hướng Tây, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Chuỗi quần thể hang động này được đục tạc vào vách núi đá sa thạch và trải dài khoảng 1km từ Đông sang Tây. Việc kiến tạo các hang động được Hòa thượng Đàm Diệu (昙曜) khởi xướng vào năm 453 và mất đến 50 năm để hoàn thành với sự góp sức của 40 ngàn người.
Sự xuất hiện của nghệ thuật hang động Vân Cương nối kết mật thiết với Con đường tơ lụa – con đường nối kết Trung Quốc với thế giới bên ngoài từ thế kỷ I TL đến thế kỷ XVI. Con đường tơ lụa tất yếu là con đường thương mại, tuy nhiên nó cũng là một con đường giao tiếp về nhiều mặt trong ý nghĩa rộng nhất, tức là thông qua nó những tư tưởng triết học, tôn giáo, chính trị, văn hóa, kinh tế, kiến trúc… được đổi trao, mà một trong những điều dễ nhận thấy nhất là sự du nhập của Phật giáo vào Trung Quốc ngang qua con đường này. Vào thời đầu Bắc Ngụy (386-534) Phật giáo được xem như quốc giáo, và Phật giáo được truyền đến vùng đất này cũng thông qua Con đường tơ lụa.
Các hang động Vân Cương chủ yếu được kiến tạo giữa những năm 460-525; và việc kiến tạo được phân thành ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất bắt đầu từ năm 460 và kéo dài đến năm 465. Những hang động thời kỳ này bao gồm các động được đánh số từ 16 đến 20, và cũng được gọi là các hang động Đàm Diệu. Vào khoảng năm 471, thời kỳ kiến tạo thứ hai bắt đầu, và đây cũng được xem là giai đoạn vàng son của quần thể hang động Vân Cương. Thời kỳ này kéo dài đến năm 494, gồm có các cặp hang động 5/6, 7/8, 9/10 cùng các hang động khác là hang động 11, 12, 13 và một hang động chưa được hoàn thành là động số 3. Việc kiến tạo hang động vào thời kỳ này chính yếu nhờ vào sự bảo trợ của triều đình và các gia đình quý tộc. Sự bảo trợ của triều đình kết thúc vào năm 494 khi kinh đô của Bắc Ngụy được dời đến Lạc Dương. Tất cả những hang động khác được kiến tạo vào thời kỳ thứ 3, kéo dài đến năm 524, và sau đó việc kiến tạo dừng lại do vì những cuộc bạo loạn xảy ra ở khu vực này. Các hang động được kiến tạo vào thời kỳ thứ ba chính yếu nằm ở phía Tây, bao gồm các động 4, 11, 14, 15 và 20.
Trong số 53 hang động tại quần thể Vân Cương, hiện có 45 hang động còn nguyên vẹn, và ở đó lưu giữ khoảng 51.000 bức tượng các loại. Đây được xem là một kho tàng nghệ thuật mà nó phản ánh nghệ thuật truyền thống Trung Quốc với sự ảnh hưởng những yếu tố nước ngoài, đặc biệt là Hy Lạp, Ấn Độ,Persia và những nước khác. Sự dung hợp nghệ thuật Phật giáo từ Trung và Nam Á với truyền thống văn hóa Trung Quốc là phần trọng tâm đáng lưu ý của địa danh này. Những tượng điêu khắc ở đây nổi tiếng với nét mặt sinh động và đa dạng với đầy đủ kích cỡ từ 2cm đến 17m chiều cao. Tượng Phật cao nhất ở đây nằm ở hang động số 5, cũng được gọi là Đại Phật động.
Quần thể hang động Vân Cương được phân thành 3 khu vực: Đông, Tây và khu vực trung tâm, và được đánh số từ Đông đến Tây. Những hang động số 1 và số 2 nằm ở khu vực phía Đông. Những bức tượng bên trong những hang động này bị hư hại nhiều bởi tác động của điều kiện thiên nhiên.
Hầu hết các hang động nằm ở khu Tây, và mỗi hang động có những đặc điểm riêng của nó. Hang động số 20 – một trong năm hang động đầu tiên do ngài Đàm Diệu khởi công tạo tác – tôn trí một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi cao 13.7m, với khuôn mặc đầy đặn và nụ cười hỷ lạc. Đây là bức tượng nổi bật nhất và là biểu tượng cho các tượng Phật ở quần thể hang động Vân Cương.
Trải qua 1.500 năm từ khi hoàn thành, quần thể hang động Vân Cương đã bị hư hỏng đáng kể do bởi những thay đổi của điều kiện địa chất và môi trường ở trong khu vực hang động, nó cũng chịu sự thiệt hại do con người và chiến tranh gây ra. Các hang động từng được bảo vệ bằng những ngôi chùa làm bằng gỗ, nhưng hầu hết chúng đều bị thiêu trụi. Nhiều tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp vào thế kỷ XX và bây giờ được lưu giữ ở những viện bảo tàng hay ở những bộ sưu tập cá nhân khắp nơi trên thế giới. Vào thời kỳ kiến tạo các hang động ở Vân Cương, Phật giáo đang trên đà phát triển và thịnh hành ở Trung Quốc. Sau đó một vài thế kỷ, Hồi giáo bắt đầu truyền bá đến vùng đất này và tôn giáo này đã có những tác động bất lợi cho Phật giáo nói chung và những hang động Phật giáo ở đây nói riêng. Một số tượng tại những hang động này đã bị những người Hồi giáo đập bỏ. Tuy nhiên, công bằng mà nói, thì những hư hại chính của những bức tượng Phật ở Vân Cương phần lớn do vì sự bào mòn của thời gian, sự tác động của những điều kiện tự nhiên và sự thiếu chăm sóc của con người trong những thời kỳ Phật giáo suy thoái.
Vào năm 1961, quần thể hang động Vân Cương được xem như một di tích lịch sử và văn hóa quan trọng cần được bảo vệ của Trung Quốc. Từ năm 1973 đến 1976, dưới sự chỉ đạo của Chu Ân Lai, Trung Quốc đã chi một số tiền lớn vào việc trùng tu và sửa chữa lại các hang động đang có nguy cơ bị sụp đổ. Và trong những năm trở lại đây, chính quyền thành phố Đại Đồng càng chú trọng hơn trong việc bảo quản quần thể hang động này. Vào tháng 12 năm 2001, UNESCO đã quyết định công nhận quần thể hang động Vân Cương là Di sản văn hóa thế giới. Ngày nay đến đây, ngoài việc chiêm bái những công trình kiến trúc cổ xưa, ta cũng có dịp thưởng lãm những buổi trình diễn văn hóa ở đây.
Có hai buổi trình diễn văn nghệ miễn phí ở Vân Cương, mô tả lại việc thờ phụng Phật vào thời Bắc Ngụy tại quần thể hang động này. Một buổi biểu diễn nhằm tán dương công đức ngài Đàm Diệu, và buổi trình diễn này cũng mô tả lại những phong tục tập quán quần chúng vào thời bấy giờ. Buổi trình diễn được tổ chức vào lúc 9:30, 10:30 và 15:00 mỗi ngày.
Một buổi biểu diễn khác là trình diễn lại việc phụng thờ Phật của hoàng đế vào triều Bắc Ngụy. Buổi trình diễn này được thực hiện vào lúc 11:30 và 16:00. Sân khấu của buổi trình diễn nằm trước hang động số 20. Ở buổi trình diễn này, các diễn viên sẽ vào các vai hoàng đế, hoàng hậu, quần thần, quan lại, tỳ nữ, binh sĩ, Tăng sĩ, vũ công, nhạc sĩ…, mô phỏng lại khung cảnh thờ phụng Phật của triều đình thời Bắc Ngụy.
Quần thể hang động Vân Cương thật sự là một minh họa sống động cho sức mạnh và sự bền bỉ của tín ngưỡng Phật giáo ở Trung Quốc. Đây là một địa điểm cần chiêm bái và tham quan cho những ai yêu thích khám phá về văn hóa và kiến trúc Phật giáo, đặc biệt là kiến trúc chùa hang động Phật giáo.
[ad_2]