google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Quan điểm về Theravāda và Mahāyāna của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Văn Hóa

[ad_1]

NSGN – Hiện nay trên thế giới có nhiều tông phái Phật giáo, tuy nhiên xét về tổng thể thì có hai hệ thống tông phái Phật giáo chính: Theravāda và Mahāyāna. Phật giáo Theravāda (Phật giáo Nguyên thủy) thịnh hành ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia. Phật giáo Mahāyāna (Phật giáo Đại thừa) được truyền bá rộng rãi ở các nước Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Triều Tiên, và Nhật Bản. Riêng ở Việt Nam, cả hai hệ thống Phật giáo Theravāda và Mahāyāna cùng tồn tại và phát triển. 

Tuy tên gọi, hình thức sinh hoạt, phương thức hành trì khác nhau nhưng cả hai đều nương theo lời Phật dạy để tu tập, hướng đến mục tiêu giác ngộ giải thoát. Thế nên, Phật hoàng Trần Nhân Tông, vốn là Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thuộc truyền thống Phật giáo Đại thừa, nhưng quan điểm của Ngài không hề có sự phân biệt, kỳ thị với Phật giáo Tiểu thừa (từ “Tiểu thừa” được đề cập trong Cư trần lạc đạo phú vì trước đây thường dùng để chỉ cho Phật giáo Theravāda). Có lẽ đó là lý do tại sao sau khi viên tịch, người đời sau đã tạc tượng Ngài dưới hình thức khoác y hở vai của Phật giáo Theravāda để tôn thờ trong tháp Huệ Quang. Chính hình thức y phục ấy đã trở thành đề tài khiến cho các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều giả thiết, có người gọi đó là “nếp áo Tiểu thừa” và khẳng định rằng vua Trần Nhân Tông đã tu theo Tiểu thừa(1). Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, hình thức y phục ấy có thể là tiếp nối cách mặc y của Tăng sĩ thời Lý(2) hoặc phát xuất từ quan điểm dung hòa giữa Phật giáo Theravāda và Mahāyāna của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Quan điểm dung hòa giữa Phật giáo Theravāda và Mahāyāna thể hiện trong tác phẩm của Phật hoàng Trần Nhân Tông 

Khi tìm hiểu quan điểm dung hòa giữa Phật giáo Theravāda và Mahāyāna của Phật hoàng Trần Nhân Tông, trước hết phải căn cứ vào tác phẩm của Trần Nhân Tông. Điển hình như trong Cư trần lạc đạo phú có đoạn:

Han hữu lậu, han vô lậu 

Bảo cho hay: the lọt, duộc thưng; 

Hỏi Đại thừa, hỏi Tiểu thừa 

Thưa thẳng tắt: lòi tiền, tơ gáo… (Hội thứ 6)(3).

Trong đoạn phú này, chữ ‘han’ trong câu đầu và chữ ‘hỏi’ ở câu sau là hai từ đồng nghĩa, nên chúng ta thường dùng chung là hỏi han. Hữu lậu, vô lậu: xét về từ nguyên, theo chữ Hán, lậu (漏) nghĩa là lọt, là rơi rớt, hữu lậu là còn rơi rớt; vô lậu là không còn rơi rớt. Theo quan điểm Phật giáo, nếu ai tu hành được giải thoát sanh tử là ra khỏi Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), đó gọi là vô lậu. Còn người nào chỉ tu tạo phước báo nhân thiên thì còn ở trong vòng tam giới, còn sanh lại trong cõi đời này để hưởng phước, tức là hữu lậu.

Khi có ai hỏi thế nào là hữu lậu hay vô lậu thì “bảo cho hay” liền trả lời cho họ biết “the lọt, duộc thưng”. Theo sự phân tích, giải thích của Hòa thượng Thích Thanh Từ, chữ “the” tức là vải the, nếu chúng ta đổ cám hay cát trên vải the rồi lắc một hồi nó rơi xuống hết gọi là the lọt. Chữ “duộc” là cái cán, “thưng” là cái gáo, nhưng ở đây “duộc thưng” còn có nghĩa là tấm vách ngăn chận lại. Vì vậy hữu lậu là còn rơi rớt lại cũng như vải the còn rớt cám, rớt cát xuống, còn vô lậu ví như tấm vách ngăn chặn lại, không bị rơi rớt(4).

Hỏi Đại thừa, hỏi Tiểu thừa, thưa thẳng tắt: lòi tiền, tơ gáo. Trong câu này, Lê Mạnh Thát giải thích từ “lòi” là dây cột, “tơ” là dây kéo(5). Theo cách giải thích đó, thì “lòi tiền” nghĩa là thời xưa sử dụng tiền đồng điếu có đục lỗ ở giữa, phải dùng sợi dây cột lại thành xâu; “tơ gáo” tức là dùng sợi dây để kéo gàu múc nước. Như vậy sợi dây xâu tiền và sợi dây kéo gàu múc nước, mỗi thứ đều có công dụng riêng của nó. Ý câu này muốn nói Tiểu thừa giống như sợi dây nhỏ dùng để xâu tiền đồng điếu, Đại thừa giống như sợi dây to dùng để kéo gàu múc nước, nghĩa là mỗi pháp môn tu đều là phương tiện lập ra để làm lợi ích cho chúng sanh.

Liên quan đến vấn đề này, trong hội thứ 10 của Cư trần lạc đạo phú cũng đề cập: “Chúng Tiểu thừa cốc hay chửa đến, 

 Bụt xá ngăn Bảo sở Hóa thành”(6).

Nội dung của câu này xuất phát từ kinh Pháp hoa, Hòa thượng Thích Thanh Từ giải thích: Chúng Tiểu thừa, là các vị tu theo Thanh văn thừa, tức là chỉ cho Phật giáo Nguyên thủy. Cốc hay chửa đến, “cốc” là biết, “hay” là hiểu, tức là cái hiểu biết chưa đến. Bụt xá ngăn Bảo sở Hóa thành: “Xá” là đâu, nghĩa là những vị Tiểu thừa vì sự hiểu biết chưa đến, chứ Phật đâu có ngăn chia đây là Bảo sở, kia là Hóa thành. Bảo sở là chỉ Phật thừa, Hóa thành là chỉ Thanh văn thừa. Trong kinh Pháp hoa, Niết-bàn của Thanh văn gọi là Hóa thành, chỗ cứu kính của Phật gọi là Bảo sở(7). Bảo sở hay Hóa thành cũng chỉ là phương tiện, không nên chấp trước, bám trụ vào đó. Tương tự đối với pháp môn tu của Phật giáo Đại thừa hay Tiểu thừa cũng vậy, tùy theo căn cơ trình độ, nhân duyên và sở thích mà mỗi người có thể tự chọn cho mình phương pháp tu tập phù hợp. Với sự hiểu biết như vậy, sẽ không có sự phân biệt, kỳ thị giữa tông phái này và tông phái khác.

Có lẽ xuất phát từ những đoạn thi phú này mà người đời sau đã phác họa hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa theo mô thức của Phật giáo Đại thừa qua hình ảnh Sơ tổ Trúc Lâm mặc áo hậu theo hình thức y phục của Phật giáo Đại thừa, ngồi trên cáng võng xuống núi trở về cung để truyền giới Bồ-tát tại gia cho vua Trần Anh Tông và quan quân triều đình; ngoài ra, trong đoàn tháp tùng theo Ngài còn có một vị Tăng sĩ khoác y hở vai phải như hình ảnh minh họa trong bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ(8). Bên cạnh đó, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được tôn thờ trong tháp Huệ Quang lại được tạc với hình thức khoác ca-sa hở vai phải theo lối y phục của Phật giáo Theravāda.

Từ nếp y hở vai ấy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thiết nghiên cứu, đặc biệt, Trần Ngọc Linh cho rằng đó là “nếp áo Tiểu thừa”, đồng thời căn cứ vào phương pháp tu đầu-đà khổ hạnh và tôn hiệu “Hương Vân Đại Đầu-Đà”, “Trúc Lâm Đầu-Đà” của Trần Nhân Tông rồi khẳng định rằng: “Vua Trần Nhân Tông đã tu hành theo pháp giới hạnh đầu-đà thuộc Tiểu thừa để rồi sau này đắc đạo thành Phật”(9). Từ chi tiết y hở vai này, Thích Thanh Thắng cũng đặt vấn đề: “Cách mặc hở vai của Tăng sĩ là một hình thức phổ biến thời Lý, được tiếp nối với các hình thức ăn mặc khác của Tăng sĩ thời Trần thì việc tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông có nếp áo hở vai có phải là điều quá ngạc nhiên?”(10).

Trong hai giả thiết trên, chúng ta thấy cách đặt vấn đề của Thích Thanh Thắng có thể nói là có sức thuyết phục hơn cách lập luận của Trần Ngọc Linh. Bởi lẽ phương pháp tu đầu-đà khổ hạnh không phải chỉ dành riêng cho các vị tu theo Tiểu thừa mà ngay cả các vị tu theo Đại thừa như các vị Thiền sư sống ẩn dật tiêu dao nơi chốn núi rừng cũng tu tập như vậy(11). Đặc biệt, đọc qua hành trạng và tác phẩm của Trần Nhân Tông, chúng ta sẽ thấy Trần Nhân Tông ngay cả trước khi xuất gia cho đến sau khi trở thành vị Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Ngài chuyên tâm nghiên cứu và tu tập theo Thiền tông, tư tưởng cốt lõi và phương thức hành đạo chủ yếu của Ngài theo khuynh hướng Phật giáo Đại thừa. Do đó, nếu cho rằng vua Trần Nhân Tông tu theo pháp đầu-đà thuộc Tiểu thừa là một giả thiết không thuyết phục lắm. Ngoài các giả thiết trên, hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ phát hiện thêm các nguồn thư tịch cổ và các công trình khảo cổ khác để làm rõ vấn đề tại sao Phật hoàng Trần Nhân Tông – Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lại được tạc tượng để tôn trí trong tháp Huệ Quang dưới hình thức khoác y hở vai.

Theo quan điểm của người viết, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tọa thiền với nếp y hở vai chỉ là một hình thức nghệ thuật tạc tượng của Phật giáo, mô phỏng theo một trong những mẫu tượng của Đức Phật Thích Ca xưa kia. Đồng thời, pho tượng ấy và ngay cả hình ảnh vị sư Nam tông xuất hiện trong Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ cũng chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, thể hiện quan điểm dung hòa giữa Phật giáo Theravāda và Mahāyāna của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tuy với tư cách là một người lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vốn bắt nguồn từ truyền thống Phật giáo Đại thừa, nhưng Sơ tổ Trúc Lâm vẫn dung hòa các tông phái Phật giáo, không hề có sự phân biệt, kỳ thị, bác bỏ tông phái nào, cụ thể như phái Tiểu thừa được đề cập trong Cư trần lạc đạo phú.

Tượng Giác Hoàng Trần Nhân Tông đặt trong tháp Huệ Quang,Yên Tử, Quang Ninh..jpg
  • Facebook
  • Twitter
  • Pinterest
  • Blogger
  • reddit
  • Tumblr

Quan điểm dung hòa giữa Phật giáo Theravāda và Mahāyāna thể hiện qua văn hóa ứng xử của Phật hoàng Trần Nhân Tông 

Khi nghiên cứu về văn hóa ứng xử của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng ta thấy một trong những điểm nổi bật được xem là tư tưởng cốt lõi tạo nên nét đặc trưng văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đó chính là tinh thần nhập thế tích cực. Tuy mang nét đặc thù với chủ trương “cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhưng suy cho cùng thì tinh thần nhập thế tích cực ấy vẫn có sự kế thừa, dung hợp quan điểm nhập thế của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa.

 Nhập thế theo quan điểm Phật giáo Nguyên thủy  

Thông thường, khi nói đến tinh thần nhập thế của Phật giáo chúng ta sẽ liên hệ ngay đến tư tưởng Bồ-tát đạo của Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ thấy quan điểm nhập thế lại được hình thành ngay từ thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Khi đề cập đến quan điểm nhập thế của Phật giáo Nguyên thủy, chúng ta không thể nào quên lời di huấn của Đức Phật được ghi lại trong kinh Đại bát Niết-bàn:

“Này các Tỳ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp”(12).

Qua đó cho thấy, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã được định hình từ khi Đức Phật còn tại thế. Quan điểm nhập thế của Phật giáo Nguyên thủy nhấn mạnh hàng xuất gia đệ tử Phật nên vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người mà khéo học hỏi, tu tập, thực chứng lời Phật dạy và tuyên thuyết pháp “sơ thiện, trung thiện, hậu thiện”. Kế thừa quan điểm nhập thế của Phật giáo Nguyên thủy, vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con, xuất gia trở thành Sơ tổ Trúc Lâm, đã “đi khắp mọi nẻo thôn quê, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập thiện”(13).

Thập thiện (十善), tức là mười điều lành do ba nghiệp tạo nên, gồm có: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lời hai chiều, không nói lời hung ác, không tham lam, không sân hận, không si mê. Có thể nói sở dĩ Sơ tổ Trúc Lâm chọn giáo lý Thập thiện để dạy cho dân chúng bởi vì mười điều này rất đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành, mang lại những lợi ích vô cùng thiết thực cho con người và xã hội. Cụ thể hơn, nói về công năng của Thập thiện nghiệp, trong kinh Thế ký thuộc Trường A-hàm có đề cập: Ở thế gian vào thời kiếp giảm, con người sống đến 84 ngàn tuổi, sau đó giảm dần … cho đến 200, và ngày nay, con người sống khoảng 100 tuổi. Sở dĩ tuổi thọ và phước báo con người suy giảm là do không tu pháp Thập thiện mà ngược lại còn làm Thập ác… Qua kiếp tăng, con người làm ác cùng cực, chợt thức tỉnh tu thiện, từ 1 cho đến 10 điều thiện, thì phước báo và tuổi thọ tăng dần lên đến 84 ngàn tuổi, và thế giới trở thành an lạc, hạnh phúc vô cùng(14). Đó chính là lý do tại sao khi đề cập đến lợi ích của pháp Thập thiện, Hòa thượng Thích Thanh Từ nói rằng: “Người tu từ cư sĩ tại gia cho đến xuất gia lẫn người thế gian, nếu biết áp dụng pháp tu Thập thiện trong cuộc sống thì được bình an hạnh phúc. Người tu thì mau tiến đến quả giải thoát. Người đời thì phước báu ngày càng lớn, tuổi thọ ngày càng tăng trưởng”(15).

Nói chung, người tu Thập thiện nghiệp thì trong đời hiện tại thân tâm được cải thiện tốt đẹp, hoàn cảnh sống được sáng sủa tươi vui; tương lai tránh khỏi đọa lạc chốn tam đồ, lại được hưởng phước báo cõi nhân thiên và chứng đắc Phật quả. Chính vì thế, Sơ tổ Trúc Lâm đã kế thừa quan điểm nhập thế độ sanh của Phật giáo Nguyên thủy bằng cách đi khắp vạn nẻo thôn quê để khuyên dân chúng thực hành Thập thiện nhằm giáo dục nhân cách đạo đức cho con người, thiết lập nền đạo đức văn hóa cho xã hội và xây dựng một đất nước thanh bình, nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Nhập thế theo quan điểm Phật giáo Đại thừa 

Theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, một vị Bồ-tát khi đã phát tâm Bồ-đề cần phải hội đủ hai yếu tố từ bi và trí huệ để nhập thế độ sanh, thực hành Bồ-tát đạo. Hay nói cách khác, theo Edward Conze, một người bình thường có thể trở thành một vị Bồ-tát khi người ấy lần đầu tiên phát nguyện sẽ đạt đến sự giác ngộ viên mãn vì lợi ích của tất cả chúng sanh (“A person turns into a Bodhisattva when he first resolves to win full enlightenment for the benefit of all beings”)(16). Nếu người nào phát nguyện một cách liên tục, chắc chắn sẽ trở thành Bồ-tát. Đồng thời, Bồ-tát phải phát Tứ hoằng thệ nguyện, thực hành Tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) và tu tập Lục độ Ba-la-mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Như vậy, Phật hoàng Trần Nhân Tông có hội đủ các tiêu chí này của một vị Bồ-tát nhập thế độ sanh hay không?

Có thể nói rằng Trần Nhân Tông rất xứng đáng để được tôn xưng là một vị Bồ-tát. Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập thế độ sanh bằng cách bố thí cả tài và pháp, điển hình như: “Quý Mão năm thứ 11 (1303) (Nguyên Đại Đức năm thứ 7), mùa xuân, tháng Giêng, ngày 15, Thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, mở hội Vô Lượng ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp cho người nghèo trong nước và giảng kinh giới thí”(17); không những tự mình giữ giới mà còn khuyên mọi người giữ giới; hết lòng siêng năng chăm lo cho quốc gia dân tộc và phụng sự đạo pháp; nhẫn nhục với mọi chướng duyên nghịch cảnh; luôn dùng thiền định và trí tuệ làm kim chỉ nam hướng đạo cho lộ trình tu tập giải thoát, hoằng dương giáo pháp, hóa độ quần sanh. Đặc biệt, Phật hoàng sống và hành động với tấm lòng từ bi vô cùng bao la rộng lớn của một vị Bồ-tát theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa như Paul Williams đã đề cập trong tác phẩm Mahāyana Buddhism: The Doctrinal Foundations: Lòng từ bi của Bồ-tát không chỉ giới hạn trong phạm vi bà con quyến thuộc, bạn bè, mà còn trải rộng khắp tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới (“(Bodhisattva’s) Compassion is not merely concerned with a few sentient beings such as friends and relatives, but extends up to the limits of the cosmos, in all directions and towards all beings throughout space”)(18).

Qua đó cho thấy, tình thương trong đạo Phật vượt qua giới hạn của tình cảm riêng tư, xóa tan mọi rào chắn của đẳng cấp, giới tính, địa vị, quốc gia, chủng tộc. Với tâm từ bi rộng lớn vô biên, Bồ-tát ban rải tình thương cho tất cả chúng sanh bằng những giọt nước cam lồ diệu pháp. Do đó, sau khi xuất gia tu hành chứng đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đi khắp vạn nẻo thôn quê để xiển dương Phật pháp, thuyết pháp độ sanh, trải rộng tình thương cho tất cả tứ dân thiên hạ của mình, và thậm chí còn trải rộng tình thương cho nhân dân nước láng giềng. Điều đó được thể hiện qua sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông đi vân du hóa đạo đến xứ Chiêm Thành và hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân.

Ở đây, vấn đề được đặt ra là tại sao chính Trần Nhân Tông đã xuất gia tu hành, đi khắp nơi khuyên dân phá bỏ các dâm từ, nhưng cũng chính Trần Nhân Tông đi làm việc mai mối cưới gả con gái của mình. Về vấn đề này, chúng ta cần phải phân tích và nhận định một cách rõ ràng để thấy được văn hóa ứng xử theo quan điểm nhập thế của Trần Nhân Tông. Theo lời Phật dạy, dâm dục là cái nhân sanh tử luân hồi, nên người xuất gia phải đoạn tuyệt dâm dục để được giải thoát. Tuy người tại gia không hoàn toàn đoạn dâm dục như người xuất gia nhưng cũng phải cẩn thận giữ gìn ba nghiệp đối với việc dâm dục. Nếu mỗi thành viên trong xã hội không giữ giới tà dâm thì không những tự phá vỡ hạnh phúc của chính gia đình mình mà còn hủy hoại luân thường đạo lý của dân tộc. Vì vậy Phật hoàng Trần Nhân Tông khuyên dân chúng phá bỏ các dâm từ.

Riêng đối với việc gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân, có người chê trách tại sao Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông vào năm 1293 để lên ngôi Thượng hoàng, sau đó chính thức xuất gia vào năm 1299, vậy mà trong chuyến vân du sang xứ Chiêm Thành vào năm 1301, Trần Nhân Tông lại còn làm chuyện mai mối của thế gian là hứa gả con gái cho vua xứ này. Hơn thế nữa, với tư cách là một người cha, sao vua Trần Nhân Tông lại đem người con gái yêu quý nhất của mình gả cho vua của một nước mà trước đây đã từng là kẻ thù quấy phá xâm lấn biên giới quốc gia Đại Việt? Vấn đề này cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều giữa các nhà nghiên cứu.

Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận một cách rõ ràng rằng nếu xét về phương diện giới Thanh văn của Phật giáo thì có thể cho là Trần Nhân Tông phạm giới làm việc mai mối, là một trong 13 giới Tăng-già-bà-thi-sa (Saṃghādisesa) của Tỳ-kheo(19). Tuy nhiên, theo tinh thần Đại thừa thì Bồ-tát không chấp giữ giới luật một cách cứng nhắc mà cần phải uyển chuyển linh hoạt, có thể làm những việc gì cần làm để cứu giúp hoặc mang lại lợi ích cho chúng sanh. Mặc dù vô cùng thương yêu người con gái cành vàng lá ngọc của mình, nhưng với tâm từ bi, vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc, Trần Nhân Tông đã hy sinh mối quan hệ tình cảm cha con mang tính cá nhân để thực hành hạnh nguyện của một vị Bồ-tát đúng nghĩa như Paul Williams từng nhận định: Với tư cách của một vị Bồ-tát, Ngài đã mở rộng lòng đại bi và tâm bồ-đề. Ngài không hành động vì lợi ích của riêng mình, mà vì nghĩa vụ của Ngài đối với các chúng sanh hữu tình (“The Bodhisattva is the Bodhisattva, he has developed great compassion and the bodhicitta. He does not practise for his own benefit but in order to fufil his obligations to sentient beings”)(20).

Đó chính là tinh thần “Vô ngã vị tha” được xây dựng trên nền tảng học thuyết Duyên khởi – Tánh không, Duyên sinh – Vô ngã của Phật giáo. Như vậy, việc mai mối của Trần Nhân Tông nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Chiêm – Việt để bảo vệ hòa bình cho quốc gia xã tắc, tránh đao binh đẫm máu cho nhân dân hai nước. Hơn thế nữa, sự kiện vua Chế Mân đã tự nguyện dâng hai châu Ô và Lý để làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa chẳng phải đã góp phần hữu ích cho công cuộc mở mang bờ cõi của dân tộc ta hay sao? Bởi vì “chuyện gả công chúa cho các tù trưởng ở miền biên ải vẫn là quen thuộc với các vua chúa Việt Nam, cả với vua Lý thế kỷ XI, và các chúa Nguyễn thế kỷ XVII. Gả một nàng công chúa cho vua nước ngoài để thắt chặt tình hữu hảo, và để mở rộng đất đai cho Tổ quốc”(21).

Nói tóm lại, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sống và hành động rất đúng với tinh thần nhập thế vô chấp vô trụ của Phật giáo Đại thừa. Tất cả việc làm, thái độ, hành vi ứng xử của Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều thể hiện lòng từ bi rộng lớn và được soi chiếu bởi ngọn đèn trí huệ vô cùng sáng suốt. Nhờ thấu hiểu nguyên lý Tánh không – Vô ngã từ học thuyết Duyên khởi – Duyên sinh và trên tinh thần “Vô ngã vị tha” của Phật giáo, Phật hoàng Trần Nhân Tông tuy đã xuất gia nhưng không chỉ tịnh tu cho cá nhân mình mà luôn quan tâm đến sự an nguy của quốc gia dân tộc, không chấp giữ danh thơm tiếng tốt cho bản thân mà chỉ nghĩ đến niềm an vui hạnh phúc của dân chúng và nền hòa bình độc lập của tổ quốc.

Kết luận 

Trong giới nghiên cứu Phật giáo, khi bàn đến Phật giáo Theravāda và Phật giáo Mahāyāna, cụ thể hơn là kinh điển Nguyên thủy và kinh điển Đại thừa, thì sẽ xuất hiện hai trường phái với hai quan điểm khác nhau. Trường phái thứ nhất cho rằng kinh điển Đại thừa không phải do Phật nói nên đề cao kinh điển Nguyên thủy, phê phán, chỉ trích kinh Đại thừa là tà giáo ngoại đạo. Trái lại, trường phái thứ hai cho rằng kinh điển Đại thừa là những kinh cao siêu do Đức Phật nói dành riêng cho hàng căn cơ bậc thượng như các vị Bồ-tát. Do đó, những ai tu tập hành trì theo kinh Đại thừa thường sinh tâm cống cao, ngã mạn, chê bai kinh Nguyên thủy và khinh khi những người theo tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy là hạng tiêu nha bại chủng, thấp kém, hạ liệt. Có lẽ cả hai đều đứng trên lập trường chủ quan của tông phái và dựa vào quan điểm cá nhân mà đưa ra những nhận định sai lệch như vậy. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Phật học thì giữa kinh điển Đại thừa và kinh điển Nguyên thủy luôn có sự ảnh hưởng tích cực lẫn nhau chứ không hề có sự phân chia hay đối kháng.

Thật ra, xưa kia Đức Phật thuyết pháp không hề phân biệt giáo lý của Ngài là Đại thừa hay Tiểu thừa, mà chỉ do khả năng lĩnh hội của người tiếp nhận có sai khác nên mới phân biệt như vậy. Nếu cho rằng kinh điển Nguyên thủy là Tiểu thừa thì ngay nơi Tiểu thừa đó đã hàm chứa tư tưởng Bồ-tát đạo, làm lợi ích cho chúng sanh. Còn nếu cho kinh điển Đại thừa là phi Phật thuyết thì tại sao trong kinh điển Đại thừa đã có những tư tưởng phù hợp với kinh Nguyên thủy. Suy cho cùng thì kinh điển Đại thừa chỉ khác với kinh điển Nguyên thủy ở phương thức trình bày và tư tưởng được triển khai sâu rộng hơn để cho Phật pháp được linh hoạt sống động, thích ứng với xã hội thời đại mà thôi. Như vậy, vấn đề không phải là phân biệt kinh điển Nguyên thủy hay Đại thừa mà quan trọng là nội dung của kinh ấy có phù hợp với tôn chỉ của đạo Phật là hướng đến mục đích giác ngộ giải thoát và có mang lại lợi ích cho người tiếp nhận hay không.

Thiết nghĩ, chúng ta nên học theo quan điểm dung hòa giữa Phật giáo Theravāda và Mahāyāna của Phật hoàng Trần Nhân Tông, không nên đứng trên lập trường chủ quan của tông phái hay quan điểm bảo thủ của cá nhân mà chỉ trích kinh điển Phật dạy hoặc phê phán những người tu theo tông phái khác mình. Có như thế mới hy vọng mọi người thuộc mọi tông phái Phật giáo khác nhau đều cùng nhau tu tập, xây dựng và bảo vệ ngôi nhà Chánh pháp luôn được trường tồn vững mạnh mãi mãi trên thế gian này.

Niệm Huệ

_________________________

 CHÚ THÍCH – TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Ngọc Linh (2008), “Phát hiện nếp áo Tiểu thừa trên tượng Trần Nhân Tông”, https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=77D053.

2. Thích Thanh Thắng (2011), “Chư Tăng thời Lý mặc y Tiểu thừa”, https://quangduc.com/a29165/chu-tang-thoi-ly-mac-y-tieu-thua-thich-thanh-thang.

3. Lê Mạnh Thát (2006), Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, tr.359.

4. Thích Thanh Từ (2002), “Hai quãng đời của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông”, http://vncphathoc.com/phat-hoc/thien-hoc/chi-tiet-hai-quang-doi-cua-so-to-truc-lam-tran-nhan-tong/.

5. Lê Mạnh Thát (2006), Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, tr.359.

6. Lê Mạnh Thát (2006), Sđd, tr.363.

7. Thích Thanh Từ (2002), “Hai quãng đời của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông”, http://vncphathoc.com/phat-hoc/thien-hoc/chi-tiet-hai-quang-doi-cua-so-to-truc-lam-tran-nhan-tong/.

8. Nguyễn Nam (2012), “Bóng hình để lại” (Số chuyên đề Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ), Suối Nguồn số 7, 11/2012, tr.76.

9. Trần Ngọc Linh (2008), “Phát hiện nếp áo Tiểu thừa trên tượng Trần Nhân Tông”, https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=77D053.

10. Thích Thanh Thắng (2011), “Chư Tăng thời Lý mặc y Tiểu thừa”, https://quangduc.com/a29165/chu-tang-thoi-ly-mac-y-tieu-thua-thich-thanh-thang.

11. https://quangduc.com/a29165/chu-tang-thoi-ly-mac-y-tieu-thua-thich-thanh-thang.

12. Thích Minh Châu dịch (2013a), Kinh Đại bát Niết-bàn, Kinh Trường bộ, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.178.

13. Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.20.

14. Xem thêm: Kinh Thế ký, Kinh Trường A-hàm, Đại chánh tân tu Đại tạng kinh, tập I, tr.144-145.

15. Thích Thanh Từ (1993), Kinh Thập thiện giảng giải, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, tr.7.

16. Edward Conze (2005), A Short History of Buddhism (song ngữ Anh – Việt, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải: Lược sử Phật giáo), NXB.Tổng Hợp TP.HCM, tr.111.

17. Ngô Sĩ Liên (Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính) (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.Văn Hóa – Thông Tin, Hà Nội, tr.561.

18. Paul Williams (2009), Mahāyana Buddhism: The Doctrinal Foundations, Routledge, London, p. 196.

19. Tạng luật, Phân tích giới Tỳ-kheo, “Chương mười ba pháp”, Tăng-tàn thứ 5 (Vin.iii.135).

20. Paul Williams (2009), Mahāyana Buddhism: The Doctrinal Foundations, Routledge, London, p. 205.

21. Phạm Minh Thảo (2007), Trần triều hiển thánh, NXB.Văn Hóa – Thông Tin, tr.74.

[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest