[ad_1]
NSGN – Thành lập Tăng đoàn Theravāda
Phong trào chính trị chống lại chế độ Rana đã lên đến đỉnh điểm vào năm 1940. Vào năm 1941, bốn lãnh đạo chính trị bị kết án tử hình bằng việc treo cổ và bắn trước công chúng. Những Tăng sĩ Theravāda bị nhìn với sự ngờ vực khi họ thuyết giảng ở những nơi công cộng. Bấy giờ, những Tăng sĩ bị trục xuất đã thành lập Hội Dharmodaya Sabha – tổ chức Phật giáo đầu tiên ở Nepal – với sự trợ giúp của những tổ chức và cá nhân Phật giáo khác vào ngày 30 tháng 11 năm 1944 ở Ấn Độ dưới sự chủ trì của Hòa thượng U Chandramani. Hòa thượng Amritananda là tổng thư ký của tổ chức này. Ngay sau khi thành lập Dharmodaya Sabha, Hòa thượng Amritananda đã viết một lá thư phản đối Chính phủ Nepal và cũng kêu gọi những tổ chức Phật giáo khác hỗ trợ Dharmodaya Sabha. Ông viếng thăm nhiều nơi và nhiều quốc gia khác nhau để tìm hỗ trợ chống lại việc trục xuất các Tăng sĩ Phật giáo khỏi Nepal hiện đại. Một trong những quốc gia mà ông viếng thăm và học hỏi được nhiều là Sri Lanka.
Ở Sri Lanka, ông cũng thành công trong việc mang một phái đoàn thiện chí đến Nepal vào năm 1946 dưới sự lãnh đạo của học giả nổi tiếng Hòa thượng Narada Mahasthavira. Những thành viên của phái đoàn này bao gồm HT.Narada, HT.Amritananda, HT.Priyadarshi, Tiến sĩ Ratna Surya và Giáo sư Aryapal. Họ đã gặp thủ tướng mới được bổ nhiệm bấy giờ là Padma Shumsher J. Rana. HT.Amritananda, và lãnh đạo phái đoàn là HT.Narada, đã thỉnh cầu vị thủ tướng cho phép những Tăng sĩ lưu vong được trở về Nepal. Thủ tưởng Padma Shamsher chấp nhận lời thỉnh cầu của họ và cho phép những Tăng sĩ bị trục xuất trở về lại bổn quốc. HT.Dhammloka là người đầu tiên trở lại Nepal ngay sau khi nhận được một lá thư từ HT.Amritananda và đến Kathmandu vào tháng 6 năm 1946. Những Tăng sĩ khác cũng lần lượt quay trở về và bắt đầu truyền bá lại Phật giáo Theravāda ở Nepal hiện đại. HT.Narada viếng thăm Nepal ba lần và xây dựng một điện thờ (cetiya) của Sri Lanka tại tịnh xá Anandakuti. Ông mang một nhánh cây bồ-đề và xá-lợi Phật đến Nepal. Ông cũng thành lập lễ bố-tát đầu tiên tại Nepal cho những Tỳ-kheo tại tịnh xá. Vào lần viếng thăm thứ ba, ông gặp Thủ tướng Mohana Shamasher J. Rana và thỉnh cầu vị này công nhận ngày lễ Vesak là ngày nghỉ lễ chung. Vị thủ tướng đồng ý và tuyên bố đây là một ngày nghỉ lễ dành cho những viên chức Phật giáo. Từ đó, Phật giáo Theravāda bắt đầu có chỗ đứng trong xã hội Nepal và từng bước phát triển.
Vào năm 1951, phong trào chính trị đã loại bỏ chế độ Rama và bắt đầu một chế độ dân chủ dưới một nền quân chủ. Hội Dharmodaya Sabha đã củng cố các mục tiêu của mình như được cho thấy nơi chuyên san của nó vào năm 1951 như sau:
1. Mở trường học Phật giáo khắp Nepal;
2. Xây một tịnh xá tại một thành phố hay một ngôi làng nơi đa số là Phật tử, và có một hoặc hai vị Tăng sống ở đó để hướng dẫn tôn giáo và những dịch vụ y tế miễn phí;
3. Xuất bản những bản dịch kinh cũng như những sách vở khác về Phật giáo sang tiếng Nepal và tiếng Newari (tiếng Nepal Bhasha);
4. Giáo dục người Nepal về truyền bá Phật giáo;
5. Xuất bản hai chuyên san, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Nepal;
6. Thuyết phục chính quyền Nepal thực hiện những bước cần thiết để bảo tồn những di tích Phật giáo cổ xưa (Lumbini, Kapilavastu);
7. Khuyến khích Phật tử từ những quốc gia khác viếng thăm Nepal và tạo điều kiện thuận lợi cho các học giả Phật giáo;
8. Bảo vệ tín đồ trước chiến dịch cải đạo của các tổ chức tôn giáo khác.
Phổ biến Phật giáo Theravāda
Nhiều sự kiện đã xảy ra và những hoạt động được tiếp tục mà chúng góp phần phổ biến Phật giáo Theravāda. Vào năm 1951, xá-lợi của hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên được mang đến Nepal. Sự kiện gây chú ý với một đám rước công cộng lớn ở Kathmandu. Những xá-lợi này được tôn trí trong hoàng cung của vua Tribhuvan. Sự kiện này cho người dân Nepal thấy rằng từ nay trở đi Phật giáo được kính trọng ở Nepal. Vào năm 1952, vua và hoàng thái tử Mahendra đã tham dự lễ Vesak ở tịnh xá Ananda Kuti, bày tỏ tình đoàn kết với Phật tử Nepal. Vào năm 1953, vua Tribhuvan đã mời HT.Amritananda và Tăng chúng vào hoàng cung để tụng các kinh bảo hộ (mahaparitta/đại minh hộ kinh). Những sự kiện này đã hợp pháp hóa việc phổ biến Phật giáo Theravāda ở Nepal. Từ đó, việc tổ chức lễ Vesak đã trở thành sự kiện thường niên mà nó được xem như ngày nghỉ lễ chung và có nhiều cuộc diễu hành lớn diễn ra ở nhiều thành phố ở Nepal. Sự kiện này không chỉ phổ biến trong giới Phật tử, mà những người Hindu cũng tham gia để thể hiện tình đoàn kết của họ. Đại lễ này được thông tin rộng rãi trên những phương tiện truyền thông như một cách thể hiện sự bao dung tôn giáo giữa Phật tử và Hindu.
Vào năm 1956, năm đánh dấu 2.500 năm Đức Phật Niết-bàn, Nepal đăng cai tổ chức Hội nghị Liên hữu Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhist Conference) lần thứ tư. Đây cũng là hội nghị quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Nepal sau khi chế độ Rana bị bãi bỏ và bắt đầu chế độ quân chủ tự do vào năm 1951. Sự kiện này là một cơ hội cho Nepal thiết lập những quan hệ quốc tế bằng việc mời những đại biểu quốc tế tham dự hội nghị.
Tất cả những sự kiện này đã làm tăng vị thế của giới Phật tử Nepal. Mặc dù những năm sau dưới chế độ của vua Mahendra, các Phật tử không được quan tâm khi Phật giáo không được đối xử công bằng như Ấn giáo, Phật giáo Theravāda vẫn được truyền bá. Những cư sĩ Phật tử bắt đầu hiến cúng đất đai để xây dựng tịnh xá bên trong và ngoài thung lũng Kathmandu và mời chư Tăng đến ở. Ngay vào năm 1944, thời điểm chư Tăng phải sống lưu vong, chư Ni đã đến Trishuli và Pokhara và thành lập các tịnh xá làm nơi cư trú, và chúng về sau trở thành những tịnh xá Theravāda. Chỉ một năm trước, HT.Pragnananda đã cho di dời tịnh xá Sumangala vào Lalitpur. HT.Pragnananda cũng dành nhiều thời gian ở ngôi làng được gọi là Balambu cùng với những nông dân Newar, mà nó trở thành một trung tâm quan trọng của Tăng đoàn. Về sau, các tịnh xá được thành lập ở Butwal và Tansen thuộc Đông Nepal, và ở Bhojpur và Chainpur thuộc Tây Nepal. Vào năm 2008, số tịnh xá Theravāda ở Nepal lên tới 102 ngôi.
Những Tăng sĩ Theravāda và những học giả Phật giáo đã xuất bản những quyển sách và các chuyên san làm phương tiện truyền bá giáo pháp rộng hơn. Vào năm 1979, số lượng sách về Phật giáo (hầu hết là Theravāda) được xuất bản chỉ riêng bằng tiếng Nepal Bhasha đã lên đến 285 cuốn, trong đó 159 tác phẩm của Tăng và 22 tác phẩm của Ni. Việc xuất bản những cuốn sách và chuyên san trở thành một hoạt động thường xuyên đối với nhiều tịnh xá. Ví dụ, Dharmakirti, một tịnh xá dành cho Ni đã xuất bản hơn 160 cuốn sách trong 35 năm (1972-2007). Ananda Bhumi và Dharmkirti là hai chuyên san nổi tiếng nhất của Phật giáo Theravāda được xuất bản đều đặn từ năm 1972…
Hoạt động của Phật giáo Theravāda
Vào năm 1982, một nhóm thanh niên Phật tử ở thành phố Kathmandu đã thành lập Hội Yuva Baudha Samuha (Hội Thanh niên Phật tử) để tiến hành chiến dịch ủng hộ Phật giáo Theravāda. Ban đầu, họ thực hiện những chương trình thuyết pháp công cộng với sự đảm trách của những vị cao tăng và những học giả Phật giáo. Về sau họ tổ chức những chiến dịch phổ biến Ngũ giới (Pancha Sila) trong những ngôi làng làm nông quanh thung lũng Kathmandu. Chiến dịch này giúp những cộng đồng Phật giáo Newar tổ chức, thành lập và củng cố những trung tâm Phật giáo nhỏ quanh một ngôi tịnh xá nhỏ.
Vào cuối thập niên 1980, Hội Yuva Baudha Samuha đã có những giao lưu với những học giả và những nhà hoạt động từ những cộng đồng thiểu số chẳng hạn như Tamang, Gurung, Magar và Tharu. Người Tamang và Gurung là những Phật tử sống ở miền núi. Họ có truyền thống Gumba và Lama của riêng mình. Gặp gỡ những nhà hoạt động và những học giả từ những cộng đồng này đã giúp xây dựng tình đoàn kết cho một phong trào Phật giáo. Những người Magar và Tharu không phải là những Phật tử. Gặp gỡ những học giả và những nhà hoạt động từ cộng đồng của họ là điều khá bất ngờ khi biết rằng họ đang chấp nhận Phật giáo như là tôn giáo của cộng đồng của họ, như một cách chuyển đổi xã hội của họ ra khỏi sự xâm lấn và lạc hậu của Hindu giáo.
Vào năm 1990, phong trào chính trị chống lại chế độ quân chủ đã thành công và nhà vua chấp nhận đất nước được cai trị bởi chế độ dân chủ đa đảng và quân chủ lập hiến. Hội Yuva Baudha Samuha đã tích cực khởi động một chiến dịch tuyên bố Nepal là một quốc gia thế tục trong hiến pháp mới. Tổ chức Dharmodaya Sabha đảm trách vai trò lãnh đạo chiến dịch bằng việc hình thành một ủy ban chiến dịch bao gồm hơn 100 tổ chức Phật tử cũng như những cộng đồng thiểu số bản địa, những cộng đồng Dalit và những người Thiên Chúa giáo. Chiến dịch không thành công trong việc biến Nepal thành một nhà nước thế tục theo hiến pháp mới được viết vào năm 1991. Nhưng chiến dịch đã đưa những nhà hoạt động Phật giáo và những cộng đồng thiểu số bản địa xích lại gần nhau và đã tiến hành chiến dịch chung trong việc thu thập dữ liệu điều tra dân số với một nỗ lực cho thấy sự gia tăng dân số Phật giáo.
Điều tra dân số vào năm 1981 cho thấy dân số Phật giáo chỉ chiếm 5% trong tổng dân số Nepal. Vào năm 1991, những nhà hoạt động Phật giáo đã tiến hành một chiến dịch vận động về hiến pháp mới của Nepal, nhằm tuyên bố nước này là một quốc gia thế tục chứ không phải là một vương quốc Hindu. Kết quả, sự tỉnh thức trong những cộng đồng Phật tử đã đưa đến sự gia tăng dân số Phật giáo trong cuộc điều tra dân số vào năm 1991 lên 7,5%. Những tổ chức Phật giáo đã tổ chức một chiến dịch khác mà nó có tác động đến cuộc điều tra dân số năm 2001, và kết quả là những người tuyên bố là Phật tử tăng lên 10,5%. Khuynh hướng gia tăng dân số Phật giáo trong các cuộc điều tra dân số là một điều đáng khích lệ cho những nhà hoạt động Phật giáo.
Vào thập niên 1990, Hội Yuva Baudha Samuha tập trung những hoạt động của nó vào việc tổ chức những chiến dịch nâng cao sự hiểu biết về Phật giáo trong số những cộng đồng thiểu số bản địa. Ban đầu, những trại huấn luyện được tiến hành ở các tịnh xá trong và quanh Kathmandu. Sau đó, nhu cầu cho những trại như vậy được tiến hành ở những quận khác đã đưa đến việc phác thảo kế hoạch những khóa đào tạo phù hợp với các cộng đồng ít học. Các trại ở những cộng đồng Tharu và Magar hầu như mang lại sự thay đổi lớn. Một số tịnh xá nhỏ bắt đầu được xây dựng bởi những cộng đồng đó nơi những quận khác nhau ở Nepal, từ những đồng bằng phía Tây đến những vùng đồi núi của Nepal. Điều này tạo nên một sự thay đổi trong việc cơ cấu thu nhận người xuất gia trong thời gian tới. Điều tra dân số năm 2001 cho thấy dân số Phật giáo tăng thêm 2,5% do 400.000 người Magar tuyên bố là Phật tử. Gần đây, hội nghị quốc gia của Hội Phúc lợi Tharu, tổ chức quốc gia của cộng đồng Tharu (chiếm 6,5% dân số Nepal), tuyên bố rằng Phật giáo là tôn giáo của người Tharu.
Sau năm 1990, Dharmodaya Sabha được tổ chức trở thành phong trào của dân chúng và nó giữ vai trò lãnh đạo trong chiến dịch vận động thế tục hóa Nepal. Nó có những thành viên mới từ nhiều sắc tộc và những vùng địa lý. Hội nghị Phật giáo toàn quốc tổ chức hai năm một lần ở những vùng khác nhau ở Nepal trở thành quan trọng để giải quyết các vấn đề đương đại của Phật giáo ở Nepal và xây dựng tình đoàn kết trong giới Phật tử từ cả ba truyền thống – Theravāda, Đại thừa và Kim cang thừa. Hội nghị này được nhà nước công nhận như là sự thể hiện đỉnh cao của Phật tử Nepal.
Nhập thế
Trong quá khứ, Phật giáo Newar cũng như Phật giáo Lama đã tham gia sâu rộng và có tổ chức vào những vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế. Những tu viện (gumba) của Phật giáo Lama ở trên những ngọn núi đáp ứng như những trụ sở chính quyền địa phương. Tương tự, những người Newar Baha đóng vai trò quan trọng trong những chức năng xã hội-chính trị và kinh tế. Với việc quốc gia hiện đại và tập trung hóa, nhà nước đã tước bỏ chức năng truyền thống nêu trên. Trước đó, chế độ chuyên chế Rama và Shah đã đàn áp những tổ chức Phật giáo trong việc thực hiện các chức năng này. Thời gian đã thay đổi từ năm 1990 với sự ra đời của chính quyền dân chủ. Với cuộc cách mạng gần đây mà nó đã loại bỏ chế độ quân chủ, nhà nước và xã hội trở nên cởi mở hơn. Với việc Nepal được tuyên bố là một nhà nước thế tục, các Phật tử có thêm nhiều không gian để đóng góp cho những cải cách xã hội, thực hiện vai trò chính trị trong việc xây dựng quốc gia và thúc đẩy kinh tế.
Một số tu viện Theravāda đã huy động những Tăng sĩ trẻ tham gia vào những những công việc xã hội ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế và xóa đói nghèo. Lumbini không chỉ là một trung tâm quốc tế cho việc thực hành Phật giáo mà nó còn đưa ra những sáng kiến trong việc cung cấp dịch vụ ở những lĩnh vực này. Linh Sơn, ngôi chùa do người Việt sống ở Pháp điều hành, đã xây một ngôi nhà trẻ được trang bị tốt bên ngoài khu vực Lumbini để giúp đỡ trẻ em từ những gia đình nghèo khó. Tịnh xá của Thái Lan ở Lumbini đang hỗ trợ xây dựng một bệnh viện phụ sản ở Lumbini bên cạnh việc cung cấp một số dịch vụ y tế cơ bản ở những ngôi làng quanh Lumbini. Nhiều nhóm thanh niên đã tích cực tham gia những công việc xã hội theo hướng dẫn của Ni viện Theravāda ở Lumbini. Trong tương lai, việc dấn thân xã hội của những tổ chức Phật giáo Theravāda sẽ gia tăng…
Duy trì Phật giáo Theravāda
Có ba điểm cần được tăng cường để duy trì Phật giáo Theravāda ở Nepal. Đó là các lớp học Pariyatti, những trung tâm thiền và những tịnh xá như những trung tâm xã hội. Những lớp học Pariyatti và trung tâm thiền đang ở giai đoạn phát triển trong khi những trung tâm xã hội ở trong các tịnh xá đang ở giai đoạn bắt đầu.
Vào năm 1964, HT.Buddhaghosha với sự giúp đỡ của một số trường đại học đã thành lập Hội Bauddha Pariyatti Shiksa, tổ chức chính thức của Phật giáo Theravāda ở Nepal dành cho cư sĩ. Vào năm 1967, với sự chấp thuận của Tổng hội Nepal Bhikkhu Mahasangha, các bài học và sách giáo khoa đã được chuẩn hóa và các lớp học vào thứ Bảy hay buổi tối được mở ở Kathmandu, Lalitpur và Bhaktapur bên trong thung lũng Kathmandu. Hiện nay có hơn 50 trung tâm thi tuyển khắp Nepal. Năm rồi, có hơn 1.500 học sinh tham dự kỳ thi. Những học sinh thi đỗ lớp bảy thì được trao danh hiệu “Pariyattti Saddhamma Palaka” và những em thi đỗ lớp mười được trao danh hiệu “Pariyatti Saddhamma Kovida”. Đến thời điểm này, có 260 học sinh đã hoàn thành lớp bảy và 51 học sinh hoàn tất lớp mười. Những người theo học những lớp học Pariyatti đã thể hiện sự cống hiến mạnh mẽ và bền vững cho Phật giáo Theravāda.
Nguồn khác trong việc tạo nên những Phật tử Theravāda tận tâm và vững chãi là những trung tâm thiền Vipassana. Có hai loại trung tâm thiền Vipassana ở Nepal dấn thân tích cực. Cả hai hình thức này đều có nguồn gốc từ Miến Điện. Một được thành lập bởi Goenka vào năm 1981, với một khóa tu thiền chuyên sâu trong mười ngày. Khóa tu đầu tiên được tổ chức tại tịnh xá Anandakuti, một trung tâm được thành lập tại Buddhanilakantha ở sườn đồi phía Bắc thung lũng Kathmandu. Trung tâm này có thể tiếp nhận 300 thiền giả một lần. Có bảy trung tâm như vậy ở những thành phố khác ở Nepal, bao gồm trung tâm ở Lumbini. Hiện có khoảng 5.000 người tham gia hành thiền tại những trung tâm này mỗi năm. Vào năm 1985, một trung tâm thiền khác (Trung tâm thiền Phật giáo quốc tế, International Buddhist Meditation Centre) ở Kathmandu mà nó thực hành theo phương pháp của Mahasi Sayadaw được thành lập. Cũng có một chi nhánh theo pháp thiền này được thành lập ở Lumbini. Những thiền giả của những trung tâm này đến từ mọi đẳng cấp, sắc tộc, quốc tịch và tôn giáo. Một số trong họ là những trí thức, những quan chức cao cấp và những chính trị gia. Những khóa thiền này mang lại sự tín nhiệm cao cho Phật giáo Theravāda ở xã hội Nepal. Phật giáo đã trở thành một niềm tin cũng như sự thực hành chung.
Vào giữa cuối thập niên 1960, HT.Sumagangala thành lập một tổ chức có tên là Buddha Shasana Seva Samiti ở tịnh xá Gana Maha với mục đích cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế. Tịnh xá mở một thư viện Phật giáo, những lớp học Pariyatti, những khóa học tiếng Nhật và tiếng Anh, phòng khám sức khỏe cơ bản và một trường mẫu giáo. Về sau ông xây một phòng khám sức khỏe chuyên sâu hơn ở tịnh xá Balambu, Trường Tiểu học Siddhartha ở tịnh xá Buddha, Trung tâm Thiền Phật giáo Quốc tế ở Shankhamul, và nhà dưỡng lão ở Banepa. Đây là một khái niệm hiện đại về một ngôi tịnh xá Theravāda ở Nepal. Hiện tại, có một số Tăng sĩ trẻ đang thực hiện những hoạt động tương tự ở những tịnh xá mà họ cư ngụ. Những Tăng sĩ trẻ quay trở về từ Sri Lanka, Thái Lan và Miến Điện cho thấy thích hợp tham gia vào những hoạt động xã hội như vậy. Những hoạt động này khiến họ được cộng đồng quý trọng và họ có thể tiếp cận những cộng đồng lớn hơn và giúp đỡ những người nghèo và khó khăn. Một số Tăng sĩ cũng làm nhiệm vụ tư vấn cho các tù nhân. Một số tổ chức được điều hành bởi những vị Tăng trẻ là Dhamma Vijaya Padman, Charumati Buddhist Mission, và Buddhist Peace Centre.
Tiêu điểm tương lai
Bên cạnh những hoạt động đang diễn ra, có ba lĩnh vực mà những người sáng lập Tăng đoàn Theravāda ở Nepal cần chú ý đến: làm vững mạnh các tổ chức Phật giáo Theravāda ở Lumbini, chính thức hóa chương trình giảng dạy Phật giáo Theravāda ở Đại học Phật giáo Lumbini (Lumbini Buddhist University), và thành lập Vụ Phật giáo (Buddhist Affairs) trong chính phủ.
Lumbini là nơi Đức Phật đản sinh. Chính phủ Nepal đã hỗ trợ phát triển địa danh này thông qua sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc. Nơi này được hoạch định như một trung tâm quốc tế dành cho Phật tử khắp nơi trên thế giới. Có nhiều chùa viện được xây dựng bên trong khu vực này. Có hai khu vực chùa – một dành cho Đại thừa/Kim cang thừa và một dành cho Theravāda. Hiện tại, có những ngôi chùa của Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka, Cam-pu-chia, Ấn Độ và Nepal ở Lumbini. Những ngôi chùa này cần được phát triển vững mạnh để đóng chức năng không chỉ như là nơi ở của chư Tăng, mà cũng là những trung tâm quốc tế trong việc truyền bá Phật giáo Theravāda.
Quốc hội Nepal đã thông qua dự luật vào năm 2006 cho phép thành lập Đại học Phật giáo Lumbini (Lumbini Buddhist University) tại Lumbini. Chính phủ đã cấp đất và có một số hỗ trợ tài chính để trang trải những chi phí quản lý ban đầu. Tuy vậy đến nay vẫn chưa có sự tiến triển nào. Đại học này cần trở thành hiện thực để giảng dạy và nghiên cứu về cả ba tông phái Phật giáo.
Sự cần thiết phải có một Vụ Phật giáo vẫn chưa thành hiện thực. Nepal là một vương quốc Hindu cho đến năm 2006, do đó việc nhà nước công nhận Phật giáo không được khuyến khích. Những sự vụ tôn giáo được giải quyết bởi Bộ Nội vụ như là một chương trình nghị sự hỗn hợp. Hiện Nepal là một quốc gia thế tục và chính phủ không thể tách ra khỏi những quan tâm của các cộng đồng tôn giáo. Với cách thức hoạt động hiện đại của Phật giáo Theravāda, phải có một cơ quan chính phủ có trách nhiệm để giải quyết. Những nhà hoạt động Theravāda cùng với những nhóm tôn giáo và bộ phái Phật giáo khác cần gây áp lực với chính phủ để thành lập một Vụ Phật giáo.
* Bài kỳ trước: Phong trào Phật giáo Theravāda ở Nepal
Vô Ưu dịch
[ad_2]