[ad_1]
NSGN – Kinh Pháp hoa (法華經, Saddharmapuṇḍarīkasūtra) là một trong những bản kinh phổ biến nhất ở Đông Á. Có nhiều học giả đã và đang nghiên cứu về kinh này. Họ thảo luận về những phát triển phức tạp trong việc hình thành bản kinh hay những chủ đề triết học như quan điểm về nhất thừa (ekayāna), nhưng những nỗ lực này dường như tách ra khỏi ngữ cảnh Phật giáo Ấn Độ. Vì vậy ở đây tôi sẽ cố gắng đặt kinh Pháp hoa vào lại trong dòng chảy Phật giáo Ấn Độ, so sánh những trích dẫn về nó như được thấy nơi những luận giải của những vị thầy Ấn Độ về sau.
Luận giải về kinh Pháp hoa
Có một luận giải về kinh Pháp hoa được quy cho Thế Thân (Vasubandhu), đó là Saddharmapuṇḍarīkopadeśa (妙法蓮華經論優波提舍/ Diệu pháp liên hoa kinh luận Ưu-ba-đề-xá) ở trong Hán tạng, nhưng chúng ta không có thông tin nào về nó ở nơi những nguồn Ấn Độ. Do đó tôi không xem đây là tác phẩm của Thế Thân được viết ở Ấn Độ.
Những trích dẫn và đề cập về kinh Pháp hoa nơi văn học Ấn Độ
Văn học Mādhyamika (Trung quán)
Nāgārjuna (Long Thọ)
– Mahāprajñāpāramitopadeśa (大智度論, Đại trí độ luận)
Tác phẩm này trích kinh Pháp hoa thường xuyên nhất và con số trích dẫn hay đề cập lên đến 23 lần. Bộ luận đề cập đến những phẩm khác nhau của kinh Pháp hoa và tin tưởng đáng kể vào kinh này. Nhưng điều này khiến chúng tôi lấy làm lạ bởi vì những luận giải về sau không hề đề cập đến Đại trí độ luận và những đề cập của chúng thì khác với những đề cập trong bộ luận này.
– Bodhisaṃbhāra (菩提資糧論, Bồ-đề tư lương luận)
Bồ-đề tư lương luận chỉ tồn tại nơi bản dịch Hán ngữ. Tác giả đề cập đến kinh Pháp hoa hai lần nơi bộ luận nhỏ này. Cả hai đề cập đến việc thọ ký (vyākaraṇa) hai thừa trở thành Phật. Như vậy tác giả của bộ luận có thể biết điều này là một trong những chủ đề chính của bộ kinh. Và hai trích dẫn này được thừa nhận là những đề cập cổ xưa nhất liên quan đến kinh Pháp hoa nơi văn học Phật giáo Ấn Độ.
– Sūtrasamuccaya (大乘寶要義論, Đại thừa bảo yếu nghĩa luận)
Mặc dù người biên soạn Sūtrasamuccaya dường như không phải tác giả của Trung luận tụng (中論頌, Madhyamakakārikā), tác phẩm này lại có một sự ảnh hưởng đáng kể đến những vị thầy Ấn Độ về sau. Chúng ta có thể thấy bốn trích dẫn từ kinh Pháp hoa nơi tác phẩm này. Thứ nhất đề cập rằng việc xuất hiện của một vị Phật là vô cùng hy hữu, hai lần đề cập đến việc hy hữu của những người quyết tâm thành Phật, và đề cập thứ tư liên quan đến việc khó có của những người quyết tâm thực hành con đường nhất thừa. Đặc biệt, trích dẫn cuối của bản kinh này cũng được đề cập ở trong Phật giáo Tây Tạng về sau, vì vậy đây là trường hợp đề cập đầu tiên đến học thuyết nhất thừa trong kinh Pháp hoa.
Bhāviveka (Bhavya, 清辯, Thanh Biện) – Tarkajvāla (思擇明論, Tư trạch minh luận)
Ở nơi chương bốn của Tư trạch minh luận, luận giải về Madhayamakahṛdaya của mình, tác giả đã trích dẫn kinh Pháp hoa và Jikido Takasaki đã thảo luận về trường hợp này và kết luận: 1. Thanh Biện thừa nhận học thuyết tam thừa của Duy Thức tông (Yogācāra) như là giáo thuyết của Đại thừa (Mahāyāna); 2. Thanh Biện cũng dạy học thuyết nhất thừa; 3. Thanh Biện tin vào văn học Duy thức; và 4. Thanh Biện trích dẫn kinh điển để chứng minh học thuyết nhất thừa. Thanh Biện dường như biết chủ đề chính của kinh Pháp hoa là học thuyết nhất thừa; và việc trích dẫn cụm từ nổi tiếng, “chỉ có một thừa (ekayāna), không có hai hay ba thừa”, bắt đầu ở nơi văn học Mādhayamika.
Avalokitavrata – Prajñāpradīpaṭīkā (般若灯論, Bát-nhã đăng luận)
Mặc dù Thanh Biện không trích kinh Pháp hoa ở trong Bát-nhã đăng luận, Avalokitavrata trích nó ở trong luận giải của mình. Nơi bình luận về bài kệ thứ mười của phẩm thứ 22 nói về Như Lai, ông bác bỏ những người không chấp nhận sự toàn trí của Đức Phật và đề cập đến kinh Pháp hoa để nói rằng Đức Phật đã thành Phật từ rất lâu.
Candrakīrti (Nguyệt Xứng, 月稱) – Madhyamakāvatārabhāṣya (入中論註, Nhập Trung luận chú)
Nguyệt Xứng đề cập đến kinh Pháp hoa ba lần trong tác phẩm Nhập Trung luận chú của mình. Nơi bài kệ đầu tiên của chương thứ nhất, ông trích bài kệ thuộc phẩm bốn kinh Pháp hoa để giải thích nghĩa của từ Thanh văn (Śrāvaka). Nơi bài kệ thứ 36 của chương 12, ông trích cụm từ ekayāna của kinh Pháp hoa để chứng minh học thuyết nhất thừa như là chân lý và xem học thuyết tam thừa chỉ mang nghĩa quy ước. Và nơi bài kệ 38, ông đề cập đến ví dụ hóa thành trong kinh Pháp hoa. Nguyệt Xứng dường như cũng biết chủ đề chính của kinh Pháp hoa là học thuyết nhất thừa. Có một phụ luận tên là Madhyamakāvatāraṭīkā của Jayānanda và ở đó tác giả cũng đề cập đến kinh này.
– Catuḥśatikaṭīkā
Nguyệt Xứng cũng lại đề cập đến kinh Pháp hoa trong Catuḥśatikaṭīkā. Ở đây ông giải thích trí tuệ của Như Lai bằng việc nói rằng chúng ta trước hết cần phải đạt được trí tuệ siêu việt.
Jñānagarbha (Trí Tạng)
– Anantamukhanirhāradhāraṇīṭīkā
(無邊門成就陀羅尼廣註, Vô biên môn thành tựu đà-la-ni quảng chú)
Trí Tạng, người cũng được biết đến là tác giả của Satyadvayavibhaṅga, đề cập đến kinh Pháp hoa trong luận giải của mình có tên là Vô biên môn thành tựu đà-la-ni quảng chú (Anantamukhanirhāradhāraṇīṭīkā). Nơi phần cuối của tác phẩm này, ông thảo luận về việc thọ ký Thanh văn sẽ thành Phật và cũng đề cập đến Daśadharmasūtra.
Kamalaśīla (Liên Hoa Giới) – Madhyamakāloka (中觀光明論, Trung quán quang minh luận)
Trong tác phẩm này, Kamalaśīla thảo luận về học thuyết nhất thừa và phê bình học thuyết tam thừa của Duy Thức tông (Yogācara). Ông đề cập đến kinh Pháp hoa năm lần. Hai lần đầu được trích nơi phần đối lập. Tức là, chúng xem kinh Pháp hoa như là một bản kinh thể hiện ý nghĩa quy ước trên cơ sở của Mahāyānasūtrālaṃkāra (Đại thừa trang nghiêm kinh luận) và việc thọ ký ở trong bản kinh là chỉ đối với hai hạng Thanh văn đặc biệt. Sau đó Kamalaśīla phê bình chúng và trích dẫn cụm từ ekayāna của kinh để khẳng định rằng học thuyết nhất thừa là chân thực. Rõ ràng, ông biết bộ kinh mang nghĩa chính này. Thêm nữa, có một đề cập đến bản kinh cũng được tìm thấy trong tác phẩm khác của ông, Prajñāpāramitāvajracchedikāṭīkā (般若波羅蜜多七百(頌)廣疏, Bát-nhã Ba-la-mật-đa thất bách tụng quảng sớ).
– Tattvasaṃgrahapañjika
Trong luận giải về Tattvasaṃgraha của Śāntarakṣila, Kamaraśīla dường như đề cập đến kinh Pháp hoa mà không có tựa đề của nọ. Ông xem Mādhyamakavādin là một bậc trí tuệ của Đại thừa và trích câu “Chỉ có nhất thừa là Đại thừa.” Ông thừa nhận rằng học thuyết nhất thừa là giáo pháp tối hậu, như được nhìn thấy nơi Madhyamakāloka.
Śāntideva (Tịch Thiên)
– Śikṣāsamuccaya (大乘集菩薩學論, Đại thừa tập Bồ-tát học luận)
Đây là một tuyển tập được Śāntideva biên soạn và chúng ta có thể thấy bốn trích dẫn từ kinh Pháp hoa ở nơi đây. Trích dẫn đầu tiên đề cấp đến những người mà chư Bồ-tát xem là không đáng chê trách, thứ hai là về khả năng có thể đạt giác ngộ của tất cả chúng sinh, và hai trích dẫn cuối cùng đề cập đến việc bố thí pháp. Như vậy ông không hề đề cập đến học thuyết nhất thừa của kinh Pháp hoa trong tác phẩm này.
Dīpaṃkaraśrījñāna – Mahāsūtrasamuccaya
Dīpaṃkaraśrīñāna (Atiśa) cũng trích dẫn kinh Pháp hoa trong tuyển tập của mình, Mahāsūtrasamuccaya. Trích dẫn này giống với đề cập đầu tiên trong Śikśāsamuccaya, nhưng nó dài hơn trích dẫn của Śāntideva. Điều này cho thấy rằng ông đã trích những bài kệ này không phải từ Śikśāsamuccaya mà trực tiếp từ kinh Pháp hoa mặc dù ông chắc hẳn đã đọc Śikśāsamuccaya. Và ông cũng không hề đề cập đến học thuyết nhất thừa của kinh Pháp hoa ở trong những tác phẩm của mình.
Kiên Ý (堅意)
– Mahāyānāvatāraśāstra (入大乘論, Nhập Đại thừa luận)
Chúng ta có thể tìm thấy tám đề cập về kinh Pháp hoa trong Mahāyānāvatāraśāstra. Tác giả của tác phẩm này không được đề cập nơi văn học Phật giáo Ấn Độ. Nơi đề cập thứ ba, tác giả đề cập đến “Pháp hoa tam muội” (法華三昧), một cụm từ mà tôi không thể tìm thấy nơi văn học Phật giáo Ấn Độ. Ngoài ra, tác giả không hề đề cập đến học thuyết nhất thừa của bản kinh, do đó tác phẩm này dường như không được viết ở Ấn Độ.
Văn học Yogācāra-vijiñaptimātravādin
Maitreya (Di Lặc) – Ratnagotravibhāga (Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận)
Không có quá nhiều đề cập về kinh Pháp hoa trong văn học Yogācāra như ở trong những nguồn văn học Mādhyamika. Chúng ta có thể thấy một đề cập đến học thuyết nhất thừa ở nơi chương 11 của Mahāyānasūtrālaṃkāra (Đại thừa trang nghiêm kinh luận) của Maitreya và thêm hai đề cập đến bản kinh này ở trong Ratnagotravibhāga mà nó được quy cho ông, nhưng đây dường như là một tác phẩm về sau. Đầu tiên là đề cập đến ví dụ hóa thần ở trong kinh Pháp hoa. Thứ hai là đề cập đến tiêu đề của kinh và tác giả phân loại chúng sinh thành hai, những người sẽ nhập Niết-bàn và những người đã nhập Niết-bàn. Ở đây tác giả thừa nhận học thuyết tam thừa và xem bản kinh là giáo pháp dành cho Bồ-tát.
Vasubandhu (Thế Thân)
– Mahāyānasaṃgrahabhāṣya (攝大乘論釋, Nhiếp Đại thừa luận thích)
Nơi chương cuối của Mahāyānasaṃgraha (Nhiếp Đại thừa luận), Asaṅga (Vô Trước) thảo luận về học thuyết nhất thừa với một trích dẫn từ Mahāyānasūtrāṃkārakārikā. Nơi luận giải của mình, Thế Thân xem học thuyết nhất thừa mang ý nghĩa quy ước và có đề cập đến kinh Pháp hoa. Do đó ông xem học thuyết tam thừa là chân lý tối hậu.
– Buddhadhātuśāstra (佛性論, Phật tính luận)
Tác giả của nó được quy cho Thế Thân, nhưng điều này gây nên nghi ngờ. Chúng ta có thể tìm thấy một đề cập đến kinh Pháp hoa ở trong Buddhadhātuśāstra. Tác giả của bộ luận này nói rằng kinh Pháp hoa chứa đựng những giáo pháp chân thật nhưng ông không thảo luận về tư tưởng của nó.
Asvabhāba – Mahāyānasaṃgrahopanibandhana (Nhiếp Đại thừa luận thích)
Như trích dẫn nơi Mahāyānasaṃgraha, Asvabhāba cũng đề cập đến kinh Pháp hoa trong luận giải của mình như những đề cập nơi luận giải của Thế Thân. Ông phân loại lời dạy của Đức Phật thành hai, đó là cho hàng Thanh văn và hàng Bồ-tát. Như vậy ông cũng xem học thuyết tam thừa là chân thật. Ở nơi chương 11 của luận giải về Mahāyānasūtrālaṃkāra, ông có đề cập đến kinh Pháp hoa.
Sthiramati (An Huệ)
– Mahāyānasūtrālaṃkāravṛttibhāṣya (Đại thừa trang nghiêm kinh luận chú sớ)
Nơi chương 9 của luận giải về Mahāyānasūtrālaṃkāra, Sthiramati đề cập đến kinh Pháp hoa để giải thích những chức năng của nhận thức. Ông không đề cập đến học thuyết nhất thừa cũng không đề cập đến việc thọ ký các Thanh văn. Ở chương 11, ông phê bình học thuyết nhất thừa trên cơ sở của Mahāyānasūtrālaṃkāra.
Ratnākaraśānti (Bảo Tịch) – Prajñāpāramitopadeśa (Hiện quán trang nghiêm luận)
Trong Prajñāpāramitopadeśa, Ratnākaraśānti xem kinh Pháp hoa mang ý nghĩa quy ước. Ông cũng giải thích học thuyết nhất thừa của kinh Pháp hoa trong luận giải của mình về Sūtrasamuccaya.
Văn học Abhisamaya
Ārya-Vimuktisena
– Abhisamayālaṃkāravṛtti
Ở Phật giáo Ấn Độ về sau, vấn đề trở nên phổ biến là đọc Prajñāpāramitāsūtra ở trên nền tảng Abhisamayālaṃkāraśāstra của Maitreya, nhưng ở đó dường như có hai luồng, đó là việc đọc theo Trung quán và việc đọc Duy thức. Đối với kinh Pháp hoa, Trung quán tích cực đề cập đến học thuyết nhất thừa. Ārya-Vimuktisena giải thích những khía cạnh khác nhau của Niết-bàn ở những giai đoạn khác nhau và trích kinh Pháp hoa để giải thích Niết-bàn của Thanh văn. Nhưng ông nói rằng những Niết-bàn này là sự thể hiện chân lý quy ước. Và cũng có một đề cập đến kinh Pháp hoa ở trong Abhisamayālaṃkārakārarikāvārttika của Vimuktisena.
Haribhadra
– Abhisamayālaṃkārāloka
Haribhadra đã phê bình học thuyết tam thừa của Duy Thức tông trong luận giải của mình về Abhisamayālaṃkāra. Ở đó ông đã trích kinh Pháp hoa để chứng minh học thuyết nhất thừa là chân thật. Như vậy ông rõ ràng biết đến học thuyết tam thừa là chân lý của Duy Thức tông và đã đọc Abhisamayālaṃkāra từ quan điểm của Trung Quán tông.
Abhayākaragupta
– Munimatālaṃkāra
Abhayākaragupta cũng đã trích cùng đoạn kinh Pháp hoa mà Haribhadra đã trích. Ông phê bình những người chống đối mà họ xem học thuyết nhất thừa mang ý nghĩa tương đối và nói rằng những người này đã không hiểu được học thuyết nhất thừa tối hậu của kinh Pháp hoa.
Dharmamitra
– Abhisamayālaṃkāraprajñāpāramitopadeśaśāstraṭīka Prasphuṭapada
Những luận giải được đề cập ở trên đề cập đến kinh Pháp hoa trong ngữ cảnh học thuyết nhất thừa hay việc thọ ký chư Thanh văn, còn những đề cập trong luận giải của Dharmamitra cho chúng ta thấy một cảm nhận khác. Có ba trích dẫn về kinh Pháp hoa trong bộ luận này. Tác giả đề cập đến việc Phật pháp có mặt nơi mọi phương diện hay việc giảng pháp với lòng từ bi, nhưng không đề cập đến học thuyết nhất thừa của bản kinh.
Ngoài ra, còn có một đề cập đến kinh Pháp hoa trong Bhagavatyāmnyāyānusāriṇīvyākhyā của Jagaddalanivāsin.
Kết luận
Trong văn học Trung quán, mà không phải Śikṣāsamuccaya, kinh Pháp hoa được trích dẫn liên quan đến học thuyết nhất thừa hay việc thọ ký cho Thanh văn và những đề cập này phát triển thành việc phê bình học thuyết tam thừa của Duy thức. Nơi văn học Duy thức, học thuyết nhất thừa trong kinh Pháp hoa cũng được đề cập, nhưng học thuyết này được xem mang nghĩa quy ước, không phải nghĩa tối hậu. Nơi văn học Abhsamaya, Haribhadra đã phê bình học thuyết tam thừa mà Duy thức xem là chân thực. Còn Dharmamitra có đề cập đến kinh Pháp hoa nhưng không hề đề cập đến học thuyết nhất thừa. Như vậy chúng ta có thể thấy có những việc đọc khác nhau về kinh Pháp hoa trong văn học Abhisamaya.
Mochizuki Kaie
– Vô Ưu dịch
(Nguồn: Journal of Indian and Buddhist Studies, Vol. 59, No.3, March 2011, p.95-103)
[ad_2]