google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Người góp công lớn trong việc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ

Văn Hóa

[ad_1]

NSGN – Phật giáo khai sinh ở Ấn Độ, và cho đến nay đã có mặt khắp năm châu. Có lúc Phật giáo phát triển đến đỉnh điểm cực thịnh, như Phật giáo vào thời đại vua Asoka. Nhưng cũng có khi Phật giáo gần như biến mất ngay tại cội nguồn của mình, như từ sau thế kỷ XIII, mà mãi cho đến đầu thế kỷ XIX mới bắt đầu có dấu hiệu phục hưng.

Để khởi xướng một phong trào phục hưng Phật giáo khi Phật giáo hầu như biến mất trong khoảng thời gian hơn 600 năm là một thách thức không hề nhỏ. Nó vô cùng khó khăn, nguy hiểm và đầy thử thách cho những ai dám đứng ra khởi xướng. Đã không ít người cố gắng tạo lập phong trào nhưng đã không kéo dài được.

Mãi cho đến khi Dharmapāla đứng ra khởi động thì phong trào mới thật sự tạo nên sinh khí và lan rộng, tác động mạnh mẽ đến giới trí thức phương Tây thời bấy giờ. Phong trào phục hưng Phật giáo của Dharmapāla đã đem lại nhiều thành tựu to lớn và đã truyền cảm hứng cho việc chấn hưng Phật giáo ở các nước khác.

Điều kiện tôn giáo-xã hội trước khi Phật giáo Ấn Độ được phục hưng

Từ thế kỷ XVIII, cuộc Cách mạng công nghiệp Pháp ra đời kéo theo nhiều thay đổi trên toàn thế giới. Xã hội phương Tây bước vào một thời đại văn minh với đời sống xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ vào máy móc dây chuyền công nghiệp, của cải vật chất được tạo ra quá nhiều, nguồn cung lớn hơn cầu, thị trường tiêu thụ không đủ, v.v…

Đến đầu thế kỷ XIX, các nước thực dân đã mang quân đi xâm chiếm các nước Đông phương làm thuộc địa, cụ thể là Anh chiếm Ấn Độ, Sri Lanka; Pháp chiếm Việt Nam, Trung Quốc, v.v… Vào thời kỳ này, có những người trí thức, bao gồm những học giả, nhà ngôn ngữ, nhà văn hóa và đặc biệt là các nhà khảo cổ học…, do đặc thù công việc, hoặc do niềm đam mê, hoặc do niềm tin tôn giáo… đã góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vào công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Ấn Độ.

Những nhà khảo cổ đã tìm đến khảo sát nhiều nơi ở Ấn Độ, Nepal… và họ đã phát hiện nhiều cổ vật có giá trị lịch sử chứng minh Đức Phật đã từng hiện hữu ở cuộc đời. Vào năm 1896, hai nhà khảo cổ Alois A. Fuhrer và Khadga Samsher đã phát hiện và khai quật một trụ đá được chôn sâu dưới đất. Chiều cao của trụ đá khoảng 5 đến 6 mét, đường kính khoảng 0,5 mét, trên thân trụ có khắc 5 hàng cổ ngữ Brahmi. Nơi nội dung bản cổ ngữ này có đề cập đến vua Devanam, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa nhận biết được vị vua này là ai. Cùng thời điểm này, các nhà văn hóa Tây phương tiến hành dịch cuốn Mahāvamsa của Sri Lanka, mà ở đó có đề cập đến những việc làm trước và sau khi quy y của một vị vua Ấn Độ.

Từ hai dữ kiện trên, các nhà nghiên cứu đã xâu chuỗi lại và họ đã xác định được vị vua được đề cập trên trụ đá chính là vua A Dục. Nội dung văn bản được khắc trên trụ đá đề cập đến một tôn giáo mà ông theo đó là Phật giáo: “Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devānampiya Piyadasi (A Dục) ngự đến đây chiêm bái, vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc hiền nhân của bộ tộc Thích Ca, đã đản sanh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ theo lệ thường xuống  một phần tám”.1

Tiếp sau đó, vào năm 1821, Alexander Cunningham, vị chủ tịch đầu tiên của Hội Khảo cổ học Ấn Ðộ, cũng đã phát hiện được rất nhiều bia ký và cổ vật của Phật giáo. Ông là người đã tìm thấy xá-lợi của hai vị đại đệ tử của Đức Phật là Sariputta và Moggallana trong một ngôi tháp ở Sanchi. Những xá-lợi này được mang về Luân Đôn và về sau được trả lại cho Ấn Ðộ.

Khi đọc được bản dịch Đại Đường Tây Vực ký bằng tiếng Anh của học giả Samel Beal, tường thuật về cuộc du hành của ngài Huyền Trang, một nhà hành hương và chiêm bái nổi danh của Trung Hoa đến Ấn Ðộ từ năm 629 đến năm 644 sau Tây lịch, Alexander Cunningham đã dựa vào những miêu tả của Huyền Trang, đi ngược từ Ấn Độ sang Trung Hoa để tìm lại những dấu tích lịch sử của Phật giáo. Ông đã thành công khi khám phá được rất nhiều thánh địa Phật giáo rải rác khắp đất Ấn.

Alexander Cunningham làm công việc chính bởi trách nhiệm và niềm đam mê khoa học của mình, nhưng điều đó vô tình đã góp phần lớn lao cho công cuộc chấn hưng Phật giáo khi những phát hiện của ông đã giúp thế giới biết đến lịch sử tồn tại của Phật giáo tại Ấn Độ. Vào năm 1898, nhà khảo cổ học người Anh William Claxton Peppe đã phát hiện xá-lợi Phật ở Ca-tỳ-la-vệ. Hiện xá-lợi này đang được tôn trí tại Viện bảo tàng New Delhi, Ấn độ.

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực văn học, thi phẩm The light of Asia của Edwin Arnold (1832-1904), một tuyệt tác bằng tiếng Anh viết về cuộc đời Đức Phật, được quần chúng và các vị học giả tiếp đón nồng nhiệt vào lúc bấy giờ. Thi phẩm này được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau và đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người tìm về nghiên cứu Phật giáo. Có thể nói rằng nhiều trí thức phương Tây đã tìm đến đạo Phật nhờ đọc qua thi phẩm này. Amar Singh, khi đọc được thi phẩm này, đã quyết định xuất gia, sang Sri Lanka tu học, thọ giới và sau đó trở về xây dựng ngôi chùa lớn tại Bồ Đề Đạo Tràng. Năm 1890, Allan Bennet (1872-1923) nhờ đọc tác phẩm Ánh sáng Á châu mà quy y theo Phật giáo. Sau đó (1902), ông đã đến Tích Lan để xuất gia tu học. Ông là một trong những người có công lớn trong việc phát triển Phật giáo tại Anh vào giai đoạn đầu.

Năm 1905, R.T.Jackson cũng nhờ đọc qua tác phẩm này mà hiểu hơn về Phật giáo, và ông đã kết hợp với một người bạn mở một nhà phát hành sách Phật giáo ở gần công viên Regent, thủ đô Luân Đôn, để phổ biến giáo pháp Phật giáo. Hai cư sĩ này cũng thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng về giáo pháp đạo Phật tại nhà sách của mình. Năm 1910, Frederic Fletcher cũng tìm đến Phật giáo qua tác phẩm này. Ông đã đến Tích Lan xuất gia tu học và về sau có nhiều đóng góp đáng kể đối với Phật giáo tại quê nhà…

Những đóng góp của các nhà nghiên cứu phần lớn thuộc giới trí thức Tây phương được nói ở trên đã giúp nhiều cho việc chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ. Chính nhờ việc phát hiện các thánh tích Phật giáo, tìm thấy được xá-lợi của Đức Phật và các vị đệ tử Phật…, đã giúp xác quyết Đức Phật là một nhân vật lịch sử chứ không phải huyền thoại như trước đó có người đã nghĩ. Những phát hiện này đã đưa nhiều người trên thế giới tìm đến nghiên cứu Phật giáo, và là một trong những yếu tố tạo tiền đề cho việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ.

Anagārika Dharmapāla, người góp công lớn trong việc phục hưng Phật giáo

Anagārika Dharmapāla, thế danh là Don David Hewavitharne, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1864 trong một gia đình có truyền thống theo đạo Phật lâu đời ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Mẹ ông là con gái của một thương gia giàu có ở xứ này. Từ còn nhỏ, Dharmapāla cho thấy mình là một Phật tử thuần thành. Vì sống trong thời kỳ Sri Lanka bị thực dân Anh đô hộ nên Dharmapāla phải theo học ở một ngôi trường Thiên Chúa giáo. Nhưng nhờ có nền tảng Phật giáo vững chắc, nên mặc dù hàng ngày đọc Thánh kinh cầu nguyện như tất cả các học sinh trong trường nhưng Dharmapāla không hề bị tư tưởng của Thiên Chúa giáo ảnh hưởng. Ông thường lén lút đọc sách Phật giáo, và việc này đôi khi khiến ông bị phạt. Vào các ngày Tam hợp (Vesak) hàng năm, Dharmapāla thường xin nghỉ học để đi dự lễ, nhưng không được đồng ý. Nhưng ông vẫn quyết định nghỉ để đi dự lễ dù biết rằng khi về sẽ phải nhận hình phạt. Vào năm khoảng 14-15 tuổi, Dharmapāla bị phát hiện đang đọc một quyển sách về cuộc đời Đức Phật. Cuốn sách bị xé. Ông không chấp nhận điều này nên xin cha mẹ chuyển sang trường khác học. Nhưng dù chuyển sang trường nào cũng không tạo điều kiện cho Dharmapāla thực hiện việc tìm hiểu Phật giáo của mình.

Vào năm 1873, giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo diễn ra một cuộc tranh luận công khai. Đại diện của Phật giáo là Trưởng lão Migettuwatte Gunananda, một vị lãnh tụ lỗi lạc nhất của Tăng-già đương thời, và ông đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận này. Nội dung cuộc tranh luận được in thành sách và phát hành rộng rãi ở nhiều nơi, trong đó có cả những nước phương Tây. Năm 1880, Đại tá Không quân Henry Steel O’coot và bà Blavasky đã từ Hoa Kỳ bay sang Sri Lanka để xin quy y với Trưởng lão nhân đọc được quyển sách của ngài. Những người này cũng hợp tác với cha mẹ của Dharmapāla thực hiện các hoạt động xã hội. Riêng Dharmapāla, trước đây khi nghe danh tiếng của Trưởng lão Migettuwatte Gunananda, cũng đã thường xuyên đến viếng thăm và mượn sách của ngài để đọc. Tại đây, ông được tiếp thêm sức mạnh về niềm tin Phật giáo khi gặp Henry Steel O’coot và đọc được thi phẩm Ánh sáng Á châu.

Năm 1883, một chiếc xe chở phái đoàn Phật tử trên đường đi thăm Trưởng lão Migettuwatte Gunananda đã bị các tín đồ Thiên Chúa giáo chặn lại và sát hại tất cả. Sự kiện này thật sự gây chấn động. Quá bất bình trước sự việc này, Dharmapāla tuyên bố không học ở trường Thiên Chúa giáo nữa. Cha mẹ ông bèn bỏ tiền ra, cùng với Đại tá Henry đấu tranh mở trường riêng, buộc chính phủ phải thừa nhận hệ thống trường tư thục của Phật giáo do Phật tử quản lý cho con em Phật tử đi học. Lúc này, Don David Hewavitharne đổi tên thành Anagarika và phát nguyện dâng trọn cuộc đời cho lý tưởng phục vụ Phật giáo.

Năm 1891, Dharmapāla đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ. Ông rất đau lòng khi chứng kiến tình cảnh hoang tàn của thánh địa này. Sau khi dựng lại cây bồ-đề mà nó bị nghiêng đổ, ông đến đảnh lễ phiến đá nơi Đức Phật thành đạo. Khi trán vừa chạm đất, ông cảm nhận trong người dường như có luồng sức mạnh truyền vào mãnh liệt. Ngay lúc đó Dharmapāla phát nguyện sẽ quyết tâm phục hưng Phật giáo Ấn Độ.

Dharmapāla bị kích động mạnh khi chứng kiến một vị địa chủ Bà-la-môn nhiều quyền lực, là chủ của vùng đất hiện là Bồ Đề Đạo Tràng, đang đuổi đánh hai vị Tỳ-kheo. Trong khi tại bảo tháp nơi tưởng niệm Đức Phật giác ngộ, lại đang thờ tượng thần Shiva. Dharmapāla kiên quyết đấu tranh, yêu cầu Quốc hội Ấn Độ trả lại thánh địa này cho Phật giáo.

Với tâm nguyện trùng tu các thánh tích và chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ, nên ngày 31-5-1891, Dharmapāla thành lập Hội Maha Bodhi, cho ra đời Tạp chí Maha Bodhi Society với mục đích truyền bá Chánh pháp của Đức Phật. Ông vận động mọi người trong xã hội thực hành lời Phật dạy, nhằm góp phần xóa bỏ sự phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo, sắc tộc; chú trọng các hoạt động từ thiện xã hội, giáo dục, v.v. Các hoạt động của Hội thực sự gây được tiếng vang không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở cả những nước Tây phương.

Năm 1893, Đại hội Tôn giáo Quốc tế được tổ chức tại Chicago. Chủ tịch của Hội này khi đọc các bài viết của Dharmapāla trên Tạp chí Maha Bodhi Society đã viết thư mời ông tham dự. Với sự hậu thuẫn của Tăng thống Sumagala, Dharmapāla sang Mỹ với tư cách là người đại diện cho phong trào phục hưng Phật giáo ở Đông và Đông Nam Á. Dharmapāla không bỏ lỡ dịp này để xác nhận vị trí của Phật giáo. Với chủ đề “Món nợ của thế giới đối với Đức Phật”, Dharmapāla thẳng thắn phê bình thái độ mập mờ của Ấn giáo khi đồng hóa Phật giáo thành tôn giáo của mình. Bài diễn thuyết của ông đã khiến các nhà trí thức trong hội nghị kinh ngạc và thay đổi cách nhìn đối với Phật giáo, và cũng khiến cho những người phương Tây tiếp nhận Phật giáo một cách thiện cảm hơn.

Dharmapāla đã đi diễn giảng khắp nơi, tại những châu lục khác nhau. Ông tận dụng sở trường diễn thuyết của mình để truyền bá Phật giáo, đánh động mọi người chú ý đến Phật giáo, kêu gọi Phật tử trên toàn thế giới cùng ông phục hưng, hộ trì Phật giáo. Ông cũng kêu gọi các nhà trí thức, nhà văn hóa, nhà tôn giáo hãy sống vì lý tưởng, chung tay khôi phục Phật giáo trên vùng đất cội rễ. Mỗi khi thuyết giảng trước đông đảo tín đồ Phật giáo và nhân dân Ấn Độ, Dharmapāla luôn trịnh trọng tuyên bố: “Phật giáo đồ Ấn Độ đã bị truy phóng một thời gian dài 800 năm. Ngày nay, họ đã và đang quay trở về tổ quốc. Tất cả chúng ta hãy thức tỉnh siêu vượt chế độ, giai cấp và tín điều, với mục đích duy nhất của Hội Đại Bồ Đề là đem giáo lý của Đấng Phật-đà tặng mọi người dân Ấn Độ.”2

Dựa vào hội Phật giáo được thành lập, Dharmapāla yêu cầu Chính phủ Anh trả lại xá-lợi Phật về cho Ấn Độ. Ông xây dựng chùa trên các vùng thánh địa Phật giáo, đưa bốn vị Tỳ-kheo từ Sri Lanka qua ở ngôi chùa của Sri Lanka được xây dựng nơi Bồ Đề Đạo Tràng để sinh hoạt, xây dựng lại hình ảnh Tăng đoàn trên đất Ấn.

Để phục hưng được Phật giáo tại Ấn Độ, chỉ nhờ vào sự cố gắng của Dharmapāla và các vị trí thức ngoại quốc không thôi thì chưa đủ, mà đòi hỏi phải có sự trợ giúp của người bản địa trong hình thức Tăng sĩ. Phong trào phục hưng sẽ có được những thành tựu lớn hơn khi có sự hiện diện của những Tăng sĩ người Ấn. Và người Ấn Ðộ đầu tiên trở thành tu sĩ Phật giáo trong thời hiện đại là Mahavir Swami. Vị này xuất gia ở Miến Ðiện vào năm 1890 và về sau kiến tạo cơ sở tại Kushinagar.

Tiếp theo sau Mahavir Swami là Dharmananda Kosambi (1902), Bodhananda (1914), Bhadant Anand Kausalayayan (1928), Mahapandit Rahul Sankriyayan (1930), và Jagdish Kashyap (1934).

Việc xây dựng những ngôi chùa mới như Sri Dharmarajika Vihara ở Calcutta vào năm 1920, Buddha Vihara ở Risalda Park, Lucknow vào năm 1925, Malagandhakuti Vihira ở Sarnath vào năm 1931, và Buddha Vihira ở New Delhi vào năm 1939,3 đã tạo thêm sức đẩy cho phong trào phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ.

Gần 40 năm trong hình thức cư sĩ, Dharmapāla dành hết tâm huyết vào việc phụng sự đạo pháp, đào tạo nhân tài, xây dựng cơ sở sinh hoạt Phật giáo, trùng tu các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, thành lập những chi hội truyền bá giáo pháp, v.v… Mãi đến ngày 13-7-1930, khi đã bước sang tuổi 66, Dharmapāla mới chính thức xin xuất gia thọ Đại giới.

Ngày 28-04-1933, Dharmapāla trút hơi thở cuối cùng. Trước khi mất, ông phát lời nguyện: “Tôi muốn tái sinh trở lại cõi đời này 25 lần để truyền bá giáo lý đạo Phật”4.

Thích nữ Thanh Nghiêm

______________________

(1) Tiếng Brahmi: Devannapiyena piyadasina lajina-visativasabhisitena. Atana-agacha mahiyite. Hida Budhe-jate sakyamuniti. Silavigadabhicha kalapita silathabhe-cha usapapite. Hida Bhagavam jateti Lumbinigame ubalike kate. Athabhagiye ca. Việt dịch: Trần Phương Lan, Đức Phật lịch sử, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1997, tr.38-39.

(2) Thích Huyền Minh. Thái Hư Đại sư. Tạp chí Viên Âm, số 95, năm 1950.

(3) D.C. Ahir, Con đường phục hưng của Phật giáo tại Ấn Độ, bản dịch: Trần Đức Phi Bằng/ giacngo.vn.

(4) Thích Nguyên Tạng. Các nhà sư châu Á trên đất MỹHttp://www.quangduc.com.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Anagarika Dharmapāla-A Dục Vương Của Tích Lan, Tạp chí “Phật Tử” (The Buddhist) số tháng 5-1964 phát hành tại Colombo (Tích Lan). Việt dịch: HT.Thích Trí Chơn.

2.  HT.Thích Thanh Kiểm. Lược sử Phật giáo Ấn ĐộThành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1989.

4. Thích Huyền Minh. Thái Hư  Đại sư. Tạp chí Viên Âm, số 95, năm 1950.

5. Trần Phương Lan, Đức Phật lịch sử, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997.

6. D.C. Ahir, Con đường phục hưng của Phật giáo tại Ấn Độ, bản dịch: Trần Đức Phi Bằng/ giacngo.vn.

7. Gia Quốc (dịch). Anagarika Dharmapala và Hội Maha Bodhi.  Http://www.giacngo.vn/.

8. Thích Nguyên Tạng, Các nhà sư châu Á trên đất Mỹ. Http:?/www.quangduc.com

[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest