[ad_1]
GN – Từ xưa, những cuộc hành hương về đất Phật gắn liền với những cái tên như: Nghĩa Tịnh, Pháp Hiển, Huyền Trang,… nhưng dường như rất ít người nhắc đến Hyecho.
Sinh năm 704, Hyecho (Tuệ Siêu) là một nhà sư của vương quốc Shilla thống nhất. Đây là một vương quốc tồn tại trên bán đảo Triều Tiên vào thế kỷ thứ VIII. Ông rời Shilla đến Đại Đường (Trung Quốc) vào năm 17 tuổi để học đạo với Kim Cương Trí, một vị cao tăng Mật giáo gốc Nam Ấn lưu trú và hành đạo tại Trung Hoa. Danh tiếng của Hyecho bắt đầu được biết đến nhiều hơn sau khi ông được vua Đường Đại Tông cung thỉnh chủ trì lễ cầu mưa lúc đất nước gặp buổi hạn hán.
Nhưng một trong những sự kiện nổi bật, có thể nói đã làm thay đổi cuộc đời ông, đó là việc hành hương về đất Phật. Năm 723, Hyecho quyết định đi theo con đường mà Kim Cương Trí đã từ đó tìm đến Trung Hoa, để chiêm bái vùng đất Phật. Cùng với hành trình ròng rã suốt 4 năm rong ruổi qua các tiểu quốc trên đất Ấn, Hyecho đã viết nên cuốn du ký Wang ocheonchukguk jeon (Vãng ngũ Thiên Trúc quốc truyện), tức ký sự du hành đến 5 tiểu quốc ở Ấn Độ.
Trên Con đường tơ lụa cổ xưa
Cuốn ký sự du hành này được học giả Đông phương học người Pháp Paul Pelliot khám phá ra tại một hang động nằm trong khu vực Đôn Hoàng, dọc theo Con đường tơ lụa cổ xưa vào năm 1908. Trước đó, Vãng ngũ Thiên Trúc quốc truyện được xem là đã bị thất lạc từ lâu. Cuộn văn bản mà Paul Pelliot tìm được tại Đôn Hoàng bị rách một phần và không thể hiện rõ tên tác giả.
Tuy nhiên, dựa trên nội dung ở phần văn bản còn lại, nó đã được xác định chính là cuốn du ký của Hyecho khi mô tả một cách rõ nét cuộc hành trình kỳ lạ của ông kéo dài từ năm 723 cho đến khi trở về lại Thiên Sơn (Trung Quốc) năm 727. Lập luận về việc cuốn du ký này là tác phẩm của một Tăng nhân người Shilla được khẳng định vào năm 1915 bởi học giả người Nhật Bản Junjiro Takagusu.
Vãng ngũ Thiên Trúc quốc truyện ghi chép một cách sống động đời sống xã hội của cư dân các tiểu quốc Ấn Độ vào thế kỷ thứ VIII, từ y phục, ăn uống, sản vật, khí hậu cho đến đời sống của các nhà tu hành tại đây. Cuốn du ký này đồng thời cũng mô tả một cách sát sao hành trình di chuyển của Hyecho qua các thánh tích quan trọng của Phật giáo. Sau chuyến hải hành khởi đầu từ Quảng Châu, Hyecho bắt đầu di chuyển trên bộ từ phía Đông của lục địa Ấn, lần lượt tìm đến chiêm bái thánh tích Lộc Uyển, di tích của Kỳ Viên rồi đi sang Tây Thiên Trúc, đến các quốc gia như Đỗ-hóa-la (Afganishtan ngày nay) hay Quy Tư, quê hương của Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Thú vị hơn, Hyecho còn mạo hiểm tìm đến những vùng đất Hồi giáo xa xôi, thuộc khu vực Iran ngày nay. Đi đến đâu ông cũng ghi chép hết sức tỉ mỉ về mọi mặt của vùng đất đó. Xen giữa những đoạn bút ký văn xuôi là những bài thơ ngũ ngôn được Hyecho sáng tác để minh họa cho câu chuyện của mình.
Một người hành hương
Người ta ước tính chuyến hành trình của Hyecho kéo dài 9.000km đường biển và 11.000km đường bộ. Cuốn ký sự du hành của ông cũng được biết đến như là một trong số những tác phẩm du ký nổi tiếng trên thế giới bên cạnh Những cuộc du hành của Marco Polo, Hành trình của Ibn Battuta hay Đông du ký của Odoric da Pordenone.
Năm 2017, Giáo sư Donald S. Lopez đã xuất bản cuốn Hành trình của Hyecho (Hyecho’s Journey), trong đó khái quát về lịch sử văn bản, nghiên cứu và phân tích một cách tỉ mỉ về cuốn ký sự du hành này. Mặc dù vậy, dường như khi nói về những chuyến đi của những nhà du hành Phật giáo, cuốn du ký của Hyecho lại rất ít được nhắc đến, không như những cuốn du ký của các cao tăng Trung Hoa khác như Đại Đường Tây Vực ký của Pháp sư Huyền Trang, Phật quốc ký của ngài Pháp Hiển hay Ký sự du hành của ngài Nghĩa Tịnh. Có lẽ bởi một phần bởi tính chất của những chuyến đi giữa Hyecho và các vị cao tăng Trung Hoa kể trên có phần khác biệt.
Học giả Paul Pelliot bên cạnh những văn bản Phật giáo cổ xưa trong “Hang Thư viện” tại Đôn Hoàng vào năm 1908 |
Nếu như Huyền Trang, Pháp Hiển hay Nghĩa Tịnh thực hiện hành trình của mình với mục tiêu tối hậu là học tập và thỉnh kinh, thì Hyecho lại chỉ đơn thuần là một vị du tăng rong ruổi trên đường hành hương. Đồng thời, danh tiếng của những vị cao tăng người Trung Hoa nói trên lại gắn liền với công trình được thực hiện sau khi họ trở về quê hương đó là phiên dịch kinh điển và cũng chính di sản kinh điển ấy đã khiến cho tên tuổi của họ lưu danh với hậu thế, ví như Huyền Trang, người được muôn đời sau tôn vinh là Tam Tạng Pháp sư, và những kinh sách do ngài tổ chức phiên dịch vẫn còn hiện diện trong các chùa viện thuộc các quốc gia đồng văn cho đến tận bây giờ. Có lẽ vì vị trí thiêng liêng của những chuyến đi đó mà bút ký của các vị cao tăng cũng được lưu tâm nhiều hơn chăng?
Mặc dù vậy, mục tiêu ban đầu của Hyecho là làm một người hành hương, ước nguyện của ông là có thể đi ngược chiều con đường mà vị đạo sư của mình đã theo đó mà đến, để được chiêm bái những thánh tích gắn liền với cuộc đời của Đức Phật. Chính vì thế, di sản của ông, Vãng ngũ Thiên Trúc quốc truyện gắn liền với chuyến hành hương ấy. Và cũng chính văn bản chữ Hán với gần 6.000 ký tự ấy đã là di sản lớn nhất mà ông để lại cho hậu thế. Nhờ ở đó, người đời sau có một cái nhìn chân thực, phác họa lại đời sống trên vùng đất Ấn xa xưa.
Cho đến tận cuối đời, Hyecho vẫn không trở về quê hương Shilla, ông khép lại cuộc hành hương trên cõi tạm của mình mãi mãi trong bóng hình của một vị du tăng tự do và phóng khoáng.
[ad_2]