[ad_1]
NSGN – Ngày 26 tháng 8 năm 1938 (tức mồng 2 tháng 7 nhuận năm Mậu Dần), đáp thư của Hội Khuyến thiện của Việt kiều ở Vientiane, thủ đô Vương quốc Lào, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã cử Thượng tọa Thích Trí Hải và Hòa thượng Thích Đại Hải (Đỗ Danh Giao, trụ trì chùa Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sang Vientiane, làm lễ kỳ siêu và quy y cho các kiều bào.
Báo Đuốc Tuệ, cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, đăng bài ký sự Sau khi thăm Lào và Thái Lan của Thượng tọa Trí Hải, cho biết1:
Chiều ngày 1 tháng 9 (8-7 nhuận) đoàn đến Vientiane.
Từ ngày 4-7 tháng 9 năm 1938, Thượng tọa Trí Hải và Hòa thượng Đại Hải thuyết pháp về vấn đề Phật giáo với chúng sinh, Tam quy và ý nghĩa Tam quy, Từ bi phương tiện, Cúng phá ngục đàn kết, giảng đại ý nghĩa giải kết phá ngục và phương pháp báo ân cha mẹ tổ tiên; Lên đàn làm lễ quy y cho Phật tử; Sau nói về các công việc của Hội Phật giáo Bắc Kỳ từ khi thành lập tới nay.
Các Phật tử đều chú ý lắng nghe và nhiệt liệt hoan nghênh hai diễn giả. Họ bày tỏ ước ao thành lập Chi hội Phật giáo và dựng một ngôi chùa riêng để cho các kiều bào lễ bái và nghe giảng diễn về giáo lý đạo Phật ở Vientiane.Ngài Trí Hải nói: “Việc này chúng tôi xin hết sức về trình với Hội mà còn phải xin phép Chính phủ nữa mới có thể thi hành được. Vì Điều lệ của Hội chỉ thi hành ở xứ Bắc Kỳ thôi, song ở bên này đất rộng các kiều bào đông đúc có hàng vạn người rồi, mà phần nhiều là người theo đạo Phật. Vậy các ngài không làm thì thôi mà đã định làm nên làm cho có quy củ chắc chắn vững vàng rộng rãi, trước là để thờ phụng chư Phật, để noi gương của các vị mà tu theo, ở trong chùa cần nên có thư viện, trường học, nhà dưỡng lão để nuôi những người sang đây không có người thân nhận cấp dưỡng, nên có nghĩa địa để an táng các vị quá cố, có nơi thờ các vị quá cố và phá độ hết cả âm hồn. Xung quanh chùa nên có vườn hoa, vườn cảnh để cúng và để khi rỗi nhàn cùng tháng 2 tuần lễ Phật ngoạn cảnh để di dưỡng tinh thần, sau nữa nên có những nhà tịnh thất, để khi người già ai không muốn ở nhà có thể ra đấy để tu dưỡng, sống chết nhờ cảnh Phật thì lại càng hay. Nói tóm lại trong chùa ấy cần phải làm các việc từ thiện về thực tế, còn những hoang đường huyễn hoặc giả dối hư danh ta nên bãi bỏ, cần phải thương yêu nhau cứu giúp lẫn nhau ở nơi đất khách quê người, trong khi hoạn nạn lấy chùa làm cơ quan làm quỹ”. Mọi người đều tán thành.
– Chiều ngày 10 tháng 9 (17-7 nhuận), đoàn đến chào quan công sứ và quan khâm sứ, trình bày về việc các người Việt Nam ở bên Lào đông đúc mà có nhiều người khao khát muốn làm ngôi chùa để cúng lễ và giảng diễn. Các quan đều vui lòng tán thành, nếu lúc nào làm thì các quan sẽ giúp sức và cho phép.
– Tối ngày 10 tháng 9, các già cùng các giáo hữu ở Vientiane ngồi chờ từ tối để chào đoàn sắp từ biệt xứ Lào. Ai nấy đều khẩn khoản muốn biết điều lệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ và mong ở Vientiane chóng có một ngôi chùa của người Việt Nam để có nơi lễ Phật nghe giảng và chỗ thờ cúng tổ tiên, mong rằng Phật giáo hết lòng giúp vào cho công việc chóng kết quả. Hòa thượng Đại Hải nói:“Việc đó là việc công đức lợi ích chung cả chùa của cả kiều bào bên Lào, cần phải có nhiều người đồng tâm hiệp lực cố hết lòng sốt sắng lúc nào cũng lo đến luôn luôn. Còn Hội Phật giáo Bắc Kỳ dù có giúp được, cũng chỉ được một hai phần mà thôi, hoàn toàn cả thì khó lắm. Bởi vì công việc Hội hiện nay cũng nhiều lắm mà cũng chưa làm xuể được”.
– Ngày 12 tháng 5 năm 1942, ông Trịnh Văn Phú – Chánh Hội trưởng Phật giáo Vientiane, Lào đã gửi điện cám ơn Hội Phật giáo Bắc Kỳ về việc trên.
Như vậy, trong chuyến sang Lào tháng 8-9 năm 1938 để giảng diễn giáo lý đạo Phật và lập đàn Tam quy cho Phật tử Việt kiều ở Vientiane, các Phật tử đã đề nghị Thượng tọa Trí Hải và Hòa thượng Đại Hải trình với Hội Phật giáo Bắc Kỳ về việc xây dựng một cơ sở truyền bá giáo lý đạo Phật nữa tại Vientiane. Hai vị khi vào chào quan Công sứ và quan Khâm sứ ở đây cũng trình lại với họ và họ hứa sẽ giúp đỡ khi làm. Tuy nhiên lúc bấy giờ Hội Phật giáo Bắc Kỳ đang tập trung xây dựng chùa Quán Sứ-Hội quán Trung ương nên chưa giúp được gì.
Tháng 4 năm 1942, trong chuyến sang Lào dự lễ khánh thành chùa Vatphrakeo, Hòa thượng Đại Hải và Thượng tọa Tuệ Chiếu đã diện kiến vua Lào, Phó vương Lào và Toàn quyền Đông Pháp, hai vị đã trình với quý ngài nói trên và được chấp nhận. Đây là sự động viên tinh thần rất lớn đối với các Phật tử Việt kiều và sau đó Hội Việt kiều ở Vientiane đã thành lập Ban Sáng lập chùa do ông Trịnh Văn Phú nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Việt kiều Vientiane làm Trưởng ban.
Công việc xây dựng chùa được tiến hành ngay, tới cuối năm 1942, xây xong ngôi nhà Tổ. Nhưng do khó khăn về tài chính và chiến sự xảy ra nên mãi tới năm 1945 ngôi chùa mới được khánh thành. Chùa được dựng trên lô đất thuộc bản Sihom (nay là bản Hải Xộc), mường Chăn Tha Bu Ly, thủ đô Vientiane, vương quốc Lào (từ ngày 2 tháng 12 năm 1975 là nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), do một số Việt kiều kính ngưỡng Phật giáo, đứng đầu là hai ông Trịnh Văn Phú và Đỗ Đình Tảo đã mua đất, quy hoạch và xin phép dựng chùa, dưới sự chứng minh chỉ đạo của Thượng tọa Trí Hải và Thượng tọa Tuệ Chiếu ở chùa Quán Sứ, Hà Nội, với mục đích làm nơi tín ngưỡng tâm linh, chỗ dựa tinh thần cho Việt kiều ở thủ đô Vientiane nói riêng và nước Lào nói chung. Chùa được đặt tên là “Bàng Long”, nghĩa là Hồng Bàng và Lạc Long Quân, để nhắc nhở cho các kiều bào Việt Nam hiện đang sinh sống ở Lào phải biết thương yêu đùm bọc nhau hơn, để thực sự xứng đáng là con Hồng cháu Lạc.
Sau khi chùa Bàng Long được hình thành, Hội Phật giáo Việt kiều Vientiane đã chính thức cung thỉnh Giáo hội Tăng-già Bắc Việt đề cử hai Hòa thượng Thích Đại Bái và Thích Đại Hải sang làm trụ trì đời thứ nhất, để hướng dẫn Phật pháp cho kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại thủ đô Vientiane. Một thời gian sau, ngài Đại Bái viên tịch, còn ngài Đại Hải thì đi du hóa khắp nơi, chùa thiếu bóng sư trụ trì. Khi đó, Hội Việt kiều Vientiane đã cung thỉnh Giáo hội Tăng-già Trung Việt cử sư Thích Giải Huệ về kế đăng trụ trì chùa Bàng Long đời thứ hai.
Giai đoạn từ những năm 1946-1950, chùa Bàng Long trống vắng không người trông nom, do chiến tranh khiến những người dân phải di cư sang Thái Lan lánh nạn.
Từ những năm 1950-1954, sư Thích Thiện Liên có nhân duyên hoằng pháp tại xứ Lào đã về chùa Bàng Long cùng với Hội Việt kiều đứng lên phục dựng lại chùa. Sau khi phục hồi chùa xong, ngài Thiện Liên lại tiếp tục bản nguyện của mình đi du hóa khắp nơi không trụ lại chùa Bàng Long.
Năm 1955, ông Trịnh Văn Phú, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Việt kiều Vientiane, nguyên Trưởng ban Sáng lập chùa Bàng Long sau đợt di cư trở về thấy chùa trống vắng không có người trụ trì, nên ông đã cùng bà con kiều bào Việt Nam tại Vientiane làm đơn gửi Giáo hội Tăng-già Việt Nam thỉnh cầu Thượng tọa Thích Nhật Liên về trụ trì chùa Bàng Long đời thứ ba từ năm 1956 đến 1969. Trong thời gian trụ trì chùa Bàng Long, ngài Nhật Liên đã thỉnh được Thượng tọa Thích Thanh Tuất, Thượng tọa Thích Quảng Thiệp và Hòa thượng Thích Trung Quán cùng chung lo Phật sự tại chùa Bàng Long và đã trùng tu lại ngôi chính điện, mua đất thành lập nghĩa địa Phật giáo và dựng chùa Đại Nguyện tại đây để làm nơi cho các kiều bào Việt Nam gửi xác thân sau khi quy tiên chầu Phật.
Do sự điều động của Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, vào năm 1969, Thượng tọa Thích Nhật Liên đã hồi hương đảm trách công việc Phật sự tại quê nhà. Trước khi về nước, ngài Nhật Liên đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Trung Quán, khi đó đang giữ cương vị Thượng thủ chùa Bàng Long lên làm trụ trì chùa Bàng Long đời thứ tư, để tiếp tục sự nghiệp hoằng dương Phật pháp tại nơi đây.
Kể từ năm 1969-1978, Hòa thượng Thích Trung Quán trên cương vị trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng đã chú trọng về việc nghiên cứu dịch thuật và hoằng hóa, nhằm nâng cao trình độ Phật học cho các Tăng Ni và Phật tử, nên đã mở nhiều khóa tu học tại chùa Bàng Long và nhiều nơi trên đất nước Lào. Đặc biệt, ngài có hạnh nguyện tự tay đắp tượng Phật để tôn thờ, bởi thế hầu hết những pho tượng đang tôn thờ tại các ngôi chùa mà ngài từng làm trụ trì hay đến hoằng hóa, đều do đích thân ngài đắp, như chùa Bàng Long (Vientiane), chùa Phật Tích(Luangphabang), chùa Thanh Quang và chùa Long Vân ở tỉnh Pakse, chùa Nhân Vương và Pháp Vương ở Pháp. Trong khoảng thời gian gần 10 năm hoằng hóa tại xứ Lào, ngài đã được rất nhiều người ở nhiều nơi mến mộ tìm đến quy y, học hỏi và xuất gia tu hành; nhờ vậy mà chùa Bàng Long đã trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam tại Lào, có hiệu là “Chùa Trung ương Bàng Long” và “Như Lai Sở đô”.
Khoảng giữa năm 1978, nhận lời thỉnh cầu từ Hội Phật tử châu Âu, Hòa thượng Thích Trung Quán đã tạm thời giao trách nhiệm trông giữ chùa Bàng Long cho hai đệ tử là Sư cô Thích Đàm Ngọc và Sư cô Thích Đàm Quy để sang châu Âu hoằng dương Phật pháp.
Năm 2003, Hòa thượng Thích Trung Quán thuận theo lý vô thường đã xả bỏ huyễn thân trở về pháp thân, viên tịch vào ngày 1 tháng 4 năm 2003 tại Pháp. Từ đó cho tới nay, chùa Bàng Long vắng bóng sư trụ trì, do khi Hòa thượng Thích Trung Quán ra đi chưa chính thức bàn giao cương vị trụ trì chùa Bàng Long cho ai cả.3
Những năm gần đây, do hai sư Đàm Ngọc và Đàm Quy tuổi cao, sức khỏe suy giảm, khiến công việc tại chùa Bàng Long bị sao nhãng, trầm lắng. Trước thực trạng trên, sư Đàm Quy cùng chư Tăng Ni là những người từng xuất gia tu học với Hòa thượng Thích Trung Quán tại chùa Bàng Long giai đoạn 1970-1989 và Hội người Việt Nam ở Vientiane đã đồng lòng làm đơn thỉnh nguyện Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, cầu thỉnh Thượng tọa Thích Thọ Lạc về trụ trì chùa Bàng Long.
Đáp lại thỉnh nguyện trên, sau khi nhận được các văn bản đồng thuận của các cơ quản lý nhà nước Lào và Việt Nam, ngày 12 tháng 9 năm 2014, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức ra Quyết định công cử Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng sơn môn tổ đình Kim Liên, là sư đệ của Hòa thượng Thích Trung Quán, lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Bàng Long tại thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, để quản lý, điều hành, hướng dẫn Phật pháp và phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các Phật tử và cộng đồng người Việt Nam tại Lào, theo đúng tinh thần Phật pháp, Pháp luật của Nhà nước và Hiến chương của Giáo hội.
Tin rằng dưới sự dẫn dắt của Thượng tọa Thích Thọ Lạc, chùa Bàng Long sẽ ngày một hưng thịnh, xứng đáng là chỗ dựa tâm linh và nơi tu tập của Việt kiều tại Vientiane và thể hiện sự đoàn kết gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Lào-Việt.
Nguyễn Đại Đồng
____________
(1) Đuốc Tuệ số 98 ra ngày 1 tháng 12 năm 1938.
(2) Đuốc Tuệ số 180-181 ra ngày 15-5 và 1-6-1942.
(3) Theo Lược sử chùa Bàng Long doThượng tọa Tiến sĩ Thích Thọ Lạc và Đào Minh Châu – Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn, biên soạn, ngày 9 tháng 1 năm 2017, tại chùa Bàng Long, thủ đô Vientiane.
………….
Tài liệu tham khảo
Báo Đuốc Tuệ số 98 ra 1 tháng 12 năm 1938.
Báo Đuốc Tuệ số 180-181 ra 15-5 và 1-6 năm 1942.
Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb Tôn Giáo, 2008.
Lược sử chùa Bàng Long do TT.TS Thích Thọ Lạc và Đào Minh Châu biên soạn năm 2017.
[ad_2]
Source link