[ad_1]
NSGN – Phong trào của B.R. Ambedkar được cho là đã thành công ở lĩnh vực chính trị – xã hội, nhưng không thành công ở khía cạnh tín ngưỡng – tôn giáo.
Mười giờ sáng nhưng trời đã nắng gắt, mùa hè ở Nagpur nóng hơn rất nhiều so với nhiều nơi khác ở Ấn. Chuyến tàu đến đúng chính xác giờ như được ghi trong vé. Vì thời gian ở Nagpur chỉ được hai ngày, nên vừa xuống tàu tôi đã đón rickshaw đi ngay đến Deeksha Bhoomi, một địa danh mà tôi cần đến trong chuyến đi Nagpur lần này.
Nếu như Bodhgaya được coi là thánh địa của Phật tử khắp nơi trên thế giới, thì Deeksha Bhoomi được xem là thánh địa của những Phật tử mới Ấn Độ, tức những Phật tử cải từ Ấn giáo sang Phật giáo từ sau phong trào của B.R. Ambedkar.
Deeksha Bhoomi khá vắng người khi tôi đến, chỉ có một vài gia đình, cả Phật giáo và Ấn giáo, đến tham quan chiêm bái, và một số sinh viên của trường đại học bên cạnh sang chơi và học bài. Deeksha Bhoomi chưa bị sự xâm lấn của những dịch vụ kinh doanh như những Phật tích khác ở Ấn Độ. Điều này có thể do vì không có nhiều những đoàn chiêm bái nước ngoài đến đây, tức là vì chưa có “cầu” nên chưa có “cung”.
Ngôi tháp hình vòm màu trắng, tọa lạc bên một trục đường lớn ở thành phố Nagpur, nổi bật và ấn tượng trong một ngày hè rực nắng. Ngôi tháp này được lấy mô hình từ tháp Sanchi ở Madhya Bradesh. Ngay cả cổng tháp cũng phỏng theo cổng tháp Sanchi. Deeksha Bhoomi được xây dựng tại nơi B.R. Ambedkhar tổ chức lễ quy y theo Phật giáo vào năm 1956. Tầng trệt của tháp thờ tôn tượng Đức Phật, và cũng dành một góc trưng bày những bức ảnh của Tiến sĩ Ambedkar có liên quan đến sự kiện ông cải đạo sang Phật giáo. Tầng trên của tháp để trống, bên trong có treo một bức ảnh B.A. Ambedkar khổ lớn. Tầng này có lẽ dùng làm hội trường trong những dịp lễ lớn hoặc những buổi quy y tập thể. Vào những ngày thường, tầng trên này không mở cửa. Nhưng người gác cổng ở tầng tháp dưới, một Phật tử, khi thấy tôi lên tầng trên đã tự nguyện lên theo mở cửa cho tôi vào bên trong, dù tôi không có đề nghị gì.
Bên trong tháp, ở tầng dưới, một vài gia đình vào lễ Phật và tĩnh tọa. Không có việc đốt nhang đèn và cũng không có những lễ nghi. Mọi việc đều giản đơn, trầm lặng, nhưng cũng cung kính và chí thành. Các Phật tử lễ Phật trong tháp xong, thường ra lễ bái tượng B.R.Ambedkar được tôn trí ở bên ngoài tháp, bên cạnh tôn tượng Đức Phật.
Tôi hỏi chuyện một Phật tử rằng ông có thường đến Deeksha Bhoomi không, thì ông trả lời thường đến đây một tuần một lần; và hôm nay ông đến lễ Phật và Ambedkar là vì ngày sinh nhật của cô con gái của ông. Hai cha con tỏ ra rất hoan hỷ, sau khi thực hiện một việc tâm linh có ý nghĩa đối với họ. Gia đình họ ở cách Bhoomi 3km.
Ta biết rằng những người cải sang Phật giáo từ sau phong trào B.R. Ambedkar đều xuất thân từ đẳng cấp thấp, và ở Nagpur, phần lớn là những người thuộc đẳng cấp Mahar. Một vài gia đình mà tôi gặp ở đây, họ đều nói thuộc đẳng cấp này. Nhưng khi tôi hỏi ông bố và cô bé rằng, có phải những người sau khi quy y rồi sẽ không còn đẳng cấp nữa, thì họ nói đúng là như vậy. Tuy nhiên, ông vẫn thừa nhận rằng ông là người thuộc đẳng cấp Mahar. Ông nói rằng bắt đầu từ đời bố mẹ, gia đình ông mới theo Phật giáo, còn những thế hệ trước đều theo Ấn giáo.
Một buổi quy y tập thể ở Deeksha Bhoomi, Nagpur
Mahar là một đẳng cấp cùng đinh và chiếm 10 phần trăm dân số ở bang Maharashtra. Trước đây nghề nghiệp của đẳng cấp này giới hạn ở những công việc như quét tước, giặt giũ và phục vụ cho những người giàu. Từ sau khi cải đạo sang Phật giáo, những người thuộc đẳng cấp này hầu như bỏ nghề nghiệp cũ để chuyển sang làm nông nghiệp, một số khác vào các thành phố để làm những công việc khác.
Ở phía bên phải của tháp từ bên ngoài vào, có dựng một tấm bia lớn ba mặt, ghi 22 lời thệ nguyện của B.R. Ambedkar khi ông quy y Phật giáo, và những lời nguyện này cũng dành cho tất cả những người quy y theo Phật giáo về sau:
1. Tôi sẽ không tin Brahma, Vishnu và Mahesh, cũng không thờ phượng họ.
2. Tôi không tin Rama và Krishna, những vị được coi là hóa thân của thần linh, tôi cũng sẽ không thờ phượng họ.
3. Tôi không tin vào Gauri, Ganapati và những thần và nữ thần khác của người Ấn giáo, tôi cũng sẽ không thờ phượng họ.
4. Tôi không tin vào sự hóa thân của thần linh.
5. Tôi không và sẽ không tin rằng Đức Phật là hóa thân của thần Vishnu. Tôi tin đây là điều hoàn toàn nhảm nhí và sự tuyên truyền dối trá.
6. Tôi sẽ không thực hiện ‘shraddha’(1), tôi cũng sẽ không dâng cúng ‘pind-dan’(2).
7. Tôi sẽ không hành động theo một thể thức mà nó vi phạm những nguyên tắc và lời dạy của Đức Phật.
8. Tôi sẽ không theo bất kỳ nghi lễ nào do các Bà-la-môn thực hiện.
9. Tôi sẽ tin vào sự bình đẳng của con người.
10. Tôi sẽ nỗ lực thiết lập sự bình đẳng.
11. Tôi sẽ theo Bát Chánh đạo của Đức Phật.
12. Tôi sẽ theo các Ba-la-mật do Đức Phật đặt ra.
13. Tôi sẽ thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh và bảo hộ họ.
14. Tôi sẽ không trộm cắp.
15. Tôi sẽ không nói dối.
16. Tôi sẽ không phạm tà hạnh.
17. Tôi sẽ không sử dụng các chất gây say nghiện như bia rượu và mà túy…
18. Tôi sẽ nỗ lực thực hành Bát Chánh đạo và thực hành lòng từ bi trong đời sống hàng ngày.
19. Tôi từ bỏ Ấn giáo, tôn giáo có hại cho loài người và làm cản trở sự tiến bộ và phát triển của loài người bởi vì tôn giáo này được đặt cơ sở trên sự bất bình đẳng, và [tôi] chọn Phật giáo làm tôn giáo của tôi.
20. Tôi tin tưởng kiên định Pháp (Dhamma) của Đức Phật là tôn giáo duy nhất đúng.
21. Tôi tin rằng tôi đang sinh trở lại.
22. Tôi chính thức tuyên bố và khẳng định rằng từ nay trở đi tôi sẽ sống theo những nguyên tắc và lời dạy của Đức Phật và Pháp của Ngài.
Khi tôi hỏi hai bố con vị Phật tử có thờ Phật và B.R. Ambedkar ở nhà không thì họ trả lời có. Tôi hỏi thêm rằng vậy có thờ bất cứ vị thần nào của Ấn giáo không thì họ trả lời không, và cho rằng việc thờ như vậy là sai. Nhưng tôi nói với họ rằng theo tôi biết (qua những quyển sách viết về tình hình Phật giáo hiện nay ở Ấn và những gì tôi đã chứng kiến tại những gia đình Phật tử ở Maharashtra), thì hầu như những gia đình Phật tử theo B.R. Ambedkar cùng một lúc thờ Đức Phật, B.R. Ambedkar và các vị thần Ấn giáo. Vị Phật tử này xác nhận rằng điều này là có thực, nhưng với gia đình ông thì không hề có điều đó. Tín ngưỡng mới của những Phật tử mới này, thường được mô tả là “thờ Phật và B.R. Ambedkar ở phòng trước, thờ các thần Hindu ở phòng sau”.
Tuy nhiên, trong thực tế, sự thờ phượng tượng ảnh không được phân chia một cách riêng biệt như vậy. Sự phụng thờ tượng ảnh có khi được gộp chung trong một phòng. Có khi tượng Phật được đặt một cách khiêm tốn ở một bên, còn tranh tượng các vị guru Ấn giáo được đặt chính diện căn phòng. Những thệ nguyện của B.R. Ambedkar đặt ra, nhiều tân Phật tử đã không hề theo. Điều này phải chăng việc thờ các vị thần Ấn giáo đã trở thành một truyền thống và người ta không thể từ bỏ nó một cách dễ dàng, hay vì việc chỉ thờ Đức Phật và B.R.Ambedkar là không đủ hay không thỏa mãn họ?
Khác với những Phật tử truyền thống là chỉ có Ba quy y, Phật tử theo B.R. Ambedkar có đến Bốn quy y, đó là ngoài quy y Phật-Pháp-Tăng, họ còn có thêm thệ nguyện là quay về nương tựa B.R. Ambedkar. Nhưng có lẽ B.R. Ambedkar sẽ không ngờ rằng, sau này những người theo ông không chỉ xem ông như một người thầy đưa họ trở lại với Phật giáo, hay một vị thầy dẫn đạo, mà còn thánh hóa ông như một vị thần. Phật tử đến lễ B.R. Ambedkar không chỉ như đến lễ bái một vị thầy với sự tri ân, mà cũng còn cầu xin sự gia hộ trong học hành và công việc.
Trong 22 lời thệ nguyện được đặt ra, ta thấy có những thệ nguyện nêu cao sự bình đẳng và nỗ lực thiết lập sự bình đẳng vào trong đời sống, tuy nhiên ta không thấy thệ nguyện nào tuyên xưng sẽ từ bỏ hệ thống đẳng cấp sau khi quy y. B.R. Ambedkar rất nhấn mạnh việc từ bỏ niềm tin vào các thần linh Ấn giáo. Tuy nhiên, nếu xét đến sự khái quát, thì có lẽ câu “Đệ tử quy y Phật nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y thiên thần quỷ vật; đệ tử quy y Pháp nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo” hàm súc và bao quát hơn bốn thệ nguyện đầu của B.R. Ambedkar. Thay vì nhấn mạnh vào từng vị thần Ấn giáo, có lẽ bao quát hơn khi nhấn mạnh bằng một câu chung rằng: không quy y Chúa, Thần của tất cả các tôn giáo khác!
Nhưng cũng hay là, trong khi B.R. Ambedkar kêu gọi các Phật tử từ bỏ Ấn giáo một cách triệt để, thì lại có những gia đình theo Ấn giáo “hành hương” về Deeksha Bhoomi. Tại ngôi chùa nhỏ ở bên phải ngôi tháp, tôi thấy một vài gia đình nghỉ ngơi và ăn trưa sau khi chiêm bái và đảnh lễ, và họ nói rằng họ là những người Hindu. Hình như, cho dù B.R. Ambedkar tuyên bố rằng Đức Phật không phải là hóa thân của thần Vishnu, thì những người Ấn giáo vẫn xem Ngài như một vì thần của Ấn giáo. Cũng giống như việc Ambedkar khuyên những người theo ông chớ có tin vào các thần linh của Ấn giáo, thì các Phật tử vẫn kết hợp việc thờ các thần linh này cùng chung với việc thờ Phật.
Phong trào của B.R. Ambedkar được cho là đã thành công ở lĩnh vực chính trị – xã hội, nhưng đã không thành công ở lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo. Những Phật tử theo phong trào này, nói chung đã thay đổi đáng kể vị thế xã hội nhờ vào sự thay đổi nghề nghiệp và việc phát triển giáo dục. Nhưng những Phật tử mới này đã không cải sang Phật giáo một cách triệt để, tức là niềm tin và sự phụng thờ các vị thần Ấn giáo vẫn còn được họ thực hành, và niềm tin mới bị trộn lẫn vào trong truyền thống cũ. Và những người này rất dễ đánh mất tôn giáo mới của mình nếu phong trào suy yếu.
Nhưng khuynh hướng này có lẽ cũng tất yếu đối với những Phật tử mới này. “Tôn giáo” của B.R. Ambedkar hướng nhiều về triết học xã hội với việc đề cao những nguyên tắc đạo đức và các giá trị loài người phổ quát. Nhưng đối với những Phật tử thuộc đẳng cấp thấp và thất học, thì quy y sẽ không chỉ quay về nương tựa những nguyên tắc đạo đức và những giá trị con người phổ quát, hay là việc ứng dụng những pháp môn tu tập nhằm mục đích thanh tịnh tâm ý, mà còn là sự nương tựa để được “che chở” và “phù hộ”. Và khi Đức Phật luôn được nhấn mạnh không phải là thần linh có khả năng “che chở” và “phù hộ”, thì người ta buộc phải bổ sung vào “hệ thống tín ngưỡng” của mình những vị thần khác.
Tuy nhiên không phải các Phật tử mới đều như vậy. Phật tử ở (Maharashtra) Ấn Độ được chia làm ba thành phần. Thành phần thứ nhất là các Phật tử ở các ngôi làng, và cộng đồng này được xem là một sự biến thể của Ấn giáo, bởi vì họ đã không có những thay đổi triệt để về một số vấn đề căn bản sau khi quy y. Ví dụ, họ vẫn còn thờ phượng các vị thần Ấn giáo, và vẫn còn thừa nhận hệ thống đẳng cấp. Thành phần thứ hai là một dạng Phật giáo “trí thức”, đề cao chủ nghĩa duy lý và dân chủ xã hội. Ngược lại với cộng đồng Phật tử ở các làng quê, thành phần này từ bỏ triệt để việc thờ phượng các thần linh của Ấn giáo cũng như sự phân chia đẳng cấp; và họ cũng từ bỏ một số giáo pháp căn bản của Phật giáo truyền thống. Những Phật tử này chỉ chấp nhận những giá trị như sự bình đẳng, nhân phẩm, sự tự lực, chấp nhận giáo dục hiện đại, tính hợp lý khoa học, dân chủ, quyền con người, và bác bỏ niềm tin vào những yếu tố siêu nhiên… Và thành phần này cũng chối bỏ niềm tin vào học thuyết nghiệp cũng như tái sanh. Thành phần này giải thích khổ và nguyên nhân của khổ xuất phát từ những mô thức xã hội, hơn là phát xuất từ tâm thức. Và như vậy để giải thoát khổ đau, theo họ, phải cải cách xã hội. Thành phần Phật giáo thứ ba là sự kết hợp Phật giáo truyền thống và những giá trị xã hội phổ quát hiện đại. Họ chấp nhận Phật giáo truyền thống, nhưng đã giải thích lại một số giáo pháp theo cách của họ, mà họ cho là để thích ứng với xã hội hiện đại.
B.R. Ambedkar và những người lãnh đạo của phong trào này được xếp vào thành phần Phật tử thứ hai. Nhưng trớ trêu là, cho dù B.R. Ambedkar cố gắng cổ xúy một mô hình Phật giáo khoa học với những giá trị nhân bản, thì quần chúng theo ông lại hầu như thuộc về thành phần Phật giáo thứ nhất. Chính bởi điều này, B.R. Ambedkar bị phê bình là đã xây dựng nên một phong trào tôn giáo thiếu xét đến những yếu tố nhân chủng và xã hội học. Cộng đồng dân làng nghèo mà B.R. Ambedkar nhằm đến để đưa họ ra khỏi những trói buộc của tôn giáo cũ và những định chế văn hóa, khó có thể thực hiện được mô thức tôn giáo do Ambedkar xây dựng. Thêm nữa, bởi vì muốn xây dựng một Phật giáo mới theo quan kiến của mình, B.R. Ambedkar bị phê bình mạnh mẽ bởi bị cho là “xuyên tạc” giáo pháp của Đức Phật.
Tuy nhiên, ba thành phần Phật tử này đâu chỉ hiện diện ở (Maharashtra) Ấn Độ, mà có mặt ở nơi nhiều xã hội Phật giáo. Như ở Việt Nam, chúng ta không khó nhìn thấy ba thành phần Phật tử như thế này. Đó là một đạo Phật “dân gian” phổ biến trong xã hội. Đức Phật mà họ tin theo là có khả năng ban phước và gia hộ. Và họ có thể cùng một lúc thờ cả Phật, Mẫu, ông Địa, ông Táo, Quan Công…. Và với thành phần này (thường chiếm phần trăm rất lớn), nếu Đức Phật không có “quyền năng” gì, không đáp ứng được những nhu cầu “cầu an” và “cầu siêu”, thì niềm tin vào đạo Phật sẽ trở nên mờ nhạt.
Thành phần Phật tử thứ hai tạm gọi là Phật tử trí thức. Những người luôn đặt Phật giáo dưới ánh sáng khoa học và đôi khi dường như đang theo “chủ nghĩa xét lại”. Và có người còn cho rằng những điều gì không phù hợp với khoa học thì nên loại bỏ!
Thành phần thứ ba là chấp nhận Phật giáo truyền thống, nhưng giải thích theo một cách, mà theo họ là để thích ứng được với xã hội hiện tại. Bên cạnh cũng có người cố gắng muốn thực hành một hình thức Phật giáo như được trình bày trong các Nikaya…
Phật giáo mới của B.R. Ambedkar có đặt ra nghi lễ cho việc kết hôn. Nhưng do vì nền tảng chủ đạo là xây dựng một tôn giáo “phi thần linh”, nghi lễ này chỉ là dịp để cô dâu và chú rể thực hiện những cam kết với nhau; và những cam kết này được dựa trên kinh sách Phật giáo, cụ thể là kinh Thiện sinh. Ví dụ tại buổi lễ kết hôn, chú rể sẽ cam kết với cô dâu những điều sau:
Tôi sẽ tôn trọng vợ của mình.
Tôi sẽ không sỉ nhục cô ấy.
Tôi chứng minh sự tôn trọng của tôi đối với vợ của mình bằng việc tránh sử dụng những chất và thức uống gây say nghiện, và không làm việc tà hạnh.
Tôi sẽ làm cho vợ tôi được hạnh phúc bằng việc trao cho cô ấy tài sản và đáp ứng những nhu cầu cần thiết của cô ấy.
Tôi sẽ làm cho vợ tôi hài lòng bằng việc trao cho cô ấy những đồ trang sức và y phục.
Còn cô dâu sẽ cam kết với chú rể những điều sau:
Tôi sẽ giữ cho nhà mình gọn gàng, sạch sẽ.
Tôi sẽ làm vui lòng chồng mình, những thành viên trong gia đình và thân bằng quyến thuộc, những người lớn tuổi và những người giúp việc trong nhà, bằng sự hành xử tử tế và đứng đắn của tôi.
Tôi sẽ bảo quản tài sản do chồng mình kiếm được bằng phương tiện mưu sinh chân chính.
Tôi sẽ cẩn thận trong mọi việc nhà và không để sự lơ đễnh hay cẩu thả nào xảy ra.
Buổi lễ kết hôn thường được tổ chức đơn giản; và trong buổi lễ kết hôn, gia đình sẽ không đãi người đến tham dự thức ăn mặn và rượu, hai thứ mà theo truyền thống là không thể thiếu trong các tiệc cưới; và nếu thiếu hai thứ này một buổi lễ kết hôn không được xem là thành tựu.
Tuy nhiên, nghi lễ dành cho việc kết hôn không hoàn toàn được đặt cơ sở trên giáo lý Phật giáo và cũng không phải đã từ bỏ đi những tục lệ truyền thống. Việc chọn người hôn phối được cho là vẫn còn tùy thuộc vào cha mẹ, và việc chọn người hôn phối thường giới hạn trong từng nhóm có chung dòng dõi (jati) ở trong một ngôi làng, mặc dù B.R. Ambedkar luôn kêu gọi những người theo ông hãy kết hôn với những người khác đẳng cấp để phá bỏ đi hệ thống đẳng cấp…
Thay lời kết
Sau khi rời Deeksha Bhoomi, tôi lại đến Dragon Palace Buddhist Temple, một ngôi chùa do người Nhật xây dựng ở Kamptee, cũng thuộc thành phố Nagpur. Dọc đường đến Gragon Temple, tôi thấy nhiều tượng của B.R. Ambedkar được dựng hai bên đường. Ở thành phố Nagpur nói riêng và ở bang Maharashtra nói chung, sự ảnh hưởng của B.R. Ambedkar vào đời sống chính trị xã hội thật sự sâu sắc. Tên tuổi của ông không chỉ được đặt tên đường, tên trường học và các quỹ từ thiện, mà cũng còn được sử dụng cho những lần tranh cử. K. Ramakrishna Rao, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Triết học Ấn Độ cho rằng ở Ấn Độ hiện đại, sự ảnh hưởng của B.R. Ambedkar vào đời sống xã hội chỉ đứng sau Mahatma Gandhi, mà ở trên tất cả những chính khách và những nhà cải cách xã hội khác.
Và như tôi đã đề cập ở trước, phong trào của B.R. Ambedkar được cho là đã thành công ở lĩnh vực chính trị – xã hội, nhưng không thành công ở khía cạnh tín ngưỡng – tôn giáo, cho dù số người cải từ Ấn giáo sang Phật giáo mới của B.R. Ambedkar là rất đông đảo và mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn người tiếp tục đi theo phong trào này. Bởi vì với việc cải đạo nửa vời và việc bị chi phối quá sâu sắc bởi tín ngưỡng Ấn giáo, và bởi vì văn hóa Phật giáo chưa đủ mạnh so với văn hóa Hindu ở những ngôi làng theo Phật giáo, những người này sẽ dễ dàng quay trở lại với tôn giáo cũ mỗi khi phong trào bị suy yếu, và mỗi khi những người lãnh đạo phong trào không gần gũi và kiểm soát được “tín đồ” của mình.
Chú thích
(1) Shraddha là một lễ cúng tổ tiên, đặc biệt là cha mẹ quá vãng, của những người Hindu.
(2) Pind-dan là một hình thức dâng cúng đồ ăn cho những người quá vãng vào các dịp cúng giỗ hay khi đến các thánh địa… Người Hindu tin rằng việc dâng cúng này sẽ làm cho những linh hồn quá vãng hết đói khát. Thức ăn này sau đó được đem cho bò, quạ, hay được đổ xuống nước.
[ad_2]