google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Nghệ thuật chăm sóc người bệnh

Phật Giáo Việt Nam

[ad_1]

NSGN – Đã mang thân người, một sự thật không thể chối cãi là sớm muộn gì ta cũng có bệnh. Với sự phát triển của khoa học và y học, ngày càng có nhiều loại bệnh có thể chữa lành, đây là một may mắn lớn. Có những căn bệnh mãn tính, triệu chứng không bộc phát ồ ạt, mà bệnh lại kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm và bệnh nhân cũng không hề dễ chịu với sự hoành hành của các căn bệnh này. Các phương tiện điều trị bệnh mãn tính chỉ có tác dụng hạn chế sự tiến triển của bệnh và chỉ là những cách hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng chứ không thể giúp người bệnh khỏi hẳn. Bệnh mãn tính bức bách là vậy, nhưng người bệnh vẫn dễ dàng chấp nhận sự thật “sống chung với lũ”, nhất là ở người lớn tuổi.

Nỗi lo sợ lớn hơn của tất cả mọi người  là những căn bệnh nan y như ung thư, đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị. Với các bệnh mãn tính và nan y, chăm sóc giảm nhẹ về phương diện chuyên môn là một phần công việc hàng ngày của bác sĩ; trong khi đó, chăm sóc giảm nhẹ về phương diện tâm lý là phần việc của chính bản thân người bệnh và người nhà bệnh nhân. Để đương đầu hiệu quả hơn với bệnh tật, chúng ta cần có hiểu biết nhất định về bệnh, có trải nghiệm tâm lý thực tế khi bị bệnh và hiểu rõ các cách để vượt qua nỗi lo tâm lý này.

Khi bệnh, ta phản ứng thế nào?

Khi bệnh, mỗi người có cách hành xử với bản thân, thái độ đối với bệnh cũng như cách cư xử với người xung quanh không ai giống ai. Thông thường, có hai khuynh hướng thể hiện phổ biến nơi người bệnh mà theo tôi nghĩ, lẽ ra họ không nên làm. Ở một số người, nỗi đau của thân được họ kết nối với khổ của tâm và cái đau được họ thổi phồng, nhân hóa lên nhiều lần. Khách quan mà nói, cách này khá phổ biến ở người có khả năng thích nghi kém và tinh thần bạc nhược. Họ muốn những người xung quanh chú ý và cảm nhận được ‘tôi đang đau (lắm) đây!’.

Người thuộc tuýp này khả năng chịu đựng kém, khoan nói đến kiên nhẫn, ý chí… Họ đang quan trọng hóa bản thân và muốn truyền thông điệp ‘tôi là người quan trọng’ đến với tất cả những ai có thể. Để diễn tả tuýp người này, có lẽ không có câu nào hay hơn “con nhà giàu đứt tay bằng con ăn mày đổ ruột”. Đau một tí, họ thấy là khủng khiếp lắm. Họ có thể tỏ dáng vẻ tiều tụy với một vết đau nho nhỏ hay chỉ vài dấu hiệu cảm xoàng. Họ nằm dài ra đó đợi người săn sóc đến từng chi tiết nhỏ nhất như thể không thể tự làm một điều gì. Những người này chịu đựng nỗi đau thực tế thì ít, mà là nạn nhân của nỗi đau ảo do người ấy tự tạo ra thì nhiều hơn.

Một khuynh hướng trái ngược với cách thổi phồng nỗi đau và quan trọng hóa mình như vừa nói, một số người khác có thái độ hoàn toàn ngược lại mỗi khi họ bị bệnh. Những người này coi bệnh là một cái gì đó xấu xa, tệ hại và lẽ ra bệnh không nên đến với họ. Mỗi khi có bệnh, những người này có khuynh hướng che giấu các biểu hiện của bệnh, không cho người ngoài biết và họ cũng tự lừa dối mình. Họ tự chích morphine tưởng tượng để tạo một lớp biểu hiện ảo rằng họ đang mạnh khỏe và không hề gặp trục trặc gì về sức khỏe. Không ai được quyền thấy họ trong trạng thái bệnh hoạn. Để làm được điều này, họ che giấu mọi người, tự dối mình và phí sức để tô phết vẻ bề ngoài mạnh khỏe trong mắt mọi người.

Người thuộc tuýp này hay liều lĩnh, có khi cả liều mạng mà giấu bệnh. Bệnh càng nặng, họ càng giấu kỹ. Đến khi bị phát hiện, họ đơn giản hóa vấn đề và coi thường mọi lời khuyên về cách chăm sóc và dưỡng bệnh. Tuân theo liệu trình và phác đồ điều trị của bác sĩ đối với họ là cả một vấn đề khó khăn vì họ thấy không cần thiết! Họ không cho phép bản thân nghỉ ngơi vì họ nghĩ, họ là người của công việc và không có họ, chắc thế giới này cũng hụt hẫng lắm, hay ít ra, một khối công việc còn tồn đọng ở một góc nào đó nếu họ phải nghỉ ngơi vì bệnh. Sâu thẳm trong tiềm thức, những người thuộc tuýp này cũng có một sự tự cao, cho mình là quan trọng và vị trí của mình là không thể thay thế.

Theo tôi, hai thái độ trên là hai thái cực cần tránh khi mình bị bệnh. Thật ra, bệnh là một phần của cuộc sống mà không lúc này thì lúc khác, con người, cũng như mọi sinh vật khác, đều kinh qua. Không phải một mình ai chịu đựng kinh nghiệm này nên rõ ràng không cần phải khuếch trương và phát tán tâm lý tiêu cực, phóng thích luồng năng lượng thiếu lành mạnh ra những người xung quanh làm gì. Bệnh là tự nhiên, là điều ắt đến với mỗi sinh vật, trong đó có con người chúng ta. Tương tự như vậy, ta cũng không cần che giấu hay làm ra vẻ mạnh khỏe theo kiểu lừa mình dối người. Tất cả những biểu hiện này xuất phát từ tâm bất an, quan trọng hóa bản thân, tạo áp lực không đáng có với chính bản thân mình và gây sự khó chịu cho người chăm bệnh và những người thân quanh mình.

Có thân là có bệnh. Người nào dù mạnh khỏe đến đâu rồi cũng đến lúc bệnh hoạn, ốm đau. Trong một bài kinh đức Phật dạy “Ai mang cái thân này, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một phút; người ấy phải là người thiếu trí.” (Tương ưng bộ kinh, tập III, chương 1, phẩm Nakulapita, phần Nakulapita).

Hãy trung thực với chính mình, hãy đối xử tử tế với chính mình và chấp nhận những quy luật tự nhiên chi phối sự tồn tại của con người. Khi bệnh, tùy mức độ mà xử lý đúng mực là điều cần thiết và là giải pháp khôn ngoan nhất đối với chính mình. Hãy bình tâm, thuận theo quy luật cuộc sống, đừng quá mong cầu vào những điều không thể, vì như thế chẳng lợi ích gì, chỉ nhọc tâm trí thôi. Hãy tự chăm sóc sức khỏe một cách khoa học và hợp lý. Trong lúc bệnh, nếu cần đến sự hỗ trợ của người thân, nên trân trọng thời gian, công sức và thiện chí của người chăm bệnh mà đừng làm họ phiền lòng.

Khi bệnh, nếu phải cần đến sự can thiệp của các phương pháp trị liệu, hãy hợp tác đúng mức, làm đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ/ thầy thuốc trị bệnh. Về tinh thần, người bệnh cần trang bị cho mình một sức chịu đựng, kiên trì và ý chí để vượt qua những căng thẳng và bất an về thân một cách nhẹ nhàng nhất. Hãy chấp nhận những giới hạn nhất định của kiếp người, trong đó có bệnh. Đây là một hiện tượng phổ quát, một hình thái của khổ (dukkha) bao trùm vạn vật, không chỉ con người, không chỉ riêng ta. Biết chấp nhận sự thật khách quan và buông bỏ ý niệm bám víu – ở đây là bám víu vào trạng thái khỏe mạnh trước đó mà bản thân đã trải nghiệm – ta sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Bệnh gì cũng không phải dấu chấm hết

Bruce Lipton, một nhà khoa học tiên phong chuyên nghiên cứu sinh học tế bào, đã dành nhiều năm nghiên cứu về đời sống và hoạt động của các tế bào trong cơ thể người, phát biểu rằng, chính những nghiên cứu đó khiến ông thay đổi quan niệm về bản chất của sự sống.

Trong cuốn sách “The Wisdom of your Cells” (Trí tuệ của tế bào) xuất bản năm 2006, ông viết: “Theo xã hội, bạn chỉ là một cá thể bình thường, nhưng thực sự bên trong bạn là một thế giới của 50 nghìn tỷ tế bào đang sống, mà mỗi tế bào đó cũng là một cá thể riêng biệt, có cuộc sống riêng, chức năng riêng và cũng tương tác, trao đổi với những tế bào khác. Nếu tôi thu nhỏ bạn tới kích cỡ tế bào, và đưa bạn vào chính cơ thể của bạn, bạn sẽ nhận ra rằng bên trong bạn là một đô thị rất bận rộn và tấp nập. Hiểu biết này là quan trọng, khi bạn nhận ra rằng cơ thể bạn cũng là một cộng đồng, một xã hội hay quốc gia thu nhỏ; và một cơ thể khỏe mạnh là một nơi các tế bào chung sống hài hòa với nhau; còn cơ thể ốm yếu, bệnh tật là một nơi các tế bào thiếu đi sự hài hòa”.

Dưới lăng kính của khoa học, ta hiểu hơn về sự hoạt động nội bộ cũng như tương tác giữa các tế bào, và Bruce Lipton xác quyết rằng ta có thể can thiệp vào sự vận hành và quy trình hoạt động của các tế bào bên trong cơ thể mình.

Do đó, bệnh mãn tính hay nan y như ung thư cũng chỉ là một vấn đề về sức khỏe, và ta có thẩm quyền can thiệp vào quá trình diễn biến này, chứ không phải thụ động phó mặc toàn bộ cuộc sống mình cho thầy thuốc, nên không có lý do gì để bi quan xem đây là dấu chấm hết cuộc đời. Sức khỏe sung mãn rồi đến lúc suy, đây là quy luật chi phối cuộc sống mọi loài sinh vật, trong đó có con người. Thông điệp này muốn truyền tải đến người bệnh rằng không sớm thì muộn, không hình thái này thì hình thái khác, không ở nơi này thì cũng ở bộ phận khác trên cơ thể, ta chịu sự tác động của định luật thay đổi. Bệnh là một trong vô số những biểu hiện của sự thay đổi ấy.

Tướng của bệnh thì thiên hình vạn trạng, nhưng cái chung là hiện trạng này diễn ra với tất cả mọi người một cách bình đẳng mà không hề có sự thiên vị nào. Không ai có thể tránh khỏi bệnh. Hiểu được điều này, ta bình tâm hơn khi đón nhận những biểu hiện của vô thường qua sự thay đổi trong cơ thể mình, cũng như khi nhận thông tin từ các y bác sĩ về bệnh tật của bản thân mình và người thân.

Về mặt tâm lý, khi nhận được thông tin chẩn đoán xác định bệnh, tất nhiên ai cũng buồn, cũng sốc, nhưng không nên xem đó là “thảm họa” hay là đường cùng. Nếu ta có người thân trong gia đình bị bệnh nặng, ta cần tỉnh táo, làm chỗ dựa cho bệnh nhân hơn là cùng với người ấy hoảng loạn, làm phức tạp hóa vấn đề. Trong lúc này, giữ tinh thần thật bình thản để tìm phương án tốt nhất để điều trị càng sớm càng tốt, nếu không, sẽ tạo hiệu ứng tiêu cực cho việc điều trị bệnh. Một số bệnh mãn tính có nhiều phương pháp điều trị dự phòng tốt, ta có thể hạn chế tiến độ phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau nhức. Khi chất lượng điều trị nâng cao thì tuổi thọ con người và chất lượng cuộc sống nhờ đó cũng được nâng cao. Còn các bệnh nay y như ung thư, dù không thể điều trị khỏi hẳn, vẫn không phải là dấu chấm hết cuộc đời. Nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng hướng, với sự kết hợp của việc cân bằng tâm lý vững chãi, thời gian sống có thể được kéo dài và chất lượng cuộc sống vẫn có thể duy trì. Nếu đi đúng quỹ đạo, cuộc sống sau khi phát hiện bệnh không đến nỗi tệ như nhiều người nghĩ đâu.

Không sợ chết: cái chết đến chậm hơn!

Cánh rừng có thể trở thành khu dân cư và biển sâu có thể trở thành cồn cát. Núi có thể biến thành hồ, trên dòng sông hôm nay có thể mọc lên một đô thị ở ngày mai. Bãi biển nương dâu của các hiện tượng vật lý dưới sự tác động của các yếu tố tự nhiên hay tác động của con người đều có thể xảy ra. Sự thay đổi, chuyển biến diễn ra không ngừng ở khắp nơi, trong tất cả các sự vật hiện tượng, ở tất cả các hình thức tồn tại, trong đó có con người, duy chỉ có cái chết là điều không bao giờ thay đổi. Chấp nhận thực tế này có thể rất khó khăn, nhưng khi hiểu được tiến trình bệnh tật cũng như sự lão hóa của cơ thể là một quy luật khách quan không phụ thuộc vào ý muốn của con người, người bệnh sẽ dễ dàng thích ứng với các diễn tiến tiếp theo của bệnh mà không có sự phản kháng vô ích về mặt cơ thể sinh lý cũng như tinh thần.

Cái gì thuộc về quy luật khách quan thì nó vô tình vận hành theo những nguyên tắc lạnh lùng nhất định mà không “quan tâm” gì đến cảm xúc chủ quan của chúng ta. Ta muốn sống hoài, không chết, ta muốn khỏe mãi, không bệnh, ta muốn trẻ hoài không già, nhưng những cái muốn của ta không được “duyệt” và theo thời gian, quy luật của sự biến đổi vẫn cứ vận hành. Đối với những gì không thể thay đổi, cách khôn ngoan nhất là ta nên chấp nhận nó. Đức Phật dạy, đối với loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị già chi phối. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại không chấp nhận mà sầu muộn, than khóc, không chấp nhận thì ta không thiết gì đến việc uống ăn. Do vậy, sức khỏe suy kiệt, yếu đuối, thân thể xấu xí, không thể làm được công việc gì. Thế rồi già cũng đến với ta thôi, dù ta có khóc than, sầu muộn đến mức bất tỉnh. (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm 5, kinh số 50: Tôn giả Nārada).

Một khi chấp nhận một sự thật không thể thay đổi, ta trở nên bình tĩnh và giữ được sự cân bằng tâm sinh lý. Duy trì sự cân bằng ổn định môi trường các yếu tố lý hóa trong cơ thể mà từ chuyên môn gọi là cân bằng nội môi là một cơ chế cần thiết để đảm bảo cho các tế bào, cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường, giúp cơ thể khỏe mạnh. Sự phản kháng về mặt tinh thần sẽ tạo nên một xung lực ảnh hưởng đến thể dịch, dẫn đến mất cân bằng nội môi cơ thể, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, cụ thể nhiều loại bệnh phát sinh. Với người đang bệnh mà hụt hẫng tinh thần, mất cân bằng tâm sinh lý thì bệnh càng nặng thêm. Điều này ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị cũng như hiệu quả việc điều trị. Do vậy, không hài lòng khi ta bệnh, phản kháng với một sự thật không thể tránh khỏi này tạo nên sự rối loạn chuyển hóa các cơ chế sinh học, mất cân bằng nội môi, có hại cho sức khỏe của mình. Sự lão hóa và bệnh tật là quy luật, nếu hiểu và chấp nhận điều này, chúng ta cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng đón nhận già, bệnh và chết như bất cứ một hiện tượng khách quan nào khác. Đức Phật nhắc chúng ta phải luôn ghi nhớ những điều này là quy luật, không thể thay đổi. (Tăng chi bộ kinh, chương Năm pháp, kinh số 57).

Lâu nay ta được học rằng, cơ thể con người được điều khiển bởi các gene. Do đó khi bệnh nhân đến tìm gặp bác sĩ, có nghĩa rằng người này có gì đó không ổn với với quá trình sinh hóa hoặc gene; và chỉ cần thay đổi chúng là bệnh nhân có thể khỏe lại. Thế nhưng, những nghiên cứu nghiêm túc của Bruce Lipton mở ra một hướng mới, rằng chính chúng ta là người lập trình nên các tế bào của mình; thông qua những trải nghiệm sống, suy nghĩ, cảm xúc. Ông đã chứng minh rằng, chúng ta không phải là tù nhân của bộ gene có trong người mình, chúng ta cũng không phải là một cỗ máy sinh học chỉ biết tuân theo các quá trình sinh hóa của cơ thể. Chúng ta có thể chủ động gây ảnh hưởng đến các quá trình đó, hay thậm chí là thay đổi các yếu tố sinh học của cơ thể. Khi hiểu biết như vậy, ta có thể làm được nhiều điều để thay đổi bản thân theo hướng tích cực trong mọi hoàn cảnh. Khi thật sự hiểu điều gì đang diễn ra trong thân mình, ta bắt đầu có một sức mạnh tự thân để bình thản hơn với những thay đổi của thân. Hơn nữa, ta có thể góp phần điều chỉnh các quá trình vận hành trong cơ thể mình. Trên cơ sở đó, ta biết cách hạn chế sự đau đớn cho bản thân mỗi khi bệnh, đồng thời có thể chăm sóc giảm nhẹ, có kế hoạch sẽ giúp bệnh nhân và gia đình có được sự chuẩn bị tốt về mọi mặt để ứng phó với bệnh tật.

Chết không phải là hết

Thông thường, chúng ta cứ  ngỡ rằng các nhà khoa học có quan niệm chết là hết. Thật ra, không hẳn như vậy. Bruce Lipton, khi nói về trí tuệ của tế bào từng phát biểu rằng, với tư cách là một người theo khoa học từ sớm, trước đây ông thường không tin sự tồn tại của những trải nghiệm tâm linh. Nhưng khi quan sát cách các tế bào sinh ra, lớn lên và chết đi, nhà khoa học này bỗng nhận ra rằng; sự chết đi và tái sinh thường xuyên của tế bào cũng chẳng phải mất mát gì. Điều thực sự làm nên bản thân con người, khiến người này khác biệt với tất cả con người khác không phải thứ nằm bên trong tế bào, nằm bên trong nhân, bên trong DNA hay gene; mà lại là một yếu tố nằm ở bên ngoài, đó là tâm trí và thái độ sống của mỗi người. Dù cho một tế bào có chết đi, thông tin đó, tính cách đó, sự khác biệt đó vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và được truyền qua các tế bào khác đảm nhiệm. Bỗng nhiên, cảm giác sợ chết của ông tan biến. Đó là điều ông đã trải nghiệm xuyên suốt mấy chục năm và ông cho đó thực sự là một trải nghiệm tâm linh vô cùng tuyệt vời. Nhận định của Bruce Lipton hoàn toàn phù hợp với quan điểm bảo toàn vật lý, rằng không có vật chất nào tự sinh ra và cũng không tự mất đi mà nó chỉ chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác dưới các điều kiện nhất định, và sự chết đi và sinh ra của tế bào cũng tuân theo định luật bảo toàn vật lý này.

Khái niệm bất sanh bất diệt là khái niệm triết học dùng để chỉ cho tiến trình luân chuyển trôi chảy xuyên qua tất cả các sự vật, hiện tượng và cả các chúng sinh. Mỗi người trong suốt chặng đường sống của mình vẽ nên một sơ đồ cuộc sống gồm vô số điểm biểu hiện qua hành động, lời nói và ý nghĩ của mình. Mỗi điểm tương đương với một tác ý, một nghiệp theo quan điểm của đạo Phật và do đó, mỗi điểm là một phần của sự sống. Nghiệp cũng được tạo tác và mất đi theo dòng sống, sinh diệt theo dòng thời gian và được bảo toàn ở nhiều hình thức rất đa dạng. Sống và chết trập trùng trong vô số những điểm lên và xuống của tiến trình tồn tại và thích nghi với môi trường sống như vậy. Nói cách khác, ta chết đi trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây và trong đơn vị thời gian nhỏ nhất là sát-na để tái tạo lại sự sống trong từng sát-na, từng giây, từng phút, từng giờ và từng ngày về phương diện sinh học và vật lý. Đây là quan niệm về định luật thay đổi (còn gọi là vô thường theo thuật ngữ nhà Phật và nó hoàn toàn phù hợp với quan niệm sinh học và vật lý học hiện đại). Trong quan niệm này, chết là sự thay đổi hình thức sống, dạng thức sống mà thôi. Chết không phải là chấm dứt mà sinh cũng không phải là bắt đầu mà đó là một sự thay đổi, ẩn nơi này để hiện nơi khác tùy thuộc vào nhiều yếu tố có tính điều kiện, đáng kể nhất là môi trường, hoàn cảnh và sự tác động đan xen của nhiều yếu tố liên quan đến con người và vũ trụ.

Khi hiểu rằng ta đang chết dần ngay cả khi đang sống và hoàn toàn mạnh khỏe chứ không đợi đến khi não ngừng hoạt động mới gọi là chết theo nghĩa chết lâm sàng của y học thì ta tự tại hơn khi chuẩn bị đón nhận chết như một hiện tượng tất yếu của cuộc sống. Thật vậy, ngay khi đang sống mạnh khỏe đây, ta cũng đang chết và đang tái sanh ở mức độ vi tế.

Dưới cái nhìn Phật giáo, chết là một hình thức biến đổi về hình tướng xảy ra trong từng sát-na từ vô thủy đến vô chung qua ba cấp độ: vi biến, tiểu biến và hệ biến. Vi biến là trạng thái đổi thay xảy ra trong chớp mắt như thoáng vui, thoáng buồn, thoáng yêu, thoáng ghét. Tiểu biến là hình thái thay đổi xảy ra trong một giai đoạn ngắn dài nào đó như người đang khỏe mạnh bỗng thành người bệnh tật, đang làm ăn giàu có trở thành khốn khổ sau một tai nạn hay biến cố. Hệ biến là sự biến đổi cả một hệ thống gồm não bộ và tất cả các cơ quan chức năng ngừng hoạt động để chuyển sang một hình thái mới. Đối với con người thì khi não ngừng hoạt động, hệ thống hô hấp và tuần hoàn dừng lại là sự sống dừng lại, và đây là hình thái biến tướng từ kiếp này sang kiếp khác, chứ không hề mất đi vĩnh viễn.

Khi ý thức được rằng chết không phải là mất hẳn, mà là một sự thay đổi lớn, một sự “chuyển giai đoạn” đối với dòng sống của mình, tâm ta bình an hơn. Nhiều bậc tu tập đến mức tự tại với sống chết, làm chủ được sống chết thì chết thật ra không có gì đáng sợ, chỉ là việc thay chiếc áo sờn cũ sau bao nhiêu năm trên cuộc đời để đổi chiếc áo mới mà thôi. Thiền sư Từ Minh từng nói, “Sinh như đắp chăn bông, chết như cởi áo hạ”. Suy ngẫm điều này, tuy chưa được tự tại như vậy, ta cũng không nên quá sợ hãi đối với hiện tượng chết, thay vào đó, chuẩn bị một tâm thế vững chãi để đón nhận nó với sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể.

Những điều người bệnh và chăm bệnh cần biết

Thông thường, người bệnh nặng một khi biết cụ thể tình trạng bệnh của mình rất sợ chết. Cho dù trước đó, tâm lý này không xuất hiện thường trực và mạnh mẽ đến vậy. Thế nhưng, trong giai đoạn bệnh nặng, khi nghĩ rằng phải sớm đối mặt với cái chết, sớm phải rời bỏ tất cả con người, tài sản, danh vọng địa vị mình từng gắn bó trong những năm tháng cuộc đời, sự bất an, căng thẳng trong họ ngày càng tăng. Trong giai đoạn này, tâm lý người bệnh thường không ổn định, khủng hoảng, lo nghĩ nhiều và sợ hãi cũng không ít, vì không mấy ai sẵn sàng buông bỏ.

Theo thuyết tâm lý hiện đại, nguyên nhân căng thẳng tinh thần là do con người không dám đương đầu và chấp nhận sự thực ở đời. Nếu không vượt qua hay khắc phục được sự căng thẳng đó, bệnh chuyển biến theo tình huống xấu hơn. Tinh thần người bệnh do vậy càng sa sút hơn, thất vọng ngày càng nhiều hơn. Điều này có nghĩa là nếu không kiểm soát và làm chủ cảm xúc của mình, thì cái mà người bệnh muốn là kéo dài mạng sống, thì lại làm cho cái chết có nguy cơ đến với mình sớm hơn.

Trong hàng trăm mối lo của người đang mang bệnh nặng đứng trước sự ám ảnh của cái chết chực chờ có thể đến bất cứ lúc nào, nỗi lo cho cuộc sống của người thân sau khi họ không còn trên cuộc đời này nữa chiếm một phần lớn, nếu không nói là phần chủ yếu, thời gian và năng lượng sống của người ấy. Do vậy, bằng cách nào đó, những người thân trong gia đình, nhất là những người trực tiếp chăm bệnh, cần hiểu rõ điều này và tìm cách hợp lý để giúp người thân đang bị bệnh giảm bớt lo âu, nhẹ gánh ưu phiền để chất lượng sống của người ấy tốt hơn trong lúc thân bệnh đau. Nắm được tâm lý này của người bệnh nặng, Đức Phật dạy chúng ta phải biết cách chuẩn bị tâm thế để đón nhận sự thay đổi hệ biến này như là một phần của sự sống. Khi hiểu rõ biến hoại là quy luật, sự chấp nhận trong bình tĩnh sẽ giúp người bệnh vơi đi gánh nặng của lo lắng, ưu phiền.

Một bài pháp được ghi lại rằng, có một người bệnh nặng sắp chết, người vợ đã động viên người ấy đừng có lo sợ. Cô nói rằng cô sẽ có đủ khả năng tự lo cho bản thân và lo cho con cái sau khi chồng ra đi, cô sẽ không tái giá, và cô sẽ tiếp tục thực hành theo Chánh pháp. Cứ mỗi một điều cam kết, cô ta lặp lại rằng “Do vậy đừng có sợ chết. Với người nào lo sợ, cái chết sẽ rất đau đớn. Đức Phật đã từng khuyên nhắc là không nên lo lắng trước giờ chết mà”. Nghe xong, người bệnh ấy bình phục đến không ngờ, và trong khi chưa khỏe hẳn, anh ta vẫn đến thăm Đức Phật. Anh ta kể lại những lời cam đoan của vợ với mình khi anh ta đang trên giường bệnh. Đức Phật xác quyết rằng anh ta là người có phước khi có được cô vợ thông minh và biết cách làm an lòng người bị bệnh như vậy. (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm 2, kinh số 16: Cha mẹ Nakula). Chính tâm lý không lo sợ ấy tạo sự cân bằng, thanh thản và an ổn nơi người bệnh, giúp người ấy bình phục nhanh chóng.

Bruce Lipton khẳng định rằng, khi đã biết được rằng, thân thể sinh học chỉ là một cơ thể hữu cơ chờ lệnh phản ứng đến từ tâm trí của chúng ta; nếu như cuộc sống không diễn ra thuận lợi, thay vì tìm cách điều chỉnh gene, hãy điều chỉnh tâm trí và thái độ sống. Chúng ta có thể kiểm soát cuộc sống của chính mình bằng cách kiểm soát nhận thức sống của mình. Chết là cái không thể tránh, nên đừng cố gắng tìm cách tránh né mong trốn thoát. Khi chấp nhận được sự thật này về mặt tâm lý, người bệnh dễ dàng giải tỏa được áp lực bệnh tật và sẵn sàng đối mặt với diễn tiến của bệnh với một tâm thái không. Sự mạnh mẽ về tinh thần và tâm lý chấp nhận giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giúp cho chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều, dù người ấy có khả năng bình phục hay không, thì những ngày biết sống trọn và vẹn này đều trở thành vô cùng ý nghĩa.

Với người chăm bệnh khôn ngoan, ngoài việc giúp người thân dám nhìn thẳng vào bản chất của cuộc sống với sự chi phối của già, bệnh và chết, một trong những điều chúng ta nên nhắc người thân đang lâm bệnh nặng của mình biết sống trọn vẹn trong thời gian ngắn ngủi quý báu còn lại của kiếp người. Trong kinh cũng nói đến một trong những tiêu chuẩn của một người giỏi chăm bệnh là có khả năng biết lúc nào là đúng thời để nói pháp khuyến khích người bệnh sống nhẹ nhàng và bình an hơn. (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm 13, kinh số 124: Săn sóc bệnh). Lựa lúc thích hợp, khéo lời nhắc về những việc tốt người ấy đã làm được trong suốt bao năm tháng có mặt trong cuộc đời. Chỉ cần nhớ lại những việc làm thiện lành đã làm trước đó, người ấy cũng rất an lòng và nhờ đó, sự chuẩn bị cho hành trình tiếp theo được chu đáo hơn trong một tinh thần sáng suốt và bình thản.

Trong Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm 6, kinh số 57, Đức Phật dạy chúng ta năm điều cần phải nhắc tâm hàng ngày không được xao lãng: (1) Cùng với ngày tháng trôi đi, ta đang trở nên già, (2) Ta sẽ bệnh không lúc này thì lúc khác trong suốt quá trình sống, (3) Ta sẽ chấm dứt giai đoạn sống trên cuộc đời này vào một thời điểm thích hợp nào đó, (4), Mọi thứ đang thay đổi và đến một thời điểm nhất định, ta phải xa lìa mọi người thân yêu, và (5) Chính ta, chứ không phải ai khác chịu trách nhiệm nhân quả về những gì mình đã làm qua ý nghĩ, lời nói và hành động. Do vậy, nếu người bệnh do tinh thần bấn loạn không tự nhớ, ta cần khéo nhắc người thân của mình nhớ về năm điều trên để sự sợ hãi có thể ở trong tầm kiểm soát chứ không khống chế người bệnh nữa.

Một người bị bệnh nặng là đang đứng trên đầu con vực thẳm của sự chia lìa với người thân và tài sản mà họ xem đó là sự mất mát vĩnh viễn nên sự hụt hẫng đến mức hoảng loạn xuất phát từ đây. Nếu có người thân trong gia đình bị bệnh trầm trọng, ta phải có cách để giúp người bệnh hiểu rằng, ra đi là một phần của cuộc sống, một phần không thể thiếu, một phần không thể từ chối vì ta đã đến cuộc đời này và tồn tại trên cõi đời một thời gian.

Có đến, ắt có đi và đây là quy luật chi phối toàn bộ cuộc sống này. Đây là cánh cửa dành cho tất cả. Không thể khác, ta chỉ có thể chấp nhận mà thôi. Nếu không chấp nhận, tự ta tạo nên một xung lực để rồi tự chống lại một cách vô vọng, sống với những áp lực, căng thẳng ta tự gây ra cho mình mà không hề đem lại ích lợi nào. Hạnh phúc hay đau khổ phần lớn tùy thuộc vào thái độ sống của mình. Charles R. Swindoll phát biểu rằng, “Tôi tin rằng cuộc sống là 10% những gì xảy ra với tôi, 90% còn lại là cách tôi phản ứng với nó. Bạn cũng thế – chúng ta chịu trách nhiệm về thái độ của chính mình”.

Hãy thật bình tĩnh để quán chiếu và chấp nhận sự thật, lòng ta sẽ nhẹ hơn nhiều và ta sẽ có giải pháp sáng suốt và hợp lý đối với mọi tình huống cuộc sống khi đối mặt với bệnh tật mà chất lượng cuộc sống vẫn tròn đầy và ý nghĩa.

Liên Trí

[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest