[ad_1]
GN – Đối diện gian khó, biến cố, tình thương và sự hiếu kính dành cho đấng sinh thành trong những người con trẻ càng lớn hơn bao giờ hết.
“Chỉ mong ba, mẹ sống hoài với con”
Đó là lời chia sẻ của anh Phạm Hữu Tuấn, một shipper nghèo đang vật lộn từng ngày với dịch bệnh để mưu sinh, kiếm tiền nuôi ba mẹ.
Đến hẻm 289 Bến Vân Đồn, phường 2, quận 4, hỏi nhà của anh Tuấn, 37 tuổi, lái xe công nghệ, nuôi ba mẹ nằm liệt giường thì hầu như ai cũng biết. Mẹ của anh Tuấn, bà Văn Thị Kim Châu, năm nay 72 tuổi, còn ba anh là ông Lê Ngọc Xinh, 80 tuổi, bị bệnh nặng, tai biến. Từ mấy năm nay, sức khỏe, sinh hoạt của ông bà đều do một tay anh Tuấn lo liệu, chăm sóc.
“Nói đến thằng Tuấn là cả xóm ai cũng thương, nó rất hiếu thảo. Chạy xe công nghệ vậy chứ cơm ngày ba cữ lo cho ba mẹ đàng hoàng. Từ tắm, ẵm bồng, đút cơm, một tay thằng Tuấn làm hết. Cũng vì thương, nên xóm có quà gì là nhớ đến nó đầu tiên”, cô Giang, 64 tuổi, hàng xóm cạnh nhà anh Tuấn chia sẻ.
Những ngày bình thường, sáng lo cho ba mẹ ăn uống đầy đủ rồi anh Tuấn mới chạy giao hàng, trưa lại canh giờ chạy về, đến xế chiều lại chạy đi giao hàng, tối là ở nhà trông ba mẹ. Những ngày Sài Gòn giãn cách, anh vẫn đi giao hàng, chở hàng không nghỉ ngày nào. Tuy nhiên thời gian này, điều khiến anh lo nhất không phải là cho bản thân mình. “Nếu hẻm nằm trong khu cách ly, không ra ngoài được, đồng nghĩa không chạy giao hàng được, bữa no của ba mẹ sẽ bị gián đoạn. Rồi đi giao hàng nhiều rủi ro, lỡ có gì thì ai chăm lo cho ba mẹ”, anh Tuấn băn khoăn.
Mẹ của anh Tuấn dù tai bị lãng, nói chuyện khó khăn nhưng khi nhắc đến anh Tuấn là bà xúc động: “Thương thằng Tuấn nhất, thương nó vì nó lo cho hai người già. Tui ướt tã, khó chịu, nó nhìn là biết, nó để ý tui từng tí. Có bữa nó nấu cháo có thịt cho vợ chồng già tui ăn, còn nó thì ăn cơm nguội. Lúc già, khó khăn tui mới hiểu câu ông bà hay nói ‘nhà nghèo mới hay con thảo’, nhiều con nhưng giờ có Tuấn hủ hỉ thôi”.
Thương ba mẹ, anh Tuấn không dám nghĩ đến chuyện có người yêu, một mái ấm riêng càng không là điều mà anh tơ tưởng tới. “Sống vầy để lo cho ba, mẹ chu toàn nhất, chừng nào ba, mẹ trăm tuổi già rồi mình lo cho mình sau”, anh bảo.
Niềm hạnh phúc của anh Tuấn, đơn giản cũng chỉ là: “Ba mẹ ăn được, ngủ được, ngày ngày bình an. Chỉ cần sáng ra còn nhìn thấy mặt ba mẹ là hạnh phúc ngập tràn, chạy xe kiếm tiền có cực bao nhiêu cũng thấy vui”.
“Vượt qua dịch bệnh, vì có mẹ”
Bạn Đặng Thị Kim Ngân, 32 tuổi, là một F0 vừa vượt qua dịch bệnh Covid-19. “Hẻm 303 Bến Vân Đồn, phường 2, quận 4 sau một đêm bình yên, 6 giờ sáng, ngày 2-7 như ‘ong vỡ tổ’ khi thông tin Ngân nhiễm Covid-19 được thông báo về. Bản thân Ngân và gia đình bấn loạn. Thay xong bộ đồ, được lực lượng y tế dẫn ra xe đi cách ly, mặc dù vội vã nhưng đó là lúc bước chân Ngân nặng trĩu nhất, trăm ngàn nỗi lo, vừa đi vừa khóc”, Ngân nhớ lại.
Những ngày cách ly ở bệnh viện dã chiến huyện Cần Giờ, với một người F0 chỉ nhiễm Covid-19, tâm lý là vấn đề vô cùng phức tạp. Đối với Ngân, vốn có bệnh nền nặng, bạn càng lo sợ hơn khi trở thành F0. “Sợ không biết bệnh tiến triển ra sao. Mỗi ngày gọi bác sĩ điều trị hết lần này đến lần khác để hỏi thăm, để biết cách kết hợp điều trị song song các bệnh đang mang trong người. Lo lắng hoảng loạn lung tung hết lên. Rồi phút dằn lòng nghĩ đến người mẹ bị tai biến nằm một chỗ ở nhà thì mình mới bình tĩnh lại”, Ngân bộc bạch.
Phút giây hạnh phúc của Kim Ngân và mẹ |
Những ngày Ngân đi cách ly, ở nhà, dì Ba – mẹ của Ngân cứ khóc suốt. Dì Ba bị tai biến, nằm liệt giường, nói chuyện rất khó khăn, nhưng lúc tỉnh táo là hỏi Ngân đâu. Dù không ai nói nhưng linh cảm của người làm mẹ đủ biết con mình đang như thế nào, vì thế mà lúc tỉnh táo là dì Ba lại một hai đòi điện thoại cho Ngân.
Mỗi lần nhận điện thoại từ người anh thứ ba đang chăm sóc mẹ ở nhà là Ngân lại khóc. Khóc xong rồi Ngân viết nhật ký, tự động viên chính bản thân phải mạnh mẽ, để sớm tới ngày mạnh khỏe trở về. “Càng nhớ mẹ, càng lo cho mẹ, cho mọi người thì mình càng tự động viên chính bản thân mình ráng cố gắng lên”, Ngân chia sẻ.
Ngân khỏi bệnh sau 10 ngày cách ly – đây là điều mà với một người nhiều bệnh nền như Ngân chưa dám nghĩ tới. Với Ngân, “sức mạnh thiêng liêng của tình thân đã giúp Ngân vượt qua đoạn đường đầy khó khăn, gian nan”.
Ngày đầu tiên Ngân về đến nhà, nghe tiếng của Ngân là ánh mắt của mẹ liền kiếm tìm, hai mẹ con nhìn nhau mừng mừng, tủi tủi. “Lúc Ngân nói với mẹ, để con tắm rửa xong, nấu cháo liền cho mẹ ăn nha, mẹ vừa cười, vừa rớm nước mắt. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của mình, sau khi chiến thắng dịch bệnh, có nhiều tiền cũng không mua được”, Ngân trải lòng.
[ad_2]