[ad_1]
GN – Đó là nhận định của Hòa thượng Thích Minh Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, về những yếu tố đặc biệt của Phật giáo tại một địa phương đa dạng về bản sắc.
Sóc Trăng được tách ra từ tỉnh Hậu Giang cũ vào năm 1992. Ban đầu khi mới thành lập, Sóc Trăng chỉ có 6 huyện và 1 thị xã; hiện nay toàn tỉnh có 11 huyện, thị xã và thành phố. Sóc Trăng là vùng đất chung sống của các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, cũng là nơi nhiều tôn giáo và hệ truyền thừa của Phật giáo cùng phát triển hài hòa trong dòng chảy sinh mệnh đó. Chính yếu tố hòa hợp và sự đoàn kết đã làm nên đặc thù của Phật giáo nơi vùng đồng bằng sông nước với nhiều truyền thống văn hóa tâm linh tốt đẹp.
Tiền đề cho hướng phát triển mới
Nói về những thành tựu của Phật giáo tỉnh Sóc Trăng trong nhiệm kỳ IX, Hòa thượng Thích Minh Hạnh cho biết, trên địa bàn tỉnh có tổng số 189 tự viện, trong đó có 92 chùa Nam tông, 13 tịnh xá, 2 thiền viện, 1 tu viện, 2 tịnh thất, 1 niệm Phật đường, 75 chùa Bắc tông và 3 chùa Hoa tông. Toàn tỉnh hiện có 2.135 Tăng Ni, Sư sãi, trong đó Nam tông có 1.754 vị Tăng, Bắc tông có 259 Tăng Ni và Khất sĩ có 40 Tăng Ni.
Với tinh thần đoàn kết, hòa hợp giữa các hệ phái, trong nhiệm kỳ IX vừa qua, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng có những thành tựu về Phật sự rất đáng khích lệ. Chung tay cùng chính quyền các cấp, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng đã vận động, kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã vận động gần 30 tấn rau, củ quả gửi tặng đồng bào TP.HCM trong thời điểm giãn cách xã hội. Các chùa tổ chức bếp ăn miễn phí, cung cấp hàng trăm ngàn suất ăn cho những vùng cách ly. Hàng trăm ngàn phần quà được lần lượt trao tặng bà con, giúp mọi người vượt qua khó khăn do đại dịch với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong cùng thời điểm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và 11 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử vong vì Covid-19.
Theo Hòa thượng Phó Trưởng ban Thường trực, nổi bật trong nhiệm kỳ IX vừa qua, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng có thêm 15 cơ sở tự viện được công nhận gia nhập GHPGVN, trong đó có 3 cơ sở lớn là thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng, chùa Quan Âm Linh Ứng và chùa Quan Âm Đông Hải.
Hòa thượng Tăng Nô |
“Dưới sự quan tâm của Giáo hội và lãnh đạo chính quyền, Hội Đoàn kết Sư Sãi tỉnh nhà hoạt động rất hiệu quả, tổ chức hội họp đầy đủ qua đó nắm bắt các chủ trương của Giáo hội, chính sách của Đảng, Nhà nước để truyền đạt lại cho bà con Phật tử và nhân dân ở bổn sóc.
Trong nhiệm kỳ IX, tôi hoan hỷ tán dương những thành tựu của Phật giáo tỉnh. Có được thành tựu này là nhờ vào tinh thần hòa hợp và đoàn kết của các thành viên Ban Trị sự, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được giao phó đúng theo chức vụ, quyền hạn.
Trong nhiệm kỳ sắp tới, tôi đề nghị quý Tăng Ni thành viên nên nâng cao tinh thần ấy. Trong công tác Phật sự, nên cùng nhau luận bàn và thống nhất để thực hiện.Tăng cường hơn nữa sự gắn bó, hài hòa với nhau để thực hiện thành công các phương hướng đã xây dựng với thành quả cao nhất, tốt đẹp nhất, góp phần làm cho công tác Phật sự của tỉnh nhà ngày thêm khởi sắc”.
Hòa thượng Tăng Nô, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban Tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức 2 Đại giới đàn “Phi Lai – Chí Thiền” vào năm 2017 và Đại giới đàn “Thiện Sanh – Tâm Từ” vào năm 2020, với hơn 1.000 giới tử phát tâm thọ giới để duy trì mạng mạch Phật pháp. Bên cạnh đó là các hoạt động như: tổ chức diễu hành xe hoa nhân Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, tổ chức an cư kiết hạ tập trung hàng năm, tổ chức 2 khóa bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng và nghiệp vụ trụ trì cho Tăng Ni toàn tỉnh, bổ nhiệm 59 vị trụ trì (cả Nam tông và Bắc tông). Đặc biệt về công tác từ thiện xã hội, trong nhiệm kỳ IX Phật giáo tỉnh đã thực hiện đạt 390 tỷ đồng.
Bên cạnh những thành tựu kể trên, trong hoạt động, GHPGVN tỉnh Sóc Trăng vẫn còn nhiều khó khăn và sẽ đặt mục tiêu khắc phục trong thời gian tới. Sóc Trăng có nhiều hệ phái Phật giáo với truyền thống tu tập khác nhau, chủ yếu là hai hệ phái lớn Nam tông và Bắc tông. Các công tác Phật sự được triển khai theo từng quý, hoạt động tương đối nhịp nhàng và có định hướng theo từng năm.
“Một trong số những khó khăn có thể kể đến, đó là trở ngại về ngôn ngữ khi truyền đạt thông tin Phật sự đến các chùa Nam tông Khmer ở vùng sâu, vùng xa. Nhiệm kỳ tới, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này, để mọi thông tin về Phật sự được triển khai rộng và mạch lạc nhằm phục vụ tốt nhất mọi công tác, góp phần trang nghiêm Giáo hội”, Hòa thượng Thích Minh Hạnh nhận định
Phát triển những tiềm lực sẵn có, để phát triển Phật giáo tỉnh nhà trong tương lai
Nói về hướng phát triển Phật giáo tỉnh nhà trong tương lai, Hòa thượng Thích Minh Hạnh cho biết một trong những vấn đề cốt lõi là tổ chức phải đoàn kết, hòa hợp. Tại Sóc Trăng, Phật giáo Nam tông đã hiện diện từ lâu đời và có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong quần chúng, với số lượng sư sãi rất đông. Muốn phát triển một cách toàn diện, việc tạo sự hài hòa trong hoạt động Phật sự giữa các truyền thống là vô cùng quan trọng. Đây là điều mà Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện thành công trong nhiệm kỳ qua và sẽ tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ tới. Ngoài ra, từ thiện xã hội cũng là thế mạnh đáng kể của Phật giáo Sóc Trăng.
Trong nhiệm kỳ X, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh sẽ cố gắng phối hợp phát triển các điểm du lịch tâm linh ở các cơ sở trực thuộc Giáo hội như: thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng, chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa Quan Âm Đông Hải, chùa Chén Kiểu và chùa Dơi, chùa Som Rông..v.v… góp phần vào việc tạo phúc lợi xã hội tốt hơn.
Bên cạnh đó, trong công tác từ thiện xã hội của Phật giáo, Hòa thượng Thích Minh Hạnh cũng bày tỏ những ưu tư nhất định. Theo Hòa thượng, từ thiện xã hội là lĩnh vực không thể tách rời của Phật giáo, thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ ban vui. Nhưng khi làm từ thiện, trước tiên, việc đó phải phát xuất bằng tâm từ bi, yêu thương và chia sẻ.
“Chúng ta cần hỗ trợ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh nghèo, khó khăn một cách bài bản, giúp họ có định hướng thoát nghèo, xây dựng và hướng đạo mọi người phát tâm làm lành lánh dữ, giữ gìn đạo đức xã hội lành mạnh, tiến tới quy y Tam bảo và trở thành người Phật tử chân chánh. Làm từ thiện cũng nên tuân thủ pháp luật, khi đến địa phương nào đó chúng ta nên liên hệ với chính quyền nhờ hỗ trợ, giúp đỡ để mọi hoạt động đều diễn ra tốt đẹp. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, vì vậy xây cầu, bồi lộ, hỗ trợ người khuyết tật, tặng quà… đều là việc làm rất tốt. Nên duy trì những chương trình từ thiện mang tính lâu dài, có định hướng tích cực góp phần về an sinh xã hội, tạo nên uy tín cho Phật giáo trong cộng đồng xã hội.”, Hòa thượng Thích Minh Hạnh nhấn mạnh.
[ad_2]