[ad_1]
Giác Ngộ – “Shôma, người được xem là một tín đồ Tịnh Độ tông thuần khiết nhất ở Nhật. Có lần Shôma viếng một ngôi chùa quê. Vừa vào chánh điện, anh thõng chân nằm dài trước tượng A Di Đà. Một người trách anh thất kính, anh trả lời: “Tôi vào đây là trở về nhà cha mẹ tôi, còn anh bắt bẻ tôi như vậy chẳng qua anh chỉ là con rể trong nhà này thôi”.
Tôi chỉ thực sự có ấn tượng sâu đậm với Tịnh Độ tông khi đọc cuốn Chu Dịch thiền giải của Trí Húc đại sư, đến lời chú giải hào thượng lục của quẻ Tùy: “Hào thượng lục âm nhu đắc chính, song cũng không có huệ lực, chỉ chuyên tu tập thiền duyệt để tự vui, nên đạo ắt phải khốn cùng vậy. Chỉ có dốc hết lòng tin tưởng hồi hướng Tây phương thì mới ‘vạn tu vạn nhân khứ’ được”(1). “Vạn tu vạn nhân khứ ” là pháp môn tu tập để vãng sinh Tịnh độ bằng cách niệm Hồng danh Phật A Di Đà. Vạn người tu tập thì cả vạn người đều được vãng sinh, điều đó nói lên sự nhiệm mầu của pháp môn này.
Chu Dịch thiền giải là tác phẩm của một bậc cao tăng thuộc hàng long tượng thuộc Thiên Thai tông thời Minh mạt, trong đó Trí Húc đại sư muốn dùng Thiền để xiển dương Dịch, và dùng Dịch để hiển bày Thiền, bằng rất nhiều kiến giải của Thiên Thai tông. Vậy mà Đại sư lại nhấn mạnh đến sự mầu nhiệm của pháp môn Tịnh độ thì đó là điều rất đáng lưu tâm. Quái từ của quẻ Tùy nói: “Tùy: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Vô cửu” (Tùy – có nghĩa là đi theo – tượng trưng cho sự khởi đầu to lớn, sự hanh thông, thuận lợi và trinh bền. Không lỗi). “Nguyên hanh” cũng có thể hiểu “cực kỳ hanh thông”. Ý nghĩa của lời quẻ thật tốt đẹp, nên Trí Húc đại sư dùng pháp môn vãng sinh để chú giải cho ý nghĩa của quẻ Tùy quả là diệu bút. Vì Tùy là đi theo, mà đi theo ở đây có nghĩa là đi theo chư Phật về Tịnh độ.
Thông thường pháp môn tu học trong Phật giáo được chia ra làm hai loại: dễ và khó. Có những tông phái thuộc loại “khó” như Trung Quán, Thiên Thai, Hoa Nghiêm… vì đòi hỏi hành giả phải có một kiến thức nhất định thì mới hiểu được những thuật ngữ phức tạp của nó, hay Thiền, vì bên cạnh cơ duyên, nó còn đòi hỏi hành giả phải có ý chí kiên định và thiên tư thông tuệ để có thể cảm nhận được loại ngôn ngữ “bất lập văn tự” của các thiền sư. Tịnh Độ tông được xem là pháp môn “dễ”, vì chỉ cần chuyên tâm niệm Hồng danh của Đức Phật A Di Đà là có thể vãng sinh Tịnh độ.
Đối với những Phật tử ham đọc kinh điển, thích tìm tòi, nghĩa là thiên về lý trí – và do đó, lý luận – thì việc niệm Hồng danh của chư Phật để tìm được giải thoát thoạt nhìn tưởng chừng như là một pháp môn tiêu cực, không hấp dẫn bằng kiến trúc vũ trụ vĩ đại trong tư tưởng Hoa Nghiêm, hay thế giới siêu việt nhị biên trong hệ thống kinh Bát nhã; nhất là không thể sánh với những bộ ngữ lục Thiền tông đầy những cuộc vấn đáp siêu lý, cùng những hành trạng ngoại lý của các thiền sư. Mọi vấn đề nan giải về tôn giáo hay nhân sinh, vốn làm các triết gia tốn hao biết bao tâm trí và giấy mực, đều được các thiền sư giải quyết một cách dứt khoát, và chớp nhoáng. Con mèo đứt đoạn dưới lưỡi đao của Nam Tuyền, những cái tát tai nảy lửa của Lâm Tế, những đòn gậy như trời giáng của Đức Sơn. Đó là đáp án cho mọi vấn đề triết học hay tôn giáo. Tông phong “Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ” của Thiền tông nghe ra có vẻ giúp con người trở nên uy mãnh hơn, tự tại hơn, theo tinh thần “Trượng phu tự hữu xung thiên chí, Mạc hướng Như Lai hành xứ hành” của các bậc cổ đức. Con đường của Đức Như Lai đã đi, kẻ trượng phu mang chí xung thiên còn không thèm đi qua, huống gì là niệm Hồng danh của chư Phật để mong cầu giải thoát?
Ấy vậy mà tín ngưỡng Di Đà vẫn được coi là Tối thượng thừa trong tất cả các “thừa” đưa con người đến giải thoát. Cỗ xe Thiền với pháp môn “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” thường được coi là cỗ xe tối thượng – Tối thượng thừa thiền; vậy mà pháp môn niệm Phật vẫn được coi là Tối thượng thừa, thì điều đó có nghĩa là Tịnh Độ tông vẫn mang một ý nghĩa rất đỗi đặc thù. Thông thường, những người sơ cơ như chúng ta tiếp cận với thế giới “sự sự vô ngại” của Hoa Nghiêm tông, “bách giới thiên như” của Thiên Thai tông, “tứ trùng nhị đế” của Trung Quán tông hoặc cảnh giới “Niết bàn sinh tử bình đẳng” của Thiền tông chỉ bằng khái niệm. Trí giải thường mắc vào những sai lầm cực kỳ vi tế, mà chỉ có những bậc chân nhân đạt ngộ mới chỉ ra cho chúng ta thấy. Đôi khi chúng ta rơi vào trường hợp “kiến thắng vô huệ tự cứu” (kiến giải vượt trội mà không có trí huệ để tự cứu” (Kinh Lăng Nghiêm, q.9), thì dễ mắc vào đại ngã mạn. Huống gì nếu tu tập Thiền mà chỉ vui với thiền lạc thì lại sa vào chỗ mà Trí Húc đại sư gọi là “chỉ chuyên tu tập thiền duyệt để tự vui, nên đạo ắt phải khốn cùng vậy”.
Mục đích khởi đầu của phép niệm Hồng danh Phật A Di Đà chính là chế ngự tâm. Mọi cái học tâm truyền phương Đông luôn bắt đầu bằng cách điều tâm. Có thể xem toàn bộ kinh Kim Cương chỉ là lời giải đáp cho câu “Vân hà ưng trụ? Vân hà hàng phục kỳ tâm?” của Đại trưởng lão Tu Bồ Đề. Mạnh Tử cho rằng “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỷ!” (Cái đạo học vấn không có chi khác, đó chỉ là tìm lại cái tâm đã buông sổng của mình mà thôi – Cáo Tử thượng). Nhìn dưới quan điểm Tịnh Độ tông, ta cũng có thể nói: “Niệm Phật chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỷ”! Niệm Phật đến mức “nhất tâm bất loạn” thì đó là trạng thái định của Thiền, là chỉ trong phép tu chỉ quán. Phép niệm này có thể thực hiện có hoặc không có tranh tượng Phật A Di Đà. Hành giả có thể thực hiện các phép quán trong Vô Lượng Thọ kinh, bằng cách quán tưởng linh ảnh hiện tiền của Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc. Nhưng cực đỉnh của Tịnh Độ tông này là xem mình chính là Phật A Di Đà, nghĩa là thể tính của ta và chư Phật không khác.
Khi ta đảnh lễ trước tượng Phật thì thực chất là ta đảnh lễ cái tâm ta, đảnh lễ cái Phật tính trong ta. Đức Phật đã dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng; Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” (Tất cả những gì mang hình tướng đều là hư vọng; nếu thấy được các hình tướng đều không có hình tướng tức là thấy được Như Lai). Tượng Phật xét cho cùng cũng chỉ là ngẫu tượng. Đó là một biểu tượng của Bi-Trí-Dũng mà thôi(2). Khi ta chí tâm đảnh lễ trước tượng Phật mà ta cảm nhận được sự uy nghiêm, thì sự uy nghiêm ấy được huân tập từ tâm ta mà sinh khởi. Chí tâm đảnh lễ hoặc chí tâm niệm Phật đều là phương tiện để làm sáng Phật tính nơi ta. Mục đích rốt ráo của việc niệm Hồng danh Phật A Di Đà là để liễu ngộ rằng ta chính là Ngài, song khác ở một điểm là ta chỉ là một biểu hiện ở cấp độ thấp, một bản sao còn mờ nhạt của Ngài. Niệm Phật, do đó, cũng là phương tiện để hợp nhất ta với Đức Phật A Di Đà. Chỉ khi nào ta cảm nhận được Đức Phật A Di Đà ở trong ta thì ta mới cảm nhận được Tịnh độ.
Khi đã tin tưởng tuyệt đối vào sự cứu rỗi của pháp môn Niệm Phật, nghĩa là phó thác toàn bộ sinh mệnh ta cho bản nguyện của Đức Phật A Di Đà một cách ung dung tự tại thì xem như ta đã đạt cảnh giới vô ngã rồi. Trong niềm tin tuyệt đối đó hoàn toàn không còn một dấu vết nào của bản ngã, nên từ pháp môn tu tưởng chừng như hoàn toàn thụ động, vô hình trung ta tiến đến cảnh giới tuyệt đối tích cực, khi xóa bỏ hoàn toàn cái Tôi nhỏ bé của mình để hòa vào Ánh sáng vô lượng trong Đại Ý chí của Phật A Di Đà, giống như từ cảnh giới Chân không bước sang Diệu hữu. Liệu pháp môn này có thể xem là “dễ” được như ta thường nghĩ chăng?
Kinh Na Tiên Tỳ-kheo thuật lại thắc mắc của của vua Milinda cho rằng, làm sao những kẻ trọn đời làm ác nhưng đến khi lâm chung biết tưởng nghĩ đến Phật lại được sinh lên các cõi trời. Na Tiên trả lời rằng nếu ta nói thả một hòn sỏi xuống dòng sông, hòn sỏi sẽ chìm; nhưng nếu thả một tảng đá to xuống nước mà có bè đỡ thì tảng đá sẽ nổi. Đó có lẽ là câu trả lời hay nhất trong kinh điển về đức tin. Dòng sông là cõi sinh tử luân hồi, hòn sỏi hay tảng đá là nghiệp lực của ta. Còn bè đỡ chính là đức tin vào Đại Ý chí của Phật A Di Đà. Nếu ta đặt trọn vẹn niềm tin vào Phật A Di Đà thì niềm tin đó sẽ giúp chúng ta vượt qua được dòng sông luân hồi sinh tử, để có thể vãng sinh về Tịnh độ.
Trong tác phẩm “Cốt tủy của đạo Phật”(3), Đại sư Suzuki thuật lại hành trạng của Shôma, người được xem là một tín đồ Tịnh Độ tông thuần khiết nhất. Có lần Shôma viếng một ngôi chùa quê. Vừa vào chánh điện, anh thõng chân nằm dài trước tượng A Di Đà. Một người trách anh thất kính, anh trả lời: “Tôi vào đây là trở về nhà cha mẹ tôi, còn anh bắt bẻ tôi như vậy chẳng qua anh chỉ là con rể trong nhà này thôi”.
Có lần Shôma cùng các bạn đi trên một chiếc thuyền buồm, gặp lúc gió lớn sóng to, mọi người quên hết việc niệm Phật mà chỉ biết van vái thần biển thần sông. Trong khi ấy, Shôma nằm ngủ khò cho đến lúc người ta đập anh dậy, hỏi anh ta làm sao có thể ngủ ngon giữa một tình cảnh như vậy, Shôma dụi mắt hỏi: “Ta còn trong thế giới Ta bà này không?”.
Có lần anh làm việc ngoài đồng, mệt bèn về nhà nghỉ. Gió mát khiến anh nhớ đến Phật A Di Đà. Anh liền mang tượng ra đặt bên cạnh nói: “Ông hóng mát chơi vậy nhé!”.
Một hôm giữa đường mắc bệnh, bạn bè mướn người võng anh về nhà, rồi dặn dò: “Nay anh đã về quê rồi, hãy nghỉ yên đi, và tạ ơn A Di Đà”, Shôma đáp: “Cám ơn, nhưng tôi bệnh ở đâu thì chỗ đó là Tịnh độ, sát ngay bên cạnh tôi”.
Khi có người hỏi làm sao giữ tròn được cuộc sống sau khi chết, Shôma đáp: “Để A Di Đà lo liệu, đó không phải là phần việc của ta”.
Quả là tuyệt diệu! Thế giới của Shôma chính là cảnh giới vô sai biệt tuyệt đối của một người đã phó thác toàn bộ sinh mệnh vào Đại Ý chí của Phật A Di Đà. Khi đã sống trong trạng thái hòa nhập cùng Đại Ý chí của Phật A Di Đà thành một thể Nhất như, như Shôma, thì ta sẽ hiểu rằng Sinh tử là Niết bàn, Ta bà là Tịnh độ, Luân hồi là Vãng sinh. Lúc đó Thiền tức là Tịnh mà Tịnh cũng chính là Thiền.
[ad_2]