google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Bước đầu khảo sát cụm từ Phụng chiếu dịch

Phật Giáo Việt Nam

[ad_1]

NSGN – Không thể nhân danh cứu cánh để biện minh phương tiện. Phương tiện, là việc ra chiếu không như pháp, thì cứu cánh, là những dịch phẩm kinh điển, sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, bất cập về nội dung.

Là một Tăng sĩ theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, việc tụng kinh dường như là quán lệ trong thời khóa tu tập của chúng tôi. Tùy theo môn quy của từng chùa và thời khóa tu học ở mỗi mùa trong năm mà có sự thay đổi về các bộ kinh được đọc, tụng. Theo lệ thường, bất kể một bộ kinh nào, khi tụng thì sẽ tụng từ những dòng đầu của bản kinh cho đến những chữ cuối cùng. Một hôm, tôi thoáng phân tâm giữa những trang kinh, khi chợt nhận ra ba chữ nhỏ ở dưới tiêu đề bản kinh mà tôi đang trì tụng. Ba chữ nhỏ đó là: phụng chiếu dịch (奉詔譯).

Cần phải thấy, cụm từ này chỉ xuất hiện trong các kinh thuộc hệ Bắc truyền. Chúng tôi không phát hiện cụm từ tương đương trong văn hệ Pali so với những bản kinh tương ứng. Bằng phương pháp tiếp cận thống kê, tỉ giảo, cụm từ phụng chiếu dịch trong Đại chính tân tu Đại tạng kinh (ĐCTTĐTK) đã mở ra nhiều điều đáng suy nghĩ về những dịch phẩm kinh điển Trung Hoa, cũng như mức độ khả tín của những bản kinh được phiên dịch theo xu hướng này.

Vài nét về kinh văn do phụng chiếu dịch

Căn cứ trên Đại tạng kinh Đại chính tân tu, chúng tôi đã khảo sát hai mươi sáu bộ loại kinh điển từ A-hàm bộ (阿含部)  cho đến Nghi tợ bộ (疑似部) thứ hai mươi sáu. Trong tổng số 2.372 tác phẩm nằm trong 56 tập Đại chính tạng được khảo sát, số lượng tác phẩm do phụng chiếu dịch lên đến 625 tác phẩm. Ở đây, sở dĩ gọi là tác phẩm vì có thể đó là kinh, luật, luận, sử truyện, thần chú… chứ không hẳn thuần túy là kinh điển. Thực ra, con số tác phẩm khảo sát có thể lớn hơn do quy cách bổ sung ABCD sau mỗi đơn vị tác phẩm, do trong một tác phẩm có nhiều quyển khác nhau; nhưng xét trong toàn bộ ĐCTTĐTK, số lượng tăng thêm đó không ảnh hưởng nhiều đến mục đích khảo sát.

Những bộ kinh trong giai đoạn sơ kỳ thường được các đại dịch giả tự dịch, không phải do phụng chiếu. Đơn cử, trong 151 tác phẩm kinh A-hàm, chỉ có 10 kinh văn do phụng chiếu dịch; ngay cả bộ Bản duyên, tuy có 68 kinh nhưng chỉ có 12 kinh được phụng chiếu dịch. Với một số bộ loại điển tịch Phật giáo tưởng chừng chỉ do chư Tăng phiên dịch hay trước tác như Luật bộ, thì ở đây, trong số 83 tác phẩm thuộc Luật bộ thì có 27 tác phẩm do phụng chiếu dịch và trước tác. Nếu như các chiếu chỉ này đều là sự thật, thì xem ra, sự quan tâm của các vua chúa Trung Hoa rất thâm thiết đối với thư tịch Phật giáo.

Đặc biệt, trong những tác phẩm dài nhất được phiên dịch do ngài Huyền Tráng phụng chiếu dịch, đó là tác phẩm Đại bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), gồm 600 quyển, xuất hiện ở tập 5-6-7 thuộc Đại chính tạng. Theo tự thuật, ngài Huyền Tráng đã mất hết 3 năm 10 tháng và 23 ngày để hoàn thành đại tác phẩm này, một nỗ lực được hậu học hằng ngưỡng vọng(1). Đại tác phẩm này đã được Hòa thượng Thích Trí Nghiêm cùng chư tôn đức hữu tâm trong nhóm dịch thuật Đại tạng kinh Linh Sơn Pháp Bảo phiên dịch ra tiếng Việt. Bên cạnh đó, một điều đáng lưu ý, trong 16 tác phẩm thuộc hệ Pháp Hoa, chỉ có một bộ Diệu pháp liên hoa kinh do Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch(2). Tác phẩm này đã được các tác gia như Đoàn Trung Còn, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Nhất Hạnh phiên dịch ra tiếng Việt.

Trên phương diện ngược lại, sự quan tâm đến kinh điển của các vua chúa Trung Hoa thể hiện qua chiếu chỉ tập trung rất cao ở Mật giáo bộ. Trong bộ loại này, hơn phân nửa của toàn bộ tác phẩm được phiên dịch đều phát xuất từ chiếu chỉ. Vì trong tổng số 572 tác phẩm của Mật giáo thì có đến 321 tác phẩm do phụng chiếu dịch, đặc biệt, có những tác phẩm rất ngắn, đôi khi ngắn hơn cả nội dung chiếu chỉ thông thường của vua chúa Trung Hoa(3). Mặt khác, nếu cho rằng các tác phẩm thần chú trong Mật giáo bộ được phiên dịch từ một ngôn ngữ khác ngoài Trung Hoa, thì sự nghi ngờ bỗng hé lộ khi chúng tôi gặp phải những tác phẩm thần chú chứa nội dung hệ Can-Chi như Giáp, Ất, Bính, Đinh…xuất hiện trong tác phẩm: Phật thuyết bắc đẩu thất tinh diên mệnh kinh (佛 說 北 斗 七 星 延 命 經)(4). Đặc biệt, có những thần chú do chính Bà-la-môn (Brāhmaṇa) soạn như thần chú: Thất diệu nhương tai quyết quyển thượng (七 曜 攘 災 決 卷 上), do Bà-la-môn Tăng Kim Câu Trá soạn tập(5). Những tác phẩm này đều nằm trong hệ thống Mật giáo bộ, tập 21, đáng lẽ nơi thích hợp của những tác phẩm này phải ở Nghi tợ bộ, tập 85. Mật giáo bộ Trung Hoa còn bộc lộ ra nhiều điều rất khác biệt, chúng tôi sẽ đề cập trong một chuyên khảo khác.

Các tác gia nổi tiếng về phiên dịch kinh điển từ ngài An Thế Cao, Tăng Già Đề Bà, Cưu Ma La Thập, Chân Đế cho đến ngài Huyền Tráng, Nghĩa Tịnh, Bất Không… đều đóng góp những dịch phẩm kinh điển Đại thừa rất quan trọng, được học giới ghi nhận và đánh giá cao, dù đó là những dịch phẩm do phụng chiếu.

Điều đáng chú ý, trong số những tác gia phiên dịch có một lượng tác phẩm khá lớn, bao gồm nhiều thể loại, đó là tác gia Thi Hộ, một vị Tăng dưới thời Triệu Tống (960 – 1279), phiên dịch rất nhiều tác phẩm thuộc loại phụng chiếu dịch. Theo khảo sát, những tác phẩm do Thi Hộ phụng chiếu dịch lên đến 103 tác phẩm, bao gồm 10 thể loại, từ A-hàm, Bổn duyên, cho đến Luật bộ. Nếu tính về số lượng tên tác phẩm, thì chỉ riêng số lượng phụng chiếu do Thi Hộ dịch, lớn hơn cả số lượng tên tác phẩm trong sự nghiệp dịch thuật của ngài Huyền Tráng(6). Trong những dịch phẩm của Thi Hộ, đáng chú ý là Mật bộ, có tới 48 tác phẩm phụng chiếu dịch, trong tổng số 321 tác phẩm thần chú được các đại sư có thẩm quyền về Mật giáo phụng chiếu dịch.

Theo lịch sử Trung Quốc, từ khi Tống Thái Tổ lên ngôi, đã định ra một hệ thống hành chính khá vững chắc, mang hình thức trung ương tập quyền. Bất cứ địa phương nào, có điều gì hay, lạ, đều phải tiến về kinh đô. Trường hợp xuất hiện các vị Phạm tăng trong giai đoạn này cũng nằm trong bối cảnh đó. Trong Tống cao tăng truyện quyển 3 chép(7), có Sa-môn Pháp Tiến ở phủ Hà Trung am tường giáo lý hiển mật, đã cầu thỉnh ngoại nhân Ấn Độ là Tam tạng Pháp Thiên dịch kinh Vu Bồ Tân (于蒲津) (sic). Các châu, phủ làm biểu dâng lên, vua duyệt y và mọi người đều theo đó! Vua ban chiếu lập Dịch Kinh Viện (譯經院) tại chùa Thái Bình Hưng Quốc và tiếp tục ban chiếu tìm kiếm Phạm tăng các nơi. Ngài Thi Hộ đã đến và làm việc tại nơi này trong bối cảnh đó.

Mặc dù vậy, theo luận án tiến sĩ của Vương Văn Nhan, bảo vệ tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 1983 đã xác quyết rằng, đến thời nhà Tống, sự nghiệp phiên dịch kinh điển của Phật giáo đang đi vào thời kỳ suy vi(8). Theo ông, “khi bàn về lịch sử dịch kinh tại Trung Quốc, ta có thể bảo là đã kết thúc vào khoảng năm Trinh Quán đời Đường, tưởng cũng không có gì là quá đáng”(9). Như vậy, theo lịch sử, Thi Hộ đến Trung Hoa vào thời kỳ Tống Thái Tông và đã cống hiến nhiều dịch phẩm kinh điển, gồm nhiều thể loại quan trọng trong Phật giáo. Chỉ riêng trong số phụng chiếu dịch, Thi Hộ đã phiên dịch lên đến 103 tác phẩm gồm nhiều thể loại thư tịch quan trọng, có thể định hướng tư tưởng của Phật giáo nhiều thời kỳ; đây là một nghi vấn lớn về tính chân xác của những dịch phẩm từ tác gia Thi Hộ theo khảo sát của chúng tôi.

Những kiến giải ban đầu về các dạng thức phụng chiếu

Phụng chiếu dịch, nghĩa là tuân theo chiếu chỉ của nhà vua để dịch kinh điển. Chiếu, tức là chiếu thư. Tần Thủy Hoàng bản kỷ trong sách Sử ký: “Mệnh là chế, lệnh là chiếu”. Sách Hán Thư, truyện của Đổng Trọng Thư: “Bệ hạ mở đức, hạ minh chiếu” (詔, 詔 書 也. 史 記 秦 始 皇 紀: “命 為 制, 令 為 詔, 漢 書 董 仲 舒 傳: “陛 下 登 德 音, 下 明 詔”)(10). Chiếu là một văn bản hành chính quan trọng bậc nhất trong xã hội phong kiến. Phụng chiếu vua để dịch kinh là một hiện tượng rất đặc thù trong lịch sử phát triển của Phật giáo tại Trung Hoa, cần được liên hệ mở rộng.

Với một đất nước có truyền thống văn hóa được xây dựng căn bản trên tư tưởng Nho gia, thế nên, mọi trật tự vận hành của xã hội đều bị chi phối chặt chẽ bởi hệ thống tư tưởng này. Với Nho gia, từ lý thuyết Thiên mệnh mang tính nhân văn của Khổng Tử(11), đến thời kỳ hậu Tần, qua những chỉnh lý bổ sung của Đổng Trọng Thư, thì quan điểm xem vua là con Trời là quan điểm định hình xuyên suốt mọi triều đại: “hoàng đế là con của Trời, nên gọi là Thiên tử”, hay “Trời sinh ra dân, cho cái tính có thiện chất mà chưa có thể thiện được, nên lập ra vua để làm cho thiện, ấy là ý Trời(12). Với thiết chế của xã hội phong kiến Trung Quốc nói chung, vua có quyền uy tối thượng, tất cả mọi hoạt động của tổ chức, cá nhân đều nằm trong sự chi phối của quyền uy này, kể cả Phật giáo.

Phật giáo đến Trung Quốc vào những năm đầu Tây lịch, tuy nhiên, thư tịch kinh điển đến thời nhà Đường vẫn chưa đầy đủ. Đó cũng là một trong những cơ sở để ngài Huyền Tráng cất bước Tây du thỉnh kinh. Đọc lại những dòng tâm sự của ngài Huyền Tráng đủ thấy rõ điều này: Thần, Sa-môn Huyền Tráng, nhập đạo thiếu thời, may gặp quang huy, quốc gia hưng vận, chí thành cầu đạo, tham học đạo tràng. Chỉ hiềm một nỗi, kinh văn giáo điển, của đạo Bồ-đề, vẫn chưa hoàn bị. (沙 門 玄 奘 言. 名 早 預 玄 門. 幸 逢 昌 運. 希 聞 至 道. 遊 心 法 莚. 每 恨 正 覺 遺 文 尚 未 詳 備)(13). Từ đây, có thể thấy, nỗ lực dịch thuật kinh điển không chỉ là trách vụ của những người xuất gia mà bất cứ ai hữu tâm nghĩ đến sự nghiệp phát triển Phật giáo, không loại trừ những bậc vua chúa có niềm tin và chí nguyện phụng sự Tam bảo. Đây là một trong những lưu ý quan trọng để thấy rằng, tuy cùng một hiện tượng phụng chiếu dịch kinh, nhưng đằng sau hiện tượng ấy, ẩn chứa nhiều ý nghĩa khác biệt.

Thứ nhất, việc ban chiếu như là một thói quen trong văn bản của hoàng gia, trên phương diện dịch kinh thì sự ban chiếu mang nghĩa như là một sự cầu thỉnh, nhờ cậy. Vì lẽ, các bậc vua chúa Phật tử vì mong muốn góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh điển Phật giáo, xuất phát từ lòng thành, nên cậy nhờ các bậc cao tăng dịch thuật kinh điển, qua hình thức ban chiếu dịch kinh. Ở đây, mặc dù thông qua hình thức chiếu chỉ, nhưng thực sự đằng sau đó là tấm lòng phụng đạo của các vị vua thâm tín Tam bảo. Đọc Đường Thái Tông ban chiếu phúc đáp biểu tạ lễ của Huyền Tráng pháp sư (太 宗 文 皇 帝 報 玄 奘 法 師 謝 表 敕 書)(14) mới thấy được sự cung, khiêm của một bậc vua chúa: Trẫm đây, tài năng ít ỏi, ngữ lý chưa thông, cho đến kinh văn, lại càng hạn chế. Bài tựa hôm trước, ngữ khí vụng về, lòng chỉ e rằng, mực lem sách quý. Gạch đá hoang sơ, há cùng châu ngọc. Bất chợt nhận thư, thừa ân tán thán. Nay trẫm xét suy, lợi ích đời sau, không nên xưng tán. Không quá lao tâm, không nên thâm tạ. (朕 才 謝 珪 璋.言 慚 博 達. 至 於內 典. 尤 所 未 閑. 昨 製 序 文. 深 為 鄙 拙. 唯 恐 穢 翰 墨 於 金 簡. 標 瓦 礫 於 珠 林. 忽 得 來 書. 謬 承 褒 讚. 脩  躬 省 慮. 彌 益 厚 顏. 善 不 足 稱. 空 勞 致 謝)(15). Lịch sử của Cưu Ma La Thập cũng cho thấy rằng, ngài được vua Diêu Hưng phong chức Quốc sư, biệt đãi và cung thỉnh dịch nhiều bộ kinh Đại thừa quan trọng(16); Lương Võ Đế ưu đãi Tăng Già Bà La; Võ Tắc Thiên ưu đãi Địa Bà Ha La(17)… là những minh chứng quan trọng về tấm lòng phụng đạo của các vua chúa Trung Hoa. Thẩm sát tâm thế dịch kinh của hai vị Đại sư lỗi lạc của Phật giáo là Cưu Ma La Thập và Huyền Tráng, mới thấy được mặc dù dịch phẩm được ghi là phụng chiếu, nhưng cụm từ đó chỉ phản ánh dấu vết của một thói quen mang tính văn bản hành chánh trong xã hội phong kiến, chứ không mang tính cách áp đặt, sai sử hoặc chỉ định. Hơn thế nữa, sự bảo trợ về tất cả mọi mặt liên quan đến công việc dịch kinh của các triều đại Trung Hoa đã đồng xác chứng rằng, dù được ghi là phụng chiếu dịch, nhưng thực chất của dịch phẩm, là kết tinh của tinh thần bảo trợ và ủng hộ Phật pháp.

Thứ hai, xuất phát từ cung cách hành xử truyền thống, và do hạn chế về nhận thức Phật học, đôi khi vua vẫn xem mình là ngôi vị tối cao vô thượng, nên đã ban chiếu, với tư cách chỉ đạo việc dịch kinh. Phụng chiếu dịch trong nghĩa này mang tính chất chấp hành sự chỉ định, do vua sai bảo. Đọc lời văn thống thiết của ngài Huyền Tráng trong việc cầu thỉnh Đường Thái Tông viết lời giới thiệu, mới thấy rằng đôi khi vua vẫn yêu cầu chư Tăng dịch kinh: Tháng hai năm ngoái, phụng chiếu phiên dịch, nay đã hoàn thành, phân làm năm bộ, năm mươi tám quyển, sao chép đặc thù. Nhân dịp tôn tượng, của chùa Hoằng Phúc, vừa kịp hoàn thành, Thánh thượng thân lâm, khai quang điểm nhãn. Kinh điển vừa phiên, nhân duyên ngẫu hợp. Ngưỡng nguyện bệ hạ, khơi ngọn bút thần, mẫu mực xét soi, vài dòng thẩm định, tựa Minh Tông Cực.( 去 年 二 月, 奉 詔 翻 譯, 今 見 成 五 部,  總 五 十 八 卷. 繕 寫 如 別, 竊 見 弘 福 寺 尊 像 初 成. 聖 上 親 降 鑾 輿. 開 青 蓮 之 目. 今 經 論 新 翻. 敢 緣 斯 義 . 伏 願 陛 下 曲 垂 神 翰 . 表 發 經 題 . 親 紆 玄 藻 . 序 明 宗 極)(18).  Đọc chiếu thư phúc đáp của Đường Thái Tông, có thể nhận ra tính chất chỉ đạo ẩn chứa trong vẻ khiêm hạ, nhu mì: Trẫm vốn sở học vụng về, tâm tư thô lậu, việc trước mắt còn vướng mê lầm, sao với được uyên thâm giáo điển? Hãy suy xét kỹ càng thấu đáo, khi thỉnh cầu bình phẩm kinh văn, vì đó chẳng phải là chỗ hiểu biết của ta. Hơn nữa, ông là người soạn Tây Vức Ký vừa xong, nên tự mình mở ra xem vậy. Chiếu cho Trang Hòa thượng. Triều đình phúc đáp Huyền Tráng pháp sư. (朕 學 淺 心 拙. 在 物 猶 迷. 況 佛 教 幽 微. 豈 孰 能 仰 測. 請 為 經 題. 非 己 所 聞. 又 云 新 撰 西 域 記 者. 當 自 披 覽. 敕 奘 和 尚 (內 出 與 玄 奘 法 師)(19).

Trong sự nghiệp phiên dịch kinh điển, các đại dịch giả nổi tiếng của Phật giáo như Cưu Ma La Thập, Huyền Tráng… đều có những dịch phẩm được hoàn thành trong bối cảnh này. Ngay như, bài kinh Xưng tán Đại thừa công đức(20) do Huyền Tráng phụng chiếu dịch, thuyết minh 37 nghĩa của chữ Đại thừa, mang âm hưởng nghiêng về một sự biện giải hơn là mang tính thuần túy kinh văn. Thậm chí, như ngài Nghĩa Tịnh, cũng phụng chiếu dịch một dịch phẩm Mật giáo nhằm chữa bệnh trĩ mang tên: Phật thuyết liệu trĩ bệnh kinh(21). Đặc biệt, việc thực hiện theo yêu cầu của vương quyền, theo chiếu chỉ, được thể hiện rõ nét nhất với những cư sĩ và ngay cả Tăng nhân phiên dịch có liên hệ với hai cơ quan quan trọng của chế độ phong kiến, đó là Quang Lộc Tự (光 祿 寺) và Hồng Lô Tự (鴻 臚 寺). Xuyên suốt ĐCTTĐTK, có thể nhận ra nhiều dịch phẩm kinh điển được hoàn thành có liên hệ đến sự chỉ đạo từ hai cơ quan này. Tiêu biểu cho các dịch giả thực hiện việc dịch kinh trong bối cảnh đó là các dịch giả như Thi Hộ, Pháp Hiền, Pháp Thiên…

Thứ ba, mong dịch phẩm được số đông chấp nhận nên phụng chiếu dịch. Điều này dễ nhận ra trong một số tác phẩm thuộc Mật giáo bộ. Ở đây, có những bài chú còn nguyên dấu vết về sự pha tạp giữa yếu tố tôn giáo ngoại lai và tín ngưỡng bản địa của Trung Quốc. Đơn cử, bài chú Phật thuyết bắc đẩu thất tinh diên mệnh kinh (佛說北斗七星延命經)(22), ngay dòng phụ đề đầu tiên đã cho thấy có một vị Bà-la-môn tên là Tăng Tương, đã đem chú này cho cả triều nhà Đường thọ trì (婆羅門僧將到此經唐朝受持); điều đó đã cho thấy nhận thức về Phật giáo trong một bộ phận hoàng thân chưa hẳn là chánh kiến Phật giáo. Không những thế, ngay bài chú La khẩu phược noa thuyết cứu tiểu nhi tật bệnh kinh(23) do Pháp Hiền phụng chiếu dịch chứa đựng những nội dung đặc dị. Chẳng hạn, trong lễ phẩm cúng chữa bệnh cho trẻ con, ngoài các vật dụng thông thường còn có cả rượu, thịt (及白色飲食乃至酒肉等). Và, trong bài chú Phật thuyết thánh diệu mẫu đà-la-ni kinh(24) do Pháp Thiên phụng chiếu dịch, những yếu tố kinh văn thuần túy Trung Hoa như Hỏa tinh, Thủy tinh, Mộc tinh, Kim tinh, cho đến các vì sao như La Hầu, Kế Đô, Thủy Diệu… đều xuất hiện trong nội dung bài chú.

Từ những cứ liệu vừa dẫn, đã cho thấy rằng, theo quán lệ, khi một tác phẩm được dịch do yêu cầu của nhà vua thì được nhiều người tin theo và ủng hộ. Ở đây, không loại trừ nghi vấn, những bài chú này được thêm vào trong những giai đoạn về sau; và để tăng thêm tính thuyết phục, tăng giá trị của tác phẩm, có tác giả ẩn danh đã gắn thêm thuộc tính phụng chiếu dịch, nhằm làm cho tác phẩm dễ dàng tồn tại, lưu thông trong niềm tin của số đông.

Tính chất phụng chiếu trong liên hệ giới luật

Giới luật Phật giáo phát triển tại Trung Hoa có lịch sử muộn hơn so với hệ thống kinh tạng, song lại phát triển mạnh mẽ và trở thành một tông phái do ngài Đạo Tuyên thành lập. Trong những bộ luật được lưu hành tại Trung Hoa có thể kể đến như: Thập tụng luật, do công lao của Phất Nhã Đa La, Đàm Ma Lưu Chi trùng tuyên, Cưu Ma La Thập dịch và Tỳ Ma La Xoa hiệu đính; Tứ phần luật do Phật Đà Da Xá trùng tuyên và Trúc Phật Niệm dịch; Ma-ha tăng kỳ luật do Pháp Hiển dịch; Ngũ phần luật do Pháp Hiển đem về từ Tích Lan và do Phật Đà Thập, Trí Thắng và Trúc Đạo Sinh hợp dịch. Trong những bộ luật vừa dẫn, Tứ phần luật trở thành bộ luật căn bản và phổ biến trong sinh hoạt Phật giáo tại Trung Hoa ở nhiều thời kỳ.

Theo Tứ phần luật, bản thể của Tăng là thanh tịnh và hòa hợp, pháp Yết-ma đúng nghĩa tác thành sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng-già. Mọi thể thức sinh hoạt Phật giáo từ nhỏ nhất như bỏ các y hư, cũ cho đến việc lớn như tổ chức xuất gia cho người hay truyền thọ giới pháp… đều phải nương dựa vào pháp Yết-ma để thành tựu. Tăng có được sự hòa hiệp là do sự thống nhất quyết định; và quyết định ấy được ban hành bằng mệnh lệnh mà tất cả thành phần của Tăng phải tuân theo. Làm thế nào để có sự thống nhất ấy, là chức năng của Yết-ma(25). Trong tất các mọi phép tắc Yết ma, câu hỏi: Người chưa thọ cụ túc giới đã ra chưa? luôn có mặt. Sự thỏa mãn của điều kiện đó đã đồng thời xác tín rằng, việc của Tăng là do Tăng tự quyết. Tăng chỉ làm những việc đã được tập thể Tỳ-kheo Tăng nhất trí, thông qua. Diễn dịch đơn giản có thể hiểu, Tăng chỉ làm việc do Tăng sai. Tăng sẽ không vì bất cứ ai yêu cầu, chỉ đạo, áp đặt mà thực hiện việc của Tăng, vì như thế sẽ trái với căn bản giới luật.

Câu chuyện Đức Phật im lặng từ canh này qua canh khác mà không cử hành lễ Uposatha chỉ vì có một kẻ giả dạng Tăng nhân hiện diện trong số đông Tăng chúng. Mãi đến khi Tôn giả Maha Moggallana nắm lấy cánh tay kẻ đó, kéo ra ngoài và đóng cửa lại thì Đức Phật mới cử hành lễ Uposatha(26), là tư liệu sớm nhất về chuẩn mực Người chưa thọ cụ túc giới đã ra trong khi tác pháp tiến hành việc của Tăng.

Trong quá trình phát triển của Phật giáo tại một số quốc gia, khu vực, thỉnh thoảng sự va đập giữa những chuẩn mực giới luật của Phật giáo và hệ giá trị đạo đức, luân lý của quốc gia đó đôi khi vẫn xảy ra. Ở Trung Hoa, sự va chạm giữa quan điểm thần dân phải lễ kính Thiên tử với quan niệm xuất trần thượng sĩ của bậc xuất gia là trường hợp tiêu biểu. Với những nỗ lực thấm đẫm trí tuệ của ngài Huệ Viễn, thể hiện trong tác phẩm Sa-môn bất kính vương giả luận(27) khi minh giải rằng, người xuất gia là khách thong dong phương ngoại, tâm, hình chẳng lụy việc đời, chỉ lấy việc hóa đạo làm căn bản (出 家 則 是 方 外 之 賓. 跡 絕 於 物. 其 為 教 也)(28) , đã tìm được tiếng nói chung trong ứng xử giữa quân vương và hàng Thích tử. Vì lẽ, sau khi đọc những kiến giải về vai trò hàng tại gia và phẩm vị của hàng xuất gia, Hàn Huyền đã bỏ chiếu lệnh phi pháp đó.

Từ ba dạng thức phụng chiếu được lý giải ở phần hai, so sánh với căn bản giới luật vừa nêu dẫn; quy chiếu vào việc ban chiếu cho Tăng nhân dịch kinh của các triều đại phong kiến Trung Quốc, đã bộc lộ ra nhiểu điểm đặc thù.

Thứ nhất, việc ban chiếu đúng như chiếu chỉ, là văn bản chính thức của triều đình, nhằm chỉ đạo việc dịch kinh; thì căn cứ vào căn bản giới luật, đó là một việc làm phi luật, phi pháp. Không thể nhân danh cứu cánh để biện minh phương tiện. Phương tiện, là việc ra chiếu không như pháp, thì cứu cánh, là những dịch phẩm kinh điển, sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, bất cập về nội dung. Đó là chưa xét đến những trường hợp vua chúa có thể can thiệp sâu hơn vào dịch phẩm theo chủ ý của mình. Một vài bộ kinh đang bị nghi ngờ và vài Mật chú do phụng chiếu dịch, được khảo sát ở phần trên, đã phần nào minh chứng cho điều đó.

Thứ hai, theo lịch sử Phật giáo Trung Hoa, có rất nhiều vị vua là Phật tử đúng nghĩa. Do vậy, sự ủng hộ Phật pháp thể hiện qua việc dịch kinh là một sự thật được công nhận. Trong trường hợp này, mặc dù ra chiếu chỉ dịch kinh, nhưng ẩn sau văn bản đó là tinh thần cung kính tuyệt đối với Tam bảo và khiêm hạ với chư Tăng nói riêng. Sự hỗ trợ của các vị vua Phật tử này là một đóng góp không nhỏ cho Phật giáo Trung Hoa nói riêng và Phật giáo nói chung. Những di sản văn hóa Phật giáo và cụ thể là công trình Đại tạng kinh Hán tạng, đều lưu dấu ấn do bởi những đóng góp to lớn và vĩ đại của những quân vương này. Từ thái độ ứng xử khiêm cung của các bậc quân vương Phật tử, từ những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp phát triển Phật giáo; đã cho thấy, việc ban chiếu dịch kinh chỉ là thói quen trong văn bản hành chánh tại Trung Hoa cổ đại. Xét về căn bản giới luật, thì có thể còn vài điều nghi ngại trong chuẩn mực của giới Thanh văn, nhưng hoàn toàn đúng pháp trong giới luật của Bồ-tát(29).

Vài suy niệm tạm kết

Nếu coi sự phát triển của Phật giáo như một dòng sông, thì đôi khi dòng sông ấy phải tung bọt trắng xóa qua những khúc khuỷu, thác ghềnh, hay âm thầm xuôi chảy dưới những tán rừng để chuyển tải chất liệu sống cho vạn đại sinh linh. Lần theo dấu vết của một dòng sông, nhất là dòng sông cổ, là việc làm không hề đơn giản và không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Qua khảo sát về những dịch phẩm có thuộc tính phụng chiếu từ ĐCTTĐTK, điều có thể nhận ra, phần lớn những công trình kinh điển có giá trị của Phật giáo Bắc truyền không bị ảnh hưởng bởi thuộc tính này ở nghĩa đen cụ thể, vì các công trình đó luôn được sự ủng hộ của các bậc Phật tử minh quân và do sự nỗ lực toàn tâm của các đại pháp sư, dịch giả. Ba chữ phụng chiếu dịch trong những dịch phẩm nghiêm túc chỉ là một dấu vết của văn bản hành chánh thời xưa, chứ không mang nghĩa chỉ đạo, áp đặt. Với tinh thần đó, trong khi chuyển ngữ ra tiếng Việt thời nay, việc gỡ bỏ ba chữ đó là hoàn toàn hợp lẽ.

Trong một số trường hợp, cái bóng tự ngã của hoàng gia đôi khi vẫn xen vào những dịch phẩm của Phật giáo, điều đáng mừng là những dịch phẩm thuộc dạng này chiếm một tỷ lệ cực nhỏ và dễ dàng bị phát hiện ra với những bậc thức giả hữu tâm. Thiết tưởng, lời dạy của Đức Phật đối với dân chúng Kalama trong kinh Các vị ở Kesaputta(30) cần được vận dụng đối với kinh văn dù ở bất cứ hệ thống nào, mỗi khi phiên dịch hay vận dụng vào thực tiễn.

 Chú thích

 (1) 大 正 新 脩 大 藏 經, 第 四 十 九 冊, 史 傳 部, No. 2119 寺 沙 門 玄 奘 上 表 記. Nguyên văn: 以 顯 慶 五 年 正 月 一 日 起 首. 譯 大  般 若 經. 至 今 龍 朔 三 年 十 月廿 三 日 絕 筆.

(2) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 九 冊 No. 262, 妙 法 蓮 華 經.

(3) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 冊 No. 1148, 佛 說 虛 空 藏 菩 薩 陀 羅 尼.

(4)大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 一 冊 No. 1307, 佛 說 北 斗 七 星 延 命 經.

(5)大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 一 冊 No. 1308, 七 曜 攘 災 決.

(6) Xem, Hòa thượng Thích Minh Châu, Huyền Trang, nhà chiêm bái và học giả, Thích nữ Trí Hải, dịch, TP. HCM, 1989.

(7) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 五 十 冊 No. 2061, 宋 高 僧 傳, 宋 高 僧 傳 卷 第 三, 唐 京 師 滿 月 傳 (智 慧 輪).

(8)  Vương Văn Nhan, Lịch sử phiên dịch Hán tạng, HT. Thích Phước Sơn, biên dịch, NXB. Phương Đông 2008, tr.63.

(9)  Sđd.

(10) Theo, Từ Hải, bản hợp đính, Trung Hoa thư cục tái bản, 1948, tr.1241.

(11)  Xem, Trần Trọng Kim, Nho Giáo, NXB. TP.HCM, 1992, tr.85.

(12) PTS. Doãn Chính (chủ biên), Đại cương triết học Trung Quốc, NXB. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1997, tr.361.

(13)  大 正 新 脩 大 藏 經 第 五 十 二 冊, 史 傳 部, No. 2119 寺 沙 門 玄 奘 上 表 記.

(14) Sđd.

(15)  Sđd.

(16) Xem thêm, Vũ Thế Ngọc, Kumarajiva – Cưu Ma La Thập, đặc san Suối nguồn, số 3&4, tu viện Huệ Quang ấn hành.

(17)  Vương Văn Nhan, Lịch sử phiên dịch Hán tạng, HT.Thích Phước Sơn, biên dịch, NXB. Phương Đông 2008, tr.45-46.

(18) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 五 十 二 冊, 史 傳 部, No. 2119 寺 沙 門 玄 奘 上 表 記.

(19)  Sđd.

(20) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 十 七 冊 No. 840, 稱 讚 大 乘 功 德 經.

(21) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 一 冊 No. 1325, 佛 說 療 痔 病 經.

(22) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 一 冊 No. 1307, 佛 說 北 斗 七 星 延 命 經.

(23) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 一 冊 No. 1330, 囉 [口*縛] 拏 說 救 療 小 兒 疾 病 經.

(24) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 一 冊 No. 1303, 佛 說 聖 曜 母 陀 羅 尼 經.

(25)  HT. Thích Trí Thủ, Yết ma yếu chỉ, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, tr.37.

(26)  Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm lớn, kinh Ngày trai giới.

(27) 大 正 新 脩 大 藏 經   第 五 十 二 冊 No. 2102, 弘 明 集, 弘 明 集 卷 第 五.

(28)  Sđd.

(29)  Xem, Bồ-tát giới, Trí Quang, dịch, NXb. TP. HCM, 1998.

(30)  Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Lớn, kinh Các vị ở Kesaputta. Xem thêm, Kinh Trung A Hàm, phẩm Nghiệp Tương ưng, kinh Già lam, số 16. Bản dịch của Tuệ Sỹ.

Hoằng Quảng

[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest