[ad_1]
NSGN – Mở đầu Trung luận, Bồ-tát Long Thọ đã sử dụng Bát bất duyên khởi để hệ thống hóa tư tưởng Tánh không trong kinh Bát-nhã. Từ cơ sở này, ngài phân tích làm sáng tỏ hệ thống triết học của mình1.
Mục tiêu của luận thuyết này là “phá tà hiển chánh”, do đó, những nỗ lực của Trung luận là nhằm phê bình các quan điểm sai lầm của ngoại đạo và ngay cả một số bộ phái Phật giáo như Độc Tử bộ, Hóa Địa bộ và Hữu bộ. Ở bài viết này, tác giả xin trình bày một vài điểm về Bát bất trong Trung luận.
Bất sanh bất diệt
Khi Bồ-tát Long Thọ nói “bất sanh bất diệt” thì hẳn nhiên trước đó phải có cái gì đó có sanh và diệt. Trung luận đã đề cập như sau:
Có người hỏi, vì sao tạo luận này. Đáp: “Có người cho rằng vạn vật từ đại tự tại thiên sanh, có người nói từ (vĩ nữu) thiên sanh, có người nói từ hòa hợp sanh, từng thời sanh, nói từ thể tánh sanh, nói từ tự nhiên sanh, hay nói từ vi trần sanh….”2. Như vậy Bồ-tát Long Thọ đưa ra “bất sanh bất diệt” là để phá những kiến chấp trên. Trong Trung luận, Long Thọ cho rằng:
“Các Pháp không tự sanh
Không từ cái khác sanh
Từ cả hai không nhân
Do vậy biết không sanh”3.
Theo pháp Duyên khởi thì các pháp không có tự tánh. Tại vì không có tự tánh nên tha tánh cũng không. Vì nhân tự tánh mới có tha tánh, nên nếu tự tánh không có thì tha tánh cũng không có.
Khái niệm này ta cũng có thể tìm thấy nơi kinh tạng Pāli. Kinh Mật hoàn nói: “Chư Hiền, do nhân lỗ tai và các tiếng, nhĩ thức khởi lên, do nhân lỗ mũi và các hương, tỷ thức khởi lên, do nhân lưỡi và các vị, thiệt thức khởi lê, do nhân thân và xúc, thân thức khởi lên, do nhân ý và các pháp, ý thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có các cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thời có hý luận“4. Theo đoạn kinh này, vì có sự tiếp xúc giữa mắt và sắc mà nhãn thức sanh. Như vậy, khi một pháp sinh khởi cần phải có đủ các duyên khác. Nếu như các pháp không cần duyên, thì con mắt phải sanh con mắt, sắc phải sanh sắc, nhưng ở đây kinh nói “duyên mắt với sắc phát sanh ra nhãn thức”.
Theo Bồ-tát Long Thọ:
“Nếu quả từ duyên sanh
Duyên ấy không tự tánh
Từ không tự tánh sanh
Sao lại nói duyên sanh”.
Hay
“Quả chẳng từ duyên sanh
Chẳng từ phi duyên sanh
Quả ấy vốn không sanh
Duyên phi duyên cũng không”5.
Ở đây Bồ-tát Long Thọ muốn bác bỏ cái nhìn của hàng phàm phu, cho là nhân sinh ra quả, hoặc quả sinh ra nhân. Nói quả sinh ra từ nhân, nhưng nhân lại không có tự tánh. Nếu nhân không có tự tánh thì nhân ấy sẽ bị thay đổi. Từ nhân thành cây, cây lại ra quả, quả lại có nhân, liên tục thay đổi. Thế thì quả sinh ra gì? Nếu nói quả sinh, thì quả phải sinh ra quả, chứ sao lại sinh ra cây, rồi từ cây mới có quả. Cả một chiều dài từ nhân đến quả, rồi quả về với nhân, là một vòng sinh và diệt liên tục, không có trạng thái nhất định của sanh và diệt.
Bởi vì “Các pháp không tự tánh, không có tướng thật có, nên việc nói thực tướng, thì tướng thực như vậy chẳng đúng”6. Do đó Bồ-tát Long Thọ nói là bất sanh. Các pháp không có tự tánh, không có tự tánh thì không có tướng chân thật, nên nói có thật tướng là không đúng. Vì cái gọi là sanh diệt đó chỉ là một hiện tượng theo thấy biết của chúng ta. Nhìn trên mặt hiện tượng của pháp, ta thấy có con người hiện hữu ở đời, sống một thời gian trên cõi đời, để rồi một ngày nào đó phải ra đi, và khi chết đi gọi là mất. Nhưng theo Trung luận, ta thấy không có gì diệt mất, vì tất cả các pháp vốn là không:
“Chưa từng có một pháp
Không từ nhân duyên sanh
Thế nên tất cả pháp
Không gì chẳng phải không”7.
Vì các pháp là duyên sinh, nên mọi hiện tượng giống như trong giấc mộng, ảo ảnh phù du, dường như có nhưng thật là không có, như ảnh chiếu qua gương8. Đó là giáo lý duyên khởi của Đức Phật, được Bồ-tát Long Thọ triển khai nhằm mục đích đả phá những kiến chấp sai lầm vào thời của ngài.
Bất thường bất đoạn
Vì sao Bồ-tát Long Thọ nói Bất thường bất đoạn? Vấn đề này liên quan đến quan điểm chấp thường và chấp đoạn mà trong các kinh đã đề câp. Trong kinh Phạm võng ta thấy: “Người ấy nói: Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đảnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy, chúng vẫn thường trú”9. Và trong kinh Tệ Tú có nói: “Bà-la-môn Tệ Tú là người có tà kiến, chủ trương thuyết hư vô ông cho rằng: Không có thế giới khác. Không có loài hóa sanh. Không có quả báo của tội phước”. Đây là một trong những dị kiến thuộc trường phái chấp đoạn, chủ trương thuyết đoạn10.
Hai đoạn kinh vừa dẫn là những kiến chấp của ngoại đạo được nêu ra vào thời Đức Phật nhưng Đức Phật đã không trả lời. Tuy nhiên với Bồ-tát Long Thọ thì ngài cho rằng “chẳng thường, chẳng đoạn”. Như vậy Long Thọ phủ nhận cả hai11. Ở đây người viết xin dẫn lại lời giảng giải của HT.Thích Thanh Từ để làm sáng tỏ vấn đề này.
* Hỏi: Nếu chẳng diệt thì nên thường?
– Đáp: Chẳng thường vì cớ sao? Vì thế gian mắt thấy vạn vật chẳng thường, như khi mầm lúa nảy sanh thì hạt giống bị biến hoại, thế nên chẳng thường. Vậy thì mất cái gì hạt lúa ư hay là mất mầm lúa, nếu như không có hạt lúa thì mầm lúa có sanh không?12 Nếu như nói thường thì hạt lúa phải thường còn mãi, chứ sao lại thành mầm lúa, nếu hạt lúa đã thành mầm lúa, thì đã có sự thay đổi thì sao gọi là thường.
* Hỏi: Nếu không thường thì đoạn?
– Đáp: Không đoạn. Vì sao? Vì thế gian mắt thấy vạn vật không đoạn như hạt lúc nảy mầm từ cây lúa, thế nên không đoạn, nếu đoạn thì không có sự tương tục13.
Theo kinh Mi Tiên vấn đáp thì: “Thời gian thường trải qua ba thì: quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ thì vô thỉ (không có khởi đầu) vị lai thì vô chung (không có chấm dứt), nên nói quá khứ, vị lai đều vô cùng, vô tận, còn hiện tại thì chỉ là cái chớp mắt thoáng trôi, đại vương nên có ý niệm về thời gian như vậy. – Cả ba thì quá khứ, hiện tại, vị lai tức là thời gian, và thời gian này luôn luôn hiện hữu và chi phối tất cả hữu tình có phải vậy không thưa Đại đức? – Có khi có, có khi không tâu Đại vương”14. Ở đây ngài Mi Tiên muốn nói rằng quá khứ, vị lai thì không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc, hiện tại thì thoáng trôi qua. Bởi vì thời gian không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc, nên kinh Mi Tiên vấn đáp lại nói: “Thời gian tối sơ của một chúng sanh chẳng thể tìm được tâu Đại vương. Vì sao? Ví dụ trứng gà ấp nở ra con”15. Mọi pháp đều như thế, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc, như bánh xe luân hồi không có điểm dừng, xoay vần mãi không ngừng nghỉ. Và cũng do vậy mà Trung luận nói: “Từ hạt giống có tương tục, từ tương tục mà có quả, trước hạt giống sau có quả, không đoạn cũng không thường”. Hay: “Từ khởi tâm ban đầu, tâm tâm tương tục sanh, từ đó có kết quả, thời không có tương tục”16.
Bất nhất bất dị
Và thời kỳ Phật giáo bộ phái, Độc Tử bộ là bộ phái chủ trương có thần ngã, có ngã thực hữu. Ngã ấy “phi tức phi ly ngũ uẩn”; và họ lấy ví dụ củi và lửa để minh họa. Củi và lửa không phải một, không phải khác, hai thứ nương vào nhau mà có và thật có17. Bồ-tát Long Thọ đã phản bác luận điểm trên:
“Nếu lửa có thể đốt
Vậy tác nhân và tác giả nên là một
Nếu đốt khác cái bị đốt
Vậy lìa khỏi cái bị đốt
vẫn có cái đốt”18.
Tuy nhiên:
“Lửa không tùy nhiên liệu
Cũng chẳng phải không tùy
Nhiên liệu không tùy lửa
Cũng chẳng phải không tùy”19.
Ở đây người viết xin dẫn lại lời giảng giải của Hòa thượng Thích Thanh Từ để làm sáng tỏ quan điểm “bất nhất bất dị” mà ngài Long Thọ đưa ra.
* Hỏi: Nếu như vậy vạn vật là một?
– Đáp: Chẳng phải một, vì sao? Mắt thế gian thấy vạn vật chẳng phải một, như hạt lúa không là mầm, mầm không là hạt lúa, nếu như hạt lúa là mầm, mầm là hạt lúa là một, mà thật không phải vậy nên chẳng là một.
* Lại hỏi: Nếu không là một thì là khác?
– Đáp: Chẳng khác, vì thế gian mắt thấy vạn vật chẳng phải khác, nếu khác thì làm sao phân biệt hạt lúa, mầm lúa, cây lúa, mà không nói mầm cây, cọng cây, là cây, thế nên không khác 20…
Bất lai bất xuất
Đến và đi là một trạng thái vận động từ nơi này đến nơi khác, hay từ nơi khác đến nơi này. Khứ lai không phải chỉ dành riêng cho con người, mà tất cả vạn vật đều nằm trong sự vận động đến và đi. Như nước chảy, mây bay, tan tụ theo sự chuyển dịch của chúng cũng gọi là khứ lai21. Nhưng ở đây Trung luận cho rằng không có đến và không có đi.
Theo các nhà Hữu bộ, các pháp thật có trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, tức là họ chấp các pháp có tự tánh chân thực. Nhưng Long Thọ đã bác bỏ quan điểm của các nhà Hữu bộ, nói rằng: “Đã đi không có đi, chưa đi cũng không đi, lìa đã đi chưa đi, lúc đi cũng không đi”22. Nếu nói đã đi thì chúng ta đã đi rồi, còn nếu nói lìa người đi thì làm sao có động tác đi, chưa đi thì không có người đi, vì chưa có động tác đi, còn khi nói đang đi thì hành động đi hay người đi, hay nửa đi nửa dừng lại, thì nó chưa có rời khỏi đã đi và chưa đi. Từ đó Long Thọ cho rằng đang đi cũng không phải đi: “Không đi cũng không phải chưa đi, lúc đi cũng không đi, tất cả không có pháp đi, vì cớ chi phân biệt” 23. Lại nữa: “Nếu quyết định thật có người đi, người ấy không thể sử dụng ba thời đi, nếu không quyết định thật có người đi, thì người đi cũng không sử dụng ba thời đi”. Hay, “Động tác đi quyết định có hay không có, người đi cũng không thể sử dụng ba thời đi, thế nên đi, người đi và chỗ đến đều không có”24.
Qua hai kệ ta thấy, nếu quyết đinh có người đi, thì phải có động tác đi. Động tác đi ấy chia làm ba thời, chưa đi, đã đi, đang đi. Người ta không thể sử dụng ba thời đi, vì chưa đi thì không đi, đã đi rồi thì không còn đi nữa, còn đang đi thì phải có người đi và động tác đi, nếu lìa động tác đi và người đi thì pháp không lập được. Cho nên Bồ-tát Long Thọ nói chẳng đến cũng chẳng đi. Sở dĩ chúng ta thấy có đến, có đi là chúng ta thấy trên phương diện hiện tượng; dựa vào thời gian và không gian mà các pháp có sự vận hành đến đi, nếu không có thời gian và không gian thì đến đi không thể thành lập.
Thích nữ Vạn Duyên
_____________
(1) Sa Sa Ki Kyō Go, Taka Sako Jiki Dou, I No Kuchi Tai Jun, Tsuka Moto Kei Dhō – Thích Đạt Hòa (Hán dịch), Thích Hạnh Bình, Phương Anh (Việt dịch), Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, (2013), NXB.TP.Hồ Chí Minh, tr.113.
(2) Thích Thiện Siêu dịch, Trung luận (2001), NXB.TP.Hồ Chí Minh, tr.20.
(3) Thích Thanh Từ dịch-giảng, Trung Luận, (2008), NXB.Tôn Giáo, tr.49.
(4) Thích Minh Châu dịch, kinh Trung bộ 1, (2012), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.151.
(5) Bồ-tát Long Thọ, Đỗ Đình Đồng dịch, Trung luận và Hồi tranh luận (2014), NXB.Hồng Đức, tr.32.
(6 Ấn Thuận, Thích Tâm Trí dịch, Luận Trung quán, (2016), NXB.Hồng Đức, tr.87.
(7) Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình-Quán Như dịch, Lược giảng Trung quán luận, (2010), NXB.Phương Đông, tr.118.
(8) Trịnh Xuân Thuận, Hồ Hữu Hưng dịch, Cuộc đối thoại khoa học và Phật giáo, (2010), NXB.Phương Đông, tr.14.
(9) Thích Minh Châu dịch, kinh Trường bộ tập 1, (1991), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành. TP.Hồ Chí Minh, tr.32.
(10) Thích Nguyên Hùng, Tổng quan bốn bộ A-hàm, (2014), Toát yếu kinh Trường A-hàm. NXB.Hồng Đức, Hà Nội. tr.40.
(11) Ấn Thuận, Thích Nguyên Chơn dịch, Diệu nghĩa duyên khởi Tánh không, (2017), NXB.Hồng Đức, tr.120.
(12 Thích Thanh Từ giảng dịch, Trung luận (2008), NXB.Tôn Giáo, tr.44.
(13) Thích Thanh Từ giảng dịch, Trung luận (2008), NXB.Tôn Giáo, tr.45.
(14) Thích Giới Nghiêm dịch, kinh Mi Tiên vấn đáp, (2003), NXB.Tôn Giáo, tr.162.
(15) Ví dụ trứng gà ấp nở ra gà. Gà con thành gà mẹ, lại đẻ trứng, ấp nở ra bầy gà con. Gà con lớn lên đẻ trứng, ấp nở ra gà nữa và cứ thế tiếp tục đến vô cùng vô tận. Đại vương có thể nào tìm ra gà sinh trứng hay trứng sinh gà? Có thể tìm ra nguồn gốc của con gà kia chăng? Kinh Mi Tiên vấn đáp, tr.166.
(16) Thích Thiện Siêu dịch và tóm tắt, Trung luận, (2001), NXB.Tôn Giáo, tr.182.
(17) Linh Sơn Pháp Bảo Đại tạng kinh, tập 99, số 1588, luận A-tỳ-đạt-ma-câu-xá, (phẩm Phá ngã 29), tr.808.
(18) Ấn Thuận, Thích Tâm Trí dịch, Luận Trung quán, (2016), NXB.Tôn Giáo, tr.234.
(19) Bồ-tát Long Thọ, Đỗ Đình Đồng dịch, Trung luận và Hồi tranh, (2015), NXB.Hồng Đức, tr.112.
(20) Thích Thanh Từ giảng dịch, Trung luận, (2008), NXB.Tôn Giáo, tr.47.
(21) Ấn Thuận giảng, Thích Tâm Trí dịch, Luận Trung quán, (2016), NXB.Hồng Đức, tr.92.
(22) Sđd, tr.96.
(23) Thích Thiện Siêu dịch và tóm tắt, Trung luận, (2001), NXB.TP.Hồ Chí Minh, tr.34.
(24) Sđd, tr.39.
[ad_2]