[ad_1]
GN – Không còn là những câu chuyện “đao to búa lớn”, những lời kêu gọi sáo rỗng đầy tính lý thuyết – trồng cây gây rừng, thiết lập lại những mảng xanh cho núi đồi – giờ là cách người trẻ quan tâm đến môi trường, ý thức về thiên nhiên và trực tiếp xây dựng “sân chơi” lành mạnh cho chính mình tại vùng đất cao nguyên Lâm Đồng.
Rừng “chảy máu” từng giờ
Những năm gần đây, dường như người ta chỉ còn thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của những công trình đồ sộ và những lần “chết lịm” của những cánh rừng thông bạt ngàn. Đà Lạt giờ hiện lên với một sự trơ trọi và bức bối, cái ôn hòa của khí hậu và dịu nhẹ của những áng sương mù nơi triền núi đang dần phai nhạt đi. Màu xanh nền nã của rừng thông giờ thay thế bằng cái xám xịt của bê-tông, sắt thép; những khối kiến trúc khiêm tốn, cổ kính dần bị chiếm chỗ bởi những khối nhà “thời thượng” lòe loẹt.
Rất nhiều lần, con người lạnh lùng khai tử cả một rừng thông chỉ để lấy đất sản xuất nông lâm nghiệp hay xây dựng các khu nghỉ dưỡng trái phép gắn mác “gần gũi với thiên nhiên”. Có thể thấy vấn nạn nhức nhối này xảy ra những năm gần đây, đặc biệt trong khu vực hồ Tuyền Lâm. Hay mới đây nhất là sự xuất hiện của “khu du lịch Quỷ Núi” với một số hình tượng phản cảm, phá vỡ không gian mộng mơ của Đà Lạt.
Trong Quyết định “Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính đến hết ngày 31-12-2019, toàn bộ khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích đất có rừng còn gần 2,6 triệu ha. Trong đó, riêng Lâm Đồng chỉ còn hơn 539.364 ha. Theo số liệu thống kê Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tính đến nay, khu vực Tây Nguyên đã mất đến hơn 2.800.000 ha rừng.
Trong vòng 5 năm từ 2012 đến 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho hơn 700 dự án trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 216.000 ha, trong đó có hơn 100.000 ha chuyển sang trồng cao su. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp lợi dụng dự án để chiếm phá, khai thác rừng hoặc không đủ năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm khiến rừng bị tàn phá, lấn chiếm trái phép. Từ đầu năm 2017 – 2019 đã phát hiện 757 vụ, tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại gần 420 ha, tăng 145 ha (trên 50%) so với năm 2016.
Riêng tại Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt, không khó để thấy bên cạnh một phần khai thác gỗ trái phép, hiện nay, mục đích chính của việc khai tử hàng loạt những cánh rừng thông gây phẫn nộ dư luận, là để phục vụ cho ngành du lịch nghỉ dưỡng.
Đến nay tại Đà Lạt, hàng loạt khu rừng thông bị tàn phá nghiêm trọng từ ngay trung tâm, lan rộng ra vùng ngoại vi như Liên Khương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Cầu Đất, Đơn Dương v.v… Ngay cả khu vực hầu như vắng bóng người khi xưa như vùng Suối Vàng, Dankia, cho đến tận đỉnh Langbian, những cánh rừng cũng bị con người xâm hại.
Không gian chùa Huệ Quang và đồi Bồng Lai
Chung tay mang màu xanh trở về
“Xanh lại Đà Lạt ơi!” là một dự án dài hơi được khởi xướng bởi Nguyễn Hữu Lộc (1992) cùng nhóm cộng sự là những bạn trẻ hướng đến các hoạt động thân thiện với môi trường. Dự án thu hút đông đảo các bạn trẻ phương xa, người yêu Đà Lạt, yêu thiên nhiên mang ước mong tự tay tôn tạo lại một không gian sống, một sân chơi xanh cho chính mình và cộng đồng, góp phần hồi sinh những rừng thông tưởng chừng đã biến mất vĩnh viễn dưới sự tàn phá của con người.
Đặc biệt trong số các đại diện đồng hành cùng dự án ngay từ buổi đầu, có chùa Huệ Quang (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), tọa lạc tại ngọn đồi Bồng Lai vốn đã từng rất thơ mộng.
Đây cũng là địa điểm đầu tiên mà “Xanh lại Đà Lạt ơi!” lựa chọn gieo hạt. Ngọn đồi thuộc sở hữu của chùa Huệ Quang cách Đà Lạt khoảng 22km, rộng 20 ha nhưng hơn một nửa đã thành đồi trọc và bị lấn chiếm làm đất nông nghiệp. Trụ trì chùa Huệ Quang là Ni sư Thích nữ Minh Tài, cũng là một người yêu thiên nhiên và từng ấp ủ tâm nguyện phủ xanh lại đồi Bồng Lai.
Được biết, hiện nay ngọn đồi đã được Ni chúng tại chùa phủ xanh được 1/3 diện tích, nhưng vì thiếu nhân lực và tài lực nên phần đồi còn lại vẫn là đồi trọc với cỏ úa, nguy cơ cho những đợt cháy lớn vào mùa khô. Về phía nhóm thực hiện dự án cho biết: “Cơ duyên đã đưa chúng tôi đến với ngôi chùa và vị Ni sư đầy tâm huyết, hai tâm nguyện giống nhau lại gặp được nhau. Ni sư đã cho phép và cũng tha thiết mong chúng tôi cùng Ni sư phủ xanh lại ngọn đồi”.
Kế hoạch ngắn hạn là khôi phục đất, phủ được cây xanh trên đất trống, đồi trọc. Về lâu dài, để duy trì được cây xanh không bị phá hoặc các hộ gia đình khai thác nhưng vẫn đảm bảo độ che phủ cho đất, hạn chế các rủi ro xảy ra, nhóm dự án “Xanh lại Đà Lạt ơi!” đã có những kế hoạch chi tiết sau khi gieo trồng như xây dựng trạm dừng chân, khai thác các cánh rừng theo mô hình du lịch sinh thái, cắm trại kết hợp các hoạt động trồng cây, cải tạo đất…
Những bạn trẻ khởi xướng dự án “Xanh lại Đà Lạt ơi!”
Dự án được công bố vào ngày 4-9, với số tiền dự kiến huy động là 74.865.000 đồng cho việc trồng và dặm lại hơn 3.000 cây thông trên đồi Bồng Lai, cũng như chi phí duy trì chăm sóc cây. Dự án “Xanh lại Đà Lạt ơi!” hiện vẫn đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ cả về nhân lực lẫn tài lực trên các fanpage của các đơn vị đồng hành, dự tính hoàn tất thực hiện đến cuối năm nay.
Để tạo điều kiện cho các bạn trẻ và những tình nguyện viên cùng tham gia vào dự án, được biết, nhóm dự án đã phối hợp cùng chùa Huệ Quang tạo không gian tá túc thoải mái, hoàn toàn miễn phí, trong suốt khoảng thời gian thực hiện chương trình trồng cây gây rừng, mang đến một trải nghiệm thú vị, hòa mình với thiên nhiên, góp phần lan tỏa và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều vật phẩm như túi tote, áo thun… cũng sẽ được nhóm bày bán nhằm gây quỹ cho dự án lần này.
Trong một cuộc khảo sát mới đây của dự án, 99% người tham gia bày tỏ thái độ phẫn nộ với những bình luận gay gắt trước hành động tàn phá rừng. Hầu hết trong số đó đều là những người trẻ, khi chứng kiến những cánh rừng mỗi ngày phải biến mất vĩnh viễn, họ kịch liệt lên án hành vi phá hoại đó vì lòng tham và lợi ích trước mắt của của một số con người, doanh nghiệp. Dự án “Xanh lại Đà Lạt ơi!” |
Du Mục / Báo Giác Ngộ
[ad_2]