[ad_1]
Thượng Sĩ mến mộ cửa không khi còn để chỏm. Lúc đến tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở tinh xá Phước Đường, do lãnh hội được yếu chỉ nên dốc lòng thờ Thiền sư làm thầy. Sau Thượng Sĩ lui về ấp Tịnh Bang, hàng ngày lấy thiền duyệt làm vui, thuận người mà làm hưng thịnh hạt giống Chánh pháp, tùy cơ mà có phương tiện dạy bảo, lúc hiện, lúc ẩn, giúp người trụ tâm.
Vua Thánh Tông nghe danh đã lâu, liền cho mời vào kinh thành. Thấy lời lẽ đối đáp thoát tục lại tương hợp, nhân đó mà kết nghĩa, tôn Thượng Sĩ làm sư huynh. Danh hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ được ban tặng từ đó.
Chẳng chay cũng chẳng mặn
Một lần, Thượng Sĩ vào cung thăm thái hậu. Bà mở tiệc thịnh soạn chiêu đãi. Ông gắp thịt ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt, đâu thể thành Phật”. Chỉ vì một lúc ăn thịt mà không thể thành Phật thì con bò đã thành Phật từ lâu. Nhưng bò là bò mà Phật là Phật. Bò cũng có tánh Phật, nhưng hóa và báo dụng của Phật bò không sử dụng được. Suốt ngày gặm cỏ rồi lên đường vào lò mổ, tiếp nối trùng trùng kiếp chúng sinh đọa đày. Việc đó cho thấy ăn chay không phải là điều kiện tiên quyết trong vấn đề thành Phật. Không tiên quyết thì không ăn chay vẫn có thể thành Phật. Nhưng sao kinh luận lại khuyến cáo người tu phải ăn chay, giới thọ của Bồ-tát cũng nói đến ăn chay? Là để… đối trị cái tập ăn mặn.
Đối trị là từ được dùng khi có tật bệnh xuất hiện. Tức có bệnh mới có thuốc. Dùng thuốc đối trị bệnh. Có tham, sân, si mới nói đến bố thí, trì giới, nhẫn nhục v.v… để dùng đó đối trị. Không bệnh thì không cần đến thuốc đối trị. Tức không bệnh thì không nói đến từ đối trị. Chúng sinh huân tập việc ăn thịt quá sâu, làm người ăn thịt, làm súc sinh ăn thịt, làm ngạ quỷ cũng ăn thịt.1 Huân tập nhiều đến nỗi ăn uống trở thành thứ không thể thiếu khi có đời sống chúng sinh ở cõi Ta-bà. Xuất hiện ở Ta-bà là phải ăn mới tồn tại.2 Trong kinh Tử nhục3, Phật nói “Này các Tỷ-kheo! Có bốn loại thức ăn này đưa đến sự tồn tại hay chấp thủ tái sinh cho các loài hữu tình hay chúng sinh. Thế nào là bốn? Đoàn thực hoặc thô hoặc tế, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Này các Tỷ-kheo! Bốn loại thức ăn này đưa đến sự tồn tại hay chấp thủ tái sinh cho loài hữu tình…”. Đoàn thực, chỉ cho loại thức ăn mà hiện nay con người đang dùng, bao gồm cả chay và mặn. Đoàn thực chỉ có ở cõi Dục. Ăn uống được huân tập sâu dày từ kiếp này sang kiếp khác và trở thành tập nghiệp của con người, chính là Tập nói trong Tứ đế. Tập tạo ra lực nghiệp. Lực nghiệp là thứ khiến chúng sinh bị trói buộc và lôi chúng sinh luân hồi sinh tử triền miên, nên nói “đưa đến chấp thủ tái sinh”. Tập khiến chấp xuất hiện và có sự tái sinh. Cho nên, muốn giải thoát, muốn chấm dứt luân hồi sinh tử thì phải phá trừ cho được những gì thuộc tập nghiệp. Không chỉ có tập nghiệp thuộc ăn uống mà còn các tập thuộc ngủ nghỉ, giao tiếp v.v… là xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Song chuyển thẳng từ việc ăn thịt sang việc không ăn là điều gần như không ai làm được. Không có thiền duyệt sâu xa trợ giúp, khó mà thực hiện được việc đó, nên trước phải dùng chay đối trị mặn. Đó là lý do kinh luận khuyến cáo người tu nên ăn chay. Ngoài việc mở rộng lòng từ, dứt dần những oan nghiệt từ việc ăn thịt, ăn chay còn giúp phá trừ tập ăn mặn, giảm dần tham đắm trong việc ăn uống.
Thái hậu là mẫu người đại diện cho hầu hết những kẻ có tâm thiện lương và chánh kiến. Không thể bảo tu là ở tâm, còn trên sự thì tham, sân, si không trừ, dục vị buông tuồng, cứ để tập nghiệp trói buộc lấy mình. Mọi thứ phải được thể hiện thành hành động. Nếu tâm thật tu, tham, sân, si phải giảm. Ăn chay không phải là tất cả trong việc tu hành, nhưng nó là duyên giúp loại bỏ phần nào dục tham. Có điều, thứ gì trở thành quy định hay tục lệ, không khéo, lâu dần sẽ thành một loại định kiến với cái tâm dễ trụ của mình. Khi đã rơi vào định kiến, dù là định kiến phù hợp với kinh luận, thì tâm chẳng còn vô trụ, chẳng thể thể nhập chân tánh vô trụ. Thảy đều do chấp. Chấp là do tập. Hòa thượng Trúc Lâm nói “Anh tu thiền mà ăn thịt, đâu được thành Phật” là câu nói của người thường, còn chấp”4.
Tâm chưa trung đạo nên cái nhìn hay vướng vào lối mòn nề nếp, không thể tùy duyên nhận định sự việc hiện tại một cách chính xác và vượt thoát. Nghĩa là, chúng ta đối với sự việc xảy ra trong một lúc, thường quên mất mặt nhân duyên của pháp. Pháp nhân duyên, là duyên lúc đó như vậy thì hiện pháp như vậy, trong những duyên khác, pháp không hẳn vậy nữa. Chúng ta thường không dụng được cái nhìn đó mà thường vận hành tư tưởng theo kiểu người đời, lấy tướng hiện ra trong một lúc làm tánh của sự vật trong mọi lúc, mọi nơi. Bởi thế, tướng đó trở thành thường trụ, bất biến, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu tướng đó cũng hiện tiền. Đó là một cái nhìn phiến diện nếu không nói là sai lầm.
Một lần, nhìn thấy người phụ nữ nói gì đứa bé cũng không nghe, tôi liền có suy nghĩ, “Người phụ nữ này không có lực với đứa bé”. Song đó là một tư tưởng sai lầm. Bởi thực tế, chỉ người phụ nữ đó mới có năng lực với đứa bé trong mọi sinh hoạt của nó, còn lại không ai làm gì được. Chỉ là trong cái duyên của tôi, tôi lại chỉ chứng kiến được một phần của sự việc, bằng hoạt tướng ngược lại. Dùng tướng của một việc làm tánh cho toàn bộ các sự việc khác là một sai lầm. Song đó lại là cái thấy đa phần người đời thường vướng. Khổ nạn tai họa mới xảy ra.
Thái hậu cũng không tránh được cái nhìn như thế, lấy tướng trong một lúc làm tánh thường trụ của vạn pháp, chẳng hiểu chay mặn chẳng còn là tập với Thượng Sĩ. Chẳng phải tập, nên nó không mang tính thường hằng trói buộc, chỉ là đủ duyên thì hiện, hết duyên liền không, không để lại dấu vết.
Ăn chay không phải là cứu cánh của việc tu hành. Nó chỉ là pháp dùng đối trị khi có tật bệnh xuất hiện. Tật bệnh nói đây là tập ăn thịt. Đây nói tập ăn thịt, không nói ăn thịt. Ăn thịt không lỗi nếu nó không được huân thành tập nghiệp, là gốc của trói buộc và khổ đau. Thiền sư Duy Nghiễm nói: “Trồng thì không ngăn ngươi trồng, nhưng chớ cho mọc rễ”5. Ăn thịt thì ăn thịt mà đừng huân nó thành tập. Muốn biết chay mặn có thành tập với mình không thì dùng pháp nghịch nó mà kiểm nghiệm. Mặn mà thành tập thì không dùng được chay, ăn chay sinh bệnh hay thấy lạt lẽo, thèm và nhớ đồ mặn. Chay nếu thành tập thì không thể ăn thịt cá, thấy đồ mặn là dội ngược, tanh tao muốn nôn v.v… Nói chung, thứ gì đã thành tập với mình thì ngược với nó, sẽ xuất hiện sự chướng ngại. Ngăn dứt nó, mình chịu không nổi, mình thấy khó chịu, trống vắng, thèm thuồng v.v… Có một lực nào đó lôi mình phải thực hiện những gì thuộc tập nghiệp của mình. Chính vì lực này mà muốn dừng được tập nghiệp phải dùng pháp đối trị. Pháp đối trị đơn giản nhất là “không những việc đó” cho tới khi những việc đó không còn là thói quen của mình. Đó là lúc lực nghiệp bị đánh bật. Do quá trình hàng phục tập nghiệp này mà xuất hiện các pháp đối trị như nhẫn nhục, thiền định v.v… Chỉ là pháp đối trị nên khi tập nghiệp hết, pháp cũng phải buông. Nếu cố chấp không buông, pháp đối trị sẽ thành tập. Tập tốt tuy có lực dẫn chúng sinh vào cảnh giới tốt, nhưng cái gọi là giải thoát hay thể nhập chân tánh vô trụ thì không thể.
Đứng trên mặt giáo hóa mà nói, khi bị tập nghiệp trói buộc, khó có thể tự tại trong việc dùng pháp độ người. Vì căn nghiệp của chúng sinh muôn hình muôn vẻ, có khi phải dùng đến pháp nghịch giới mới giáo hóa được. Vì thế tập xấu hết rồi, pháp đối trị cũng phải buông, không được thủ chấp. Kinh Kim cang nói: “Pháp còn nên xả huống là phi pháp”.
Với cái nhìn của kinh Thắng Man, một bộ kinh đào sâu về việc thể nhập chân tánh, chỉ ra những chướng ngại khiến hành giả không thể nhập được chân tánh, thì các tùy phiền não không chỉ là pháp làm chướng tâm, mà các pháp như chỉ, quán, tịnh lự, Tam-ma-bát-để, gia hạnh, trí, quả, chứng lực, vô úy v.v… đều được coi là chướng phiền não nếu chúng được chấp thủ. Nền tảng của sự chấp thủ này là Vô minh trụ địa, là Vô minh nghiệp tướng mà luận Đại thừa khởi tín đã nói.
Không thủ chấp, không có nghĩa là bỏ ăn chay trở lại ăn mặn. Không chấp, là có thể tùy duyên làm lợi ích chúng sinh mà không bị tập chay mặn làm chướng ngại. Khi cần chay thì chay, khi cần mặn thì mặn, không chướng ngại khi dùng chay mặn. Hòa thượng Tinh Vân khi dùng cơm ở Hội Phật giáo Nhật Bản đã từng phải ăn mặn, dù “nghe mùi tanh nồng nặc xông khắp”. Biết “canh mình dùng toàn bột nêm tôm cá”, ngài vẫn dùng. Chỉ vì “Phật pháp dùng từ bi làm nền tảng, lấy phương tiện làm cửa vào để tu đạo và độ chúng. Sự thanh tịnh nội tâm mới là quan trọng”6. Do muốn tránh cho mọi người sự khó chịu, nên ngài vui vẻ cùng dùng. Trong những duyên khác, ngài vẫn dùng chay. Tính trung đạo thể hiện qua hành động này. Không vướng chay cũng không vướng mặn, chỉ tùy duyên mà có chay mặn.
Tùy duyên, không phải tùy nghiệp. Chúng ta chỉ tùy duyên được khi thói quen hay tập nghiệp của mình đã dứt. Cho nên, Hòa thượng Trúc Lâm dạy “Tội phước chỉ phát sinh ở tâm niệm vọng động. Tâm không dấy động thì không nói tội phước. Bây giờ Tăng Ni chưa hết phiền não vọng tưởng mà bắt chước ăn thịt uống rượu thì có tội không? Tâm sinh thì tội sinh. Chừng nào tâm hết sinh khởi thì sao cũng được. Vậy quý vị muốn bắt chước thì tâm phải như Thượng Sĩ. Nếu tâm chưa vô niệm thì khoan bắt chước”7. Ăn thịt một khi vẫn là tập của mình thì không nên như Thượng Sĩ. Ăn chay nếu thành tập thì muốn bắt chước Thượng Sĩ cũng không được. Chay mặn đều không còn là tập mới có thể như Thượng Sĩ.
Chẳng tu cũng chẳng vô tu
Một người đã đăng lên Facebook bài viết Tu là sửa của Hòa thượng Thích Thiện Hoa: “Đã gọi là sửa thì bất luận những gì xấu xa hư dở đều phải sửa. Sửa cái dở thành hay. Sửa cái xấu thành tốt. Sửa vọng thành chân…”. Có người đọc xong, phát biểu: “Đúng là sai lầm. Sửa cái dở thành cái hay cũng là bản ngã. Vọng đã hư thì giác ngộ nó chỉ là bóng liền xong. Kẻ còn đâm đầu vào cái bóng đánh lộn hay sửa nó thì còn nguyên vô minh ái dục. Ôi kẻ si mê muôn kiếp hủy diệt con đường giải thoát của Đấng Giác ngộ. Một bầy mê cho là hay. Thương thay!”. Rồi dạy người thực hành như sau: “Thấy tất cả hiện khởi đừng áp đặt cho nó là đúng hay sai. Chỉ cần thấy và để yên đừng phản ứng thì nó sẽ tự sinh tự diệt. Cái thấy biết mới là mình nên chỉ thấy là được. Vọng là cái bóng. Nếu thật thấy nó là bóng thì nó có sinh hay diệt đâu có vấn đề gì. Thật sự ngộ nó là bóng thì cái thấy biết cần gì theo hay không theo. Xấu hay tốt, gốc là vô ngã thì để yên nó sẽ mất, đừng hành động theo nó là được. Cho bóng là mình rồi muốn sửa xấu thành tốt vậy có phải còn nguyên vô minh không”. Trên lý, nói nghe rất bay bổng dù có chỗ không chính xác, như nhận cái thấy biết là mình, thứ mà Thiền sư Nam Tuyền gọi là vọng giác. Nhận vọng giác làm mình nên trước vọng sau cũng vọng. Loanh quanh như thế nên chân ngay đó mà không thể nhận, không thấu được thực lý Duyên khởi ở thế giới này là mặt tùy duyên của vạn pháp. Không thấy được ngoài lý còn có sự, là căn cơ của chúng sinh.
Không thấy pháp nếu chỉ khế lý thì chưa đủ, mà còn phải khế cơ mới mang lại lợi ích cho muôn người. Lý dù hay mà ứng vào cơ chúng sinh không dụng được, hoặc theo đó tu mà cũng như không tu… thì chẳng mảy may lợi ích. Không lợi ích thì sẽ phá hủy niềm tin của hàng sơ cơ. Mọi thứ trở thành tai họa.
Đúng là, nếu vọng hiện khởi như bản chất của nó thì không cần tác ý buông bỏ, vọng tự sinh, tự diệt. Nhưng diệt rồi không sinh lại, cho đến khi đủ duyên để hiện khởi, không phải sinh diệt liên tục như tâm chúng sinh hiện nay, không thể dừng nghỉ dù rất muốn dừng nghỉ. Đó là chỗ khác nhau giữa cái gọi là vọng của Bồ-tát và vọng mà chưa phải vọng của phàm phu, dù bản chất của chúng không khác.
Nếu thực là vọng thì đúng là chẳng cần sửa vọng thành chân. Nhưng người đời nay, mấy người được như thế? Khi tập khởi còn mạnh, lực nghiệp còn là thứ chi phối mọi hành tác của mình thì không có gì là vọng với mình, dù bản chất nó là vọng. Hàng Bồ-tát tái lai theo hạnh nguyện. Chư vị cũng phải trải qua giai đoạn điều phục những nhiễm ô do nguyện tái lai của mình, chỉ là chóng hơn. Còn lại thì cái gọi là vọng chưa hề là vọng với chúng sinh. Mọi thứ đều có lực rất mạnh. Chính lực này khiến những thứ là vọng trở thành như thực. Ý nghiệp hiện khởi thì thân nghiệp và khẩu nghiệp theo đó liền hiện khởi. Không kịp có thời gian tỉnh giác để chọn lựa là nên hay không nên. Tham lam, sân hận không thể dừng, đều do lực nghiệp còn mạnh. Mất mình theo vọng là do lực khởi còn mạnh. Khởi đã thành tập nên vọng không thể dừng. Vọng như dòng thác đổ, không thể kiểm soát. Không như mây trôi trên nền trời không vướng bận. Có điều, ít ai nhận được sự sinh diệt liên tục này nếu không có công phu biết vọng. Giai đoạn này nếu không có sự tác ý buông bỏ thì không thể nào tỉnh giác mà dừng được lực nghiệp.
Điều đó cho thấy cái gọi là vọng, với kẻ sơ cơ chưa phải là vọng. Mọi thứ được huân tập đã tích tụ sâu trong tạng thức thành có lực. Chính lực này khiến chúng sinh thọ nhận thân tâm và cảnh giới như hiện nay. Vì lý do đó mà Phật Tổ nói đến tu, đến sửa, đưa ra vô vàn pháp đối trị. Từ Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đến Lục độ vạn hạnh, Chỉ quán v.v.., tất cả nhằm để sửa tà thành chánh, giúp buông vọng nhập chân.
Không nhận ra được mặt tùy duyên của pháp mới sinh phỉ báng. Lý tuy thế nhưng tùy căn cơ chúng sinh mà thành có sai khác. Từ gốc vô pháp mà nảy sinh vô vàn pháp, vì hai chữ tùy duyên. Không chỉ thẳng Nhất thừa mà phải bày ra Tam thừa và Nhân Thiên thừa, vì căn cơ chúng sinh có lợi độn. Đó là tùy duyên ứng cơ mà có pháp. Hòa thượng dạy tu là sửa, sửa cái xấu thành tốt v.v… là cho hàng sơ cơ, những người giữ giới còn chưa xong, nói chi là những thứ như định, tuệ v.v… Đâu thể một bước vượt qua nghiệp lực để có thể tự tại với vạn pháp, để có thể giác ngộ vọng là cái bóng mà không cần đến sự dụng công.
Đúng là chỉ cần giác ngộ được vọng là bóng thì… tùy duyên tiêu nghiệp cũ, không cần dụng công buông bỏ. Nhưng làm sao để giác ngộ vọng là bóng mới là vấn đề. Nếu để tự nhiên mà có thể giác ngộ vọng là bóng thì tất cả chúng sinh đều thành Phật từ lâu. Nhưng thực tế là ngay những kẻ đầu quân cửa Phật rồi, ái dục có khi vẫn lẫy lừng, khẩu nghiệp và thân nghiệp vẫn chưa thể điều phục được theo chiều hướng thiện lương. Điển hình là tác giả của câu nói trên. Buông lời phỉ báng Tổ sư và chư vị thiện tri thức khá dễ dàng. Một lời phỉ báng không cần thiết nhưng vẫn phát ra, vì không làm chủ được tâm vọng động của mình. Tâm chấp pháp còn nặng.
Do chấp pháp nên chỉ thấy pháp mình dụng là đúng, tất cả pháp còn lại đều sai. Chẳng thể hiểu cái gọi là tùy bệnh cho thuốc. Bệnh nặng nếu không dùng thuốc đối trị thì càng để lâu bệnh càng nặng. Càng để tự nhiên, huân tập trói buộc càng nhiều. Cho nên, khi còn bị tập nghiệp chi phối thì không thể để mọi thứ tự nhiên, bởi cái tự nhiên đó chỉ là sản phẩm của tập nghiệp, đang bị tập nghiệp làm chủ mà không biết. Chỉ có thể nói đến hai chữ tự nhiên (vô công dụng hạnh) khi tập nghiệp đã dứt. Không theo thứ lớp đó mà tu thì mọi thứ thành sai lầm.
Đã dụng đến pháp vô công mà không hiện nổi cái trí duyên khởi, không nhận được mặt tùy duyên của pháp, thì biết tuy nói tỉnh giác, nói giác ngộ… mà thật là đang buông trôi theo ác tập; nói tu mà thật là không tu. Thảy đều do vô minh dẫn dắt.
Tóm lại…
Trong việc tu hành, một khi tham sân còn, lực nghiệp còn mạnh, ý khởi lên điều gì liền theo đó mà tạo tác, không thể làm chủ sự vọng động của mình, thì nhất định phải có phương tiện để đối trị. Tham sân mỏng rồi, lực nghiệp không còn, vọng đã hiện đúng bản chất của nó thì mới có thể… tùy duyên tiêu nghiệp cũ, gọi là vô công dụng hạnh. Chưa được vậy thì hãy trân trọng những gì mà Tổ Thiện Hoa đã dạy. Không sửa thì chúng sinh vẫn hoàn chúng sinh. Cho nên, trong kinh Viên giác, một bộ kinh được gọi là Đại phương quảng liễu nghĩa, đã nói đến mặt huyễn hư của vạn pháp: các pháp như huyễn, thân tâm như huyễn, dùng huyễn tu huyễn v.v…, tuy vậy vẫn dạy chúng sinh “Phải tinh tấn hàng phục phiền não. Khởi đại dũng mãnh. Những pháp chưa được khiến được. Những thứ chưa đoạn khiến đoạn. Tham, sân, ái, mạn, siểm khúc, tật đố… đối cảnh không sinh. Ta, người, ân ái tất cả đều vắng lặng.
Phật nói người này thứ lớp thành tựu, cầu thiện tri thức chẳng rơi vào tà kiến”. Cũng nói, “Những chúng sinh đời sau chẳng rõ bốn tướng, lấy chỗ hiểu và hành của Như Lai làm chỗ tu hành của mình, trọn không thể thành tựu”. Không phải nghe Phật nói các pháp như huyễn thì cho rằng “đâm đầu vào cái bóng đánh lộn hay sửa nó thì còn nguyên vô minh ái dục”. Chư vị Thanh văn, nếu không đâm đầu vào bóng ấy mà tác ý trừ đoạn thì chẳng thể có được quả vị La-hán, ái dục và phiền não không thể dứt đoạn. Phải biết nói huyễn là Phật nói cho chúng sinh biết về bản chất của vạn pháp để quán mà tu. Không phải mọi chúng sinh đã có được thực nghiệm như Phật. Tiếp duyên đối cảnh vẫn còn phân biệt, tham, sân… thì biết chưa có pháp nào như huyễn với mình. Vì thế vẫn cần đoạn, cần sửa… thứ lớp tiến lên. Không nên để mọi thứ tự nhiên, không đoạn, không sửa như người đã sạch mọi hoặc chướng. Mới thấy, vô minh không nằm ở việc sửa xấu thành tốt, sửa vọng thành chân… mà ở việc không nhận được mặt tùy duyên của pháp, không thấy được tất cả pháp đều là Phật pháp, không biết dụng pháp sao cho phù hợp với căn cơ của chúng sinh. Đó mới là vô minh.
Trần Nhân Tông, một lần thưa với Tuệ Trung Thượng Sĩ:
– Chỉ như giữ gìn giới hạnh trong sạch không chút xao lãng thì thế nào?
Tuệ Trung cười không đáp. Trần Nhân Tông lại thỉnh cầu. Tuệ Trung nói hai bài kệ:
– Giữ giới cùng nhẫn nhục
Chiêu tội chẳng chiêu phước
Muốn biết không tội phước
Chẳng giữ giới nhẫn nhục.
– Như khi người leo cây
Trong an tự cầu nguy
Như người không leo cây
Trăng gió có làm gì?
Nói rồi dặn nhỏ Trần Nhân Tông: “Chớ bảo cho người không ra gì biết”8.
Cũng dạy người không tu, không sửa, tu sửa là họa, nhưng lại không đánh mất mặt tùy duyên của vạn pháp, được thể hiện qua câu “Chớ bảo cho người không ra gì biết”. Người không ra gì là chỉ cho hạng còn nặng tham, sân, si.
Ai nắm được Trung luận và Bát-nhã, nắm được ý nghĩa của bốn từ vô, bất, phi, ly nói trong Lăng-già, sẽ không lấy làm lạ về cách dùng từ cũng như ý nghĩa của bài kệ. “Không tội phước” hay “Chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục” nghe có vẻ trái với lời dạy của Phật, Tổ, kinh luận, nhưng thật là không. Vô, bất, phi, ly là các từ mà Lăng-già dùng để “ngăn cái quấy kia mà chẳng nói cái phải kia”9. Vì cái phải, ngôn từ không thể đến. Thành chỉ ngăn cái quấy mà không xác định cái phải. Tức không cầu thánh giải, chỉ cần sạch phàm tình. Phàm tình sạch thì thánh giải tự hiện. Lìa tất cả những gì thuộc nhị biên thì chân tánh hiện tiền.
Không tội phước là phủ định những gì thuộc nhị biên phân biệt để hiển Đệ nhất nghĩa như Trung luận đã nói “Không sinh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn…”. Tâm không rơi vào nhị biên phân biệt thì ngay đó chân thể hiện tiền. Trong Lăng-già tâm ấn, khi trả lời 108 câu của ngài Định Huệ, Phật đều bắt đầu các câu bằng bốn từ vô, bất, phi, ly. Thiền sư Hàm Thị giải thích, “Xét lời đáp này, chỉ có bốn chữ vô, bất, phi, ly. Đây là lời chỉ thẳng. Chỉ ngăn cái quấy kia mà chẳng nói cái phải kia. Nếu có chỗ phải thì nào khác với quấy. Như vàng làm đồ trang sức. Vàng không phải bình, không phải bàn, không phải thoa, không phải xuyến, để rõ nó là vàng vậy”. Chỉ thẳng là như thế. Không chấp tướng thì chân tánh tự hiển.
Không chấp tướng, không có nghĩa là không luôn các tướng đó. Nếu không luôn các tướng đó, cố định luôn như thế10, thì rơi vào cái gọi là chấp không, không phải là không chấp. Không chấp, là không trụ ở tướng có cũng không trụ ở tướng không, chỉ tùy duyên mà hiện tướng, không nhất thiết phải cố định ở một tướng nào. Song muốn tùy duyên, muốn không vướng chấp, phải diệt trừ tập nghiệp. Tập nghiệp nào dứt, ta tự tại với nghiệp đó. Ăn ớt không phải là thói quen, mới có thể tự tại với việc ăn ớt hay không ăn ớt. Bị thói quen ăn ớt chi phối thì phải có ớt, ăn mới xong. Bị thói quen không ăn ớt chi phối thì khi ăn phải ớt, chướng ngại liền xuất hiện, không thể “vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố…” như Tâm kinh Bát-nhã đã nói.
Muốn biết không tội phước là muốn chứng nghiệm được chân thể thanh tịnh sẵn đủ trong mỗi người, thì chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục. Việc này được nói trong cái duyên mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa ra, giữ giới đã tròn, thánh hạnh đã lập, tập đời đã dứt. Trong duyên như thế, nếu lập ra việc “giữ gìn không chút xao lãng” thì tránh cực phàm lại rơi vào cực thánh, chẳng thoát tâm nhị biên, không thể nhập trung đạo. Nên Thượng Sĩ trả lời “Giữ giới cùng nhẫn nhục/ Chiêu tội chẳng chiêu phước/ Muốn biết không tội phước/ Chẳng giữ giới nhẫn nhục”.
Phước tội là những khái niệm được lập thành tương đãi theo duyên. Trong duyên thế này, việc làm đó là phước, nhưng trong duyên khác có khi lại thành tội. Cùng là pháp bố thí, nhưng bố thí thức ăn cho người đang đói thì bố thí ấy mang lại phước báu cho mình và người, còn bố thí ma túy cần sa cho trẻ con thì bố thí ấy mang họa cho người và mình. Xét bố thí là tội hay phước đều tùy thuộc vào duyên hiển nó, không phải bản thân pháp tự có giá trị nhất định. Không phải cứ bố thí là có phước. Nhân duyên tương đãi là vậy. Phước hay họa không mang tính cố định mà tùy duyên hiển giá trị.
Trì giới và nhẫn nhục đến chỗ không còn xao lãng, đối với hạnh phúc thế gian, là phước. Nhưng với cội nguồn thanh tịnh, là chỗ mà tất cả đều phi, không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp v.v… thì những thứ đó trở thành chướng ngại. Chướng ngại thì chiêu tội, chẳng chiêu phước. Nói chiêu tội là nói trong cái duyên giúp thể nhập chân tánh vô trụ. Trong duyên đó mới chiêu tội. Vì làm chướng ngại việc thể nhập chân thể vô tướng. Trong các duyên khác thì không.
Muốn thể nhập chân thể, tâm phải vô chấp với mọi pháp dù là pháp Phật dạy, nên nói “Chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục”. Lăng-già nói, “Câu Ba-la-mật thì phi Ba-la-mật. Câu giới thì phi giới. Câu trị phi trị…”. Trị, chỉ cho pháp đối trị11. Tất cả đều phải phi. Trong Thắng Man phu nhân hội, những pháp dùng đối trị tập bệnh của chúng sinh đều trở thành chướng phiền não khi nói về chân thể vô tướng, vô trụ, vô niệm. Kinh nói, “Sinh chướng tâm phiền não, chướng chỉ phiền não, chướng quán phiền não, chướng tịnh lự phiền não, cho đến chướng Tam-ma-bát-để phiền não, gia hạnh, trí, quả, chứng, lực, vô úy… Có hằng sa số tất cả phiền não, chỉ có Bồ-đề của Như Lai mới đoạn được”. Sinh, là trước không nay có. Phiền não vốn không, do bất giác rồi lưu chuyển sinh tử huân tập mà hiện thành. Nhờ “vốn không” mới có thể đoạn trừ. Chỉ quán, Lục độ vạn hạnh v.v… vốn không, do trị tập mà lập nên. Giờ tập hết, thuốc cũng phải bỏ. Không thì như người không bệnh mà dùng thuốc, thuốc ấy sẽ khiến sinh bệnh. Nên Tổ nói, “Như khi người leo cây/ Trong an tự cầu nguy/ Như người không leo cây/ Trăng gió có làm gì?”. Khởi lên việc “giữ gìn giới hạnh trong sạch không chút xao lãng” chính là muốn trong an tự cầu nguy. Chỉ cần chướng hết, chân thể hiện tiền, chẳng nên lưu giữ các pháp đối trị. Sự lưu giữ ấy sẽ biến các pháp đối trị thành chướng.
Chẳng giữ giới nhẫn nhục chỉ được ứng dụng trong cái duyên đã sạch hết phàm tình. Nếu chưa được duyên như thế thì vẫn cần giữ giới cùng nhẫn nhục. Nên sau khi nói việc ấy với Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ dặn “Không nên nói cho người không ra gì biết”, là những vị còn phạm giới, chưa thể làm chủ tham sân của mình, nếu không dùng pháp đối trị thì khó mà hết được tập bệnh. Cái gọi là sửa tà thành chánh, sửa xấu thành tốt, trì giới, nhẫn nhục v.v… vẫn rất cần với chư vị.
Cho nên:
– Người nói pháp, nếu khế lý mà không khế cơ với chúng sinh thì chẳng khác dạy người buông tuồng các ác tập, tuy nói tu mà thực là không tu. Tu rồi mà thánh hạnh không thể lập, đường dữ vẫn vào thì niềm tin sẽ mất, đạo Bồ-đề sẽ thối, trầm luân mãi trong sinh tử khổ đau.
– Hành giả dụng pháp, phải tự liệu tâm mà gắp pháp, sao cho phù hợp với căn cơ của mình. Không phải vì pháp tối thượng mà ta chọn, pháp hạ liệt mà ta chê. Tối thượng mà không làm được, chẳng thể trị được tập bệnh của mình thì tu khác gì không tu? Pháp dù hạ liệt mà có thể giúp mình diệt trừ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến thì hạ liệt cũng thành thượng thắng. Cho nên, có thể biết vọng không theo thì một lòng biết vọng không theo. Biết vọng không theo chưa được thì dùng Sổ tức, Tùy tức. Sổ tức, Tùy tức vẫn không xong thì niệm Phật, dùng một niệm hàng phục muôn niệm. Tùy duyên mà dụng pháp. Chỉ là, vọng tưởng là thứ huân tập đã lâu, sinh khởi đã thành tập, không phải nói dừng là liền dừng được. Cần kiên trì trường viễn trong việc dụng pháp. Không thể áp dụng qua loa vài tháng rồi nghĩ không hợp, tìm pháp khác. Khó mà được pháp nào cho trọn khi thay pháp liên tục như khỉ chuyền cây. Cần sự dứt khoát, kiên trì và trường viễn trong việc chọn pháp và dụng pháp.
Ảnh hưởng của Tuệ Trung đối với Thiền phái Trúc Lâm
Tuệ Trung Thượng Sĩ là thầy của Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông là Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm, nên môn phong và tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm chịu ảnh hưởng của Thượng Sĩ không ít.
Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm ẩn hiện qua bài kệ “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ khì/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Có người nói tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm là “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Đó không phải là tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm. Trong Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải, Trần Nhân Tông nói khá rõ, “Tôi biết môn phong của Thượng Sĩ cao vút. Một hôm tôi hỏi Thượng Sĩ về bổn phận tông chỉ, ngài đáp, ‘Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc’. Nghe xong tôi thông suốt đường vào, bèn vén áo thờ làm thầy”. Cũng là tông chỉ mà trong cái duyên là bổn phận, không phải là thiền phái. Đang nói chỉ yếu của bổn phận, là bổn phận chính mà một hành giả thuộc Thiền phái Trúc Lâm phải thực hiện, nhờ đó có thể đạt được tông chỉ mà thiền phái đã đề ra.
Bổn phận chính của hành giả Trúc Lâm là xoay cái nhìn vào mình, quán xét lại chính mình, không hướng ra ngoài phán xét vạn sự vạn vật khi tâm còn bị trói buộc trong sở tri phân biệt. Dù khi ở một mình hay đối duyên tiếp cảnh, cũng chỉ nên ghi nhận vọng tâm đang hoạt động thế nào, chẳng nên theo vọng tâm mà nảy sinh thị phi với vọng cảnh. Có vậy mới có thể khiến lực nghiệp giảm hồi, dứt trừ các chướng, thấu tỏ bản chất của vạn pháp.
Chỉ yếu hay tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Thiền tông nói chung vẫn là “Lập vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc”12. Vô niệm làm tông, thì vô niệm là chỗ mà mọi hành giả Trúc Lâm đang quy hướng và phải thấu đạt toàn phần. Vô niệm ấy, không phải nhờ ngồi yên một chỗ và dứt sạch mọi vọng niệm mà có. Đó chỉ là phương tiện ban đầu, một phương tiện khá cần thiết cho hàng sơ cơ, giúp hành giả ngăn dứt dòng tương tục và giảm trừ mọi lực nghiệp. Vô niệm nói đây là “Trên cảnh, tâm không nhiễm, gọi là vô niệm”13. Đó là những gì mà Tổ Trúc Lâm nói trong bài kệ “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Vô tâm được là nhờ “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”. Báu ấy, kinh Niết-bàn gọi là Phật tánh, Bát-nhã nói là tánh không, Trung luận nói “không sinh cũng không diệt”, Đại thừa khởi tín gọi là cái không của chân như, Tuệ Trung Thượng Sĩ nói “không tội phước”. Thấu được cội nguồn chân thật thì hiểu những gì có tướng (đối tượng của sáu căn) đều là vọng. Biểu hiện cho việc thấu nhận này là đối cảnh vô tâm. Đương nhiên, lý thì đốn ngộ mà sự thì phải tiệm tu, dần được.
Trong bài kệ, câu đầu đã nhắc đến việc tùy duyên: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”. Ở đời vui đạo là ở ngay nơi cõi đời ô trược này mà vui, không phải thể nhập Niết-bàn mới thấy vui. Muốn vậy thì phải sống được với cái gọi là tùy duyên. Tùy duyên không phải là tùy nghiệp. Tam nghiệp, nếu bị định kiến hay thói quen chi phối, đều không thể tùy duyên. Khó mà đói ăn, mệt ngủ hay tự tại với việc chay mặn. Cho nên, nói đến tùy duyên đồng nghĩa với việc dứt trừ tập nghiệp và hàng phục tâm phân biệt. Tập nghiệp phải hết, tùy duyên mới lập thành. Không bị định kiến chi phối mới có thể vô chấp với mọi duyên.
Không bị thiện nghiệp chi phối mới có thể dụng được pháp bất thiện khi cần lợi ích chúng sinh. Thân không bị thói quen chi phối mới có thể tự tại được với mọi tình huống. Đó là lý do Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy Tổ Trúc Lâm không nên chấp vào việc phải luôn giữ các thánh hạnh không chút xao lãng. Thói đời đã lìa, thánh hạnh đã lập thì mọi thứ tùy duyên hiện tướng, chẳng nhất thiết phải cố định ở một tướng nào. Luận Đại thừa khởi tín nói, “Trong đó, hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, hoặc làm người giúp việc, bạn hữu, oan gia, khởi tứ nhiếp pháp…”. Tùy duyên hiện tướng sao cho chúng sinh được lợi ích, nên không chỉ dừng ở duyên bạn hữu mà còn có duyên oan gia v.v… Thằng nhóc thích thiền, muốn đi tu, nhưng không nhất quyết được với con đường mình đã thích. Lời của thiện tri thức theo gió thoảng mây bay. Và cuối cùng… lấy vợ. Để lấy được cô vợ, cậu phải trả một đống nợ mà cô đã vay. Chỉ là cưới về, cô không cho đụng vào người, còn bày đủ trò giúp cậu khổ não. Khổ quá, nhớ lại đường xưa, dứt áo ra đi không luyến tiếc. Mới thấy, tướng của thánh hạnh không có giá trị trong trường hợp này. Phải là tướng của phàm phu ác nghiệp mới xong việc. Cho nên, Đại Bồ-tát “lấy vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc”. Hàng thạc đức đương thời thường ca tụng Thượng Sĩ “Thuận hạnh nghịch hạnh thật khó lường được”14. Tâm còn vướng trong sở tri phân biệt, tập nghiệp còn dày, đụng đâu chấp đó, khó mà tùy duyên sử dụng được pháp nghịch thuận như Tổ sư. Trần Nhân Tông làm bài kệ ca tụng:
Lão cổ chùy này
Người khó diễn tả
Thước nách Lương Hoàng
Chuông xe Thái Đế
Hoặc vuông hoặc tròn
Hoặc dày hoặc mỏng
Biển pháp một mắt
Rừng thiền ba góc.
Hàng xuất cách không vướng vào quy tắc thường tình của người đời, cũng không vướng vào nghi tắc giới luật của đạo gia, chỉ tùy duyên lợi ích chúng sinh. Cần tròn thì tròn, cần vuông thì vuông, lúc dày, lúc mỏng v.v… Không nhất thiết phải cố định trong một tướng nào. Chẳng phải là Tuệ Trung – người đã đạt được tuệ nhãn trung đạo trong biển pháp, vững như kiềng ba chân trong chốn thiền lâm, bát phong thổi chẳng động, bình thản với những thị phi15 ở đời – thì khó mà làm được.
Hậu sinh nếu tập thiền theo phái này, không thể không y đó mà hướng tiến. Phản quan, trừ bỏ tập nghiệp, được cái trí trung đạo rồi, thì tùy duyên làm lợi ích chúng sinh. Chẳng kể là già hay trẻ, Tăng hay tục v.v.., vì ai cũng có của báu trong nhà. Đủ niềm tin nhận lại, sống được… thì tùy duyên được. Quan trọng là đừng nhầm lẫn giữa niềm tin và chỗ thực chứng, đang tùy nghiệp mà cho là tùy duyên.
Chân Hiền Tâm
______________
(1) Đây muốn nói đến loài người, các sinh vật ăn thịt như chó, mèo v.v… và quỷ Dạ-xoa.
( 2) Việc này phải được nhìn theo thế tương đãi. Trong thế giới tương đãi này, không có pháp nào có tướng mà mang tính phổ quát. Tương đãi, nên A xuất hiện thì -A cũng xuất hiện. Chỉ là A đa số hay -A đa số mà thôi.
( 3) Kinh Tạp A-hàm quyển 15 – Bài kinh 373.
(4) Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải – HT.Thích Thanh Từ.
(5) Thiền sư Trung Hoa tập I – Dược Sơn (751-834) – HT.Thích Thanh Từ.
(6) Nghĩa tình trân quý – HT.Tinh Vân, NS.Hạnh Đoan biên dịch.
(7) Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải – HT.Thích Thanh Từ.
(8) Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải – HT.Thích Thanh Từ.
(9) Lời của Thiền sư Hàm Thị giảng trong Lăng-già tâm ấn.
(10) Đây đang nói tướng không đối với có, không nói tánh không lìa có cũng lìa không.
(11) Lời bàn của Thiền sư Hàm Thị trong Lăng-già tâm ấn.
(12) Pháp bảo đàn kinh – Phẩm Định tuệ.
(13) Pháp bảo đàn kinh – Phẩm Định tuệ.
(14) Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải – HT.Thích Thanh Từ.
(15) Việc làm vượt khỏi cái nhìn của người đời, nên không tránh được thị phị đúng sai, dè bỉu của phàm phu.
[ad_2]