[ad_1]
NSGN – Trong kinh Quán Vô lượng thọ, Bồ-tát Quan Âm thị hiện vô số hóa Phật. Trong Tâm kinh, Ngài có tên là Quán Tự Tại thông cả hữu hình và vô hình, hữu tình và vô tình. Ngài hoàn toàn tự tại với tất cả các pháp, với mọi hiện tượng trên cuộc đời thì việc ban vui cứu khổ mới không chướng ngại. Với tư chất Quán Tự Tại, Ngài quán sát, phá vỡ được vỏ ngũ uẩn thành không, không còn chướng ngại trong việc làm đạo và khổ ách đều dứt.
Vì đáp ứng nhu cầu của mọi người hoàn toàn tự tại, đối với Quan Âm, sắc mới là sắc, không là không, mà sắc cũng không phải là sắc, không cũng không phải là không… Giáo hóa của Quan Âm rõ ràng là vô quái ngại. Thật vậy, kẹt vào sắc thì bị hạn cuộc, mà rơi vào không thì tâm từ sẽ bị chết, không hành đạo Bồ-tát được.
Quan Âm sử dụng đại bi và đại trí như hai cánh tay. Tác dụng của Quan Âm dưới dạng tâm. Đại bi tâm của Ngài sanh ra tất cả các pháp hóa độ chúng sanh. Vì thế, tuy không hiểu Đà-la-ni của Ngài, ta vẫn cảm nhận được. Tình thương của Bồ-tát Quan Âm hay của Phật được nâng đến độ cao nhất, thấy tình thương không còn mới chính là tình thương chân thật. Giống như mặt trời tỏa chiếu sự sống khắp nhân gian, không phân biệt tốt xấu. Dù ta quý mến Phật hay không, Ngài vẫn thương ta. Thành tựu tư cách này, Bồ-tát Quan Âm hành đạo không chướng ngại, thân giáo hóa thế gian mà tâm vẫn an trụ thế giới Phật.
Phẩm Phổ môn cho thấy Quan Âm là một vị Phật hành đạo dưới dạng Bồ-tát. “Ưng dĩ Phật thân đắc độ giả, tức hiện Phật thân nhi vị thuyết pháp”. Hay nói cách khác, ta thờ Đức Phật Thích Ca mà cảm Đức Quan Âm thì đó chính là Quan Âm vậy.
“Ưng dĩ Bích chi Phật thân đắc độ giả, tức hiện Bích chi Phật thân nhi vị thuyết pháp”. Nếu là Duyên giác thực sẽ không độ được người và chỉ trụ ở điểm đó thôi. Tuy nhiên, vị Duyên giác này là hiện thân của Quan Âm Bồ-tát thì theo họ tu, hành giả được khai mở, phát tâm Bồ-đề và tu hạnh Quan Âm lúc nào mà hành giả không biết.
Vì hiện thân tam Thánh không đủ để hóa độ chúng sanh, Bồ-tát Quan Âm còn hiện thân trời Phạm vương hay trời Đại Phạm Thiên vương của Ấn Độ giáo để đáp ứng nhu cầu nhân gian. Tất cả các vị trời này là biểu tượng tín ngưỡng của các tôn giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Nếu thực sự các vị này là hiện thân của Bồ-tát Quan Âm để hóa độ chúng ta, thờ các Ngài ít lâu, chúng ta sẽ hướng tâm về Phật. Thể hiện tinh thần này, chúng ta thấy các vị thần Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản lần quy về Phật đạo, nhờ Quan Âm Bồ-tát hiện dưới dạng vị thần hóa độ.
Ngay trong cuộc sống hiện tại, Bồ-tát Quan Âm thường hiện ra dưới biểu tượng gợi cho hành giả phát tâm; nhưng hành giả không biết được và hạ xuống thấp nhất, Ngài giải quyết cho nhân gian hai điều mà họ cầu xin và giúp họ thoát khỏi bảy tai nạn (Thất nạn nhị cầu).
Trường hợp hành giả rơi vào tuyệt mạng tuyệt thể, phá vỡ được màn ngũ uẩn, từ Phật tánh khởi tâm đại bi, mới nhận được đồng thể đại bi với Quan Âm. Hành giả không ở trạng thái tuyệt mạng tuyệt thể, nhưng trụ được tâm trong Đà-la-ni, vẫn có độ cảm như trên.
Vì vậy, niệm Quan Âm phải niệm dưới dạng niệm tâm mới giao cảm được với Ngài. Chánh niệm đến độ hành giả đồng hạnh với Quan Âm, thân hành giả hiện thành thân Quan Âm. Dùng được thân Quan Âm trang nghiêm cho thân mình, việc ác không thể đến với hành giả. Thế giới an lành của Bồ-tát lần lần mở ra cho hành giả, hoặc hành giả chuyển đổi được hoàn cảnh xấu thành tốt. Thí dụ bị lửa đốt cháy, hành giả Chánh niệm Quan Âm, lửa không đốt được, nhưng hành giả phải niệm bằng tâm niệm. Còn niệm ngoài miệng để khỏi cháy thì thế nào cũng cháy. Niệm đến vô niệm, niệm ngoài “Thức”, không còn biết nóng. Dù cho xác thân cháy, cũng chỉ cháy ngũ uẩn thân và hành giả chứng được Pháp thân.
Từ nạn lửa, cho đến bị nước cuốn trôi, gông cùm xiềng xích, oán tặc bao vây…, hành giả trụ tâm Chánh niệm Quan Âm, Ngài đều gia hộ cho thoát khỏi tai nạn. Nhưng hành giả phải cầu đúng, nghĩa là đồng hạnh đồng nguyện với Quan Âm, Ngài mới gia bị. Cầu nguyện dưới dạng vô ý thức của con người hay xưng tánh gọi là chuyên niệm mới bắt gặp lực hộ niệm của Bồ-tát Quan Âm, một sự hộ niệm hay trợ lực nằm ngoài sự hiểu biết diễn tả thông thường. Nếu gặp hiểm nguy, chúng ta có chuẩn bị và tìm lối thoát được, thì đó không phải là thần lực của Bồ-tát Quan Âm.
Quan Âm xuất hiện với 32 ứng hiện thân, tức ở trong 32 hoàn cảnh tiêu biểu cho mọi tình huống, Ngài đều thị hiện tương ưng để giải quyết 7 tai nạn cho người thế gian. Như vậy, Ngài đương nhiên trở thành người che chở cần thiết, mang an lành cho chúng sanh Ta-bà, làm thế nào họ chán Ngài được. Nhất là yêu cầu thoát khỏi mọi tai nạn khổ ách là yêu cầu bức bách muôn đời của chúng sanh Ta-bà. Từ gợi ý này, Phật khuyên chúng ta niệm Quan Âm, tức học hạnh Quan Âm, đến đâu đáp ứng yêu cầu lợi lạc nơi đó. Được như vậy, công việc hoằng hóa độ sanh của chúng ta nhất định tốt đẹp.
Việc làm của Quan Âm không chỉ giới hạn ở thất nạn nhị cầu, Ngài còn dắt hành giả qua 500 do tuần đường hiểm về Bảo sở. Trên 500 do tuần, hành giả thấy 500 Quan Âm khác nhau. Mỗi do tuần, hành giả có một Quan Âm và sau cùng ở Bảo sở, Bồ-tát Quan Âm của hành giả là Đức Phật.
Từ trên Phật quả xuống, Ngài đưa hành giả về thế giới Phật bằng thuyền từ, tiêu biểu bằng cánh sen mang ý nghĩa nương theo hạnh Bồ-tát để tu Pháp Hoa.
Quan Âm Bồ-tát không chỉ làm những việc lặt vặt như thất nạn nhị cầu, hay cầu gì cho nấy. Hiểu như vậy, Bồ-tát Quan Âm sẽ không còn linh nghiệm, vì có người cầu được, có người cầu không được.
Chẳng những Bồ-tát Quan Âm hành đạo ở Ta-bà, Ngài còn trợ hóa Phật A Di Đà ở Tịnh độ phương Tây. Việc làm của Ngài ở hai trụ xứ tịnh uế trái ngược này khiến chúng ta cảm nhận được vào thời quá khứ, Ngài là vị cổ Phật Chánh Pháp Minh Như Lai. Vì thương nhân gian, Ngài hiện thân sống với chúng sanh Ta-bà dưới dạng Bồ-tát Quan Âm. Hiện hữu bằng con người đắc đạo hoàn toàn, Ngài rất tự tại trong khi giáo hóa chúng sanh, cần ứng hiện thân nào, Ngài mang thân đó. Nói rộng hơn, Bồ-tát Quan Âm nhằm diễn tả Pháp thân Phật hay phẩm Phổ môn nói lên sự giáo hóa của Đức Phật Thích Ca bằng lực vô hình. Từ lực vô hình ở bản thể hiện thành hiện thực theo yêu cầu của loài người.
Trên bước đường hành Bồ-tát đạo, muốn thành tựu công đức, phải hiện được càng nhiều sắc thân càng tốt, tức phải có trí tuệ nhìn đúng sự thật, ứng xử cho hợp tình hợp lý. Vì vậy, các vị danh tăng hiện hữu khắp nơi, mang những hình thái khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều đáp ứng được việc lợi ích quần sanh và đưa người về Phật đạo giải thoát. Ý này nói lên tinh thần vì thương tưởng cho đời, Đức Phật hiện thân ở Ta-bà làm đủ các việc, hay tinh thần Phổ môn thị hiện dưới tất cả loại hình theo yêu cầu của chúng sanh. Với mục tiêu này, Bồ-tát Quan Âm hiện hóa trên cuộc đời bằng mọi dạng thức. Từ Phật cảnh giới, Ngài bước vào trần gian, sống bên cạnh chúng ta để đưa tất cả đến bờ giải thoát. Nếu chỉ thấy Ngài dưới dạng thức ban vui cứu khổ để van vái cầu xin, thì Ngài là một vị thần linh đã chết. Nhưng nếu chúng ta cảm hạnh Ngài qua tri thức và suy luận của nhân gian thì Ngài trở thành tà kiến. Hạnh Quan Âm không thể hiểu ở trạng thái cục bộ này.
Quan Âm phải ở dạng thức từ trên Phật quả nhìn xuống chúng sanh giới để làm đạo và từ nơi này hướng về Phật cảnh giới trong tư thế khai ngộ. Theo Ngài Huệ Tư, Phật giới và chúng sanh giới không khác. Phật là Diệu Pháp, chúng sanh là Liên Hoa. Bồ-tát hành đạo không thể hủy diệt môi trường chúng sanh. Đức Phật tu hạnh Bồ-tát mới dung hóa được hai cõi tịnh uế và lấy chúng sanh giới làm Niết-bàn. Có thể ví Bồ-tát là hoa, Phật là quả, chúng sanh là gốc rễ, pháp là nước và phân đất là phiền não. Hiểu được như vậy, hạnh Quan Âm mới là cửa ngõ cho Bồ-tát sơ phát tâm vào đạo; vì ngoài hạnh Quan Âm, không có hạnh nào khác để hành đạo.
Bước theo lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh mà Quan Âm vẽ ra, chúng ta tùy duyên là tùy theo yêu cầu của chúng sanh để đáp ứng lợi lạc cho họ; nhưng tâm hồn ta lúc nào cũng phải hoàn toàn trong sạch thanh tịnh. Giống như hình ảnh của Quan Âm trợ hóa cho Phật A Di Đà ở Tây phương thuần tịnh, Ngài vẫn hiện hữu mãi mãi bên cạnh chúng sanh Ta-bà đau khổ.
HT.Thích Trí Quảng
[ad_2]