[ad_1]
GN – Hiện nay, có nhiều người, nhiều nơi thực hiện phóng sinh. Việc phóng sinh được tiến hành từ những cá nhân với vài con cá, con chim cho đến có tổ chức mà số lượng lên đến hàng tấn. Phóng sinh là một việc làm tốt đẹp xuất phát từ lòng từ bi không nỡ nhìn con vật bị giết mà cứu giúp. Tuy nhiên, khi việc phóng sinh đã trở thành hình thức, thì ý nghĩa cao đẹp của nó cũng không còn, mà ngược lại còn sinh ra nhiều bất cập, hệ lụy cần nên suy nghĩ.
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, bởi vì nếu không khéo thì có thể mang nghiệp vào thân bởi ngăn cản mọi người làm việc phước. Có lẽ tôi nên kể một câu chuyện trước. Nếu có ai đi Phật tích Ấn Độ thì thế nào cũng được dịp đi thuyền trên sông Hằng, dòng sông linh thiêng. Thuyền của chúng tôi vừa xa bờ thì có vài chiếc thuyền nhỏ áp sát. Một người đưa cho chúng tôi xem cái xô có vài con cá nhỏ và mời chúng tôi mua để thả xuống sông.
Tất nhiên cũng có người mua, người không. Nhưng tôi được biết rằng, đa số người Ấn đều không bắt cá hay bẫy chim. Nhưng từ khi tín đồ đạo Phật hành hương thánh tích ngày càng đông thì nghề bắt cá bán cho du khách phóng sinh hình thành. Những người mua cá phóng sinh nghĩ rằng họ đã làm được một việc thiện. Thật là ý nghĩa, phải không! Nhưng họ đâu nghĩ rằng trước khi họ xuất hiện, các thủy tộc sống rất bình yên trong sông Hằng linh thiêng, nhưng chính vì “lòng từ” của họ mà các loài đó bị bố ráp, bắt lên, thả xuống và rất có thể bị chết trong quá trình di chuyển đó.
Ở Việt Nam ngày nay, hầu như trước các chùa, miếu hay địa điểm tâm linh, ngoài nhang, đèn, bông, trái và đồ cúng, còn có rất nhiều lồng chim, xô cá… để bán cho những người có nhu cầu… làm phước. Tôi nhìn những người bán chim, cá phóng sinh ấy, tự nhiên thấy họ như những tên khủng bố, bắt người tống tiền, sống dựa trên những sinh linh bé nhỏ. Và chúng ta nhân danh lòng từ, tiếp tay cho họ. Bởi vì nếu chúng ta không mua thì họ cũng chẳng bắt để làm gì. Vô tình ta làm cho xã hội nảy sinh một nghề mới, nghề bắt loài vật phóng sinh, và chúng ta là người trả lương cho họ, khuyến khích họ.
Chúng ta phóng sinh vì lòng từ bi, hoặc là để cầu phước, cầu tai qua nạn khỏi. Chúng ta chỉ thấy trước mắt là chúng đã được ta đem lại tự do, nhưng chúng ta không thấy rằng cũng bởi vì ta mà những con vật ấy bị bắt, bị nhốt, sống những ngày lo sợ, hoảng hốt, thậm chí chết. Như vậy thì thử hỏi là phước hay tội?
Tôi thấy có người tổ chức phóng sinh hàng tháng. Họ đặt chủ trại nuôi cá mỗi tháng đem vô chùa hàng trăm ký cá để họ đem ra sông thả. Do đó chủ trại cá phải tăng cường nhân giống sản xuất thêm. Có người “hiểu đạo” hơn, không đặt cá mà ra chợ mua. Nhưng thật ra thì cũng chẳng khác nhau mấy, vì mình mua bao nhiêu thì người bán sẽ lấy cá về bấy nhiêu, và người nuôi hoặc đánh bắt cá sẽ làm việc nhiều hơn. Khi nghĩ đến cái vòng tròn luẩn quẩn này, tôi phải bật cười, vì hình như chúng ta không phải phóng sinh mà là ta bỏ tiền ra để tạo công ăn việc làm cho người đánh bắt, nuôi trồng và bán cá thì phải.
Cuộc sống có quy luật sinh tồn của nó. Nếu chúng ta thả một trăm con cá này thì một trăm con cá khác sẽ bị bắt thay vào, bởi chúng ta không thể cản con người tiêu thụ cá thịt. Chúng ta thả đi càng nhiều thì họ nuôi trồng hay đánh bắt lại càng nhiều. Đem mạng sống này để thay cho mạng sống khác không phải là ý nghĩa thật sự của phóng sinh. Muốn cho các con vật bớt bị bắt, bị giết, bị làm thức ăn thì cách hiệu quả nhất là bớt tiêu thụ cá thịt; cầu giảm thì cung sẽ giảm. Cho nên thay vì đi phóng sinh, chúng ta nên thực hiện ăn chay.
Thêm một người ăn chay sẽ bớt một lượng tiêu thụ cá thịt. Thị trường tiêu thụ cá thịt giảm thì tự nhiên cũng ít con vật bị giết. Đây chẳng phải là sự phóng sinh tuyệt vời hay sao?
[ad_2]