[ad_1]
Giác Ngộ – Hai ngày sau khi đến đất Pakse của vương quốc Vạn Tượng, tôi đã dành liền mấy buổi chiều và tối thăm các ngôi chùa Việt ở đây. Mặc dù đã đọc nhiều bài báo viết về cộng đồng người Việt và chùa Việt tại Pakse song tôi vẫn muốn viết về những ngôi chùa Việt ở đây theo cảm xúc riêng mình.
Ngôi chùa Việt đầu tiên tôi đến là chùa Kim Sơn ở xóm Sân Bay – bản Khúa Ta Phan – huyện Pakse – tỉnh Champasak. Dáng dấp bên ngoài của chùa Kim Sơn rất giống các ngôi chùa Thái, Lào, Campuchia với nhiều tháp xung quanh chùa, màu vàng của tháp và ngoài chính điện có tượng Phật tọa thiền trên mình rắn Naga bảy đầu như chiếc bảo cái che kim thân Đức Phật. Song chùa lại có tam quan, am thờ Thổ địa và đài thờ Phật Quan Âm giống như nét kiến trúc quen thuộc thường thấy ở các ngôi chùa Việt Nam.
Người sáng lập chùa Kim Sơn là sư Thích Minh Lý (1915-1995). Vị khai sơn ngôi chùa này chính là hoàng tử Nguyễn Phước Ly, con vua Thành Thái (1879-1954) và bà Võ Thị Đức (1870-1838). Lúc ngài sinh ra là lúc thực dân Pháp bắt vua Duy Tân và vua Thành Thái đi đày vì tội chống lại chính quyền bảo hộ. Năm 15 tuổi, ngài theo mẹ đi vào Nam lánh nạn, lúc thì Sài Gòn, khi thì Châu Đốc và cuối cùng trôi dạt đến đất Campuchia. Tại đây, ngài xuất gia và mang pháp danh Thích Minh Lý. Với tâm niệm phục vụ chúng sanh, cúng dường chư Phật, ngài đã đi khắp đất nước Lào, Thái Lan, Campuchia… Ở đâu ngài cũng cống hiến hết mình cho việc truyền bá Phật pháp như xây chùa, đắp tượng, quy y cho nhiều Phật tử từ Thượng-Trung-Hạ Lào, xây chùa Châu Giác ở cây số 2 Hạ Lào (năm 1950), vận động xây chùa Hùng Sơn ở Paksong (năm 1952)… Năm 1962, ngài quay về Sài Gòn tham gia đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài. Năm 1964, ngài trở về Lào và năm 1966 ngài lập chùa Kim Sơn, ngài viên tịch năm 1995 (thọ 80 tuổi).
Chùa Kim Sơn là ngôi chùa có nhiều tháp nhất ở đây vì có diện tích đất rộng. Những ngôi tháp này thờ các di cốt của thân nhân các Phật tử trong vùng. Vì vậy chùa luôn đón nhiều người đến hương khói. Hàng đêm thường có từ 20 đến 30 Phật tử Việt kiều và Lào đến tụng kinh, niệm Phật.
Khi chúng tôi đến, sư trụ trì là Thích Minh Quới không có ở chùa. Tiếp chúng tôi là sư Thích Giác Thủ, trụ trì tịnh xá Ngọc Hà ở Đông Hà – Quảng Trị mới sang Pakse thăm và thuyết pháp ở đây. Như là người thân lâu ngày mới gặp, sư Thích Giác Thủ hỏi thăm nơi ăn chốn ở của chúng tôi và ngỏ ý mời chúng tôi ở lại chùa vì sợ chúng tôi không có chỗ ăn ở. Có lẽ tình quê hương đã làm chúng tôi thân thiết với nhau nhanh như thế. Vậy mới biết người Việt xa xứ khao khát gặp người đồng hương và thèm nói tiếng Việt đến dường nào.
Sư Thích Giác Thủ cho biết các Phật tử ở Lào, nhất là Pakse, rất coi trọng các Tăng Ni Việt Nam. Chùa đang nuôi ba cháu mồ côi từ một đến năm tuổi và một bà cụ tuổi 80. Chùa đã nhiều lần ủng hộ hàng triệu kip để xây dựng trường người Việt tại Lào. Và mỗi buổi sáng, chúng tôi chứng kiến các nhà sư Việt cùng các nhà sư Lào xếp thành từng đoàn khất thực nghiêm trang trong ánh mắt ngưỡng mộ, thành kính của Việt kiều và người dân sở tại.
Điều làm chúng tôi thực sự ngạc nhiên và hoàn toàn bất ngờ là hậu Tổ của chùa có bàn thờ riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bức ảnh chân dung Bác Hồ và ảnh Bác Hồ mặc áo cà sa đi khất thực. Chúng tôi sẽ trở lại câu chuyện này trong một bài báo khác.
Ngôi chùa Việt thứ hai chúng tôi đến là chùa Trang Nghiêm ở xóm Tân An phía đầu cầu Pakse. Đang lúc lúng túng vì không biết tiếng Lào để hỏi thăm đường thì chúng tôi nghe một giọng người Việt vang lên, tiếp đó tôi gặp một thanh niên (tên là Lít) mặt áo pull cờ đỏ sao vàng. Hỏi ra mới biết đây là một xóm thuần người Việt, nhiều nhất là người gốc Quảng Bình. Chùa Trang Nghiêm được Nhật Hạ Trung tự An khang Đoàn Đại Sư lập vào năm 1938 nhân chuyến ngài vân du hoằng pháp tại Lào để truyền Chánh pháp Đại thừa. Đầu tiên vị khai sơn lập một am nhỏ trên xóm Tân An (Lò Gạch) ngày nay. Năm 1942, am được tháo dỡ, xây mới rộng lớn hơn và đặt tên là Trang Nghiêm. Trang Nghiêm có nghĩa là làm chỉnh đốn, làm đẹp lại, làm tươi sáng và duy trì sức sống văn hóa cao đẹp của những người con đất Việt trên xứ Lào. Với tâm nguyện như vậy nên từ khi thành lập, chùa Trang Nghiêm đã đón hàng ngàn lượt Tăng Ni, Phật tử đến tu học, chiêm bái, lễ Phật. Năm 1972, Thượng tọa Thích Thiện Dung (tên khai sinh là Đặng Văn Cầm) đứng ra tái thiết, trùng tu với quy mô lớn hơn theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ” và đến năm 1973 mới hoàn thành.
Chùa Trang Nghiêm có một cây bồ đề cổ thụ to đến năm người ôm. Bà Ly, Phật tử của chùa cho biết cây bồ đề có tuổi hơn 70 năm. Bởi vì năm nay bà đã 66 tuổi mà lúc còn nhỏ bà đã thấy cây bồ đề này lớn lắm rồi. Trụ trì chùa Trang Nghiêm hiện nay là TT.Thích Tánh Nhiếp. Khi chúng tôi đến, không gặp sư trụ trì. Sư đang về Việt Nam để lập một chùa khác tại Quảng Bình. Được biết, con trai của vị khai sơn chùa Trang Nghiêm có tên là Đấu, từng công tác tại Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào. Chúng tôi cũng tìm đến nhà của chị Lan (thường gọi là Nọi, có chồng tên là Thực) là con gái của TT.Thích Thiện Dung. Chị Lan kể, ba của chị (ông Đặng Văn Cầm), sau khi lập gia đình và có năm con mới xuất gia. Anh Thực, chồng chị Lan, hiện nay làm cho Công ty Đào Hương, một công ty nổi tiếng của một Việt kiều trên đất Lào.
Ngôi chùa Việt thứ ba chúng tôi đến là chùa Long Vân ở xóm Nhà Đèn nằm trong một con hẻm nhỏ. Chùa Long Vân là ngôi chùa khang trang nhất và có ba tượng Phật lớn nhất trong các ngôi chùa Việt ở Pakse. Chùa Long Vân vẫn giữ những nét kiến trúc của chùa Việt Nam phái Bắc tông. Chùa không có nhiều tháp xung quanh như chùa Lào, trừ một tháp của vị khai sơn.
Câu chuyện về việc lập chùa Long Vân cũng hết sức kỳ lạ. Sư Thích Thanh Tịnh, trụ chùa Long Vân hiện nay, kể: cách đấy gần 70 năm có một người Pháp tạc một pho tượng Phật Bổn sư có rắn Naga thân làm đài sen để Đức Phật thiền định, đầu rắn làm tán che Phật. Sau đó người Pháp này về nước và bỏ quên tượng Phật tại một ngôi nhà trong xóm. Một người giúp việc trong gia đình này có tên là Trần Quế, một Việt kiều gốc làng Vĩnh Xương – Thừa Thiên bị tâm thần nhẹ, đã phát hiện được tượng Phật nọ khi quét dọn ngôi nhà. Vì không có nhà cửa nên ông Trần Quế cứ ôm tượng Phật lang thang khắp nơi và thường ngồi tại cây bồ đề. Cùng thời gian ấy, một người dân trong vùng chiêm bao thấy mảnh đất chỗ ông Trần Quế ngồi ôm tượng Phật xuất hiện những hào quang sáng rực. Mọi người cho rằng đó là vùng đất thiêng và họ dựng một thảo am để thờ. Ngôi chùa đầu tiên bằng gỗ dựng trên khu đất do cụ Nan Kịp, người Lào, phát tâm cúng dường. Từ đó ngôi chùa trở thành nơi lui tới thường xuyên của Việt kiều và dân sở tại. Sau đó bà con lại xây thêm hai gian nữa thành ngôi chùa ba gian. Thời gian sau được Hòa thượng Trung Quán và Hòa thượng Nhật Liên hỗ trợ, chùa Long Vân nâng cấp bằng bê tông cốt thép. Hiện nay mặt sau của chùa bị sạt lở nặng. Dòng nước khủng khiếp của con sông Sê Đôn đổ ra sông Mê Kông đã tàn phá đến sát khu chính điện của chùa. Nhờ tấm lòng hảo tâm của bà con Việt kiều gần xa, chùa Long Vân đang xây dựng khu chính điện mới khang trang hoành tráng hơn.
Lúc chúng tôi đến, công trình đang còn dang dở nhưng trông rất bề thế, vững vàng. Khi hoàn thiện sẽ là ngôi chùa Việt lớn nhất, hoành tráng nhất tại Pakse.
Còn một ngôi chùa Việt khác có tên là Thanh Quang ở bản Đo Xám Xỉ do một sư cô trụ trì. Ngôi chùa này có quy mô nhỏ, nguồn gốc của một gia đình Việt kiều tu tại gia lập nên. Hiện nay, chùa Thanh Quang là nơi thờ tự, tu niệm của các Việt kiều có quan hệ bà con, dòng tộc với chủ ngôi chùa này.
Nét chung nhất của các ngôi chùa Việt tại Pakse luôn giữ dáng dấp, phong cách của những ngôi chùa Việt Nam, dù một số ngôi chùa có thay đổi một số chi tiết kiến trúc cho phù hợp với văn hóa Lào. Hơn thế, các ngôi chùa Việt ở Pakse là nơi tụ họp, lui tới của những Việt kiều tại đây, trong nước và một số nước lân cận. Chúng tôi gặp nhiều Tăng Ni và Phật tử từ Việt Nam, Campuchia sang thăm, viếng chùa. Không khí thờ tự, giao lưu ở đây ấm cúng, chân tình, cởi mở đã làm những người Việt xa xứ sống gần nhau hơn. Tôi nghĩ các ngôi chùa Việt tại Pakse là ngôi nhà chung của các Việt kiều tại đây. Ở đó, họ được tắm mình trong không khí của tình đồng hương người Việt, được nói tiếng Việt và sống trong văn hóa của người Việt. Tôi đồng tình với nhận xét của sư Thích Thanh Tịnh, trụ trì chùa Long Vân: Việt kiều ở Pakse nói tiếng Việt tốt nhất ở Lào là do thường xuyên đến với các chùa Việt, tại đây họ được nói tiếng Việt, đọc chữ Việt nhiều hơn qua kinh, kệ.
Riêng tôi, trong thời gian ở Pakse, dù một người chưa phải Phật tử, nhưng rảnh rỗi là tôi ghé thăm các ngôi chùa Việt. Có lẽ ở đó tôi sẽ sống trong một không gian văn hóa Việt Nam thu nhỏ và cảm thấy bình yên.
[ad_2]