[ad_1]
NSGN – Chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức), tọa lạc tại 204 đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Chùa do Tổ Thiệt Thoại (Thụy) – Tánh Tường khai sơn vào năm 1721: “Chùa được thành lập từ năm 1721, do Tổ Thiệt Thụy (Tánh Tường), khai sáng. Tên gọi Huê Nghiêm xuất phát từ việc lấy tên bộ kinh Hoa nghiêm đặt cho tên chùa và do tính chất cổ xưa bậc nhất so với nhiều ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh nên chùa Huê Nghiêm còn được gọi là Huê Nghiêm cổ tự”.1
Trước kia chùa không ở vị trí như hiện nay, mà chỉ là một am tranh cách địa điểm hiện nay gần 1km về phía trước và gần bên bờ sông (sông này còn gọi là rạch Cầu Phố Nhà Trà, bắt nguồn từ sông Sài Gòn và chảy ngang hãng xi-măng Hà Tiên bây giờ), do Tổ dựng lên để có chỗ tu tập. Chúng ta cũng không ngạc nhiên vì hầu hết những ngôi chùa xưa đều xuất phát từ một am tranh nhỏ, do các vị Thiền sư tạo dựng dùng làm phương tiện dừng chân để hóa độ: “Ở buổi đầu đến định cư, lập chùa, hầu hết các chùa ở Đồng Nai – Gia Định là những am tranh”.2
Sở dĩ chúng tôi muốn đề cập đến điều này là để nhắc đến người có công trong việc di dời chùa Huê Nghiêm từ một vùng đất trũng về nơi gò cao, khô ráo, để thuận lợi trong việc hướng dẫn tín đồ Phật tử. Người ấy không ai khác chính là bà Nguyễn Thị Hiên, người đã hiến khu đất để di dời chùa Huê Nghiêm. Bà Nguyễn Thị Hiên là đệ tử của ngài Tế Lý, người đương nhiệm trụ trì lúc bấy giờ và gọi Tổ khai sơn bằng Sư ông, vì theo dòng kệ Lâm Tế chánh tông thì bà thuộc chữ Liễu: “Thiền sư Tế Lý Quảng Đức là bậc long tượng trong chốn thiền môn được nhiều người tôn kính và thọ giới quy y. Trong số đệ tử của chùa có Ưu-bà-di Liễu Đạo, tự Thành Tâm, tên tục là Nguyễn Thị Hiên, là người giàu có nổi tiếng ở Gia Định, là Phật tử sùng mộ, hết lòng hộ trì Phật pháp, cúng dường Tam bảo, bố thí người nghèo… Ưu-bà-di Liễu Đạo thấy chùa Huê Nghiêm tọa lạc ở nơi trũng thấp, thường bị ngập lụt, nên đã hiến đất cho chùa để dời chùa lên nơi gò cao như vị trí hiện nay (cách chùa cũ khoảng gần 1km). Bà Liễu Đạo hộ giúp thầy xây dựng lại chùa và tiếp tục lo việc Phật sự”.3
Khi nói đến bà Nguyễn Thị Hiên, một số sách và tạp chí cũng có đề cập đến như: Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh (Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (Nguyễn Hiền Đức), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Bá Thế), Từ điển văn hóa, Lịch sử Việt Nam (GS.TS. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Việt Nam danh lam cổ tự (Võ Văn Tường), 500 danh lam Việt Nam (Võ Văn Tường), Phật học Từ Quang tập 24 (Thích Đồng Bổn chủ biên); Báo Giác Ngộ số ra ngày 10-1-2001 có bài viết về tổ đình Huê Nghiêm và bí mật ngôi mộ cổ, Tài liệu sưu tầm tạp chí địa phương di tích lịch sử Thủ Đức (Nguyễn Văn Nhạn người tại địa phương đã mất năm 2018).
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cần có một bài viết riêng đề cập về bà Nguyễn Thị Hiên một cách hệ thống bằng sự tổng hợp những nguồn tư liệu của người đi trước, để được đầy đủ hơn, hoàn chỉnh hơn; đồng thời bài viết này cũng cung cấp một thông tin mới mà những bài viết trước chưa đề cập đến. Đó là bà Nguyễn Thị Hiên không phải là một Ưu-bà-di, mà là người đã xuất gia. Chính bức họa ảnh của bà hiện còn đặt thờ tại chùa Huê Nghiêm đã xác quyết điều này. Đồng thời, qua cuộc phỏng vấn sâu Hòa thượng Thích Trí Quảng, vốn là người đã xuất thân từ chùa Huê Nghiêm, hiện nay là Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN cũng khẳng định điều đó.
Bà Nguyễn Thị Hiên sinh năm Quý Mùi (1763)4 và mất ngày 1 tháng 6 năm Tân Tỵ (1821). Năm sinh và năm mất của bà được thể hiện ngay trên bài vị đang được đặt thờ tại chùa Huê Nghiêm hiện nay. Chúng tôi đã chụp ảnh (xem ảnh kèm) và đọc được dòng chữ: “Phụng vì Hoa Nghiêm tự, Hội chủ Nguyễn Thị Hiên, Pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm Chánh Hồn, Quý Mùi niên, lương nguyệt, cát thời thọ sanh, Tân Tỵ niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật phù thời khứ”. (Tạm dịch: Chùa Hoa Nghiêm, Hội chủ Nguyễn Thị Hiên, Pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm. Sinh ngày lành giờ tốt năm Quý Mùi. Tịch năm Tân Tỵ, ngày mồng 1 tháng 6).
Khi tìm hiểu về bà Nguyễn Thị Hiên, thì hầu như không có tư liệu nào đề cập một cách cụ thể về thân thế của bà, chỉ biết rằng bà là người giàu có trong vùng và thường làm từ thiện: “Bà Hiên không chỉ hiến mảnh đất để dựng chùa mà còn là một thí chủ nổi tiếng về lòng từ thiện”.5
Trong bài viết của Nguyễn Văn Nhạn (người sống tại địa phương) về chùa Huê Nghiêm, có đề cập đến bà Nguyễn Thị Hiên, nhưng cũng dừng lại như những tư liệu đã được công bố, chưa biết rõ hơn về thân thế và cuộc đời của bà Hiên: “Bà Nguyễn Thị Hiên – Pháp danh Liễu Đạo (tự Thành Tâm), sinh năm 1763, từ trần ngày mùng 1 tháng 6 năm Tân Tỵ 1821, thọ 58 tuổi. Bà là một gia đình phú hộ, ngày sinh tiền bà rất hâm mộ đạo Phật, nguyện phát tâm quy y Tam bảo và thọ giới với vị Tổ chùa này, bà nhận thấy rằng chùa bằng tre lá nhỏ hẹp đơn sơ, cất dưới một triền dốc ẩm thấp và sình lầy, bà phát tâm cúng dường Tam bảo một sở đất do bà đứng bộ tại xã Linh Đông, đổi lại bà vận động với làng, xã địa phương, xin dời ngôi chùa lá nhỏ hẹp này đến trên sở đất công thổ của làng Linh Chiểu Đông và bà hiến cúng hết tiền bạc tài sản của bà hiện có để di tự trùng tu cất lại ngôi chùa bằng cây lợp ngói khang trang rộng rãi hơn, và đặt hiệu chùa là “Hoa Nghiêm tự” sau đổi lại là “Huê Nghiêm tự”. Sở đất công thổ nêu trên được cải bộ lại cho chùa Huê Nghiêm đứng bộ sở hữu chủ, số bộ 370-0H 89A (89 sào) đến ngày nay. Sự phát tâm và lòng tín ngưỡng xương minh ánh đạo của bà rất được giới Phật tử địa phương kính trọng, cho nên người đời thường gọi bà là bà Hộ Hiên (chủ chùa).”6
Như đã đề cập, bà Nguyễn Thị Hiên không chỉ là người hộ trì Tam bảo, mà còn là người hay làm công việc từ thiện tại địa phương, chính vì vậy tên tuổi của bà luôn được mọi người trong vùng biết đến. Tại Thủ Đức ngày nay mọi người vẫn ghi nhớ đến bà và lấy tên bà để đặt tên cho một con đường tại đây: “Đường Nguyễn Thị Hiên nằm trên địa bàn phường Linh Chiểu, từ đường Võ Văn Ngân đến đường Tạ Dương Minh, dài khoảng 170m, lộ giới 20m. Đường này có từ thời Pháp thuộc quen gọi đường Tiệm rượu. Năm 1955 Chính quyền Sài Gòn đặt tên đường Nguyễn Thị Hiên.”7
Khi tìm hiểu về bà Nguyễn Thị Hiên, không thể không nhắc đến câu chuyển kể về bà. Chuyện nghe qua dường như hư cấu, nhưng những tài liệu dẫn chứng ở trên hầu hết đều có nhắc đến. Chuyện thuật rằng, trước lúc mất, bà có nhờ người viết chữ son trên lòng hai bàn tay mình, tên Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, chùa Huê Nghiêm, An Nam. Năm 1821 hoàng hậu nhà Thanh (Trung Quốc) hạ sinh công chúa, trên lòng hai bàn tay của công chúa hiện rõ những chữ giống như ở trong lòng bàn tay bà Hiên. Sau đó nhà Thanh sai sứ sang An Nam (Việt Nam) để xác nhận việc hy hữu này: “Khi bà Hiên sắp lâm chung, bà nhờ viết lên trên lòng hai bàn tay một câu bằng son đỏ: ‘Nguyễn Thị Hiên, làng Linh Chiểu Đông, Gia Định, chùa Huê Nghiêm, An Nam’. Năm 1821, hoàng hậu nhà Mãn Thanh (Trung Quốc) hạ sinh một công chúa, trên lòng bàn tay hiện rõ những chữ bằng son đỏ hệt như ở lòng bàn tay bà Hiên. Sau đó vua nhà Thanh sai sứ sang Việt Nam và đến chùa Huê Nghiêm để tìm xác nhận điều linh ứng trên. Sứ nhà Thanh xin cúng dường trùng tu chùa và xây lại ngôi mộ cho bà Hiên, đồng thời cũng hiến tặng một pho tượng Quan Âm bằng đồng, cao 80cm”.8
Ngoài ra, khi được hỏi về bà Nguyễn Thị Hiên, Thượng tọa Thích Minh Đạo (người tu tập tại chùa Huê Nghiêm từ nhỏ đến nay) còn cho biết thêm: Khi công chúa nhà Thanh sinh ra, hai bàn tay nắm lại không mở. Khi các vị quan trong triều xem và thấy dòng chữ son trong tay (như đã nói ở trên), họ thưa với nhà vua rằng cho sứ sang chùa Huê Nghiêm lấy nước giếng về rửa tay sẽ hết, và quả thật đúng như vậy. Sau đó sứ nhà Thanh xin trùng tu chùa, đồng thời tặng một pho tượng Quan Âm, một cái chuông và xây lại mộ bà Hiên: “Sứ nhà Thanh xin trùng tu chùa và xây lại ngôi mộ bà Hiên, đồng thời cũng hiến tặng chùa một pho tượng Quan Âm bằng đồng, cao 80cm”.9
Hiện nay tượng Quan Âm bằng đồng mà nhà Thanh tặng chùa vẫn đang đặt thờ, mộ bà Hiên hiện vẫn còn trong khuôn viên chùa, cái giếng được cho rằng khi xưa sứ nhà Thanh lấy nước đem về rửa tay cho công chúa vẫn còn trong khuôn viên chùa. Tuy nhiên cái giếng này đã bị sập từ năm 2007 trong một đêm mưa lớn, do thành giếng đã lâu không trùng tu, lại gặp mưa lớn nên bị sập. “Thời gian tới đây nhà chùa sẽ xây lại để kỷ niệm, vì đây là di tích gắn liền với câu chuyện lịch sử về bà Nguyễn Thị Hiên”, Thượng tọa Minh Đạo cho biết như vậy.
Một điều quan trọng khi tìm hiểu về bà Nguyễn Thị Hiên, người hiến đất để dời chùa Huê Nghiêm, chúng tôi nhận thấy các tài liệu đều cho rằng bà chỉ là một cư sĩ: “Thuở trước có bà Nguyễn Thị Hiên (1763-1821), là một Phật tử chí thành, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm, đổi đất tư với đất làng và sau đó cúng đất để xây lại ngôi chùa mới khang trang hơn”10.
Trong quyển Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, thì dùng từ Ưu-bà-di (nữ Phật tử): “Trong số đệ tử của chùa có Ưu-bà-di Liễu Đạo, tự Thành Tâm, tên tục là Nguyễn Thị Hiên, là người giàu có ở Gia Định, là Phật tử sùng mộ, hết lòng hộ trì Phật pháp, cúng dường Tam bảo, bố thí người nghèo…”11. Hay quyển Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ nói là Phật tử Nguyễn Thị Hiên: “Sau này, Phật tử Nguyễn Thị Hiên, Pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm, mới hiến đất xây cất lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như hiện nay”.12
Dẫn chứng như vậy để thấy rằng hầu hết những tư liệu đã công bố đều cho rằng bà Nguyễn Thị Hiên là cư sĩ Phật tử. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng những tư liệu kể trên nói không đúng về bà Hiên, mà có thể lúc hiến đất cất chùa bà chưa xuất gia, chỉ là một người Phật tử tại gia và về sau mới phát tâm xuất gia. Chính vì vậy trong bài viết này, chúng tôi muốn khẳng định rằng bà Nguyễn Thị Hiên là người đã xuất gia và có thọ giới Sa-di, còn việc bà xuất gia chính xác vào năm nào thì vẫn chưa xác định cụ thể, bởi lẽ những vấn đề liên quan đến bà đã cách nay hơn 200 năm, hầu như chỉ do kể lại mà biết. Hơn nữa trên bài vị của bà cũng không ghi rõ bà là một Sa-di, chỉ có ghi “Phụng vì Hoa Nghiêm tự Hội chủ Nguyễn Thị Hiên pháp danh Liễu Đạo tự Thành Tâm chánh hồn”. Tuy vậy chúng ta cũng ngầm hiểu rằng một người Phật tử bình thường thì không thể nào vừa một lúc lại có hai tên Liễu Đạo và Thành Tâm. Đây cũng là một lý do để đặt vấn đề. Một việc nữa khẳng định bà là người xuất gia vì hiện tại chùa Huê Nghiêm vẫn đang thờ bức ảnh họa của bà. Qua bức ảnh, chúng ta thấy hình ảnh một người mặc áo hậu, chân xếp bằng trong tư thế kiết-già, lần chuỗi và đầu đội mũ Quan Âm. Như vậy, đây không phải là hình thức của một nữ cư sĩ, mà là hình thức của một vị xuất gia. Hơn nữa, hiện tại bài vị của bà Nguyễn Thị Hiên hiện đặt thờ tại nhà Tổ của chùa, hai bên bài vị của bà là bài vị của hai Sư cô (một Sa-di, một Tỳ-kheo). Từ đó cho thấy bà Hiên không phải là người cư sĩ mà là một vị tu sĩ xuất gia, và chỉ có người xuất gia thì bài vị mới được đặt để như vậy, vì không thể nào một vị cư sĩ lại để bài vị chính giữa hai người xuất gia như vậy được.
Một điểm đáng tin cậy nhất khi khẳng định điều này là thông qua phỏng vấn sâu Hòa thượng Thích Trí Quảng vào ngày 15-8-2019. Hòa thượng cũng đã khẳng định “Bà Nguyễn Thị Hiên là đệ tử của Hòa thượng Tế Lý – Quảng Đức, cho nên có chữ Liễu và đồng thời với Hòa thượng Liễu Xuân ở chùa Huê Nghiêm, Hòa thượng Liễu Khiêm – Hoằng Ân ở chùa Giác Viên. Bà có xuất gia và thọ Sa-di giới”13.
Từ những dẫn chứng trên, lập luận đưa ra kết hợp với kết quả phỏng vấn Hòa thượng Thích Trí Quảng, người có uy tín trong học thuật cũng như trong Giáo hội, chúng ta có thể khẳng định rằng bà Nguyễn Thị Hiên là người đã xuất gia và thọ giới Sa-di.
Như vậy, sự đóng góp của bà Nguyễn Thị Hiên hay Sa-di-ni Liễu Đạo tự Thành Tâm đối với chùa Huê Nghiêm nói riêng và đối với Phật giáo tại vùng đất Gia Định nói chung lúc bấy giờ là một đóng góp đáng kể cho Phật giáo. Do sự hiến đất của bà mà ngôi chùa được xây dựng lại khang trang hơn, không còn ngập trũng, thuận lợi cho việc hành đạo và hướng dẫn tín đồ. Cũng có nhiều vị Tăng tài có đóng góp lớn cho Phật giáo xuất thân từ ngôi chùa Huê Nghiêm này, như ngài Liễu Xuân, ngài Liễu Khiêm, Hòa thượng Huệ Lưu và hiện tại là Hòa thượng Trí Quảng, hiện là lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, đồng thời là Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Quả thật, “Nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Người phát tâm cúng dường xây chùa, tạo tự thì không mong phúc báu, người nhận đất cất chùa cũng không vướng mắc, nhưng đã để lại cho hậu thế tiếng thơm của giới đức, của hạnh hỷ xả.
Thích Pháp Trí
_____________
(1) Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB.TP.HCM, TP.HCM, tr.50.
(2) Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng (chủ biên), (2018), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh Tập IV – Tư tưởng và tín ngưỡng, NXB.Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, tr 341.
(3) Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB.TP.Hồ Chí Minh, TP.HCM, tr.248.
(4) Trong quyển Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Quyết Thắng – Nguyễn Bá Thể) ghi năm 1763 là năm Quý Tỵ là chưa đúng, mà phải là năm Quý Mùi.
(5) Đinh Hữu Chí (2017), Ngôi chùa có lịch sử gần 300 năm ở TP.Hồ Chí Minh, Phật Học Từ Quang tập 24 (Thích Đồng Bổn chủ biên), tr.128.
(6) Nguyễn Văn Nhạn (2001), Tài liệu sưu tầm tạp chí địa phương di tích lịch sử Thủ Đức, tr.11.
(7) http://www.thuduc.hochiminhcity.gov.vn/moi-ki-mot-con-duong/duong-nguyen-thi-hien-cmobile5072-847.aspx, 10h10p/04/09/2019.
(8) Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB.TP.HCM, TP.HCM, tr.53.
(9) Nguyễn Như Ý (chủ biên), (2017), Từ điển văn hóa, lịch sử Việt Nam, NXB.Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, Hà Nội, tr 559.
(10) Đinh Hữu Chí (2017), Ngôi chùa có lịch sử gần 300 năm ở TP.Hồ Chí Minh, Phật Học Từ Quang tập 24 (Thích Đồng Bổn chủ biên), tr.129.
(11) Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB.TP.Hồ Chí Minh, TP.HCM, tr.248.
(12) Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB.TP.HCM, TP.HCM, tr.51.
(13) Phỏng vấn Hòa thượng Thích Trí Quảng tại chùa Huê Nghiêm II, ngày 15-8-2019 lúc 5g 40.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Đinh Hữu Chí (2017), Ngôi chùa có lịch sử gần 300 năm ở TP.Hồ Chí Minh, Phật Học Từ Quang tập 24 (Thích Đồng Bổn chủ biên).
2- Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB.TP.Hồ Chí Minh, TP.HCM.
3- Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng (chủ biên), (2018), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh tập IV – Tư tưởng và Tín ngưỡng, NXB.Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM.
4- Nguyễn Văn Nhạn (2001), Tài liệu sưu tầm tạp chí địa phương Di tích lịch sử Thủ Đức.
5- Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB.TP.HCM, TP.HCM.
6- Nguyễn Như Ý (chủ biên), (2017), Từ điển văn hóa, Lịch sử Việt Nam, NXB.Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, Hà Nội.
7- http://www.thuduc.hochiminhcity.gov.vn/moi-ki-mot-con-duong/duong-nguyen-thi-hien-cmobile5072-847.aspx, 10h10p/04/09/2019.
[ad_2]