[ad_1]
Đất nước Ấn Độ có 3 địa danh liên quan đến đạo Phật: Bodhgaya là nơi Hoàng tử Siddhartha Gautam (kinh Phật gọi là Tất Đạt Đa) tu niệm, ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề đến độ siêu thoát và trở thành đức Phật Sarnath là nơi đức Phật đến giảng bài kinh đầu tiên và Kushinagai là nơi đức Phật nhập Niết Bàn.
Xuất phát từ thủ đô New Delhi có thể di chuyển bằng tàu lửa đến ga Bodhgaya (bang Bihar), sau đó thêm 15 km xe “ôm” hay xe ngựa, bạn sẽ tới “đất Phật”.
Tại đây có rất nhiều chùa của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nepal, Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka, Bhutan… Do đây là “đất Phật” nên UNESCO đã có kế hoạch xác định vùng này thuộc di sản văn hóa của nhân loại. Vì thế các nước theo đạo Phật thường bỏ tiền ra xây chùa theo kiểu kiến trúc của đất nước mình. Đặc biệt, Bodhgaya còn có ngôi chùa Việt do một nhà sư Việt Nam xây dựng và trụ trì, đặt tên “Việt Nam Phật Quốc Tự”.
Nhà sư trụ trì chính là thầy Thích Huyền Diệu (tên khai sinh Lâm Trung Quốc, quê quán Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Ở thời kỳ chống Mỹ, thầy tham gia phong trào Phật tử yêu nước nên bị chính quyền ngụy trục xuất sang Pháp. Tại đây, thầy vừa làm, vừa học và đã lấy được bằng tiến sĩ thần học ở Trường Đại học Sorbone nổi tiếng nước Pháp.
Khoảng hơn 20 năm về trước, thầy Huyền Diệu đi hành hương sang Bodhgaya, Ấn Độ và khi nhìn thấy các nước khác đều có chùa ở đó. Ông đã nguyện dưới gốc cây bồ đề thiêng rằng, sẽ phải xây bằng được một ngôi chùa Việt Nam tại đây. Ban đầu, thầy phải tạm trú và cầu kinh trong ngôi chùa của Myanmar. Với sự thông thái về kinh kệ và ngoại ngữ, thầy được nhiều trường Đại học lớn ở Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Mỹ mời làm giáo sư thỉnh giảng. Bằng số tiền dạy học dành dụm được, cộng với tiền quyên góp của các Phật tử Việt Nam ở các nước, thầy bắt đầu mua đất và vật liệu xây dựng. Ròng rã tích cóp như vậy trong vòng 20 năm, đến tháng 5-1987, thầy Huyền Diệu bắt đầu tiến hành xây dựng một ngôi chùa 3 tầng, trên khuôn viên rộng 3,5 ha và đặt tên “Việt Nam Phật Quốc Tự”, hoàn thành vào ngày 12/1/2003. Lý giải về tên chùa, Thiền sư Thích Huyền Diệu cho biết: “Việt Nam Phật Quốc Tự có ý nghĩa là đặt Tổ quốc lên trên hết”.
Tương tự, nói về tấm bản đồ Việt Nam đắp nổi bằng xi măng trên tường ngay tại cổng chào, thầy giải thích: “Trong trăm ngàn chúng sinh đến chiêm bái đất Phật này, biết đâu có những người mù lòa, khiếm thị. Họ chỉ cần sờ tấm bản đồ để xác định là đã đến chùa Việt Nam”.
Từ cổng chính đi vào, chúng ta dễ dàng nhìn thấy ngôi chùa được xây dựng kiên cố bằng bê-tông, cốt thép với cấu trúc hình vuông và hai mái cong vươn cao như đóa sen vượt khỏi mặt nước bùn lầy, tỏa hương thơm nhằm góp phần mang lại sự trong sáng, tinh khiết, để tô điểm cho cuộc sống mỗi ngày thêm được thăng hoa và đầy ý nghĩa. Đồng thời, kiến trúc của ngôi chánh điện cũng thể hiện được truyền thống bất khuất trước ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Chánh điện có chu vi 64 m2, chiều cao 24 m, gồm 3 tầng. Tầng trệt là pháp xá có thể dung chứa cho khoảng 30 vị khách tăng. Tầng thứ 2 dùng để trưng bày những di tích, kinh sách, pháp khí trong và ngoài nước. Tầng thứ 3 là nơi tôn thờ Đức bổn Sư Thích-ca và chư vị Bồ-tát. Phía sau chánh điện là hậu Tổ, tôn thờ các vị Thánh đệ tử và các vị Thánh Tăng Việt Nam qua các triều đại. Đối diện với bàn thờ Tổ là khu tưởng niệm các vị anh linh Tổ quốc Việt Nam, có cả ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng.
Đáng chú ý, các câu đối, trướng và các chữ viết trong chùa hầu hết đều dùng chữ Việt. Thượng tọa Thích Huyền Diệu tâm sự: “Chúng tôi đã sống xa quê hương rất nhiều năm chỉ với một ước nguyện duy nhất là cố gắng xây dựng được một ngôi chùa mang tên Việt Nam trên mảnh đất cội nguồn của đạo Phật, như mang đóa hoa đến một vườn hoa để tạo nên một gam màu hài hòa cho cuộc sống mỗi ngày thêm đầy ý nghĩa./.
[ad_2]