[ad_1]
NSGN – Trong sinh hoạt thiền môn, cứ mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, thời công phu chiều được khép lại bởi vần kệ sách tấn: “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc? Đại chúng đương cần tinh tiến như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật”. Một ngày nữa lại trôi qua, tuổi đời ngắn lại, như cá sống trong môi trường mà nước mỗi ngày mỗi cạn dần, hỏi có gì vui? Cho nên mọi người hãy gắng siêng năng tu tập, gấp rút như chữa lửa cháy trên đầu. Phải luôn ghi nhớ cuộc đời là vô thường, cẩn thận chớ có buông lung!
Rồi thì, lần giở từng trang kinh đời, dấu ấn vô thường in đậm trên nét chân chim, hằn sâu trong đôi mắt… người con Phật không ai là không chứng nghiệm cuộc thế sinh-trụ-dị-diệt trong từng sát-na: “Sông kia giờ đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”. Mọi thứ vật đổi sao dời dường ấy mà đêm qua nằm mơ màng đếm từng hạt mưa rơi chợt nghe tiếng ếch kêu bỗng giật mình: “Còn ngỡ tiếng ai gọi đò”. Chao ơi! Cuộc đời vô thường nhanh chóng biết bao!
Để diễn tả sự đổi thay, biến hóa, vô thường nhanh chóng của kiếp nhân sinh, kinh Kim cương đưa ra một loạt hình ảnh: giấc mộng, trò ảo thuật, bong bóng nước, hạt sương, tia chớp… Cho nên, một người Phật tử thâm nhập giáo lý Phật Đà, trực ngộ “Các hành vô thường, là pháp sinh diệt”, biết rõ “Ba cõi không an, giống như nhà lửa”, ý thức sự sống chỉ tồn tại “trong hơi thở”… thì nỗ lực tu tập từng giây phút chánh niệm, tỉnh giác!
Mặc dù cuộc thế vô thường, đổi thay nhanh chóng là thế, nhưng không phải ai cũng tin. Theo như Đức Phật nói, thì chỉ có những người tu chứng, những người đã thấy được sự thật mới có thể tin được. Kinh ghi: “Này các Tỳ-kheo, ai là người có thể nghĩ rằng, ai là người có thể tin rằng: “Quả đất này và núi chúa Sineru sẽ bị đốt cháy, sẽ bị hủy hoại, sẽ không còn tồn tại nữa ?” Trừ những người đã được chứng kiến” (A. VII. 62. Suriya).
Trái đất này sẽ đến ngày bùng nổ, điều đó tất nhiên, theo định luật vô thường, hữu sinh hữu hoại. Dấu hiệu cho thấy ngày tận thế gần đến là nhiệt độ trái đất nóng dần lên và hạn hán kéo dài, nhiều năm trời không mưa. Khi không có mưa, các loài hạt giống, các loài thực vật, các rừng rậm dược thảo đều khô héo cằn cỗi không có tồn tại. Rồi thì một hành tinh nào đó sẽ đi tới gần trái đất, nó thành mặt trời thứ hai. Khi hai mặt trời xuất hiện, các rãnh ngòi, sông lạch thảy đều khô cạn, không thể thường trụ… Rồi lần lượt ba, bốn cho đến bảy mặt trời cùng xuất hiện quanh trái đất này. Khi bảy mặt trời xuất hiện, dưới sức nóng của các mặt trời, tất cả đại địa, núi chúa Sineru thảy đều phụt cháy bừng bừng, tạo thành một ngọn lửa rực rỡ, và trái đất này nổ tung thành tro bụi (Tạp A-hàm, kinh Thất nhật. Pali: A. VII. 62. Suriya).
Trên đây là lời huyền ký của Đức Phật về ngày tận thế. Ngày ấy chừng nào sẽ đến? Không biết bao nhiêu lâu, trăm năm, ngàn năm, hay nhiều tỷ năm? Chúng ta không biết! Nhưng một điều mà chúng ta biết rất rõ là: “Tất cả các hành đều vô thường, là pháp không tồn tại lâu dài, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa”. Vì các pháp như vậy cho nên chúng ta “không nên tham đắm mà phải ghê sợ nhờm tởm, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát” (kinh đã dẫn).
Tìm giải thoát, theo Phật dạy, là ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú; biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”, chứ không phải trốn chạy khỏi thế giới này bằng cách mong cầu được sanh qua thế giới khác. Hơn nữa, không thể bằng sự cầu nguyện, van xin mà có thể đi đến thế giới khác, cũng giống như người ta không thể đi qua bờ bên kia sông Hằng bằng cách đứng bên này bờ tán thán, khen ngợi vẻ đẹp bên kia sông, với hy vọng bờ bên kia sẽ xích lại gần để bước lên. Sự giải thoát chỉ còn thể tìm cầu bằng nỗ lực hành trì giới – định – tuệ.
Trở lại vấn đề ngày tận thế, ngày ấy sẽ đến, nhưng tuổi thọ của trái đất này vẫn còn đủ sức để đón nhận thêm một vị Bồ-tát nữa đến đây để thành Phật. Đó là Bồ-tát Di Lặc.
Theo các kinh điển thuộc truyền thống Bắc truyền, từ bây giờ cho đến ngày Phật Di Lặc ra đời còn khoảng 5 tỷ 670 triệu năm nữa! Trong khoảng thời gian đó, thế giới này diễn ra nhiều biến động, mà sự biến động kinh hoàng nhất là mặt trời, mặt trăng… đi sai quỹ đạo.
Kinh Tăng chi cho chúng ta biết rằng, mọi sự thay đổi của thế giới này đều bắt nguồn từ cuộc sống phi pháp của con người. Kinh ghi: “Khi nào, này các Tỳ-kheo, các vua phi pháp có mặt, khi ấy, các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành phi pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo.
“Khi nào mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi sai quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi sai quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi sai quỹ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa, trời mưa không có điều hòa. Khi nào trời mưa không có điều hòa, khi ấy lúa chín trái mùa. Này các Tỳ-kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy các loài người nuôi sống với loại lúa ấy, thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh” (Kinh A. (X) (70) Phi pháp).
Cuộc sống phi pháp là con người không có tàm quý, không biết hổ thẹn với những việc xấu ác mà mình đã làm, như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối… cho đến tà kiến.
Như vậy thì, những gì xảy ra ở thế giới này đều là từ lòng người mà ra cả. Lòng người như thế nào thì tạo ra xã hội loài người như thế ấy. Khi mà lòng người cực kỳ lương thiện thì chính là lúc có một vị Phật ra đời. Phật ra đời như vậy thì cũng là từ lòng người. Một khi lòng người tràn đầy tâm thương yêu và hiểu biết thì ngay đó Phật ra đời. Phật đó có tên gọi là Metteyya, vị Phật thuộc dòng họ Yêu thương (Từ thị – người họ Từ).
Đức Phật nào cũng sanh ra từ tâm yêu thương. Mà Đức Thích Ca Thế Tôn đã huyền ký cho thế giới chúng ta có thêm một vị Phật ra đời nữa, thì niềm tin về một thế giới tươi đẹp, thiện lành hãy còn đó! Không phải mùa xuân đã về rồi đó sao? Mà là Xuân Di Lặc nữa? Hãy chuẩn bị đón Phật tương lai thôi, Giao thời rồi!
[ad_2]