[ad_1]
NSGN – Vào những thập niên đầu của công cuộc phiên dịch kinh Phật ở Trung Quốc, rất nhiều tên người đã được phiên âm – chứ không phải dịch nghĩa – sang Hán ngữ. Dịch giả sớm nhất mà công trình của ông còn truyền đến chúng ta ngày nay, An Thế Cao (安世高, khoảng giữa thế kỷ II TL), dường như thích phiên âm tên gọi Ấn Độ (gồm cả tên địa danh và tên người), trong khi sử dụng dịch nghĩa để dịch hầu hết những thuật ngữ Phật giáo.
Tuy nhiên, những người kế nhiệm trực tiếp ông đã tách khỏi hướng đi “trung đạo” mà ông đã thiết lập, thay vào đó có khuynh hướng hoặc chuyên về phiên âm (trường hợp của Chi-lâu-ca-sấm (支婁迦讖/Lokakṣema 165-185) hoặc chuyên dịch nghĩa (trường hợp của nhóm phiên dịch của An Huyền/安玄 và Nghiêm Phật Điều/嚴佛調, khoảng 180). Những dịch giả của các thế hệ sau – bao gồm những nhân vật có ảnh hưởng chẳng hạn như Chi Khiêm (支謙 222-252) và Trúc Pháp Hộ (竺法護/Dharmarakṣa 265-309) – quay trở lại việc sử dụng cả dịch nghĩa và phiên âm của An Thế Cao. Tóm lại, có sự khác biệt đáng kể giữa những dịch giả sơ kỳ về việc sử dụng phiên âm và dịch nghĩa để trình bày những danh xưng và thuật ngữ Ấn Độ.
Điều đáng nói, nhiều trong số những phiên âm mà An Thế Cao giới thiệu sau đó được lưu hành rộng rãi, và một số trong chúng tiếp tục lưu hành thậm chí cho đến ngày nay. Trong số những từ mới rất mực thành công này có tên gọi của đệ tử Phật Śāriputra, mà nó được phiên âm thành Xá-lợi-phất (舍利弗) trong những tác phẩm của An Thế Cao. Sự phiên âm này sau đó được một loạt các dịch giả sử dụng, bao gồm Chi-lâu-ca-sấm, Khang Mạnh Tường (康孟詳 190-220), Chi Khiêm và Trúc Pháp Hộ. Sự thật rằng cách phiên âm này cũng được dịch giả nổi tiếng Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什) tiếp nhận, khiến nó tiếp tục trở nên phổ biến và được sử dụng cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, sự chấp nhận rộng rãi việc phiên âm này không phải không có sự cạnh tranh trong những năm đầu của hoạt động phiên dịch kinh Phật sang Hán ngữ. Nơi một số kinh sách có niên đại thế kỷ III TL, chúng ta thấy rằng tên của Śāriputra được dịch là Thu Lộ Tử/秋露子 (Con trai của Sương thu; với biến thể đồng âm Thu Lộ Tử/鶖鷺子 [Con trai của Cò nước/Diệc bạch]) xuất hiện trong một số bản kinh. Trong bài viết này, một mặt, chúng tôi sẽ khảo sát lai lịch của việc dịch này ở Ấn Độ, và mặt khác là số phận của nó ở Trung Quốc.
Việc dịch nghĩa tên của Śāriputra thành 秋露子 hay 鶖鷺子 (sự phân bổ hai hình thức này sẽ được thảo luận bên dưới) xuất hiện trong một cụm nhỏ, nhưng quan trọng, những bản kinh Hán ngữ. Theo tiêu đề và quy ghép dịch giả được đưa vào trong Đại chính tân tu Đại tạng kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō/大正新脩大藏經), chúng như sau:
Phật mẫu bát-nê-hoàn kinh (佛母般泥洹經), được quy cho Huệ Giản (慧简 457).
Lục độ tập kinh (六度集經), được quy cho Khương Tăng Hội (康僧會 247-280).
Đại minh độ kinh (大明度經), được quy cho Chi Khiêm.
La vân nhẫn nhục kinh (羅云忍辱經), được quy cho Pháp Cự (法炬 290-306).
Vị sanh oan kinh (未生寃經; tên gọi khác là Vị sanh oán kinh/未生怨經), được quy cho Chi Khiêm.
Tứ bối kinh (四輩經), được quy cho Trúc Pháp Hộ.
Ngoài những kinh này, tên gọi Thu Lộ Tử (có hoặc không có từ 鳥/điểu: chim) xuất hiện chỉ trong những bản văn Hán ngữ mà chúng dựa vào những bản kinh được liệt kê ở trên – tức là ở nơi những trích dẫn hoặc từ những luận giải về những bản dịch ở trên, hoặc ở nơi những thảo luận về từ vựng mà chúng chứa đựng. Căn cứ vào dữ liệu được đưa ra trong ấn bản Taishō, dường như rằng tên gọi Thu Lộ Tử được không ít hơn năm dịch giả khác nhau sử dụng qua một khoảng thời gian hai thế kỷ, kéo dài từ giữa thế kỷ III đến giữa thế kỷ V TL.
Tuy nhiên, một sự xem xét thấu đáo hơn cho thấy rằng phần lớn những quy ghép dịch giả này không thể đứng vững được, và điều này khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc đặt những bản kinh này vào đúng thời gian và vị trí của chúng. Nếu chúng ta khảo sát tác phẩm danh mục kinh sớm nhất hiện còn (và đáng tin cậy nhất), Xuất Tam tạng ký tập (出三藏記集) do Tăng Hựu (僧祐) biên soạn (hoàn thành vào năm 515 TL), chúng ta có một bức tranh hoàn toàn khác. Xem xét sáu bản kinh trên theo cùng trình tự (tức là ở nơi thứ tự xuất hiện của chúng trong Taishō), chứng cứ được đưa ra ở đó là như sau:
– Phật mẫu bát-nê-hoàn kinh (佛母般泥洹經, T 145): Tăng Hựu chỉ quy một bản cho một người có tên là Huệ Giản (慧简), và đó không phải là “Phật mẫu bát-nê-hoàn kinh/Kinh về việc nhập Niết-bàn của mẹ Đức Phật” mà là Quán đính kinh (灌頂經), một bản kinh ông xem không phải là một bản dịch, mà là một sự ngụy tác. Mặt khác, những đề cập đến một bản kinh có tiêu đề Phật mẫu bát-nê-hoàn kinh xuất hiện tại hai nơi khác nhau trong danh mục của Tăng Hựu: một ở nơi danh mục những bản kinh do những dịch giả được biết đến dịch, nơi đó nó được quy cho Thư Cừ (沮渠 = Thư Cừ Kinh Thanh/沮渠京聲, khoảng giữa thế kỷ V TL), và một ở nơi danh mục “những bản kinh mất tên người dịch” (thất dịch/失譯). Tác phẩm của Thư Cừ (mà không phải tác phẩm của dịch giả không được biết) cũng được cho có tiêu đề khác là Đại Ái Đạo bát-nê-hoàn kinh (大爱道般泥洹經; Kinh về việc nhập Niết-bàn của bà Mahāprajāpatī). Tiêu đề sau xuất hiện riêng (tức là không có đề cập nào về một tên gọi khác) ở một nơi thứ ba trong tác phẩm của Tăng Hựu: danh mục cổ hơn về những bản kinh mất tên dịch giả do Đạo An (374) biên soạn.
Phiên bản của bản kinh mà chúng ta quan tâm này có thể không giống với bản kinh mà Tăng Hựu quy cho Thư Cừ. Ngôn ngữ của Phật mẫu bát-nê-hoàn kinh (T 145) thì cổ hơn ngôn ngữ của những tác phẩm còn tồn tại của Thư Cừ. Ví dụ, cả hai bản dịch hiện còn của ông bắt đầu với thể thức Như thị ngã văn (如是我聞: Tôi nghe như vậy), trong khi bản văn mà chúng tôi sử dụng lại dùng thể thức cổ hơn là Văn như thị (聞如是: Được nghe như vậy. Thể thức được sử dụng bởi hầu hết các dịch giả mãi cho đến đầu thế kỷ V TL). Sự phụ thuộc nặng nề của Thư Cừ vào danh xưng và thuật ngữ phiên âm ở trong hai bản kinh này tương tự với thể thoại của T 145, ở đó hầu hết tất cả danh xưng và thuật ngữ được dịch nghĩa. Tóm lại, nếu bản kinh của chúng tôi tương ứng với bất kỳ bản kinh nào trong những bản dịch mà Tăng Hựu đề cập, bản tương ứng của nó phải là một trong hai “bản kinh không có dịch giả” của ông. Ứng cử viên có nhiều khả năng là Đại Ái Đạo bát-nê-hoàn kinh mà nó được đặt tên theo danh mục của Đạo An, khi tên gọi Đại Ái Đạo (大爱道: Người yêu thích con đường lớn) xuất hiện suốt bản kinh của chúng ta như là dịch nghĩa tên gọi Mahāprajāpatī. Nhưng điều này vẫn chỉ là suy đoán.
– Lục độ tập kinh (六度集經, T 152): Đây là mục có ít vấn đề nhất nơi danh mục của chúng tôi, vì có một bản kinh có tiêu đề này được quy cho Khương Tăng Hội nơi phần danh mục Xuất Tam tạng ký tập (T 2145, 55.7a25-bl) của Tăng Hựu cũng như ở nơi phần tiểu sử của cùng tác phẩm (97al4).
– Đại minh độ kinh (大明度經, T 225): Mặc dù việc quy ghép Đại minh độ kinh cho Chi Khiêm được xác lập vững chắc, xuất hiện trong số những bản dịch được quy cho ông trong Xuất Tam tạng ký tập (T 2145, 55.7a8) của Tăng Hựu, thì tình hình thực tế lại hoàn toàn phức tạp. Bản kinh được tiếp nhận bao gồm hai phần hoàn toàn tách biệt mà chúng khác biệt cả nơi từ ngữ và thể thức: phẩm/chương đầu (mà nó được phiên âm với một sự giải thích xen kẽ) và phần còn lại của bản kinh (phẩm 2-30). Những khác nhau nơi từ ngữ đôi khi rất ấn tượng: ví dụ, phẩm một dịch chữ Bodhisattva bằng việc sử dụng phiên âm tiêu chuẩn là Bồ-tát (菩薩), trong khi phần còn lại của bản kinh từ này được dịch nghĩa (thay vì phiên âm) là Khai Sĩ (闓士). Phẩm 2-30 rõ ràng là một sự sửa lại (theo phong cách viết tắt) Đạo hành kinh (道行經, T 224) của Chi-lâu-ca-sấm, trong khi phẩm 1 cho thấy không phụ thuộc vào bản văn của Chi-lâu-ca-sấm và không có dấu hiệu viết tắt nào. Mặt khác, hai phần của Đại minh độ kinh có một số từ vựng rất hiếm – bao gồm Thiện Nghiệp (善業), một dịch nghĩa Tu-bồ-đề (Subhūti), cũng như tên gọi Thu Lộ Tử mà nó liên quan đến thảo luận của chúng tôi ở đây – điều cho thấy rõ rằng dịch giả thực hiện một trong hai phần này đã tiếp cận một phần khác. Hiện tại, giả thuyết tạm thời của chúng tôi là rằng phần sau của bản văn, mà không phải phẩm đầu tiên, là công việc của Chi Khiêm, nhưng vấn đề rõ ràng cần phải nghiên cứu thêm. Trong bất kỳ trường hợp nào, bởi vì tên gọi Thu Lộ Tử xuất hiện trong cả hai phần của bản văn, có vẻ an toàn để nói rằng nó đã được Chi Khiêm sử dụng, bất kể phần nào của bản kinh hiện còn thực sự là của ông.
– La vân nhẫn nhục kinh (羅云忍辱經, T 500): Trong danh mục của Tăng Hựu, tiêu đề này (với chữ thứ hai được viết là 芸) chỉ xuất hiện nơi danh mục những bản kinh không có tên người dịch của Đạo An.
– Vị sanh oan kinh (未生寃經; tên khác: Vị sanh oán kinh/未生怨經): Tiêu đề này cũng được tìm thấy chỉ như một trong những bản kinh không có tên dịch giả của Đạo An.
– Tứ bối kinh (四輩經, T 769): Tiêu đề này không xuất hiện nơi danh mục của Đạo An (căn cứ nơi những gì được lưu giữ trong Xuất Tam tạng ký tập của Tăng Hựu), nhưng nó được đưa vào trong một danh mục “những kinh không có dịch giả” về sau do chính Tăng Hựu biên soạn. Cụ thể hơn, nó xuất hiện nơi phân loại bao gồm những tác phẩm mà ông không tìm thấy và những tác phẩm mà ông xem là đã bị mất.
Tóm lại, hoàn toàn trái ngược với thái độ mà chúng ta thường có là chấp nhận không nghi ngờ những quy ghép được tìm thấy trong thánh điển Taishō, nguồn sớm nhất hiện còn – tức là danh mục của Tăng Hựu – cho phép chúng tôi đặt chỉ hai trong những bản kinh vào danh mục của chúng tôi với một vài tin cậy. Lục độ tập kinh (T 152) được xác minh vững chắc là công trình của Khương Tăng Hội, trong khi ít nhất một phần của bản văn được phân mục là T 225 – tức là Đại minh độ kinh – tương tự cũng được ghi rõ là công trình của Chi Khiêm. Tất cả những bản kinh khác nơi danh mục của chúng tôi không chắc chắn về tác giả, và do đó không chắc chắn niên đại.
Tuy nhiên, bất kể niên đại và xuất xứ của bốn bản kinh không có dịch giả này là gì, sự thật rằng tên gọi Thu Lộ Tử xuất hiện trong những bản kinh được quy cho Chi Khiêm và Khương Tăng Hội cho phép chúng ta xác định rằng việc dịch tên gọi của Śāriputra này đã xuất hiện trong những nguồn Hán ngữ không muộn hơn giữa thế kỷ III TL.
秋露子 so với 鶖鷺子: những kiểu sắp xếp
Trong hai sự dịch trùng âm Thu Lộ Tử, mới nhìn qua, thể thức 鶖鷺子 cho thấy là tiêu chuẩn. Nó xuất hiện nơi bản văn chính trong ấn bản kinh tạng Taishō (và do đó nơi phiên bản điện tử CBETA) nơi phần lớn những kinh được liệt kê ở trên, trong khi chỉ Đại minh độ kinh nhất quán trong việc sử dụng 秋露子. La vân nhẫn nhục kinh sử dụng hình thức lai ghép (và có lẽ sai) 鶖露子, trong khi sự lai ghép khác, 秋鷺子, xảy ra ở hai nơi trong Lục độ tập kinh. Ở tất cả những nơi khác (trong đó có 18 trong số 20 lần xuất hiện trong Lục độ tập kinh), hình thức với cả hai từ điểu/chim được sử dụng. Do đó, thật thú vị để kết luận rằng “Con trai của Cò nước/Diệc bạch” (鶖鷺子) là đúng – tức là hình thức gốc, và rằng “Con trai của Sương thu” (秋露子) được xem là một biến thể.
Tuy nhiên, một xem xét kỹ hơn cho thấy rằng đây không phải là trường hợp duy nhất. Theo thông tin được cung cấp nơi dụng cụ phê bình cho ấn bản in Taishō, nơi Phật mẫu bát-nê-hoàn kinh (T 145) hình thức tên gọi không có những gốc từ 鳥/điểu (chim) xuất hiện trong ấn bản đời Tống (宋), và chính mẫu biến thể này cũng xuất hiện trong nhiều trường hợp khác ở trong Lục độ tập kinh. Trong Tứ bối kinh, hình thức không có những gốc từ điểu được cho biết xuất hiện ở nơi ấn bản đời Tống cũng như ấn bản Thư khố hoàng gia (được gọi là “Cổ Tống”, viết tắt là cung/宮 ở trong dụng cụ Taishō), trong khi ở trong Vị sanh oan kinh hình thức không có gốc từ điểu chỉ xuất hiện trong ấn bản Thư khố hoàng gia. Trong La vân nhẫn nhục kinh (nơi hình thức lai ghép 鶖露子 xuất hiện trong bản Taishō chính), hình thức không có những gốc từ điểu (秋露子) xuất hiện ở nơi ấn bản Nguyên (元) và Minh (明). Ngược lại, trong Đại minh độ kinh – thành viên duy nhất của nhóm kinh ở trên mà ở đó hình thức không có gốc từ điểu xuất hiện thường xuyên trong bản văn chính – những cách đọc biến thể với những gốc từ điểu xuất hiện nơi những ấn bản Nguyên và Minh. Bất chấp những khác nhau nhỏ trong việc sắp xếp từ bản kinh này đến bản kinh khác, hình thức tổng thể của những biến thể này là rõ ràng: những ấn bản cổ hơn của kinh tạng nói chung đưa ra tên gọi là Thu Lộ Tử [1] (秋露子), trong khi Thu Lộ Tử [2] (鶖鷺子) chiếm ưu thế trong những ấn bản muộn hơn, đặc biệt ấn bản đời Nguyên và Minh.
Việc xác nhận bằng chứng có thể được tìm thấy nơi những hợp tuyển thời trung đại mà chúng trích dẫn những đoạn từ những bản kinh này. Tất cả những xuất hiện của tên gọi Thu Lộ Tử trong những câu chuyện từ Lục độ tập kinh được đưa vào trong Kinh luật dị tướng (經律異相, T 2121) do Bảo Xướng (寶唱) và những người khác biên soạn vào thế kỷ VI, Pháp uyển châu lâm (法苑珠林, T 2122) do Đạo Thế (道世) biên soạn vào thế kỷ VII, và Chư kinh yếu tập (諸經要集, T 2123, cũng của Đạo Thế) cũng đều cho thấy là 秋露子. Điều tương tự cũng đúng với trích dẫn duy nhất từ Vị sanh oan kinh (được đưa vào trong Pháp uyển châu lâm). Sự thực, không có bất kỳ sự xuất hiện Thu Lộ Tử [2] (鶖鷺子) nào trong bản văn chính của cả ba tuyển tập này.
Căn cứ vào sức mạnh kết hợp chứng cứ này, chúng ta có thể kết luận rằng “Con trai của Sương thu” (秋露子) là hình thức sớm hơn, trong khi “Con trai của Cò nước” (鶖鷺子) là một phát triển về sau. Như vậy, Thu Lộ Tử [1] (秋露子) mà không phải Thu Lộ Tử [2] (鶖鷺子) là tên gọi mà chúng tôi tìm kiếm để nối kết trực tiếp với một nguyên mẫu Ấn Độ.
***
Thế nhưng, không rõ vì sao tên gọi “Śāriputra” đã đưa đến sự dịch nghĩa “Con trai của Sương thu”. Tuy vậy, có một chứng cứ quan trọng được tìm thấy nơi chữ Hán đầu tiên của tên gọi này. Trong khi làm việc độc lập nhiều năm trước ở Bắc Kinh và Honolulu, hai tác giả của bài viết này đã đi đến kết luận rằng sự dịch nghĩa Thu Lộ Tử/秋露子 không phải căn cứ trực tiếp nơi tên gọi Śāriputra, mà thay vì vậy được dựa vào một hình thức biến thể Śāradvatīputra được tìm thấy nơi một số bản văn Ấn ngữ. Cụ thể hơn, việc dịch Hán ngữ này cho thấy được đặt cơ sở nơi một sự giải thích từ Śāradvatīputra theo từ nguyên như một sự phái sinh của từ śarada (mùa thu; Hán: 秋), trong khi chữ tử/子 rõ ràng được dịch từ chữ putra (con trai).
Tuy nhiên, lý do lựa chọn chữ lộ/露 (hơi nước/sương) thì ít rõ ràng. Ở đây hai tác giả của bài viết này đi đến hai kết luận hoàn toàn khác nhau, và cả hai kết luận được trình bày đầy đủ bên dưới. Tuy nhiên, trước khi xác định rằng nguyên mẫu Ấn Độ của 秋露子 là Śāradvatīputra – chúng ta tạm dừng lại để xem xét tư liệu hiện còn liên quan đến những xuất hiện của hình thức tên gọi này nơi những bản văn Ấn ngữ.
Śāradvatīputra trong những nguồn Ấn Độ
Theo một số luận giải Pāli ngữ, đệ tử của Đức Phật Śāriputta (BHS: Sāriputra) được đặt tên theo tên mẹ của ngài là Rūpasārī, hay chỉ tên gọi Sārī. Mahāvastu và Avadānaśataka cũng cho biết tên mẹ của ngài là Sārī, trong khi trong Pravrajyāvastu của Mūlasarvāstivāda Vinaya, mẹ của ngài được gọi là Śārikā. Những tên gọi (Pāli) Śāriputta và Sārisambhava, (BHS) Śāriputra, Śāliputra và Śārisuta, tất cả như vậy quay trở lại truyền thống rằng “ngài được sinh bởi một người mẹ có tên là Śārī”, mặc dù không có cách gì đảm bảo rằng điều này có phản ánh đúng sự thật vấn đề hay không.
Ngoài những tên gọi này và tên khai sinh của ngài là Upatissa (BHS: Upatiṣya), ngài còn có tên khác, đó là Śāradvatīputra, mà nó được chứng thực rõ nơi những nguồn tài liệu Phật giáo tiếng Sanskrit. Những xuất hiện được tìm thấy nơi đoạn kịch Phật giáo có tiêu đề Śāriputraprakaraṇa hay Śāradvatīputraprakaraṇa, mà nó được phát hiện ở Qizil và có thể được sáng tác ở Mathurā vào thời kỳ Kushan, là xuất hiện sớm nhất. Hình thức này cũng được tìm thấy nơi một bản chữ khắc ở quần thể hang động Kanheri, Mumbai, có thể có niên đại cuối thế kỷ V TL. Đáng chú ý là, trong khi hình thức này rất phổ biến trong Suvikrāntavikrāmi-paripṛcchā prajñāpāramitā, Śatasāhasrikā Prajñāpāramitā, cũng như nơi những bản viết tay và những đoạn kinh Bát-nhã (Prajñāpāramitā) từ Gilgit và Trung Á, không có trường hợp nào được tìm thấy nơi ấn bản Aṣṭasāhasrikā Prajñapāramitā và Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā, mà cả hai được đặt cơ sở nơi những bản viết tay tiếng Nepal.
Một xem xét sự xuất hiện những tên gọi này nơi những bản viết tay kinh Pháp hoa (Saddharmapuṇḍarīkasūtra) đã tạo ra một kết quả đáng chú ý. Nơi một bản viết tay tiếng Nepal, hình thức Śāriputra xuất hiện 140 lần xuyên suốt bản văn, trong khi hình thức Śāradvatīputra không hề được tìm thấy. Ngược lại, nơi những bản viết tay Gilgit của cùng bản văn được Sh. Watanabe biên tập, hình thức Śāriputra xuất hiện 89 lần, trong khi Śāradvatīputra xuất hiện 66 lần. Nơi bản viết tay được gọi là Kashgar của cùng bản kinh – thực sự được tìm thấy ở Khadaliq nhưng được mua lại ở Kashgar – Śāriputra xuất hiện 13 lần, trong khi Śāradvatīputra xuất hiện 147 lần.
Xem xét vắn tắt về những hình thức này trong kinh Pháp hoa cho thấy rằng tên gọi Śāradvatīputra phổ biến ở Gilgit và Trung Á. Có thể rằng phiên bản tên gọi này được tạo ra ở Tây bắc Ấn trong quá trình Sanskrit hóa ngôn ngữ kinh điển Phật giáo, và sau đó truyền đến Trung Á. Sự phổ biến của hình thức Śāradvatīputra ở những khu vực này dường như đã được phản ánh nơi một số bản dịch Hán ngữ, ở đó việc dịch nghĩa của nó là Thu Lộ Tử/秋露子 bắt đầu xuất hiện vào giữa thế kỷ III TL, như được mô tả ở trên.
“Con trai của Sương thu”: Những nguồn của tên gọi
Như chúng ta đã thấy, thật dễ để truy nguyên ra chữ đầu tiên của Thu Lộ Tử/秋露子 là một sự phiên dịch từ Śarad- thành một từ phái sanh śarada (mùa thu), và tử/子 tất nhiên là một sự dịch nghĩa từ putra. Tuy nhiên, chữ lộ/露 đặt ra những thách thức lớn cho người giải thích. Ở đây chúng tôi sẽ phác thảo hai kịch bản về sự phát triển của nó, lần lượt được đề xuất bởi Seishi Karashima và Jan Nattier.
Lộ: Con đường
(giải thích của S. Karashima)
Trong nỗ lực giải thích việc dịch -vatī thành lộ/露 (sương), tôi cho rằng những dịch giả, những người có thể có kiến thức về ngôn ngữ Trung Ấn, bao gồm tiếng Gāndhārī, cố gắng làm rõ nghĩa của hậu tố -vatī – mà nó có thể được viết là -vadi hoặc là -vadhi trong tiếng Gāndhārī – và tìm ra một giải pháp bằng việc liên hệ nó với từ Sanskrit -pathi (con đường) mà nó có thể phát triển thành -vadhi trong tiếng Gāndharī cũng như ở trong những phương ngữ Trung Ấn khác. Như vậy, tên gọi Śāradvatīputra có thể được dịch là Śārad– (< śarad, mùa thu) + –vadhi (< -pathi, con đường) + putra (con trai) và được dịch là Thu Lộ Tử (秋路子, Con trai của Con đường mùa thu), mà nó sau đó có lẽ đổi thành một cái tên thi ca hơn là Thu Lộ Tử (秋露子, Con trai của Sương thu), bằng việc thêm từ vũ/雨 (mưa) vào từ lộ/路 (con đường).
Hỗ trợ cho giả thiết này có thể tìm thấy nơi sự phiên dịch nhầm lẫn tương tự mà nó xảy ra nơi trường hợp Đại Ái Đạo (大愛道: Người yêu thích con đường lớn) và Đại Kính Quỳ (大敬逵: Người kính trọng con đường lớn), mà cả hai là những dịch nghĩa Hán ngữ đầu tiên tên gọi Mahāprajāpatī (Ma-ha-bà-xà-bà đề). Như John Brough (1975: 581-582) đã chứng minh, -pati, mà nó có thể được viết là -padi hay -padhi trong tiếng Gāndhārī, đã được hiểu là tương đương với từ pathi (con đường) trong tiếng Sanskrit, hay pada (một bước đi) và được dịch theo những cách này.
Mãi về sau tên gọi lại đổi thành Thu Lộ Tử/鶖鷺子 (nghĩa đen: Con trai của Cò nước) bằng việc thêm chữ điểu/鳥 (chim) vào hai chữ trước. Sự thêm thắt sau chắc chắn ảnh hưởng bởi truyền thống rằng “ngài được sinh hạ bởi một người mẹ có tên Śarī”, vì từ Sanskrit “śāri” có nghĩa là một loại chim.
Lộ: Sữa chua, sữa lên men (giải thích của Jan Nattier)
Một giải thích hoàn toàn khác trở thành có thể nếu chúng ta cho rằng dịch giả phân tích từ loại tên gọi Śāradvatīputra không phải là śārad- + vatī, mà là śārad- + d(v)atī – tức là tên gọi được xem là bao gồm hai phần chồng lấn nhau. Những dịch nghĩa “chồng lấn” như vậy không phải hiếm thấy nơi những kinh sách Phật giáo Hán ngữ sơ kỳ; trường hợp nổi tiếng nhất chắc chắn là dịch nghĩa pāramitā thành độ vô cực/度無極 (vượt qua sự không giới hạn), một sự dịch có được bằng việc xem thuật ngữ Ấn Độ bao gồm param + ita (được hiểu là “vượt qua, đi đến bờ bên kia” và được dịch là độ/度), với phần sau của từ này sau đó được dịch lại là amita (không giới hạn) và được dịch thành vô cực/無極. Ngoài ra cũng có vô số trường hợp khác. Ví dụ, việc dịch brāmaṇa thành Phạm chí (梵志: tâm Phạm thiên) cho thấy là kết quả của việc phân tích từ này thành brahma (tên của vị thần) + manas (tâm); và việc dịch śramaṇa (người xuất gia) thành Tức tâm/息心 (tâm an tịnh) là một trường hợp tương tự. Việc dịch từ adhimukti (niềm tin [vào], xu hướng mạnh mẽ [vào]) thành Tín giải/信解 có thể là một ví dụ khác, với ban đầu cả từ được dịch là tín/信 và sau đó phần sau, được giải thích lại là mukti (giải thoát), được dịch lại thành giải/解 (giải thoát).
Theo tuyến luận chứng này, chúng ta có thể giả định rằng dịch giả, người đã hình thành nên từ Hán Thu Lộ Tử/ 秋露子 – người đó có thể là Chi Khiêm, mà Đại minh độ kinh của ông là tác phẩm có thể được xác định niên đại sớm nhất mà ở đó tên gọi này xuất hiện, và ở nơi những bản dịch mà tất cả những trường hợp ở trên cho thấy – đã giải thích Śāradvatīputra như là bao gồm śarada (mùa thu) + dadhi (sữa chua, sữa lên men) và, nơi một nỗ lực trình bày thành tố dadhi theo một cách thức hấp dẫn, dịch nó một cách khá thi ca là Lộ/露 (sương). (Thậm chí có thể rằng thuật ngữ này được sử dụng để chỉ cho một thể thức dài hơn, đó là cam lộ/甘露: sương ngọt, sau đó giảm xuống còn một ký tự duy nhất để phù hợp với định dạng tiêu chuẩn của một tên gọi Trung Quốc). Nếu bản kinh Ấn Độ mà nó được sử dụng làm cơ sở cho việc dịch này là bằng tiếng Gāndhārī, thì tên gọi Śāradvatī có thể trên thực tế đã kết thúc ở nơi -dhi, nhưng ngay nếu không phải vậy, sự giải thích này không đặt ra bất kỳ vấn đề âm vị học nào, vì những khác biệt giữa phụ âm giọng/không thuộc âm giọng và phụ âm hơi/không thuộc âm hơi thường không được Chi Khiêm và những dịch giả khác tuân theo vào thời của họ. Đối với cụm phụ âm -dv-, ngay cả khi nó đã không được giảm thành còn d trong một bản văn Prakrit, những kết hợp như vậy (nhiều trong số đó rơi ra ngoài kho âm vị của tiếng Hán) thường bị bỏ qua.
Từ 秋露子 đến 鶖鷺子 đến 鷺子: những biến thể của một chủ thể
Mới xem qua, việc thêm từ 鳥/điểu vào tên Thu Lộ Tử (鶖鷺子) cho thấy chỉ là một biến thể học thuật Hán ngữ. Tuy nhiên, dường như chắc chắn rằng có yếu tố khác góp phần cho sự phát triển này, vì như được giải thích ở trước, từ Sanskrit śāri (~śārikā) là tên của một loại chim.
Loại chim được bàn đến là loại chim sáo, có màu đen và có kích cỡ vừa phải. Thu Lộ/鶖鷺, ngược lại, cho thấy là một loại hoàn toàn khác, vì thu/鶖 đề cập đến một loại chim nước lớn, trong khi lộ/鷺 tương ứng với con diệc bạch/cò, một loại thủy điểu lớn có màu trắng mà nó có thể vươn cao đến một mét. Thực tế, sự kết hợp Thu Lộ/鶖鷺 cho thấy là một sự sáng chế từ ngữ mới, xuất hiện lần đầu trong những bản kinh Phật. Vì là một từ ghép, nó không được ghi vào ngay cả ở trong những từ điển quan trọng chẳng hạn như Hán ngữ đại từ điển (漢語大詞典) hay Lợi thị Hán pháp từ điển (利氏漢法辭典), do đó việc dịch của chúng tôi “chim cò nước” với những yếu tố riêng được trình bày riêng biệt. Tuy nhiên, điều quan tâm đối với chúng tôi ở đây không phải là sự cổ xưa của từ này, mà sự thật rằng hai loại chim này hầu như không khác nhau nhiều. Dường như rất khó có khả năng rằng chữ thu/鶖 và lộ/鷺 được chọn để dịch từ śāri.
Tuy nhiên, nếu hình thức có mặt sớm hơn là 秋露子[1], như chúng tôi đề xuất ở trên, thì những gì cần giải thích là không phải vì sao śāri được dịch là “cò nước”, mà vì sao từ điểu/chim được thêm vào từ có mặt sớm hơn này. Và ở đây chứng cứ dường như rõ ràng. Trong khi tên của Śāriputra dường như ít gây chú ý đối với những vị luận sư trong những thế kỷ đầu của lịch sử Phật giáo, những người dường như chỉ bằng lòng giải thích rằng đó là một sự đặt tên theo mẹ (tức rằng, Śāriputra được đặt tên theo mẹ của ngài), ít nhất vào đầu thế kỷ V, một số luận sư bắt đầu theo đuổi vấn đề ở mức độ sâu hơn. Ví dụ, bản dịch Đại trí độ luận (大智度論) của Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) chép rằng mẹ của Śāriputra có tên là Śārī (舍利/Xá-lợi) bởi vì mắt của bà giống như mắt của chim śāri (眼似舍利鳥眼/nhãn tự xá-lợi điểu nhãn).
Tuy nhiên, bằng việc phiên âm thay cho dịch nghĩa tên gọi, Cưu-ma-la-thập không cung cấp cho người đọc bất kỳ thông tin nào về loài chim được nói đến. Có thể ở trong khung cảnh này – khi tên gọi Thu Lộ Tử/秋露子 đã được sử dụng hơn hai thế kỷ, và truyền thống rằng mẹ của Śāriputra được đặt tên theo chim śāri đang được bắt đầu lưu hành – mà một giải pháp rõ ràng được tìm thấy. Tên gọi chỉ được viết lại, bây giờ với từ chim, như 鶖鷺子, sử dụng những chữ với phát âm giống nhau.
Tuy nhiên, nó không chỉ là mơ hồ vì từ xá-lợi/舍利 đã được sử dụng trong một ngữ cảnh hoàn toàn khác: là một sự phiên âm của từ śarīra, một từ có nghĩa là “di cốt” (đặc biệt, mặc dù không phải luôn như vậy, ở nơi hình thức số nhiều) mà cũng có nghĩa là “thân thể” ở nơi nghĩa chung hơn. Và sự thực, ở nơi một vài bản văn chúng ta thấy tên của Śāriputra xuất phát từ chữ Śarīra và được dịch là Thân Tử/身子, Con trai của Thân thể. Sự dịch này chắc chắn không thể do chịu sự ảnh hưởng của một mình Cưu-ma-la-thập, vì nhiều bản kinh có cụm từ này được tạo ra trước thời của ông. Sự thực, có khả năng rằng việc dịch âm tên gọi là Xá-lợi-phất (舍利弗), mà (như chúng ta đã thấy) được sử dụng vào giữa thế kỷ II TL, có thể đã tạo ra sự dịch này. Tuy nhiên, giải thích của Cưu-ma-la-thập có thể đã đóng một vai trò vững chắc, có lẽ đã tạo cảm hứng cho một số Tăng sĩ-học giả Trung Quốc trung đại (bao gồm Cát Tạng [吉藏], Trí Nghĩ [智顗], Trừng Quán [澄觀]) tiếp tục việc sử dụng này.
Trong khi đó, khi tên gọi Thu Lộ Tử/秋露子 [1] được những người sao chép “sửa thành” Thu Lộ Tử/鶖鷺子[2], một số ít người viết đã đưa ra một sự nghiên cứu chim. Trong hai tác phẩm của dịch giả người Gāndhāra là Jñānagupta (闍那崛多, Xà-na-quật-đa, khoảng 560-600), cũng như ở trong những tác phẩm luận giải của Tăng sĩ người Hàn Quốc Woncheuk (圓測/ Viên Trắc 613-696 ) và đối tác người Trung Quốc của ông là Khuy Cơ (窥基 632-682), thì tên gọi mẹ của Śāriputra liên quan đến chim sáo (鴝鵒/cù dục). Cả hai người sau là đệ tử của Huyền Trang, và họ có thể đã góp nhặt một số thông tin của mình từ những nguồn đó, còn thảo luận của Khuy Cơ trích trực tiếp từ tác phẩm của Jñānagupta. Cả hai nhà luận giải đề cập sự có mặt của từ Thu Lộ Tử (鶖鷺子) mà không có bất kỳ sự phê bình rõ ràng nào. Tuy nhiên Woncheuk bác bỏ Thân Tử/身子, xem đó là sai lầm.
Tiếng nói bé nhỏ này dường như đã có ít thành công trong việc nỗ lực xác nhận śāri là một loài chim sáo; và trong mọi trường hợp, hình thức Cù Dục Tử/鴝鵒子 không xuất hiện trong bất kỳ bản kinh được dịch nào. Ngược lại, Thu Lộ Tử/ 鶖鷺子 nghe thanh nhã hơn tiếp tục lưu hành, tuy nhiên cuối cùng sinh ra một phiên bản tên gọi khác: hình thức Thu Tử/ 鶖子 ngắn gọn hơn, mà nó chỉ xuất hiện trong những tác phẩm Hán ngữ và rõ ràng là một rút gọn bên trong Hán ngữ. Bởi vì quan tâm chính của chúng tôi trong bài viết này là để nhận diện những lai lịch về tên gọi dịch nghĩa Thu Lợi Tử/秋露子 ở Ấn Độ và tác động của việc truyền bá tri thức Ấn Độ bổ sung vào việc hình thành sự phái sinh phụ Thu Lợi Tử/鶖鷺子 của nó, chúng tôi sẽ không theo đuổi số phận của hình thức biến thể này ở đây.
Kết luận
Sẽ là lý tưởng nếu chúng tôi có thể đưa ra chứng cứ rõ ràng về cách mà ở đó tên gọi Thu Lộ Tử/秋露子 có mặt. Tuy nhiên, đáng tiếc, dữ liệu cần thiết để giải quyết câu hỏi với sự chắc chắn đã không còn tồn tại. Một mặt, chúng tôi không thể xác định được bất kỳ sự xuất hiện nào của hình thức “Con trai của Con đường mùa thu” (秋路子) được công nhận ban đầu, mặt khác chúng tôi cũng không thể nhận ra được bất kỳ trường hợp nào khác mà ở đó lộ/露 (hay cam lộ/甘露) có thể cho thấy là một sự dịch nghĩa của dadhi (sữa chua). Tuy nhiên, những kiểu quy trình có thể đưa đến việc tạo ra việc dịch Śāradvatīputra thành “Con trai của Sương thu” ngang qua một trong hai phương thức được đề xuất ở trên đều được chứng nhận. Do đó chúng tôi tin rằng việc trình bày hai kịch bản khác nhau về các điều này có thể xảy ra, và thu hút sự chú ý đến quá trình mà nó có thể được cho thấy là đã xảy ra ở nơi khác, là một nỗ lực xứng đáng nơi chính nó.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát này, chúng tôi đã khám phá ra bằng chứng về những dạng thức khác liên quan đến những tên gọi Śāriputra ở Ấn Độ và Trung Quốc, và dựa vào một số trong những tên gọi này chúng tôi có thể trình bày những kết quả chắc chắn hơn. Trước hết, chúng tôi đã chỉ ra rằng tên gọi Thu Lộ Tử/秋露子[1] không được đặt cơ sở trực tiếp nơi tên gọi Śāriputra, mà ở nơi hình thức biến thể của nó là Śāradvatīputra. Thứ hai, chúng tôi đã trình bày chứng cứ rằng có một nguyên mẫu địa phương riêng cho việc sử dụng biến thể này, mà nó cho thấy phổ biến nhất ở miền Tây bắc của tiểu lục địa Ấn (cụ thể ở vùng Gilgit) và Trung Á. Thứ ba, chúng tôi đã chỉ ra rằng tên gọi Thu Lộ Tử/鶖鷺子 không chỉ là một biến thể viết, mà còn là một nỗ lực giải quyết thông tin mới được truyền từ Ấn Độ về nguyên mẫu tên gọi Śāriputra. Thứ tư, chúng tôi đã mời gọi sự chú ý đến sự có mặt của một mạch giải thích mà nó cho rằng tên gọi Śariputra có nguồn gốc từ từ śarīra (thân thể), và điều này đưa đến việc dịch Śariputra thành Thân Tử/身子 (Con trai của Thân thể), một sự dịch mà nó bị một số người phê bình kịch liệt. Thứ năm, chúng tôi đã chứng minh rằng có ít dịch giả và luận sư có đủ kiến thức về bối cảnh Ấn Độ để thấy rằng việc diễn đạt śāri là Thu Lộ/鶖鷺 (Chim diệc bạch) là sai lầm, và chỉ ra rằng từ tương đương chính xác là Cù dục/ 鴝鵒 “chim sáo”. Thứ sáu, chúng tôi đã chỉ ra rằng nỗ lực điều chỉnh này hầu như không được chú ý, với hình thức Thu Lộ Tử/鶖鷺子[2] tiếp tục lưu hành và cuối cùng sản sinh ra hình thức phái sinh khác, sự phái sinh rất phổ biến là Thu Tử/鶖子.
Nghiên cứu của chúng tôi cũng mở cánh cửa đến một nghiên cứu về thể loại khác, mà chúng tôi không thể tiếp tục ở đây, nhưng nó có sự hứa hẹn lớn trong tương lai. Nghiên cứu của chúng tôi về những xuất hiện tên gọi Thu Lộ Tử (nơi cả hai hình thức của nó) đã đưa chúng tôi đến một nhóm nhỏ những bản dịch đã thảo luận ở trên mà ở đó tên gọi đặc biệt này xuất hiện. Tuy nhiên, đây không phải là đặc điểm chung duy nhất của chúng, vì sáu bản kinh này cũng chia sẻ với nhau một số đặc điểm thuật ngữ và văn phong. Sử dụng hai bản kinh nơi danh mục mà chúng có thể được quy cho những dịch giả được biết đến (đó là Chi Khiêm và Khương Tăng Hội) như một tiêu chuẩn, với sự nghiên cứu sâu hơn, chúng tôi có thể xác nhận bản chất của mối liên hệ giữa những thành viên của nhóm kinh này. Trong khi làm như vậy, chúng tôi có thể đặt bốn “bản dịch không có tên dịch giả” ở nơi danh mục này trở lại vị trí đúng của chúng nơi lịch sử văn học Phật giáo Trung Quốc.
Seishi Karashima & Jan Nattier
Nguyên Hiệp dịch
[ad_2]