[ad_1]
GNO – Thiền giúp nhà kinh doanh thay đổi cách nhìn, thái độ, đối với cuộc sống và công việc theo hướng tích cực, chuyển hóa các tâm hành tiêu cực của định kiến, thù hằn, đố kỵ thèm khát, tham đắm, trở thành lòng yêu thương chân thành, tôn trọng, hợp tác, khoan dung, khiêm tốn, tạo cho nhà kinh doanh một tâm hồn tràn đầy bình an, thân ái; một phong cách đẹp của ung dung, tự tại, trầm tĩnh hiền hòa, bao dung mà bất cứ ai diện kiến cũng đều sanh tâm quý mến, nễ vì… Từ đó nhà kinh doanh đạt được nhiều thắng lợi, thành công.
Với thuộc cấp, nhà kinh doanh đạt được sự tâm phục, khẩu phục tạo thành một nguồn năng lượng sáng tạo, một động lực mạnh mẽ trong công việc. Công ty, doanh nghiệp trở thành một đại gia đình cùng chung làm, chung lo, chung hưởng.
Với khách hàng, doanh nhân có đầy đủ điều kiện ưu việt để khách hàng đặt niềm tin, giao lưu buôn bán ngày càng nhiều.
Với đồng nghiệp tạo nên sự gặp gỡ thân thiết, từ đó những cơ hội kinh doanh mới có thể nảy sinh.
Với đối thủ cạnh tranh, thay vì loại bỏ, gây nên oan trái thì cùng nhau tồn tại, phát triển theo hướng đôi bên cùng có lợi.
Tiếp cận với Thiền, tức có cơ hội tiếp cận với giáo lý Phật Đà, trong kinh Tăng Chi Bộ Đức Phật dạy những phương cách để nhà kinh doanh tăng trưởng tài sản:
– “Phải có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận và tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận”. (Kinh Tăng Chi Bộ quyển I trang 206).
– “Thành tựu với ba chi phần, này các Tỳ kheo, người buôn bán không bao lâu đạt về tài sản lớn mạnh và rộng lớn. Thế nào là ba?
Ở đây này các Tỳ kheo, người buôn bán có mắt, khéo phấn đấu, xây dựng được cơ bản” (Kinh Tăng Chi Bộ quyển I trang 207).
Có mắt tức là có trí tuệ do tu Thiền định để biết được thương phẩm mua như vậy, bán như vậy, sẽ đưa lại tiền như vậy, tiền lời như vậy.
Xây dựng căn bản là: “Ở đây này các Tỳ kheo, người buôn bán được các gia chủ hay con các gia chủ, được các nhà giàu, có tiền bạc lớn, tài sản lớn, biết đến như sau: Người buôn bán này là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con, và thường thường trả tiền lời cho chúng ta. Chúng ta trao hàng hóa cho người này” (Kinh Tăng Chi Bộ quyển I trang 208).
Ngoài ra Đức Phật cũng dạy nhà kinh doanh, muốn được buôn bán như ý, thì phải biết đem một phần tài sản của mình để cúng dường, bố thí đúng hoặc hơn như sự phát tâm ban đầu: “Người buôn bán đi đến Sa môn hay Bà la môn và hứa như sau: “Thưa Tôn giả hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ” và người ấy cho như đã quyết định muốn cho” (Kinh Tăng Chi Bộ quyển I trang 709).
Trong bối cảnh xã hội căng thẳng hiện nay, việc áp dụng những phương pháp thiền định một cách nghiêm túc đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, do đó ngày càng trở nên phổ biến.
Hầu hết những phương pháp thiền định có thể giúp ta đạt được một sự hiểu biết chơn chánh. Thiền dựa trên từng bước “thấy rõ sự thật như chính thật”. Thiền cho phép ta đạt được một tâm hồn trầm tĩnh. Đó là bước đầu của tiến trình thanh lọc tâm vốn còn chứa nhiều xao động, bất an và lo lắng.
Thực tập thiền đúng cách sẽ tạo ra quá trình thanh lọc tâm, giúp tâm thay đổi một cách sâu sắc. Đó là phương thức giúp tâm ta tự do trước tham đắm, dính mắc. Tâm lành mạnh là tâm tĩnh thức có thể đáp ứng yêu cầu trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn một cách tự nhiên không tốn nhiều công sức. Một nhà quản trị kinh doanh điều hành công ty bằng một cái tâm như thế sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất tạo ra nhiều hàng hóa hơn mà không góp phần tạo ra nhiều chứng bệnh xã hội công nghiệp.
Kết quả của quá trình thực tập thiền giống như vun bón phân, chuẩn bị cho mãnh đất tâm thêm màu mở, đầy những hạt giống tích cực và lành mạnh.
Mảnh đất tâm của nhà kinh doanh có tươi tốt, chân thiện thì sẽ đạt được mục tiêu cơ bản của đời mình: bình an, hạnh phúc, thành đạt, tạo ra tiền bạc của cải… nâng cuộc sống lên phẩm chất cao đẹp hơn.
Ước mong và cầu nguyện tất cả chúng ta, tất cả mọi người đều có đầy đủ phước duyên để tiếp cận với Thiền, với giáo lý Phật đà, với đạo Phật.
[ad_2]