[ad_1]
NSGN – Pháp cú thuộc thể loại gatha, tức là những bài chỉnh cú, bài kệ, bài thơ rất dễ ghi nhớ. Vì “gặp việc tùy nghi diễn nói”, nên văn phong rất mộc mạc, chất phác và thân thiết như những lời nói giản dị hàng ngày chuyện cơm ăn áo mặc.
Tổng quan
Nói kinh Pháp cú Bắc truyền, được kết tập bằng tiếng Phạn, là để phân biệt với kinh Pháp cú Nam truyền, được kết tập bằng tiếng Pāli.
Pháp cú Bắc truyền khi truyền đến Trung Hoa, được dịch ra tiếng Hán, lúc đầu có nhiều tên gọi khác nhau, như Pháp cú tập kinh, Pháp cú tập, Pháp cú lục, Đàm-bát kinh, Đàm-bát kệ… Công bằng mà nói, Pháp cú không phải là một bộ kinh, mà là một bộ tuyển tập những bài kệ do Đức Phật nói ra, nằm rải rác trong các kinh A-hàm và những kinh khác, và cả những bài kệ riêng lẻ. Trong bài Tựa kinh Pháp cú, cư sĩ Chiêm Khiêm viết: “Những bài kệ này do Thế Tôn gặp việc tùy nghi diễn thuyết chứ không phải nói ra trong một lúc. Mỗi bài kệ đều có mở đầu, kết thúc và nằm rải rác trong các kinh (…) Về sau, Sa-môn của năm bộ phái tự sao chép những bài kệ 4 câu hoặc 6 câu trong các kinh, dựa trên nội dung từng bài kệ đó rồi đặt tên phẩm. So với mười hai phần giáo, nội dung của các bài kệ này quá ngắn gọn, không có tên kinh thỏa đáng, nên gọi chung là Pháp cú”. Đoạn văn ngắn này cho thấy những bài kệ Pháp cú đã được định hình và hoàn bị ngay khi Phật còn tại thế, được các Tỷ-kheo đọc thuộc lòng, trì tụng và trao truyền cho nhau.
Pháp cú thuộc thể loại gatha, tức là những bài chỉnh cú, bài kệ, bài thơ rất dễ ghi nhớ. Vì “gặp việc tùy nghi diễn nói”, nên văn phong rất mộc mạc, chất phác và thân thiết như những lời nói giản dị hàng ngày chuyện cơm ăn áo mặc. Có thể nói, Pháp cú thuộc thể loại Thật lục, hay Ngôn hành lục, ghi chép sự thật xảy ra khi Phật còn tại thế, đó là những lời sách tấn, khích lệ và đôi khi có cả những lời quở trách các học trò; hay những định nghĩa về pháp yếu, về Niết-bàn… Do đó, Chi Khiêm cho rằng, “Người xuất gia ở Thiên Trúc nếu không học Pháp cú là đi sai trình tự tu học. Pháp cú chính là nấc thang cần thiết giúp những người xuất gia tu tập thâm nhập vào pháp tạng sâu xa, khéo khai mở cho kẻ mông muội, biện rõ chánh tà, khuyến hóa người học trở về sống với chính mình. Có thể nói Pháp cú là nghĩa lý nhiệm mầu, cốt yếu tột bậc.”
Lịch sử truyền dịch
Hiện nay, Pháp cú Hán tạng có bốn bộ, Pāli tạng có một bộ, Tây Tạng có hai bộ, và gần đây người ta mới phát hiện một bản tiếng Phạn, thuộc ngôn ngữ vương quốc Kiền-đà-la (Gandhāra).1
Tây nguyên năm 1892, tại vùng phụ cận Khostan, người ta phát hiện một văn bản cổ viết bằng mẫu tự Kharosti, một thứ phương ngữ Prakrit đặc trưng vùng Tây bắc Ấn. Các học giả cận đại đã xác định đó là thứ ngôn ngữ Gandhari, một loại ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi hồi thế kỷ thứ II TL.
Trong bài Tựa kinh Pháp cú, Chi Khiêm viết: “Pháp cú cũng có mấy bộ khác nhau, có bộ 900 bài kệ, có bộ 700 bài kệ, có bộ 500 bài kệ.” Lại viết: “Gần đây, Cát-thị lại truyền sang một bộ gồm 700 bài kệ.” Rất tiếc, đến nay chúng tôi vẫn chưa khảo cứu được Cát-thị là ai hay là bộ phái nào! Theo suy đoán của Ấn Thuận, thì căn cứ ngữ âm cát-thị có thể là bộ phái Ca-diếp-di, tức Ẩm quang bộ (Kāśyapīya). Đây là chi nhánh của bộ Phân biệt thuyết (Vibhajya-vādin) và có liên hệ với học phái Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāsti-vādin).2
1- Pháp cú Hán dịch
Như đã nói, Pháp cú Hán tạng có bốn bộ, đó là kinh Pháp cú, kinh Pháp cú thí dụ, kinh Xuất diệu và Pháp tập yếu tụng, lần lượt mang số hiệu từ 210-213, tập 4, bộ Bản duyên, quyển hạ, thuộc Đại tạng kinh Đại chính tân tu.
– Kinh Pháp cú, ĐTK/ĐCTT, T04, n°. 210, Tôn giả Pháp Cứu (Dharmatrāta) tuyển soạn. Đây là bản Pháp cú Hán dịch đầu tiên, do Sa-môn Duy-kì-nan người Thiên Trúc dịch vào khoảng 225 Tây lịch, đời Ngô Tôn Quyền, với sự góp sức của cư sĩ Chi Khiêm (sau đây sẽ gọi là bản Ngô). Duy-kì-nan đến Đông Ngô vào năm Hoàng Vũ thứ 3, tức 224 Tây lịch, đem theo bản Pháp cú 500 kệ tụng, nhưng hai thầy trò chỉ dịch được 495 kệ tụng, 26 phẩm, bởi vì, “Trong khi dịch, có chỗ không hiểu nên để khuyết, không truyền, vì vậy có nhiều chỗ thiếu sót, nhiều đoạn không dịch.”3 Sau đó, có đồng đạo của Duy-kì-nan là Sa-môn Trúc Tương Diễm đến, Chi Khiêm đem hỏi, lại cùng nhau hợp dịch thành bản hiện hành, gồm 39 phẩm, 752 bài kệ.
Theo khảo cứu của Ấn Thuận và nhiều nhà nghiên cứu Phật học khác, thì bản Pháp cú mà Duy-kì-nan mang theo, gồm 26 phẩm, 500 kệ tụng là văn bản của bộ phái Đồng diệp bộ, tức là Pháp cú Nam truyền, tiếng Pāli hiện nay, hoặc chí ít cũng có thể khẳng định đó là văn bản được truyền bởi Hóa địa bộ, hoặc Pháp tạng bộ.4Còn bản Pháp cú hiện nay gồm 39 phẩm, trong đó có 13 phẩm mà Trúc Tương Diễm thêm vào sau, căn cứ vào tên phẩm mà suy luận thì có thể thấy đây là văn bản của bộ phái Thuyết nhất thiết hữu bộ, hoặc có quan hệ với Thuyết nhất thiết hữu bộ.5
– Kinh Pháp cú thí dụ, ĐTK/ĐCTT, T04, n°. 211, do Sa-môn Pháp Cự, Pháp Vị dịch Phạn Hán đời nhà Tấn, khoảng 305 Tây lịch, gồm 4 quyển, 39 phẩm (sau đây sẽ gọi là bản Tấn). Bản này giải thích ý nghĩa và dẫn dắt những câu chuyện nói Pháp cú, nhưng không đầy đủ, chỉ có 197 kệ tụng. Có khả năng dịch giả đã lược dịch, hoặc sở hữu bản không đầy đủ, bởi số phẩm và nội dung kệ tụng tương đồng với bản Ngô, tức có khả năng cùng lưu xuất từ một bộ phái.
– Kinh Xuất diệu, ĐTK/ĐCTT, T04, n°. 212, do Sa-môn Tăng-già-bạt-trừng (Saṃghabhūti), người Kế Tân, đọc bản Phạn, Trúc Phật Niệm dịch Hán, vào đời Diêu Tần, khoảng 398-399 Tây lịch, gồm 30 quyển, 34 phẩm (sau đây gọi là bản Tần). Xuất diệu hay Thí dụ đều được dịch nghĩa từ Phạn ngữ Avadāna. Trong bài tựa kinh Xuất diệu, Tăng Duệ viết: “Từ Xuất diệu, trước đây dịch là Thí dụ, tức là một trong 12 thể tài kinh điển.”6
Hầu hết phần kệ tụng trong Xuất diệu đều giống Pháp cú mà Duy-kì-nan đã dịch vào đời Ngô, còn phần nhân duyên, câu chuyện để giải thích kệ tụng thì tương đối giống Pháp cú thí dụ do Pháp Cự và Pháp vị dịch vào đời Tấn.
Căn cứ luận Đại-tì-bà-sa, quyển 1, luận Câu-xá, quyển 2, Sử Phật giáo Ấn Độ, thì tác giả phần kệ tụng trong kinh Xuất diệu là Tôn giả Pháp Cứu. Tăng Duệ, trong bài tựa kinh Xuất diệu đã căn cứ vào thuyết này. Tuy nhiên, theo luận Đại trí độ, quyển 33, thì những kệ tụng pháp cú này “do các đệ tử tập hợp lại sau khi Phật nhập Niết-bàn.” Còn về phần văn trường hàng giải thích và dẫn chuyện thì không rõ tác giả.
– Kinh Pháp tập yếu tụng, ĐTK/ĐCTT, T04, n°. 213, Tôn giả Pháp Cứu tập, Sa-môn Thiên Tức Tai, người Thiên Trúc, thuộc Minh giáo, phụng chiếu dịch đời Tống Thái Tông, khoảng 990 Tây lịch (sau đây gọi là bản Tống). Pháp tập yếu tụng còn gọi là Pháp ưu-đà-na, thuần túy kệ tụng, gồm 4 quyển, 33 phẩm. Theo luận Đại tì-bà-sa, quyển 1, thì “Hết thảy kệ tụng udana đều là lời Phật thuyết. Đức Phật Thế Tôn đi giáo khắp nơi, gặp nhiều hạng hữu tình, tùy nghi tuyên thuyết. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Đại đức Pháp Cứu lần lượt được nghe tụng tập, ngài bèn gom góp lại, đặt thành tên phẩm. Những bài tụng có ý nghĩa vô thường thì gom thành một phẩm vô thường; cho đến những bài tụng liên hệ đến phạm chí thì gom thành một phẩm phạm chí.”7 Điều này cho thấy Pháp tập yếu tụng này được truyền bởi bộ phái Thuyết nhất thiết hữu bộ và do Đại đức Pháp Cứu sưu tập.
Khảo cứu của Ấn Thuận chỉ ra rằng, kinh Pháp cú là do Tôn giả Pháp Cứu biên tập lại chứ không phải là người biên soạn đầu tiên. Và, trong bài Tựa kinh Pháp cú, Chi Khiêm có nói tới bản Pháp cú 900 bài kệ, thì tụng bản đó chắc chắn là của bộ phái Nhất thiết hữu bộ truyền. Tụng bản của bộ phái Thuyết nhất thiết hữu bộ là tụng bản tiếng Phạn và hiện nay vẫn còn.8
2- Pháp cú Việt dịch
Kinh Pháp cú được dịch sang tiếng Việt đầu tiên là Pháp cú Nam truyền. Bản dịch sớm nhất là của nhị vị cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu, (năm 1959, dựa trên bản dịch Hán văn của Pháp sư Liễu Tham) và cố Hòa thượng Thích Minh Châu, (năm 1969, dịch từ nguyên bản Pāli). Riêng bốn bản Pháp cú Hán truyền chỉ mới được dịch trong những năm cuối của thế kỷ XX. Cụ thể, cả bốn bản Pháp cú Hán truyền nói riêng cũng như toàn bộ Đại tạng kinh nói chung đã được Ban phiên dịch Hán tạng do cố Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương dịch sang tiếng Việt và in thành bộ Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, ấn hành năm 2000; trong đó, bốn bản kinh Pháp cú được in trong Bộ Bản duyên VII, trang 587.
Bên cạnh đó, Hòa thượng Thích Trí Quang dịch kinh Pháp cú bản Ngô sang tản văn. Bản dịch này Hòa thượng có đối chiếu so sánh với Pháp cú Nam truyền, đồng thời đưa ra nhận định. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh cũng dịch kinh Pháp cú bản Ngô thành Kết một tràng hoa theo lối tản văn, cư sĩ Nguyên Định viết thành thể kệ, hiện phổ biến trên trang nhà langmai.org. Kinh Pháp cú Bắc truyền lưu hành phổ biến hiện nay là bản dịch của thầy Thích Đồng Ngộ (dịch quyển thượng) và Thích Nguyên Hùng (dịch quyển hạ), do Nhà xuất bản Tôn Giáo ấn hành năm 2016. Bản này tương đối sát bản Hán mà rõ ràng, trong sáng và vần điệu trong tiếng Việt.
Nhận xét
Như đã nói, trong bài tựa bản dịch kinh Pháp cú đời Ngô, cư sĩ Chi Khiêm viết: “Pháp cú cũng có mấy bộ khác nhau, có bộ gồm 900 bài kệ, có bộ 700 bài kệ, có bộ 500 bài kệ”, điều này dường như cho thấy Pháp cú vốn có ba bản Quảng, Trung và Lược. Theo khảo cứu của Lã Trừng thì hiện còn tàn bản Phạn, Pāli và Tạng ngữ của cả ba bản Quảng, Trung và Lược ấy.
Pháp cú Pāli có 26 phẩm, 423 bài kệ, tức là bản Lược. Pháp cú bản Ngô, Pháp cú thí dụ bản Tấn, gồm 39 phẩm, 752 bài kệ tụng, tức là bản Trung. Kinh Xuất diệu dịch đời nhà Tần (chủ yếu giải thích Pháp cú hoặc nội hàm kinh văn), kinh Pháp tập yếu tụng dịch đời Bắc Tống và kinh Pháp cú bản dịch Tạng ngữ gồm từ 900 đến 1500 kệ tụng, 33 phẩm, tức là bản Quảng.
Trong ba bản ấy, thì bản Pāli và bản Ngô là cổ xưa nhất và có nhiều tương đồng nhất, dù bản Ngô có nhiều hơn bản Pāli đến 13 phẩm. Còn hai bản Tần và Tống, về mặt tên các phẩm thì đa phần giống bản Ngô, Tấn, nhưng thứ tự và nội dung thì thay đổi khá nhiều, điều này cho thấy đây là bản cải biên từ nguyên tác.
Kinh Pháp cú Pāli không đề tên tác giả. Pháp cú Bắc truyền bản Ngô đề tác giả là Tôn giả Pháp Cứu biên soạn. Điều này cho thấy kinh Pháp cú trước sau có hiệu đính theo dòng lịch sử truyền thừa. Những bản hiệu đính về sau nữa lại càng có nhiều thay đổi, không phải chỉ một lần, do đó tính chất của bản kinh cũng thay đổi ít nhiều. Chẳng hạn, ngay tên gọi, bản Lược và bản Trung thì gọi là Pháp cú, nhưng các bản Quảng thì gọi là Thí dụ, Xuất diệu… Khi thay đổi tên tác phẩm chắc hẳn các nhà truyền dịch đã có chủ ý thay đổi nội dung cho phù hợp với bộ phái của mình!
Nhưng, tựu trung, dù hình thức tổ chức kinh Pháp cú rất đơn giản nhưng lại chứa đựng nội dung rất sâu sắc, phản ánh toàn bộ giáo lý trọng yếu của Phật giáo, những lời giáo huấn đạo đức rất thực tế. Pháp cú như kết nối những hạt châu về luân lý đạo đức và chân lý tuyệt đối thành một chuỗi ngọc giá trị. Hay nói như Thiền sư Nhất Hạnh, Pháp cú là một tràng hoa được xâu kết bởi những đóa hoa xinh đẹp nhất trong vườn hoa Chánh pháp.
Thích Nguyên Hùng
__________________
(1) Ấn Thuận, Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành, trang 811.
(2) Ấn Thuận, sách đã dẫn.
(3) Xuất tam tạng ký tập, quyển 7, ĐCTT/ĐTK, T55.
(4) Ấn Thuận, Hoa vũ hương vân, trang 216.
(5) Ấn Thuận, Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành, trang 813.
(6) ĐTK/ĐCTT, T4, p.609b.
(7) Đại tì-bà-sa luận, quyển 1, ĐTK/ĐCTT, T27.
(8) Ấn Thuận, Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành, trang 815.
[ad_2]
Source link