google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Phong Thủy

[ad_1]

Nguồn gốc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Theo nhà nghiên cứu Trần Đăng Sinh: “Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất như cụ, kỵ, ông bà, cha mẹ… những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần tới thế hệ con cháu”.

Các nhà nghiên cứu không thống nhất trong việc xác định thờ cúng tổ tiên là tôn giáo hay tín ngưỡng. Thờ cúng tổ tiên thoạt nhìn có thể coi đó là tôn giáo, vì hầu hết các nhà đều có bàn thờ, đều làm những nghi thức thờ cúng trang trọng và thành kính, nghĩa là có những dấu hiệu của tôn giáo.

Nhưng đó chưa phải là tôn giáo nếu hiểu theo nghĩa chặt chẽ của khái niệm này. Thờ cúng tổ tiên không có những giáo lý thống nhất, không có giáo hội với những phép tắc nghiêm ngặt như thường thấy các tôn giáo xưa và nay.

Ở miền Bắc nước ta, nhiều người gọi thờ cúng tổ tiên là đạo thờ tổ tiên. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, dân chúng quan niệm “đạo” ở đây không có nghĩa là một tôn giáo, như đạo Công giáo, đạo Phật, đạo Hồi… mà phải hiểu nó như là đạo lý làm người, đạo làm con, đạo hiếu nghĩa.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành từ xa xưa và tồn tại ở nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian, xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn, người Việt cũng như các dân tộc khác trên thế giới tôn sùng các vị thần cổ sơ nhất là các nhiên thần, đặc biệt là thần cây, thần đá, thần núi, thần sông nước… Việc nhân hóa các thần tự nhiên đã tạo ra một bước chuyển cho việc hình thành hệ thống nhân thần.

Khi con người bắt đầu khám phá về bản thân mình, mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và vô hình, nhất là giữa cái sống và cái chết khiến con người quan tâm, muốn lý giải. Sự hạn chế của con người trước tự nhiên và xã hội, dẫn đến sự hạn chế về việc giải thích cái chết của con người. Khi chết thì linh hồn đi đâu, thể xác đi đó hay linh hồn sẽ đi đâu? Thế giới bên này, thế giới bên kia, sự sống cái chết như thế nào?… Họ không lý giải được hoặc giải thích sai. Đó là những tiền đề của thờ cúng tổ tiên.

Cùng với biểu tượng về các thần linh, biểu tượng về tô tem (totem – vật tổ) xuất hiện trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ. Theo nhà nghiên cứu Nga X.A.Tô-ca-rev, thờ cúng tổ tiên trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ chỉ mới manh nha, chưa là hiện tượng phổ biến. Tô tem giáo là giai đoạn phát triển đầu tiên của thờ cúng tổ tiên.

Tổ tiên trong xã hội nguyên thủy là tổ tiên tô tem giáo của thị tộc. Chủ nghĩa tô tem tin rằng, tất cả các thành viên của một nhóm thị tộc đều sinh ra từ một số động vật, thực vật, hoặc vật thể hay hiện tượng tự nhiên khác. Người trong thị tộc đều có quan hệ họ hàng với “tô tem”, người đẻ ra do tô tem nhập vào, khi chết lại trở về với tô tem của mình. Đối với họ, tô tem là vật tổ – vị thần bảo vệ đặc biệt nên họ tôn thờ. Về văn hóa tinh thần, thời kỳ Hùng Vương dựng nước đã có tín ngưỡng tô tem khởi thủy từ hậu kỳ Đá Cũ gắn liền với Thị tộc nhưng tập trung chủ yếu vào tổ tiên Chim và Rồng.

Ở thời kỳ thị tộc mẫu hệ, tổ tiên tô tem là những vật trong thiên nhiên được thần thánh hóa hoặc là các vị thần. Thời kỳ thị tộc phụ hệ, tổ tiên là những người đứng đầu thị tộc đầy quyền uy, khi mất họ trở thành thần che chở cho gia đình thị tộc.

Tổ tiên trong xã hội có giai cấp được thể hiện đầy đủ hơn. Họ thường là những người giữ địa vị chủ gia đình, gia tộc nhưng đã mất, có quyền thừa kế và di chúc tài sản được luật pháp và xã hội thừa nhận.

Trong quá trình phát triển của lịch sử khái niệm tổ tiên cũng có sự biến đổi phát triển. Nó không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống gia đình, họ tộc… mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của những người có công tạo dựng, giữ gìn cuộc sống của cộng đồng. Họ là những anh hùng, danh nhân mà khi sống được tôn sùng, kính nể, khi mất được tưởng nhớ, thờ phụng trong các không gian tôn giáo. Ở Việt Nam, họ là những tổ sư, tổ nghề, thành hoàng làng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa…

Về nguồn gốc tâm lý, thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Tổ tiên khi còn sống thì “khôn”, đến lúc chết thì “thiêng”, vẫn ngự trên bàn thờ, vừa gần gũi, vừa xa lạ, lại rất đỗi linh thiêng. Con cháu thành kính, tôn thờ tổ tiên là tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự sống là bất diệt, chết không phải là hết. Các thế hệ tiếp nối nhau, chết chỉ là sự bắt đầu của một chu kỳ sinh mới.

Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập “mối liên hệ” giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh.

Nội dung tín ngưỡng của tục thờ cúng tổ tiên là quan niệm về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống) bằng con đường: hồn về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ. Trong tín ngưỡng này, đạo lý là nội dung nổi trội. Một trong những đạo lý đó là “uống nước nhớ nguồn”.

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ảnh 2
  • Facebook
  • Twitter
  • Pinterest
  • Blogger
  • reddit
  • Tumblr
Mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên.

Thờ cúng tổ tiên trong gia đình

Các nghi thức thờ cúng tổ tiên ở nước ta tuy phần lớn phỏng theo nghi lễ Nho giáo, nhưng lại có những yếu tố rất gần gũi với Phật giáo hay Đạo giáo. Mặt khác, với tính chất một tín ngưỡng dân dã, các hành vi lễ thức thường được thực hiện theo tâm thức dân gian và cũng không hoàn toàn thống nhất ở các gia đình, các địa phương.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện ở 3 cấp độ khác nhau: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình, họ tộc (dòng họ), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong làng xã (tín ngưỡng thờ thành hoàng làng) và đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (thờ cúng tổ tiên trong cả nước).

Với niềm tin thiêng liêng rằng, tổ tiên tuy đã chết nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, có khả năng che chở, phù giúp con cháu, được thể hiện thông qua nghi lễ thờ phụng. Đó là sự biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành, tạo dựng, bảo vệ cuộc sống như: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, tổ sư tổ nghề, thành hoàng, tổ nước…

Quan hệ huyết thống của Việt Nam khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc. Và theo “quy định” huyết thống ấy, nhiều gia đình sẽ họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung.

Thủy tổ là người sáng lập ra dòng họ, từ đó hệ thống các đời cùng dòng máu nối tiếp nhau phát triển theo thời gian. Họ là sự tập hợp tự nhiên những người cùng dòng máu, tụ hội theo từng đời và nhiều đời do cùng một ông tổ sinh ra. Dòng họ ở đây được tính theo trục dọc có thể theo họ mẹ hoặc họ cha, nhưng hầu hết được lấy theo họ cha. Để tưởng nhớ về nguồn gốc của họ tộc mình, mỗi dòng họ đều xây nhà thờ thủy tổ của dòng họ (còn gọi là từ đường).

Thờ cúng tổ tiên, ông bà đã trở thành một phong tục trong đời sống tâm linh của người Việt tồn tại qua bao thế hệ là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người; đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dân Việt trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà tổ tiên, với nguồn gốc của mình.

Đến thế kỷ XV, khi Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, gia đình, gia tộc, và vấn đề “dương danh hiển gia” được đề cao, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ, việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: Cha, mẹ, ông bà, cụ, kỵ); ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán… Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách “Thọ mai gia lễ”.

Thờ cúng tổ tiên cùng huyết thống có nhiều hình thức, cấp độ khác nhau. Trước hết là việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình (thờ cúng gia tiên). Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đình người ta thường thờ phụng nhiều vị thần. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, người ta còn thờ bà Cô, ông Mãnh là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. Trong các vị thần được thờ tại gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên.

Bàn thờ tổ tiên là không gian linh thiêng để các thành viên trong gia đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng nhớ, biết ơn tiên tổ. Bàn thờ là nơi tổ tiên “đi”, “về” và ngự trên đó. Hai cây đèn tượng trưng cho Mặt Trời, Mặt Trăng, hương là tinh tú. Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội dần vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác. Khi phát hiện ra lửa, người ta nhận thấy chỉ có khói bay lên và dần dần khói lửa đã đi vào hội lễ, từ đó nảy sinh nến và hương trong việc tín ngưỡng.

Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (thỉnh cầu, sám hối…) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên. Mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên.

Lễ thức trong tang ma được coi là lễ thức quan trọng bậc nhất để đưa ông bà, cha mẹ vừa mất về gặp tổ tiên và gia nhập vào hàng các vị tổ tiên. Sau lễ tang ma, lễ giỗ là nghi thức rất được chú trọng trong tâm lý người Việt.

Tam giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Sự hiện hữu của tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo được tìm thấy trong một số tư tưởng và biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Tư tưởng của đạo Khổng là đề cao chữ “Hiếu” và coi đó là nền tảng của đạo làm người. Với quan niệm “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, hiếu với cha mẹ khi chết cũng như hiếu với cha mẹ khi còn sống, Nho giáo đặt nền tảng lý luận về giá trị đạo đức, về trật tự kỷ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Đặc biệt, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, về kiếp luân hồi và nghiệp báo… Phật giáo cho rằng, sống chết là quy luật tất yếu của thế gian giống như mặt trời lặn rồi lại mọc, mọc rồi lại lặn. Sống và chết chỉ có nghĩa là thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Chết là bắt đầu của một chu kỳ sống mới, một kiếp sống mới.

Theo Đạo Phật, không có kiếp sống đầu và kiếp sống cuối cùng. Sau khi chết, linh hồn con người sẽ được tái sinh, đầu thai vào một kiếp khác. Kiếp đó là hạnh phúc hay đau khổ, tuỳ thuộc vào bản thân họ đã sống thiện hay ác trong quá khứ.

Còn Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã.

Một trong những nghi lễ của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thấy rõ biểu hiện của Đạo giáo chính là lễ trai tiếu độ bạt (lễ giải oan cho người đã khuất) bắt nguồn từ lễ “Sám hối gọi trai” của Đạo giáo. Lễ trai của Đạo giáo có hai loại: Một là trai bùn, trai than – tức bôi than vào mặt, trầm mình vào bùn để sám hối những tội lỗi của mình. Thứ hai là Trai bùa vàng sám hối cho người chết.

Trai tiếu độ bạt trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam được dùng khi trong nhà có “động mồ động mả”, xuất hiện nhiều tai ương được cho là liên quan đến người đã mất, là nghiệp chướng của tổ tiên.

Dân gian có tín ngưỡng đồng bóng (gọi hồn người đã khuất) nhưng không thể cử hành được những đại lễ giải oan bạt độ, vì vậy cần phải cầu viện đến Đạo giáo phù thủy. Lễ Trai tiếu độ bạt của Đạo giáo được thực hiện theo nghi thức của pháp sư, đạo sĩ chính truyền sẽ không phù hợp với tín ngưỡng, thị hiếu của người Việt Nam nên các đạo sĩ đã linh hoạt biến đổi nghi lễ buổi lễ, phối hợp tín ngưỡng đồng bóng vào lễ chính của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Biểu hiện của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được thể hiện trong quan niệm về sinh tử. Tín ngưỡng dân gian quan niệm, người chết sau khi hồn lìa khỏi xác phải trải qua 10 địa ngục lớn do sự cai quản của các vua âm phủ, gọi là Thập điện diêm vương. Người Việt lấy sự trừng phạt linh hồn sau khi chết để khuyến thiện trừ ác. Còn Đạo giáo có 10 điện với 88 quỷ quan trong Phong Đô bát đế thực hiện.

Điện thứ nhất do Tần Quảng Minh vương cai quản, nếu người chết là người thiện sẽ có cơ hội đầu thai làm người trở lại. Nếu là người làm nhiều điều ác sẽ bị tống giam vào địa ngục, chịu nhiều hình phạt. Điện thứ hai do Sở Giang Minh vương cai quản. Từ điện thứ hai đến điện thứ 10, mỗi điện đều có 16 địa ngục nhỏ. Linh hồn làm điều ác sẽ bị hành tội ở 16 địa ngục nhỏ, sau đó chuyển khác điện khác theo trình tự đến 10.

Một trong những biểu hiện nữa của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là niềm tin tang ma, nên người chết được tổ chức tang ma cẩn thận. Niềm tin về cái chết cho rằng “tử tuất quy thổ, cốt nhục tê ư, hạ âm vi giả thổ, kỳ phí phát dương ư thượng vi chiêu minh”, nghĩa là chết tất trở về với đất, xương thịt xuống thấp tan biến vào trong lòng đất, còn khí dương bay lên cao sáng rực rỡ.

Theo quan niệm của Đạo giáo, mỗi người sống gắn liền với một vì sao trên trời, vì sao đó tắt thì người qua đời. Trông coi sự sinh tử của trần thế là Nam Tào và Bắc Đẩu. Sao Nam Tào ghi sự sinh, Bắc Đẩu ghi sự chết. Bởi thế khi có người chết, dân gian thường nói xóa sổ thiên tào.

Đạo giáo đã xây dựng nhiều nhân vật thần tiên có dáng dấp của con người. Thần tiên của Đạo giáo chính là những cá nhân đã được tôn vinh thành những nhân vật trường sinh bất tử, ở nơi bồng lai tiên cảnh, lại rất thần thông quảng đại có thể cưỡi mây, đạp gió, làm được những việc phi thường. Viễn cảnh thần tiên ấy đã trở thành niềm mơ ước, khát vọng của rất nhiều người đang sống ở một thế giới mà Phật giáo cho là “biển khổ”.

Với quan niệm vạn vật hữu linh, trong nhận thức dân gian, người Việt quan niệm rằng, con người có 2 phần: phần xác và phần hồn. Đàn ông ba hồn bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Hai phần này vừa gắn bó, vừa tách biệt, chúng gắn bó với nhau. Khi con người còn sống, hồn nhập vào xác điều khiển hành vi của con người.

Khi con người chết, phần hồn rời khỏi xác, thể xác của họ hòa vào cát bụi, phần hồn vẫn tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác. Thế giới ấy có thể gọi bằng những tên gọi khác nhau, là cõi ma của người Mường, hay Âm phủ (cõi Âm) theo cách nói của người Việt. Cõi Âm cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Ở cõi Âm (được mô phỏng từ cõi Dương) mọi linh hồn đều có các nhu cầu như cuộc sống nơi trần thế.

Quan niệm của Đạo giáo là chết về cõi tiên nên các bức trướng phúng đám tang hiện nay thường có dòng chữ “Bồng lai tiên cảnh”. Việc đốt theo các đồ tùy táng được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ cho thấy việc đốt vàng mã trước kia và tiền âm phủ hiện nay là biểu hiện của niềm tin vào ông bà vẫn đang sinh hoạt như trên trần thế.

Các tài liệu khảo cổ cho biết, tục chôn của cải theo người chết đã có từ văn hóa Sơn Vi. Trong các khu mộ táng người ta tìm thấy các công cụ lao động, vật liệu sinh hoạt mà đoán chừng đó là những thứ cung cấp cho người chết sử dụng ở thế giới bên kia. Như vậy theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng “sống” mới trong môi trường khác.

(Còn nữa)

TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh

[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest