google.com, pub-6277401358830299, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Gà gỗ gáy vào buổi tối

Kiến Thức, Tư Liệu

[ad_1]

NSGN – Phật đã bỏ loài người…(1)

Điệp khúc ấy lâu lâu lại thấy đâu đó trên những đoạn đường đi qua. Nó đến và đi như bao chuyện khác trong đời. Chuyện phiếm trong đời quá nhiều, đâu đáng bận tâm. Cho đến cái ngày, nó được thổi vào trong thơ của một ai đó như một bài “Thiền ca”…

Ta bà đau khổ si mê, rên rỉ, đổ thừa là chuyện thường tình. Thiền ca sáng ngần, nguồn tâm soi tỏ đường đi lối về. Phật đó muôn đời, có lên thiên đường hay xuống địa ngục thì Phật vẫn đó, có lìa đi đâu mà nói Phật bỏ. Chỉ tại chúng sinh vô minh, bất giác nhất thời, tham ái theo đó mà quên, quên đó rồi xa… nào phải Phật bỏ loài người. Vậy mà sở tri nổi lên: “Trong thế nhị nguyên, chưa biết Phật bỏ loài người hay loài người bỏ Phật. Chỉ có tham thiền mới hiểu được hết cái gọi Phật bỏ loài người mà Trịnh đã nói”. Mô Phật! Trịnh là nhạc sĩ, khuynh hướng Phật giáo tuy có, nhưng phải Thiền sư mô mà lấy làm mô phạm. Mê! 

Khi bạn nghe/ Gà gỗ gáy vào buổi tối
Bạn sẽ biết được quê hương/ Nơi sinh ra tâm trí bạn…

Tham thiền soi tột nguồn tâm, mới hay “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” không chút dấu vết, lấy gì để nói bỏ hay không bỏ. Trong thế nhị nguyên, duyên khởi là lý. Nói trái nói phải, đều theo duyên khởi mà biện. Duyên trâu thì nói con trâu, nói đó con bò người nói mình mê. Thánh nhân, cái “tưởng chấp trước” không còn, vẫn còn “thế lưu bố tưởng” là đó(2). Ngôn ngữ người đời nói như thế nào, Thánh nhân cứ theo thế ấy mà biện. Thuận hợp nhân quả đưa đến quả lành, không trái với lý pháp tánh thì nêu. Chỉ khác tập khí không còn, không gì ràng buộc, tâm liền vô trụ, trí tuệ soi tỏ ngọn nguồn. Đâu phải thấu tột nguồn tâm rồi trâu thành bò, bò lại thành nai, mọi thứ loạn xạ, chưa biết thứ nào là phải.

Thiền tông, nói mây, nói cuội, nói chuyện nghịch đời… chẳng qua đối duyên khai ngộ, để phá cho được cái dòng vọng tưởng tương tục của người, hy vọng ngay đó người nhận ra “chân”, để rồi cái “thật” hiển bày. Còn không thì thành công án cho người dồn tâm, phá đi cái dòng suy tưởng cứ theo thói thường chấp trước mà sinh liên miên. Nào phải ngộ rồi, tôn ti trật tự mất hết mà thành trong thế nhị nguyên, chưa biết ai đã bỏ ai. Nghĩ loạn, đời sống buông lung, giới luật bỏ phế, nhân quả thế gian coi thường, khổ càng thêm khổ. Pháp Hoa thường nói: “Pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường trụ”. Thiền ca không khác ca thiền, đều cùng một thể mà ra, nhưng thiền ca là thiền ca mà ca thiền là ca thiền. Ngộ!

Chang, là một trong các học trò của Ma-tsu(3). Ông là một cư sĩ thuần thành, ngày ngày hai lần lễ Phật tụng kinh, và thường xuyên viếng thăm Ma-tsu. Khi nào đến thăm thiền sư, ông cũng dẫn theo cô con gái nhỏ bên mình, Sul.

Sul còn mộ đạo hơn cả cha mình. Cô tham gia các buổi tụng kinh của cha, và thật hạnh phúc khi được đến thăm Ma-tsu. Cô luôn mong đợi điều đó.

Một lần, Ma-tsu nói vầy với Sul:

– Con là một cô gái tốt. Ta sẽ cho con một món quà. Đó là danh hiệu “Kwan Shi Yin Pusal” (Quán Thế Âm Bồ tát). Con hãy niệm liên tục danh hiệu ấy khi nào con có thể. Con sẽ tìm thấy hạnh phúc lớn lao cho mình.

Về nhà, Chang tặng thêm con gái nhỏ bức hình Kwan Shi Yin Pusal. Sul ngồi nhiều giờ trước bức hình và bắt đầu niệm danh hiệu Bồ tát. Niệm bất cứ khi nào cô có thể. Rồi dần dần, cô niệm được suốt ngày, khi ăn cơm, tắm rửa, giặt đồ, nấu ăn, chơi đùa và ngay cả khi ngủ. Cha mẹ Sul rất tự hào về cô. Nhưng từ lâu, bạn bè đã xem Sul như một nhỏ điên. Sul thì chẳng quan tâm, vẫn tiếp tục công việc tụng niệm của mình.

Nhiều năm trôi qua…

Một ngày, khi đang dùng thanh củi nhỏ để giặt đồ dưới sông, thình lình tiếng trống từ đền Ma-tsu vọng về. Và rồi… tiếng đập và tiếng trống quyện vào nhau. Sul cảm thấy dường như toàn bộ vũ trụ đang nhảy múa cùng với Kwan Shi Yin Pusal. Kwan Shi Yin Pusal là đất, là mây, là tiếng trống vọng về từ đền của Ma-tsu, là đống áo quần đang giặt dưới sông…(4) Sul trở về trong sự an lạc vô bờ và không bao giờ còn niệm danh hiệu Kwan Shi Yin Pusal nữa.

Suốt những ngày kế đó, sự thay đổi của Sul khiến cha mẹ phải chú ý. Thay vì ngoan ngoãn và yên lặng như thường lệ, Sul thường bật cười không có lý do. Cô trò chuyện rất lâu với những đám mây và cây cỏ. Cô chạy xuống dốc làng với tốc độ chóng mặt. Cha Sul cảm thấy lo lắng và quyết định theo dõi con gái qua lỗ khóa cửa, để xem cô làm gì khi ở một mình trong phòng.

Ông thấy bức tranh của Kwan Shi Yin Pusal vẫn ở trên tường. Dưới nữa là bàn thờ, nơi mà kinh Pháp Hoa vẫn được đặt đó cùng với hương hoa. Nhưng hôm nay, kinh Pháp Hoa không có. Phía góc nhà, Sul đang quay mặt vào tường và kinh Pháp Hoa thì đặt dưới… mông. Chang không thể tin vào mắt mình. Sau phút bàng hoàng, ông xông vào phòng và hét lớn:

– Con làm sao vậy hả Sul? Con điên rồi hả? Có biết kinh là vật thiêng liêng, sao lại ngồi lên trên đó?

Như không có gì xảy ra, Sul hỏi:

– Cha! Trong đó có gì thiêng liêng? 

– Đó là lời của Phật. Nó chứa đựng chân lý vĩ đại nhất của Phật giáo.

Sul hỏi lại:

– Chân lý có thể nằm trong ngôn từ sao?

Câu trả lời khiến Chang chưng hửng. Hình như những gì đang xảy ra với Sul đã vượt ngoài tầm hiểu biết của ông. Tức giận chuyển sang bối rối, ông hỏi lại con gái:

– Vậy con nghĩ sao về chân lý? 

– Nếu con cố giải thích về nó, cha sẽ không hiểu. Hãy đến gặp Ma-tsu và xem Đại sư nói gì.

Chang đến gặp Ma-tsu và kể lại toàn bộ câu chuyện. Kể xong, ông thỉnh cầu:

– Thưa thầy, xin cho con biết Sul có điên không?

Ma-tsu trả lời:

– Sul không điên, là ông điên.

– Vậy con phải làm gì bây giờ?

Ma-tsu mỉm cười, đưa cho Chang một bức thư pháp viết trên giấy gạo và dặn:

– Hãy đặt nó ở phòng Sul và coi xem việc gì xảy ra.

Chang trở nên bối rối hơn bao giờ hết. Ông đi bộ về nhà như kẻ mất hồn, không hiểu việc gì đang xảy ra, chỉ biết làm theo những gì Ma-tsu đã dạy.

Khi bạn nghe
Gà gỗ gáy vào buổi tối
Bạn sẽ biết được quê hương
Nơi sinh ra tâm trí bạn
Bên ngoài nhà của tôi
Trong vườn
Liễu màu đỏ và hoa màu xanh.

Khi Sul đọc được bức thư pháp, cô gật đầu và nói với chính mình: “Oh, một thiền sư là vậy”. Sau đó cô đặt kinh Pháp Hoa trở lại bàn thờ, chung quanh là hương và hoa.

Gà gỗ gáy vào buổi tối, chuyện thế nhân không nghe được. Liễu đỏ hoa xanh, người đời cũng không thấy vậy(5). Nhưng bạn đã nghe được gà gỗ gáy vào buổi tối. Điều đó không khác việc trong vườn tôi, liễu màu đỏ và hoa màu xanh. Đó là chỗ chúng ta gặp nhau, là bàn đạp để bạn nhận ra cội nguồn chân thật không biên tế của vạn pháp. Bạn sẽ biết được quê hương thật của mình, từ đó phát sinh sơn hà đại địa cùng với thế giới chúng sinh. Ở đó, không nói bỏ hay không bỏ, không có tốt cũng không có xấu, không một cũng không khác, không đến cũng không đi, không thánh cũng không phàm, không tôn quý cũng không hạ tiện. Kinh Pháp Hoa đặt trên bàn thờ không khác đặt dưới mông của Sul bé bỏng.

Ma-tsu đã ấn chứng. Sul không điên, chỉ là Sul đã vượt khỏi cái thế nhị nguyên thường tình mà người đời đang vin vào đó cho là chân lý, rồi sinh lầm lẫn. Ma-tsu đã ấn chứng. Không cần để kinh Pháp Hoa dưới mông nữa. Trong thế nhị nguyên, duyên khởi xoay vần, nhân quả rành rành, pháp thân vốn không sinh diệt, ứng duyên ở cõi Ta bà cũng sinh cũng diệt. Phật cũng sinh lão bệnh tử, trả quả như ai. Chỉ là người khổ mà Phật không khổ. Người theo nghiệp lực mà đi, Phật theo nguyện lực mà ứng. Chánh hay tà, bỏ hay không bỏ, nên hay không nên… trong thế nhị nguyên cần phải tỏ tường mà không chấp trước. Tùy duyên mà bất biến, sao cho thuận hợp với lý pháp thân vốn sẵn đầy đủ trong mình để còn thể nhập. Cho nên, kinh luận vài ngàn, giới luật mấy trăm, bởi tùy duyên mà đặt, cũng tùy duyên mà giữ, đâu thể loạn xà ngầu. Không phải “vô phân biệt” là sao cũng được, rồi rượu chè túy lúy, thuốc hút ngợp trời, tham dục không từ. Thiền sư, rượu có hủ chìm thì cuối đời vẫn kiết già phu tọa mà đi. Bởi uống không phải là tập. Rượu cùng nước bình đẳng. Cuối đời tự tại đương nhiên. Mình một đời chập chững, mọi thứ vẫn còn trong chữ nghĩa chưa thông, sao dám không nghiêm trì giới luật? Khuôn phép cần có để mà nương theo, mình an mà người cũng vui, cho đời dứt khổ.

Hoàng Bá, người đã chứng đến chỗ tột cùng, vẫn bền lòng tôn kính Đức Phật, hỏi Ngài cầu gì nơi Phật và tìm gì nơi đạo? Ngài trả lời “Không có Phật để cầu, không có đạo để tìm. Chỉ kính lễ thế thôi”(6). Pháp Hoa, thể đã thấu rồi, Pháp Hoa vẫn là Pháp Hoa. Cần sự tôn kính. Di ngôn của Phật, không có tâm tôn kính thì việc tụng đọc tu tập không thể hết lòng, đường về ngút ngàn càng thêm thăm thẳm. Cho nên, Sul đã đặt kinh trở lại bàn thờ với hương và hoa như vẫn thường làm. Thể không, ứng duyên mà thành sự. Sự thành rồi, sự lý phải tương dung, sự sự mới viên dung. 

Sul không còn niệm danh Bồ tát, nhưng vẫn tiếp tục công phu thiền định chăm chỉ. Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ(7).

Một ngày, Sul đến gặp Ma-tsu tại chùa của Ngài. Đúng vào lúc Thiền sư Ho Am cũng đến viếng thăm. Sul được mời cùng uống trà. Khi Sul rót trà vào tách mình, Thiền sư Ho Am hỏi Ma-tsu:

– Nghe nói cô gái nhỏ này công phu rất chăm chi.

Ma-tsu cười và trả lời:

– Ah, không có gì!

Ho Am quay sang Sul và nói:

– Ta sẽ kiểm nghiệm con.

Sul đồng ý và ông hỏi:

– Kinh nói “Núi Tu Di chứa trong hạt cải”, một người nào đó đã đến và phá tan núi đá thành những mảnh vụn. Điều đó có nghĩa là gì?

Sul nhấc tách trà và ném thẳng vào tường.

Ma-tsu vỗ tay cười lớn:

– Rất tốt! Rất tốt! Giờ đến ta kiểm tra con.

Sul gật đầu đồng ý.

– Trong Phật giáo, từ nghiệp được dùng rất nhiều. Con có nghiệp Phật giáo rất tốt. Ta hỏi con nghiệp là gì?

– Thứ lỗi cho con Đại sư! Ngài có thể giải thích lại câu hỏi một lần nữa không?

– Trong Tam thừa của Phật giáo, khái niệm nghiệp có thể được hiểu theo cách này hay cách khác. Ta muốn hỏi con, với con, nghĩa đích thực của nghiệp là gì?

Sul nói cám ơn rồi im lặng.

Ma-tsu cười lớn:

– Một cú lừa rất tuyệt! Con đã hiểu về nghiệp.

Ta nói nhiều về nghiệp. Giải thích rất hay về nghiệp. Đó là một chi trong Tứ thánh đế khiến đưa đến quả khổ cho con người. Nghiệp là thói quen. Nghiệp là sự tích tụ… Chỉ một chữ nghiệp, ứng duyên mà thấy có sai khác, nhưng không sai khác về nghĩa. Tùy duyên mà bất biến. Vô vàn hiện tướng để nói về nghiệp, nhưng bản chất thật của nghiệp thì ít ai biết. Nếu có biết, cũng nhờ thông qua kinh luận, ít do trải nghiệm.

Ma-tsu muốn biết, với cái tâm của Sul, Sul đã chứng nghiệm thế nào về bản chất của nghiệp. Nghiệp là Bồ tát, là mây, là gió… như những gì Sul từng chứng nghiệm trước đây? Nếu Sul lặp lại như thế, Ma-tsu đã chẳng cười mà nói với Sul “con đã hiểu về nghiệp”.   

Bản chất của nghiệp, bạn nói gì về nó? Tôi nói gì về nó? Những gì chúng ta nói được chỉ là những tướng theo duyên. Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Kinh Kim Cang nói: “Những gì có tướng đều là hư vọng”. Kinh nói hư vọng, mình lặp lại hư vọng để biết mà tu không lầm. Khi mình khổ quá, mình quán hư vọng để khổ vơi đi. Cái gọi chiêm nghiệm thật sự hư vọng, chỉ khi sống được với chân, hư vọng mới thật hiển bày. Điều đó tương tự, nói chân nói vọng không phải mình đã thật sống như chân, như vọng. Ngôn từ lý thuyết chưa hẳn đã là kinh nghiệm, mặc dù kinh nghiệm đưa đến ngôn từ lý thuyết. Cần những trải nghiệm thật sự trong mình. Người xưa vẫn nói “nóng lạnh tự biết”.

Bạn muốn biết nghĩa đích thực của nghiệp? Cần phải tự mình thắp đuốc mà đi. Không ai có thể giải thích thay bạn, ngoại trừ chính bạn. Thứ tôi có thể giải thích cho bạn, chỉ là hình tướng hư vọng của nghiệp, chưa phải là bản chất thật của nghiệp. 

Sul đã chứng nghiệm được bản chất thật của nghiệp. Sul không còn bị nghiệp lừa như chúng sinh. Cô có thể bước vào thế giới hình tướng mà không bị huyễn tướng chinh phục hay làm lầm.

Khi Sul trưởng thành, cô luôn giữ tâm mình ở trạng thái rỗng lặng. Bên ngoài, Sul sống như người bình thường. Bên trong, tâm của Sul là tâm của một vị Bồ tát.

Cô lấy chồng và có một đại gia đình hạnh phúc. Tất cả đều là những Phật tử mộ đạo. Nhiều người đã đến với Sul để được giúp đỡ và nhận sự chỉ dạy. Cô được biết đến như một thiền sư.

Khi tuổi về chiều, đứa cháu gọi Sul bằng bà qua đời. Sul đã khóc như mưa suốt buổi tang lễ và trên đường về. Khách đến chia buồn, cảm thấy rất sốc về cử chỉ đó. Mọi người bắt đầu xì xào. Một người đã đến và hỏi:

– Bà đã đạt được sự giác ngộ không phải nhỏ để thừa hiểu “không có sống cũng không có chết”, vì sao còn khóc? Sao đứa cháu nhỏ lại làm chướng ngại sự rỗng rang của bà như thế?

Sul lập tức ngừng khóc và nói:

– Ông có hiểu được nước mắt của tôi quan trọng thế nào không? Nó hơn hẳn tất cả kinh điển, tất cả lời của chư Tổ cũng như tất cả nghi lễ.(8) Khi cháu nghe tôi khóc, nó sẽ vào Niết bàn.

Nói rồi, Sul quay lại hỏi đám đông:

– Các vị có hiểu được điều đó?

Đương nhiên, không ai có thể hiểu được những gì Sul đã làm và đã nói, ngoại trừ Ma-tsu và những người có cùng tâm thức với bà. Nó trở thành công án cho kẻ hậu sinh. 

Còn bạn, bạn có hiểu không?
Ta bắt đầu
Niệm Phật và tham thiền
Ngay từ mùa xuân này
Thật miên mật và miên mật
Để nghe được
Tiếng gà gỗ gáy vào buổi tối
Như tiếng vỗ một bàn tay
Sẽ hiểu được những gì Sul làm
Và hơn hết
Được hạnh phúc lớn lao mà Ma-tsu đã dạy

Hãy bắt đầu từ mùa xuân này, bạn nhé! 

Chân Hiền Tâm



[ad_2]

Source link

Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.
Philanthropist list
Danh sách ủng hộ 4 & 5/2023
Anh Nhân *** tk thẻ 200.000 VNĐ Chị Loan *** tk momo 150.000 VNĐ Chú Khoa *** tk thẻ 300.000 VNĐ Thầy *** Huệ Paypal 25 USD Alex *** Paypal 20 USD *** Trân trọng tấm lòng của Quý vị! We appreciate your kindness and generosity.

Pin It on Pinterest