[ad_1]
NSGN – Trong một bài kinh, Đức Phật dạy:
Ở đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Hiền giả Tỷ-kheo.
– Thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
Này các Hiền giả, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
Ở đây, này các Hiền giả, có người khẩu hành không thanh tịnh, thân hành thanh tịnh, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, nhưng thỉnh thoảng tâm được mở rộng, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh, và thỉnh thoảng không được tâm rộng mở, không được tâm tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải trừ khử.
Ở đây, này các Hiền giả, có người thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, và thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín, trong người như vậy, này các Hiền giả, hiềm hận cần phải được trừ khử.
(Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm XVII, kinh số 162: Trừ khử hiềm hận (Aghatavinaya sutta); Kinh tương đương trong tạng A-hàm: Trung A-hàm, kinh thứ 25: Kinh Thủy dụ)
Tiếp đó, Đức Phật giải thích thêm và đưa ra các ví dụ minh họa cho từng trường hợp thật ấn tượng và sinh động như sau:
Người với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành thanh tịnh. Ví như có một vị tu hạnh đầu đà thấy một miếng vải còn lành lặn nằm trong đống rác bẩn, bị lấm dơ, vị ấy liền nhặt miếng vải xếp lại, cất lấy, đem về nhà để giặt sạch và may chung với các mảnh vải khác làm y phấn tảo.Cũng như thế, khi có một người mà hành động không dễ thương nhưng lời nói còn dễ thương thì Đức Phật khuyên ta đừng bận tâm nghĩ tới hành động của người ấy mà chỉ nên chú ý tới lời nói dễ thương của người ấy để có thể thương được họ mà không sanh tâm phiền giận.
Người với khẩu hành không thanh tịnh, với thân hành thanh tịnh. Ví như một hồ nước đầy bùn và cây lau. Rồi một người đi đến bị nóng bức, mệt mỏi, khát nướcvà muốn uống nước. Người ấy cần lấy hai tay gạt ra ngoài bùn và lá cây để có thể lấy nước uống. Cũng như thế, khi có một người mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì ta đừng để tâm nghĩ tới lời nói của người ấy mà chỉ nên chú ý tới hành động dễ thương của người ấy thôi để có thể thương được họ mà không sanh tâm phiền giận.
Người với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, thỉnh thoảng tâm được rộng mở, tâm được tịnh tín. Ví như ít nước còn đọng lại trong dấu chân của con bò. Rồi một người đến, bị nóng bức, mệt mỏi, khát nước, muốn uống nước. Người ấy không thể lấy tay hay với cái chén mà có thể uống được nước trong trường hợp này, mà chỉ có thể quỳ sụp mình xuống, tay và đầu gối áp sát đất, dùng miệng mà uống nước trực tiếp mới không làm nước ấy bị khuấy động và dậy bùn. Khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương và lời nói cũng không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút ít sự dễ thương, thì ta hãy đừng nên để tâm nghĩ tới hành động và lời nói không dễ thương của người ấy mà hãy nên chú ý tới cái chút ít sự dễ thương còn đọng lại trong tâm người ấy thôi, hiếm hoi như chút nước đọng trong dấu chân bò, để có thể thương được họ mà không sanh tâm phiền giận.
Người với thân hành không thanh tịnh, với khẩu hành không thanh tịnh, và thỉnh thoảng tâm không được rộng mở và tịnh tín.Ta nghĩ họ như có một kẻ đi xa, trên con đường dài, nửa đường bị bệnh. Khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn đồng hành, thôn xóm phía sau đã lìa bỏ lâu rồi mà thôn xóm phía trước cũng còn cách đó rất xa. Người đó đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, biết mình sẽ chết ở dọc đường nếu không có người giúp. Trong lúc ấy, có một người khác đi tới, thấy được tình trạng này, liền ra tay cứu giúp. Người ấy dìu người kia tới được thôn ấp phía trước, chăm sóc, chữa trị và chu cấp thuốc thang và thực phẩm. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà người kia thoát nạn. Sở dĩ người kia thoát nạn, đó là nhờ ở lòng thương xót và lân mẫn của người này.
Cũng như thế, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không có một chút gì có thể gọi là dễ thương hết, thì ta phải phát khởi tâm niệm này: “Một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà tâm ý cũng không dễ thương là một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc.” Nghĩ như thế, ta mở được lòng thương xót và lân mẫn họ mà không sanh tâm phiền giận.
Người với thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, lại thỉnh thoảng tâm được rộng mở và tịnh tín. Ví như, một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt đẹp đẽ và được nhiều loại cây che bóng. Rồi một người đi đến bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, khát nước, muốn uống nước. Người ấy sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, bước ra khỏi hồ, liền qua ngồi hay nằm dưới bóng cây. Cũng vậy, khi thấy một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương thì ta hãy nên nhận diện tất cả những cái dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. Nếu không biết sống hạnh phúc với một người tươi mát như thế thì mình thực không phải là một người có trí tuệ.
Trong tất cả năm trường hợp giao tiếp với người, Đức Phật dạy chúng ta đều khởi tâm từ đối với tất cả các hạng người mình gặp mà không sanh tâm phiền giận. Điều này nhắc chúng ta nhận thức tình huống theo hướng tích cực và hướng thượng, điều cần thiết để tâm từ bảo hộ mình khỏi các nghiệp xấu. Việc thực hành pháp đem lại lợi ích thiết thực cho cá nhân mỗi người, và cuộc sống trở nên ý nghĩa và lợi ích nhiều hơn nếu chúng ta tự đặt mình vào quỹ đạo sống thấm nhuần giáo pháp mà không đi chệch hướng dưới bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài. Vì lẽ đó, không nên vì sự chưa thanh tịnh về thân, miệng, ý của người khác mà chúng ta mất đi phần lợi lạc trong quá trình tu tập.
Nội dung bài kinh này khuyến khích chúng ta cách nuôi dưỡng tâm từ, một yếu tố quan trọng trên lộ trình tu tập, không lệ thuộc vào thái độ và hành vi của người khác. Như lời ngài Dalai Lama dạy rằng “đừng để hành vi của người khác phá hủy sự an lạc trong tâm bạn” hoàn toàn phù hợp với lời Phật dạy ở bài kinh này.
Trở lại nội dung bài kinh, với hai trường hợp đầu, Đức Phật dạy chúng ta nên chú ý đến điểm tốt của người khác mà quên đi những vụng về của người ấy để có thể khởi tâm từ với họ dễ dàng hơn. Trong cuộc sống, thường chúng ta hay thấy lỗi người mà quên đi những điểm sáng nơi người ấy. Với cách nhìn này, chúng ta khó có được an lạc trong tâm và không thể hoan hỷ với những người xung quanh. Do đó, ta nên chọn cách nhìn con người và vạn vật xung quanh ở phương diện tích cực hơn để có được sự an lạc nội tâm và thái độ sống tích cực với mọi người. Đức Phật dạy rất cụ thể ở bài kinh trên rằng, nếu người nào dễ thương về lời nói, nhưng có hành động chưa dễ thương, thì khi tiếp xúc với họ, ta chỉ chú tâm đến lời nói dễ thương và quên đi những hành động chưa dễ thương ấy.
Ngược lại, nếu người nào có hành động dễ thương mà lời nói chưa được dễ thương thì khi tiếp xúc với họ, chúng ta nên để tâm vào hành động dễ thương mà quên đi những lời nói vụng về ấy, chắc chắn chúng ta sẽ an lạc và lòng ngập tràn yêu thương với mọi đối tượng quanh mình. Đây là nghệ thuật sống để mình được an lạc: không vì hành vi của người ngoài mà làm tổn thương đến tâm thiện của mình, tự gây trở ngại trong cuộc sống và trên con đường thực hành pháp.
Với trường hợp thứ ba, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương và lời nói cũng không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút ít sự dễ thương, thì ta hãy đừng nên để tâm nghĩ tới hành động và lời nói không dễ thương của người ấy mà hãy nhìn sâu vào cái chút ít sự dễ thương ít ỏi, hiếm hoi có được trong tâm người ấy thôi để có thể thương được họ mà không sanh tâm phiền giận. Đến đây, chúng ta càng hiểu hơn chủ ý của Đức Phật khi khuyên chúng ta chọn góc nhìn nào đẹp, tích cực và nhất là hỗ trợ tâm thiện lành, nuôi dưỡng tâm lành của mình phát triển thì ta nên chọn, đừng bận tâm vào đúng sai hay dở của người ngoài. Đừng để những yếu tố bên ngoài chi phối sự thực hành pháp của bản thân mà mất đi phần lợi ích. Điều này không phải dễ làm chút nào, ngay cả việc hiểu và chấp nhận điều tưởng chừng đơn giản này cũng cần một thời gian nhất định để trải nghiệm và thẩm thấu.
Đức Phật đưa ra ví dụ mang tính hình ảnh hơn trong trường hợp này. Trong nhiều cái chưa dễ thương, ta còn thấy được chút ít dễ thương trong tâm người ấy, ví như người đi giữa sa mạc nắng cháy đang rất khát nước tìm được chút ít nước trong lỗ chân bò. Chúng ta làm gì bây giờ? Chúng ta không thể dùng tay vốc nước vì làm như vậy bùn đất sẽ khuấy động làm cáu bẩn nước; mà nước dậy cáu bẩn rồi thì không sử dụng được. Do đó, chúng ta cần quỳ thấp xuống, rất cẩn thận để có thể uống được chút ít nước hiếm hoi đó. Hãy chú ý đến tư thế của mình trong hình ảnh này. Dường như ta làm mất đi giá trị của mình khi mọp người xuống, kề miệng mình dưới đất như thế, nhưng nên nhớ rằng, chúng ta đang khát run. Chúng ta cần nước.
Tương tự như vậy, nếu chúng ta thấy người nào đó dùng lời nói hay hành động thô ác đối với mình, thì người ấy cũng có những giây phút chân thật và tốt bụng. Nếu chỉ chú ý đến những điểm xấu của người khác, chúng ta sẽ cảm thấy ngột ngạt, bức bách, căng thẳng, cay đắng hơn khi nhìn về loài người và thấy không nhất thiết phải đối xử tốt với họ. Thế nhưng nếu chúng ta có thể nhận thấy những điều tốt đẹp ở người khác, dù chút ít, chúng ta dễ dàng đối xử tốt với họ hơn và lòng ta thanh thản hơn nhiều. Những điểm tốt hiếm hoi của họ giống như chút ít nước tưới tẩm tâm mình. Chúng ta cần phải cẩn trọng, mọp người xuống mới có thể chạm đến chút ít thiện lành nơi tâm người ấy. Làm như vậy, ta biết trân quý những điểm tốt của người để nuôi dưỡng tâm từ trong ta ngay trong hiện tại và tương lai.
Với trường hợp thứ tư, giả như người ta tiếp cận không có phẩm chất gì tốt đẹp về hành động, lời nói và tâm ý, Đức Phật đề nghị một hướng suy nghĩ khác, nghĩ về người ấy như là một người xa lạ đang bệnh mà chúng ta tình cờ gặp bên đường, không có người giúp đỡ, chỉ có ta và người ấy trên chặng đường vắng vẻ ấy. Nếu chúng ta không giúp họ, ai sẽ là người giúp đây? Chúng ta cần trải tâm bi mẫn đến người ấy và làm tất cả những gì có thể, tạo các nghiệp thiện về thân, về lời nói và về ý nghĩ, để giúp người ấy được an toàn và quan trọng hơn, để tâm từ của ta không bị tổn thương, lại còn có cơ hội phát triển. Không cần quan tâm đến đối tượng chúng ta giúp đỡ là ai, có tốt hay không, có xứng đáng nhận sự quan tâm giúp đỡ của mình hay không, cứ mở lòng vô điều kiện. Ta đối với những người này như thể đang làm từ thiện, cốt yếu là cơ hội để nuôi dưỡng tâm lành của chính mình. Ai chưa tốt, người ấy sẽ chịu trách nhiệm nhân quả. Ai sống tốt, sẽ có quà từ cuộc sống này! Đừng bao giờ nghĩ có một số người “đáng” nhận sự tử tế của mình, còn số khác thì không. Biết thế nào là “đáng” hay “không đáng”? Họ đang khổ, cũng như chúng ta đang khổ, không ở phương diện này thì ở phương diện khác. Người mà cả hành động, lời nói và tâm ý đều không dễ thương là người đang tạo nghiệp không lành để rồi phải đi vào các cảnh giới khổ đau, là người rất đáng thương.
Do vậy, nếu vẫn chưa thoát ra khỏi suy nghĩ lối mòn rằng “đáng” hay “không đáng” nhận tấm lòng tử tế từ mình, ta vẫn có lý do chính đáng để nghĩ rằng, hơn ai hết, họ “đáng” nhận sự giúp đỡ của người khác. Cũng rất có thể đến một thời điểm nào đó, nhân duyên chín muồi, sự bao dung và tử tế của chúng ta có tác dụng như một cú hích vào tâm thức, giúp người ấy biết thay đổi nhận thức, thay đổi thái độ sống, thay đổi hành vi cho nỗi khổ niềm đau vơi đi thì đáng quý biết dường nào.
Trường hợp cuối cùng, Đức Phật đưa ra hình ảnh một cái nước thật đẹp, nước hồ đã trong veo lại ngọt ngào, mát mẻ, đáy hồ sâu mà bằng phẳng, bờ hồ đầy đặn, cỏ xanh mọc sát quanh hồ, bốn phía cây cối xanh tươi cho nhiều bóng mát. Nếu ta gặp một hồ nước với cảnh trí nên thơ như vậy, việc cần thiết là thưởng thức tất cả những gì có thể từ hồ nước và phong cảnh này đem lại. Cũng vậy, khi thấy một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm tánh cũng dễ thương thì ta hãy nên nhận diện tất cả những cái dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. Người như vậy mà ta không thương được, chắc hẳn tình thương trong ta đã chết tự bao giờ! Điều ngăn cách ta với người dễ thương trọn vẹn ở cả ba phương diện lời nói, hành động và tâm tánh chính là lòng đố kỵ, ganh ghét chứ không có gì khác. Nếu ta mang trong người “độc tố” này, ta tự đóng cửa cách ly mình với thế giới sinh động này và chẳng học hỏi được gì để cuộc đời ý nghĩa hơn. Khi thấy người khác tốt hơn, hoàn thiện hơn, nếu với tâm ganh ghét rồi sanh bực tức, hiềm hận thì tâm ta hư lại càng hư hơn khi tự xây bức tường thành ngăn cách ta với cái tốt, cái đẹp của người khác. Ngược lại, với một thái độ cởi mở, sẵn lòng học hỏi, ta trân trọng những cái tốt đẹp hơn nơi người khác và lấy đó làm gương để học hỏi thì đó là tinh thần đúng của người học và thực hành Chánh pháp, biết mở lối cho pháp lành tăng trưởng.
Đức Phật dạy, với tất cả các hạng người ở đời, nếu tiếp cận với thái độ tích cực, chúng ta đều có thể trải tâm từ đến tất cả, dù người ấy còn nhiều vụng về, chưa dễ thương về hành động, lời nói hay tâm ý, ta vẫn có thể thương được. Bằng cách này, ta có thể diệt trừ được những hiềm hận trong tâm, nuôi lớn tâm từ của mình trên con đường tu tập, đóng góp tích cực vào quy trình vận hành nhân quả của cá nhân mình. Không những thế, chúng ta còn góp phần cảm hóa người khác với cách sống đầy lòng yêu thương và thông cảm của mình, góp phần kiến tạo cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn trong mối quan hệ tương duyên nhau trùng trùng này.
Qua bài kinh này, chúng ta cần nhận rõ thâm ý của Đức Phật khuyến khích mỗi cá nhân tự nỗ lực hành trì tâm linh. Trên suốt cuộc hành trình, ta phải tự lực làm lấy phần việc của mình: tự chế tác hạnh phúc an lạc, hạnh phúc của bình an, tự tại vô ngại. Đây là mục tiêu duy nhất của mỗi người, không ai có thể làm thay mình. Khi nhận ra điều này, tất cả hoàn cảnh, môi trường, con người bên ngoài chỉ là duyên để chúng ta thực hiện công việc đời mình. Nếu hoàn cảnh thuận lợi cùng hướng ta đi, ta nhận được trợ lực để sự thực hành của mình hiệu quả hơn trong việc nuôi dưỡng các tâm lành. Nếu hoàn cảnh có vẻ không cùng ta trên “xa lộ một chiều”, đừng vội nản lòng mà chúng ta nên xem đây là duyên để ta trau luyện tâm kiên nhẫn, ý chí, nghị lực, bao dung và buông xả. Đây là dịp để nâng cao “chỉ số vượt khó” của mình mà thôi. Trên đường đi không có chướng ngại, chỉ có thử thách và rèn luyện. Những tích cách được trui rèn trong thử thách khó khăn rất đáng quý và có thể hỗ trợ thiết thực trong cuộc sống ở mọi lúc, mọi nơi. Trên biển động, vững tay chèo mới là tay lái thiện nghệ đáng trân trọng, còn trên biển lặng, ai cũng có thể làm hoa tiêu được cả.
Nếu phải đi trong trời mưa, đừng điên tiết nguyền rủa đất trời, đừng bực bội căng thẳng tạo áp lực vô lý. Dù có làm gì, trời vẫn cứ “vô tình” mưa mà không “bận tâm” đến cảm giác của bạn. Điều cần thiết lúc này là tự sắm cho mình một phương tiện đi mưa để tự tại, thong thả không phụ thuộc vào những yếu tố khách quan bên ngoài. Nếu ai cũng ý thức dọn tuyết trước cửa nhà mình mà không phải bận tâm với những móc sương trên nóc nhà người như lời chư Tổ đã dạy “các nhân tự tảo môn tiền tuyết; mạc quản tha môn ốc thượng sương” thì không gì có thể làm vướng gót trên trường dài ngàn dặm. Với tâm thế này, ta thấy khắp đất trời, ai cũng dễ thương và cuộc sống này thật đáng yêu, đáng sống biết dường nào!
[ad_2]
Source link