[ad_1]
GN – Nếu tu học mà không thấy tự ngã mình ngày càng lớn để diệt trừ, thấy mình cao người thấp rồi thiếu kính trọng, chỉ thấy võ cây mà không thấy được lõi cây… thì dẫu có làm ông to bà lớn cũng chỉ đứng ngoài cửa đạo mà thôi.
“Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo nên thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh. Nếu Tỳ-kheo nào không thực hành hạnh cung kính, không khéo quán sát, không kính trọng các bậc phạm hạnh, mà pháp oai nghi đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Pháp oai nghi không đầy đủ mà học pháp đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Học pháp không đầy đủ mà giới thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giới thân không đầy đủ mà định thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Định thân không đầy đủ mà tuệ thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Tuệ thân không đầy đủ mà giải thoát thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát thân không đầy đủ mà giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó không thể xảy ra. Giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà Niết-bàn đầy đủ, điều đó không thể xảy ra.
– Nếu Tỳ-kheo nào thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh nên pháp oai nghi đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Pháp oai nghi đầy đủ nên học pháp đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Học pháp đầy đủ nên giới thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giới thân đầy đủ nên định thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Định thân đầy đủ nên tuệ thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Tuệ thân đầy đủ nên giải thoát thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát thân đầy đủ nên giải thoát tri kiến thân đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra. Giải thoát tri kiến thân đầy đủ nên Niết-bàn đầy đủ, điều đó chắc chắn xảy ra.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Cung kính [I], số 49)
Bậc phạm hạnh là người tu theo Chánh pháp, có giới hạnh, đầy đủ luật nghi, khiêm cung, hòa đồng, hoan hỷ. Trong cộng đồng người tu, khá nhiều người là bậc phạm hạnh đích thực nhưng hình thức bên ngoài rất bình thường, giản dị, đôi khi còn quê mùa, dân dã. Người nông cạn hời hợt hoặc quá xem trọng danh xưng và sắc tướng thường không nhận ra, thậm chí xem thường những bậc chân tu khả kính này.
Pháp thoại này Thế Tôn đã răn nhắc, nếu trên đường tu mà không thực hành hạnh cung kính và chẳng khéo quán sát, không kính trọng các bậc phạm hạnh thì pháp oai nghi không đầy đủ. Khi oai nghi không đầy đủ thì học pháp, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, Niết-bàn không thể xảy ra. Ngược lại, nếu người tu thực hành hạnh cung kính và khéo quán sát, kính trọng các bậc phạm hạnh thì pháp oai nghi đầy đủ. Khi oai nghi đầy đủ thì học pháp, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, Niết-bàn chắc chắn xảy ra.
Thánh cách hay nhân cách đích thực của người tu là Giới – Định – Tuệ. Phẩm vị của người tu tùy thuộc vào sự thành tựu ít phần, nhiều phần hay viên mãn Giới-Định-Tuệ chứ không phải do giáo phẩm, chức vụ, địa vị trong đạo hay ngoài đời. Nếu không xác định đúng về giá trị của người tu sẽ đưa đến nhận thức sai lầm, hành xử thiếu tôn kính đối với những bậc đáng kính. Đức Phật đã khuyến cáo những ai không cung kính các bậc phạm hạnh thì khó tiến tu trên đường đạo.
Vì vậy, muốn tiến tu cần phải nhận thức đúng giá trị cốt lõi của người tu để kính trọng. Mặt khác, cần khéo quán sát để tùy thuận, phục tùng, khiêm hạ và cung kính với tất cả mọi người dù mình ở bất cứ vị trí nào. Nếu tu học mà không thấy tự ngã mình ngày càng lớn để diệt trừ, thấy mình cao người thấp rồi thiếu kính trọng, chỉ thấy võ cây mà không thấy được lõi cây… thì dẫu có làm ông to bà lớn cũng chỉ đứng ngoài cửa đạo mà thôi.
[ad_2]
Source link