[ad_1]
NSGN – Thân và tâm là một hay không phải là một? Với câu hỏi này nhiều người sẽ trả lời rằng dĩ nhiên không phải là một. Họ đáp như thế vì họ nghĩ họ khác với tất cả, rằng mỗi người được khẳng định bằng một cái tôi, bằng một bản ngã…
Vậy muôn loài vạn vật khắp trong không gian là một hay là mấy? Thì cùng trong một bầu vũ trụ đấy, nhưng muôn hình vạn trạng, mà chỉ một tâm chơn như chứ làm sao có hai.
Hồi còn học ở Vĩnh Nghiêm, làm thư ký lớp trung cấp, một lần mang sổ đầu bài lên cho Hòa thượng Hiệu trưởng phê vào, tôi đã tranh thủ hỏi Hòa thượng một vấn đề quan trọng:
– Bạch Hòa thượng, cả vũ trụ có mấy cái A-lại-da?
Tôi hỏi điều đó vì người xưa dạy rằng A-lại-da là Nhất thiết chủng, là Tất cả hạt giống. Vậy nếu có hai A-lại-da thì mỗi cái sẽ là “Tất cả trừ một” chứ không còn là tất cả. Nếu có vô số A-lại-da thì mỗi cái sẽ là “Tất cả trừ vô số” hạt giống.
Khi đó Hòa thượng khom đầu xuống gần tai tôi nói nhỏ: “Thật ra nó chính là Phật tánh đó”. Hòa thượng không nói có mấy cái, nên tôi hiểu rằng cái duy nhất đâu có tính, đếm làm chi, nói là “một” cũng thừa.
Trở về điều đang tìm hiểu, khi thân bị bệnh thì ta sẽ trị cho thân hay trị tâm? Đây là câu hỏi làm sáng tỏ vấn đề thân và tâm là một hay là mấy. Với câu hỏi này, ai cũng nói là hễ thân bị bệnh thì trị cho thân chứ sao. Nhưng thân là quả báo của tâm, vì tâm có những độc tố tham, sân, si nên làm hại thân. Điều này ai cũng thừa nhận, ai cũng cho rằng nhân quả đó là đúng. Tuy vậy, mọi người vẫn bảo là khi thân bị bệnh thì phải đi thăm bác sĩ thôi.
Trong khi chưa bàn xong nghi vấn này, ta lại đặt thêm một nghi vấn nữa: Khi thân bị bệnh, ta có thể dùng Phật pháp để chữa bệnh chứ? Quả thật dùng năng lực của tâm linh để chữa bệnh là điều ai cũng từng nghe nói. Nhưng có nhiều Tăng, Ni vẫn cho rằng Phật pháp chỉ để trị tâm bệnh mà thôi, ngay Đức Phật Thích Ca khi có bệnh vẫn phải mời y sĩ Kỳ-bà đến chữa, và dùng tâm linh chữa bệnh cho thân là trò mê tín… Tuy nhiên, kinh Duy Ma Cật cũng có nói đến lần thị giả A Nan đi xin sữa để chữa bệnh cho Phật. Bấy giờ ngài cư sĩ xuất hiện, hỏi thăm thầy A Nan đi đâu sớm thế. A Nan nói việc mình đang làm, cư sĩ Duy Ma Cật liền trách thầy: “Thôi, thôi, A Nan, thầy đừng nói thế kẻo ngoại đạo chê cười. Đức Phật không hề có bệnh bao giờ, thầy đừng phỉ báng Phật…”.
Đến đây ta lại đặt thêm một nghi vấn thứ ba: Thật ra thân bệnh là một hình thức của tâm bệnh chứ gì? Vì quả là ảnh hiện của nhân, thân là hình ảnh của tâm, tướng tùng tâm sanh và tướng tùng tâm diệt. Quả là ngọn mà nhân là gốc. Nền y học của thế gian lo chữa cái ngọn của bệnh, còn Phật pháp chuyên trị cái gốc của bệnh. Vậy ở đây ta sẽ hiểu câu “Phật pháp trị tâm bệnh” là “Phật pháp chuyên trị cái lõi của bệnh”. Chữ tâm được hiểu là cái lõi, cái cốt…
Quả thật mỗi khi đi thăm bác sĩ, ta có kinh nghiệm thế này: Các vị ấy sẽ hỏi ta đau chỗ nào, đau cái gì? Ta đáp, họ ghi vào sổ: đau cái đó, bệnh đó… Tức là theo triệu chứng mà chữa trị, hễ lành mạnh lại thì gọi là dứt được bệnh. Nhưng sau đó nọc bệnh là tham, sân, si lại phát thành bệnh ở một dạng khác, thế là ta lại đi thăm bác sĩ! Như vậy đâu có dứt được bệnh?
Mê tín thuộc về thái độ, chứ không phải là một lĩnh vực. Khi nói đến mê tín người ta thường nghĩ ngay đến mấy chuyện tâm linh, như thế là ngộ nhận rồi. Ví dụ có nhà toán học rất giỏi, nhưng có thể anh ta bị mê tín chính cái toán học của mình. Tương truyền khi phát minh ra luật đòn bẩy, Ác-si-mét cao hứng nói: “Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng bổng quả đất!”. Lời nói cao hứng chẳng kể gì, nhưng nếu tin vào điều đó thì cũng là mê tín vậy, bởi tìm đâu ra cái đòn bẩy đủ dài và đủ chắc để sức của một người đàn ông bẩy được quả đất lên? Tìm được đòn bẩy đó thì cuộc đời một người đàn ông có đủ để đi đến đầu kia của đòn bẩy không? Lại làm thế nào cài được đòn đó lên điểm tựa, với sức của một người? Hoặc có người bảo “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một Thiền sư, mà cả đời ông ta không thôi trăn trở về tình yêu và thân phận con người”, thì nào phải là một mẫu người Quán Tự Tại như tư tưởng Bát-nhã đã mô tả. Các Thiền sư đều biết rõ thân phận con người là con số 0, nên chẳng bận lòng trăn trở vì nó làm gì…
Thái độ mê tín bắt đầu từ sự ngộ nhận, nếu hiểu biết thì không mê, không lầm. Còn lĩnh vực tâm linh huyền bí thật ngoài khả năng hiểu biết của người thường, nên đầu tiên phải theo cửa “Tín” mà vào. Theo cửa đó, tuy chưa có hiểu biết cụ thể của riêng mình, nhưng vẫn có hiểu biết theo lời dạy của những bậc thầy đi trước, thì không phải là mê tín.
Mà nói Phật pháp chỉ có tâm linh thôi là phiến diện. Phật pháp có đạo đức, văn hóa, triết học, tâm linh, khoa học, nghệ thuật… Đạo đức – tâm linh – triết học là giới – định – huệ; Vu lan là đạo đức gia đình và xã hội, báo hiếu là một văn hóa rất đẹp; thuyết về vũ trụ quan của nhà Phật là khoa học; kỹ thuật thiền định là khoa học; điêu khắc, hội họa, thư pháp, uống trà… của nhà Phật là nghệ thuật vậy.
Thân và tâm là một vì quả và nhân là một. Bởi đang hiển thị nên có những biểu hiện này kia, khi trở về vô tướng thì siêu việt số lượng. Chữa bệnh ta sẽ chữa cả ngọn và gốc, ta đến bác sĩ cũng là Phật pháp, mà ta sám hối tội chướng và xả cái chấp bệnh cũng là Phật pháp. Nói chung là mọi việc hài hòa không có gì trở ngại. A Nan cứ đi xin sữa, nhưng không phải chỉ dùng sữa mà hết được cái nghiệp bệnh…
[ad_2]