[ad_1]
Phương pháp này đòi hỏi người thực tập phải nhận thức được nhu cầu của người cần giúp đỡ, sau đó với mong muốn chân thành và từ bi để giúp người ta hoặc để làm dịu bớt nỗi khổ đau của họ bằng cách che chắn, bảo vệ họ khỏi những hành vi tiêu cực của chính bản thân họ.
Để tạo nên lòng từ bi, thỉnh thoảng người thực tập thiền đòi hỏi phải cảm nhận những gì mà người khác đang cảm nhận. Nhưng nếu chỉ có những cảm nhận này, cộng hưởng với lòng trắc ẩn đối với một ai đó, thì tự nó chưa đủ chất liệu để sản sinh ra khái niệm từ bi đúng nghĩa. Loại thiền yêu thương này không chỉ là một bài “tập thể dục tâm hồn”, mà còn có ý nghĩa xa hơn. Nó đã cho thấy các lợi ích tiềm năng cho những người làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe (health care), giáo viên và những ai đang có cảm giác tuyệt vọng do trải qua những ký ức đau buồn, với sự đồng cảm sâu sắc từ hoàn cảnh khó khăn của người khác.
Người thực tập thiền khởi đầu bằng cách hoàn toàn chú tâm vào cảm xúc từ bi và yêu thương đến cho mọi người, cùng với sự lặp lại trong im lặng cụm từ có ý nghĩa đại khái như “Cầu nguyện cho mọi người có được hạnh phúc, hiểu được căn nguyên đưa đến hạnh phúc, giải thoát khỏi khổ đau, và nguyên nhân đưa đến khổ đau”. Năm 2008, chúng tôi đã nghiên cứu những thiền giả kỳ cựu với hàng nghìn giờ thực tập loại thiền này và phát hiện, có sự gia tăng hoạt động ở nhiều vùng trong não bộ khi họ lắng nghe những âm thanh truyền tải sự đau khổ. Phần vỏ não của thùy đảo và vùng cảm thụ giác quan thứ cấp (secondary somatosensory) là các vùng tham gia vào việc phát khởi lòng thương và sự đồng cảm. Não của các thiền giả kỳ cựu tại các vùng này hoạt động mạnh mẽ hơn so với nhóm kiểm chứng khi đáp ứng với các âm thanh đau khổ. Điều này gợi ý, thiền giả kỳ cựu gia tăng khả năng san sẻ cảm xúc đối với người khác, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy họ quá xúc động. Nghĩa là họ rất trầm tĩnh, nhưng cũng đầy lòng trắc ẩn với nỗi đau khổ của tha nhân. Việc thực hành thiền từ bi còn khiến cho vùng tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương (temporoparietal junction), vùng vỏ não trung gian trước trán (MPC) và rãnh thái dương trên (superior temporal sulcus) đều tăng hoạt động, các vùng này được kích hoạt một cách đặc trưng khi thiền giả thực tập quán chiếu đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.
Gần đây hơn, Tania Singer và Olga Klimecki, cả hai công tác tại Viện Max Planck chuyên về Khoa học Não bộ và Nhận thức Con người, tỉnh Leipzig, Đức, cộng tác với chúng tôi (Matthieu Ricard) đã khám phá ra sự khác biệt giữa lòng từ bi và sự đồng cảm (empathy) ảnh hưởng lên não khi ngồi thiền. Họ lưu ý rằng từ bi và lòng vị tha (altruism) liên quan đến các cảm xúc tích cực, và họ cho rằng tình trạng kiệt quệ cảm xúc (emotional exhaustion) hay sự mệt lả tâm hồn (burnout) là một dạng “đồng cảm nhạt nhòa” (fatigue).
Thiền từ bi này đến từ truyền thống trầm mặc của Phật giáo, chẳng những giúp vượt qua tâm lý đau buồn và chán nản, mà còn cải thiện cân bằng nội tâm, tăng sức mạnh tinh thần, kiên định chí hướng giúp đỡ những người đau khổ. Nếu một em nhỏ phải nằm viện, có một bà mẹ đầy lòng yêu thương xuất hiện cạnh cậu bé, nắm tay cậu, dỗ dành cậu bằng những ngôn từ âu yếm, thì chắc chắn không phải nghi ngờ gì, hiệu quả tích cực sẽ vượt trội hơn nhiều so với một bà mẹ đi qua đi lại ngoài tiền sảnh với sự âu lo thái quá và thiếu sự đồng cảm, không thể chịu đựng nỗi cảm xúc rằng con mình đang bệnh. Bà mẹ thứ hai về lâu dài sẽ đối diện với sự kiệt quệ cảm xúc, trong một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy, tình trạng này chiếm đến 60% trong số 600 người giúp việc chăm sóc bệnh nhân (caregivers) được khảo sát.
Để nghiên cứu sâu hơn bản chất của sự đồng cảm và lòng từ bi, Klimecki và Singer đã chia 60 tình nguyện viên thành hai nhóm. Một nhóm thực hành thiền từ bi và yêu thương, nhóm còn lại được huấn luyện nghiêm ngặt theo chế độ ăn uống và thể thao để nuôi dưỡng cảm xúc đồng cảm với người khác. Kết quả sơ bộ cho thấy, sau một tuần thực hành thiền, nhóm đầu có nhiều cảm xúc tích cực và lòng nhân ái hơn khi xem những đoạn phim nói về sự đau khổ của người khác. Nhóm còn lại, dù được huấn luyện theo cách khoa học bài bản, nhưng chỉ nuôi dưỡng được sự đồng cảm, cảm xúc thấu hiểu cộng hưởng sâu sắc với nỗi khổ của đồng loại. Tuy nhiên, những kiểu xúc động này cũng đem lại cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, và nhóm này cũng biểu hiện nhiều lo âu hơn, thỉnh thoảng còn có dấu hiệu không kiểm soát được cảm xúc của họ.
Nhận thức được kết quả thiếu cân đối này, Singer và Klimecki đã bổ sung thêm cho nhóm thứ hai thực tập thiền từ bi và yêu thương. Sau đó, hai nhà khoa học theo dõi những cảm xúc đối trọng với ảnh hưởng tiêu cực phía trên, và chỉ tập trung vào sự đồng cảm, thì thấy: nhóm thứ hai đã giảm bớt cảm xúc tiêu cực, tăng cảm xúc tích cực. Kết quả này được củng cố bởi những thay đổi tương ứng trong nhiều vùng của mạng lưới thần kinh não liên quan đến lòng từ bi, cảm xúc tích cực, tình mẫu tử, bao gồm vùng vỏ não ổ mắt trước trán (orbitofrontal cortex), thể vân trước (ventral striatum) và vành đai vỏ não trước (ACC). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn chứng minh, một tuần thực tập thiền từ bi đã làm tăng hành vi tích cực đối với xã hội, thông qua trò chơi giả lập để đánh giá khả năng giúp đỡ người khác.
LỢI ÍCH CỦA THIỀN
Não phát triển hơn
Các nhà khoa học của nhiều trường đại học đã nghiên cứu thực tập thiền giúp thay đổi về mặt cấu trúc của các mô não. Sử dụng các hình chụp cộng hưởng từ, họ phát hiện, 20 thiền giả có kinh nghiệm thực tập một loại thiền Phật giáo có thể tích mô não tại thùy đảo, vùng Brodmann 9 và 10 lớn hơn nhóm kiểm chứng.
Vùng Brodmann 9 Các vùng này có vai trò trong quá trình tập trung tâm thức, cảm nhận thông tin giác quan và cảm xúc nội tại. Trong tương lai, vẫn cần thêm các nghiên cứu dài hạn để xác thực thêm phát hiện này.
Hình ảnh minh họa não bộ của David C.Killpack
(Dòng chữ nằm dọc của biểu đồ: Cortical thickness – Độ dày vỏ não [mm])
Một cánh cửa mở ra tỉnh thức
Thiền khám phá bản chất của tâm hồn, cung cấp một phương pháp chủ động để rèn giũa sự tỉnh thức và trạng thái tinh thần từ quan điểm đầu tiên của một người hành trì. Cùng cộng tác với với các thiền giả kỳ cựu của Phật giáo tại Đại học Wisconsin, chúng tôi đã sử dụng điện não đồ (EEG) để nghiên cứu sóng điện não trong suốt quá trình ngồi thiền, trong đó các thiền giả phải mô tả rõ ràng cảm giác của bản thân khi tâm bắt đầu ít định tĩnh và mất thăng bằng. Chúng tôi phát hiện, những thiền giả thâm niên này có khả năng để duy trì về mặt ý chí một khuôn mẫu EEG đặc thù. Cụ thể hơn, nó được gọi là sự dao động dải sóng gamma (γ) biên độ cao (high-amplitude gamma-band oscillations) ở pha đồng thời tại tần số 25 và 45 hertz (Hz). Sự phối hợp của các dao động sóng não có thể giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng các mạng lưới tạm thời, mà chúng có thể đồng bộ các chức năng nhận thức và cảm xúc trong suốt quá trình học hỏi và tư duy, một quá trình mà có thể đưa đến những thay đổi lâu dài trong các mạch điện của não.
Các dao động biên độ cao này xuất hiện nhiều lần với thời gian dài, xuyên suốt quá trình thiền và tiếp tục tăng dần khi hành trì thiền càng thuần thục. Các hình ảnh điện não đồ này khác với nhóm kiểm chứng, đặc biệt trong phần bên vùng võ não trung gian giữa thùy trán và thùy đỉnh (lateral frontoparietal cortex). Những thay đổi trong hoạt động sóng điện não có thể giúp các thiền giả kỳ cựu gia tăng nhận thức môi trường xung quanh và các dòng suy tư nội tâm, mặc dù vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để hiểu rõ hơn chức năng của các dao động sóng gamma.
Thiền không chỉ giúp kiểm soát cảm xúc và nhận thức tốt hơn, mà còn làm cho một số vùng não thay đổi theo hướng tích cực, điều này có lẽ do sự biến đổi trong các mạng lưới kết nối tế bào não. Nghiên cứu sơ bộ của Sara W. Lazar và đồng nghiệp của bà tại Đại học Harvard đã cho thấy, thể tích vùng mô sẫm của não hay còn gọi là chất xám (gray matter) của các thiền giả có thâm niên, khác với nhóm kiểm chứng ở vùng vỏ não trước trán và thùy đảo. Cụ thể hơn, vùng Brodmann 9 và 10, thường xuyên được kích hoạt trong suốt quá trình thực tập các loại thiền khác nhau. Sự tương phản này trở nên rõ rệt ở các tình nguyện viên lớn tuổi, điều này gợi ý rằng, thiền có thể ảnh hưởng đến tốc độ mỏng đi của mô não, chúng càng mỏng dần khi tuổi càng lớn. Nhìn hình số 3-biểu đồ độ dày vỏ não sẽ thấy, cả nhóm kiểm chứng lẫn nhóm thiền giả kỳ cựu, thì vùng này đều mỏng dần theo độ tuổi càng lớn, nhưng tốc độ mỏng đi của nhóm thiền giả kỳ cựu chậm hơn rõ rệt. Điều này cho thấy, thiền làm chậm sự lão hóa của não, đồng nghĩa với việc duy trì sự minh mẫn và nhận thức tốt hơn.
Trong nghiên cứu sau đó, Lazar và đồng nghiệp cũng thấy, thiền chánh niệm làm giảm kích thước của hạnh nhân (amygdala), vùng có chức năng xử lý cảm giác sợ hãi, giúp giảm đáng kể tình trạng căng thẳng (stress) cho người thực tập. Eileen Luders và đồng nghiệp của bà tại Đại học California, Los Angeles đã quan sát sâu hơn các khác biệt ở vùng sợi trục thần kinh (axons) có chức năng nối kết các vùng não khác nhau, và thấy người thực tập thiền tăng số lượng các kết nối này. Kết quả này hỗ trợ giả thuyết: thiền thực sự giúp thay đổi về mặt cấu trúc não. Một hạn chế đáng kể của nghiên cứu này là thiếu sự quan sát dài hạn để theo dõi một nhóm người qua nhiều năm, và thiếu sự so sánh giữa người thực tập thiền và nhóm người cùng hoàn cảnh xã hội (similar backgrounds) và độ tuổi như nhau, nhưng không hành trì thiền.
Một số bằng chứng còn cho thấy, thiền về tổng thể giúp tăng hạnh phúc, giảm chứng sưng viêm (inflammation) và những căng thẳng sinh học khác ở cấp độ phân tử (molecular level). Một nghiên cứu hợp tác giữa chúng tôi với nhóm của Tiến sĩ Perla Kaliman tại Viện Nghiên cứu Y sinh ở Barcelone cho thấy, một ngày thực tập thiền cao độ của các hành giả kỳ cựu, giúp kìm hãm hoạt động của nhóm gen (genes) liên quan đến chứng viêm, và thay đổi chức năng các men sinh học (enzymes), góp phần kiểm soát các gen hoạt động hay ngừng. Cliff Saron tại Đại học California, Davis nghiên cứu ảnh hưởng của thiền đến một phân tử có vai trò điều hòa (regulate) tuổi thọ của một tế bào. Phân tử này chính là một enzyme gọi là telomerase, được mã hóa bởi các đoạn DNA (là phân tử mang thông tin di truyền, bao gồm các gen trong tế bào) ở các đầu mút của nhiễm sắc thể (chromosomes). Men telomerase có chức năng đảm bảo sự ổn định của các vật liệu di truyền trong suốt quá trình phân bào (cell division – quá trình giúp tế bào sinh sản ra tế bào mới). Các DNA mã hóa telomerase bị ngắn dần qua mỗi lần phân bào, và khi độ dài của các DNA này thấp hơn một ngưỡng tiêu chuẩn, thì tế bào ngừng phân chia và dần dần đi vào chu trình lão hóa (senescence). So với nhóm kiểm chứng, những thiền giả giảm rõ rệt các tâm lý căng thẳng, cùng với sự gia tăng hoạt động của men telomerase sau quá trình ẩn tu. Kết quả này cho thấy, thiền chánh niệm làm chậm quá trình lão hóa tế bào.
Một con đường đưa đến hạnh phúc
Hơn 15 năm nghiên cứu cho thấy, thiền giúp những hành giả kỳ cựu sản sinh ra nhiều thay đổi quan trọng trong cả chức năng lẫn cấu trúc của não bộ. Các nghiên cứu này đã bắt đầu chứng minh rằng, thực tập thiền còn giúp tác động tích cực lên các quá trình sinh học đối với sức khỏe cơ thể.
Cần thêm nhiều nghiên cứu rõ ràng, chọn lọc ngẫu nhiên người tham gia để tách biệt những ảnh hưởng của thiền với các nhân tố tâm sinh lý khác, mà nó có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của thí nghiệm. Các yếu tố này đại loại như động lực (motivation) của người thực tập thiền, hay vai trò của cả giáo viên hướng dẫn và học trò trong một nhóm thực tập thiền. Công việc tiếp theo là cũng cần nghiên cứu để hiểu tác động tiêu cực nếu có của thiền, độ dài thời gian tối ưu để thực tập, và cách thức hiệu quả để hiểu được nhu cầu của người khác.
Với những đòi hỏi nghiêm ngặt, nghiên cứu thiền đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về các phương thức huấn luyện tâm hồn này, giúp tăng sức khỏe và hạnh phúc cho con người. Một điều quan trọng không kém là thiền nuôi dưỡng lòng từ bi và các tiêu chí chất lượng tích cực khác cho con người. Thiền đặt nền tảng cho một khuôn mẫu đạo đức tự do, mà không dính dáng tới bất kỳ triết lý hay tôn giáo nào, cũng đều có thể nhận được kết quả hết sức to lớn trên toàn bộ các khía cạnh của xã hội loài người, nếu được hành trì.
>> Bạn đọc xem thêm phần trước tại đây
Phước Nguyện dịch
[ad_2]