[ad_1]
GN – Những ngày này, lời kêu gọi góp bàn tay giúp nhau lúc dịch bệnh như thôi thúc mỗi người, đặc biệt là những người trẻ tìm cách hành động, làm điều gì đó chia sẻ với cuộc đời.
Tin nhắn 10.000 đồng
10.000 đồng là số tiền hiếm hoi còn lại trong tài khoản di động của em Vũ Anh Thy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Thế nhưng, Anh Thy đã dùng hết số tiền đó để nhắn tin gửi đến tổng đài 1408 đóng góp cùng Chính phủ mua vắc-xin và sau đó em còn xin thêm ba mẹ 30.000 đồng để chuyển ủng hộ và kêu gọi cả nhà cùng tham gia đóng góp. Trước tấm lòng của Anh Thy, ai cũng vui và chung tay cùng với em. Bên cạnh đó, với mong muốn có thể nhân lên việc làm này, Anh Thy đã chụp lại màn hình tin nhắn gửi ủng hộ quỹ, đăng trên trang cá nhân, cũng từ đây, có nhiều bạn bè của em đã tham gia đóng góp mua vắc-xin, dù chỉ với những khoản tiền khiêm tốn trong khả năng của những người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Em thấy được ý nghĩa từ việc làm này và chính điều đó đã thôi thúc em thực hiện cho bằng được. Khả năng của em chỉ có nhiêu đó, em hy vọng mình có thể đóng góp một chút xíu chung tay cùng Chính phủ, để ai cũng được tiêm vắc-xin Covid-19 miễn phí”, Anh Thy chia sẻ.
Khi được hỏi thêm về nguyên nhân nào đã khiến một em học sinh tuổi đời còn ít như Anh Thy đã nảy sinh suy nghĩ về việc đóng góp cho cộng đồng, em cho biết: “Mấy nay dù đang giãn cách xã hội, nhưng vẫn có nhiều cô chú trong xóm gần nhà phải đi buôn bán dù dịch bệnh. Nhìn các cô chú em rất thương. Vì dịch bệnh nên cũng ít người ra đường, do đó các cô chú bán cũng không được mấy. Em chỉ mong nhà nước mình sẽ sớm có đủ tiền để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho mọi người, để cuộc sống sớm trở lại như bình thường”.
Những giọt máu trao đi
Khi theo dõi thông tin trên truyền thông đề cập đến việc lượng máu dự trữ tại TP.HCM dần cạn kiệt, đứng trước nguy cơ không đủ cấp cho các bệnh viện trong vài ngày tới bởi do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến lượt người đến các cơ sở y tế hiến máu biến động, bạn Nhật Minh đã đến Bệnh viện Truyền máu huyết học đăng ký hiến máu. “Khi tới nơi hiến máu, khi nhìn dòng máu của mình chảy vào túi, mình rất hạnh phúc. Nghĩ đến có thể giúp được cho người đang cần, mình vui vì bản thân có cái để chia sẻ với mọi người”, Minh chia sẻ.
Khi về nhà, Minh tiếp tục kêu gọi mọi người, đặc biệt người thân trong gia đình có điều kiện sức khỏe cùng góp sức, chung tay. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người trong gia đình và bạn bè Minh dù muốn đi hiến máu nhưng có phần lo lắng, ngại đi ra ngoài. Trước điều đó, Minh đã chia sẻ tận tình về việc người hiến máu sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn thực hiện nghiêm 5K, trong đó đặc biệt chú ý khâu khai báo y tế, kiểm tra lại kết quả an toàn trước khi thực hiện các thủ tục hiến máu. Đồng thời, Minh cũng cho biết những địa chỉ cũng như những khung giờ hoạt động của các điểm hiến máu để mọi người thuận tiện trong việc di chuyển, thực hiện. Cũng nhờ vậy, Minh đã “rủ”, cổ vũ và truyền cảm hứng cho người thân bên cạnh đi hiến máu.
“Máu có thể chờ người chứ người không thể chờ máu. Nếu có sức khỏe và bạn ổn, có thời gian thì đi hiến máu đi mọi người ơi, còn được sữa quá trời sữa nữa”, lời kêu gọi dí dỏm của Minh đã nhận được nhiều phản hồi của người thân quen.
Rồi khi nhìn thấy có rất nhiều người bạn của mình cùng đi hiến máu, Minh cảm thấy rất vui. Bạn bảo: “Có đôi lúc tôi ngồi mỉm cười một mình vì hạnh phúc khi có thể chia sẻ đúng lúc và đúng cái mà mọi người đang cần”.
Những chuyến xe vội vã
Khi TP.HCM bước vào giai đoạn căng thẳng do dịch tái bùng phát, cũng là lúc các chiến sĩ áo trắng tất tả ngược xuôi, không còn thời gian ngơi nghỉ. Cũng như các đồng nghiệp của mình, mỗi ngày, bạn Dương Nguyễn Bá Nam, điều dưỡng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bình Chánh đều phải chạy đua cùng thời gian để thực hiện công tác chống dịch. Để có mặt kịp lúc giao ca vào lúc 5 giờ 30 tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 giáp huyện Bến Lức (tỉnh Long An), Nam phải đi làm lúc trời còn chưa sáng, chỉ có ánh đèn đường làm bạn đồng hành.
Bạn Dương Nguyễn Bá Nam đang làm nhiệm vụ |
Nhiệm vụ của anh Nam cũng như các đồng nghiệp ở cửa ngõ ra vào của thành phố này là kiểm tra thân nhiệt, sàng lọc và đưa về khu vực khám sàng lọc của bệnh viện đối với những bệnh có triệu chứng, thông qua yếu tố điều tra dịch tễ. Với tính chất đặc thù của công việc và trọng trách quan trọng được giao, mỗi phút giây làm việc của Nam luôn phải đặt trong tình trạng “chánh niệm”, không được mảy may lơ là và bất cẩn.
Với thời tiết thất thường của thành phố vào mùa này, dù nắng hay mưa, Nam và các đồng nghiệp luôn phải bận trang phục bảo hộ, tay cầm dụng cụ đo thân nhiệt, đứng giữa đường thực hiện nhiệm vụ nhằm gìn giữ sự an toàn cho mọi người.
“Việc ở tuyến đầu chống dịch rất cực và nhiều áp lực, nhưng đổi lại sau mỗi ca trực là niềm hạnh phúc, niềm vui của một ngày cống hiến hết mình, giúp ích cho xã hội”.
Dương Nguyễn Bá Nam
Điều dưỡng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bình Chánh
Nam kể có những ngày Nam và đồng nghiệp được lệnh điều động lấy mẫu dịch tễ các nơi có ca dương tính, đi xuyên màn đêm cùng tiếng xe cứu thương. Khi được hỏi rằng “có sợ không?”, Nam lại trả lời rất đơn giản: “Sợ thì cũng có sợ, nhưng nhân viên y tế mà sợ thì ai lo cho bệnh nhân? Quan trọng là trước khi thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ y bác sĩ đều được tập huấn rất kỹ về đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch nên cũng giảm bớt phần nào nỗi lo”.
Cứ như vậy mà ngày qua ngày, Nam miệt mài thực hiện nhiệm vụ bằng tấm lòng của người hành nghề y mà không quan trọng việc có được nhận lại bất cứ điều gì cho riêng mình hay không, kể cả những lời cảm ơn, ca ngợi. Điều đơn giản Nam và các đồng nghiệp của bạn cần đó là: “Mong mọi người hãy thành thật khi khai báo y tế và ra ngoài khi thật cần thiết. Chỉ cần như vậy, mọi người đã giúp cho thành phố của chúng ta bình an, và anh em chúng tôi sớm được về nhà đoàn viên, được ăn những bữa cơm không âu lo bên gia đình”.
[ad_2]