[ad_1]
Ngôi chùa Nisshinkustu đã trở thành nơi quy tụ, hội ngộ, gặp gỡ của bà con người Việt tại Nhật Bản.
Và ngôi chùa cũng là nơi gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Nhật.
Trụ trì là Hòa thượng Yoshimizu Daichi – người gắn bó với cộng đồng người Việt, luôn mong mỏi bà con người Việt coi ngôi chùa Nisshinkutsu trở thành nơi gặp gỡ trao đổi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam dù đang ở trên nước Nhật.
Trong đời sống hàng ngày của con người với biết bao nỗi lo toan thường nhật, đôi khi có những điều tưởng chừng đưa con người ta đi vào bế tắc, tuyệt vọng. Những lúc như thế con người ta cần đến một điểm tựa tinh thần để tĩnh tâm, thư thái, hướng thiện tìm ra giải pháp giải thoát cho chính mình. Chính vì thế sinh hoạt văn hóa tâm linh đã trở thành điểm tựa tinh thần trong cuộc sống của người Việt, điều này càng thể hiện rõ hơn đối với những người Việt xa xứ. Đối với cộng đồng người Việt tại Nhật Bản nói chung và cộng đồng người Việt tại khu vực thủ đô Tokyo nói riêng, ngôi chùa Nisshinkustu trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con kiều bào tại Nhật Bản.
Chùa Nisshinkustu là một ngôi chùa lớn nằm ở gần trung tâm thủ đô Tokyo, chùa do Hòa thượng Yoshimizu Daichi trụ trì. Hòa thượng Yoshimizu Daichi là người hơn 50 năm gắn bó và dành rất nhiều tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Ông là người khởi xướng chương trình tặng hoa anh đào cho Việt Nam, hỗ trợ tích cực các phong trào từ thiện tại Việt Nam. Đặc biệt, do có nhiều gắn bó với Việt Nam, Hòa thượng Yoshimizu Daichi cho phép Sư cô Thích nữ Tâm Trí là Ni sinh Việt Nam hiện đang tu học tại Nhật Bản trở thành người hướng dẫn tu tập cho cho bà con người Việt. Chính vì vậy, mặc dù bà con người Việt sinh hoạt trong không gian văn hóa chùa Nhật, nhưng vẫn cảm thấy quê hương rất gần.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn thăm và dâng hương tại chùa Nisshinkustu tháng 6-2009 |
Nói đến chùa Nhật Bản thì phải nói đến sự tĩnh lặng và yên bình. Cũng như người Việt, người Nhật đến chùa để tìm sự bình an, thanh thản trong lòng và cầu sức khỏe, cầu gia nội an khang, cầu giao thông an toàn, mọi chủ nguyện đều được thành tựu. Vào ngày Tết, đối với các ngôi chùa lớn ở Nhật mọi người thường hay đi cầu nguyện trong đêm Giao thừa và sáng Mồng Một giống như người Việt Nam.
Người Nhật khi đến chùa thường bỏ đồng tiền xu vào thùng phước sương. Trong chánh điện của chùa, người Nhật thường xông trầm. Và cũng như một thói quen, các tín đồ Phật giáo tại Nhật thường không vào chánh điện lễ Phật mà thường đứng bên ngoài cầu nguyện và họ đến chùa chủ yếu để học và tìm hiểu thêm về giáo lý nhà Phật.
Chính sự tương đồng về văn hóa của người Á Đông cùng với tình cảm đặc biệt của Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi dành cho cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, mà trong những năm qua chùa Nisshinkustu đã có nhiều hoạt động tích cực đem lại lợi ích chung cho cộng đồng Phật tử người Việt Nam tại Nhật Bản. Hàng năm chùa vẫn tổ chức Tết Dương lịch theo truyền thống của người Nhật Bản và Tết Nguyên đán Âm lịch theo truyền thống Việt Nam, lễ Phật đản, lễ Vu Lan, tổ chức Rằm Trung Thu,… với sự tham gia đông đảo của bà con người Việt và bạn bè người Nhật Bản.
Một hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cộng đồng người Việt tại chùa Nisshinkustu |
Hòa thượng Yoshimizu Daichi còn tạo điều kiện mời các giảng sư của Việt Nam sang giảng pháp cho các Phật tử Việt Nam. Năm 2011, đất nước Nhật Bản bị động đất và sóng thần gây thiệt hại lớn về người và của. Trong thảm họa thiên tai này, một số bà con người Việt cũng bị ảnh hưởng, chùa Nisshinkustu đã cưu mang hơn 100 học sinh, sinh viên, tu nghiệp sinh vượt qua thảm họa, trấn an tinh thần họ vượt qua những cú sốc về tinh thần trong thời gian hơn một tháng… Chùa còn đứng ra hỗ trợ, ủng hộ cho 45 em sinh viên tại Hà Nội sang giao lưu lễ hội văn hóa Yosakoi trong hai năm liên tục; đón tiếp các đoàn từ trong nước sang tham quan, tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản…
Theo Sư cô Thích nữ Tâm Trí, Tết cổ truyền năm nào chùa cũng hoan hỉ đón bà con người Việt đến chùa lễ Phật cầu an đầu năm từ cán bộ nhân viên Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản và bà con người Việt từ Yokohama, Saitama, Gunma, Chiba, Ibaragi, Hamamatsucho… Có những bà con đến rất sớm giúp nhà chùa quét dọn, lau chùi tượng Phật,… để chuẩn bị đón Xuân mới.
Ngôi chùa Nisshinkustu đã trở thành nơi quy tụ, hội ngộ, gặp gỡ của bà con người Việt tại Nhật Bản. Và ngôi chùa cũng là nơi gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Nhật mà người đại diện là Hòa thượng Yoshimizu Daichi – người gắn bó với cộng đồng người Việt, luôn mong mỏi bà con người Việt coi ngôi chùa Nisshinkutsu trở thành nơi gặp gỡ trao đổi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam dù đang ở trên nước Nhật.
Xuân về Tết đến, dù là Tết cổ truyền Việt Nam rơi vào cái lạnh lẽo mùa Đông buốt giá của Nhật Bản, nhưng tại ngôi chùa Nisshinkutsu, bà con người Việt lại tập trung quy tụ về đây đốt nén tâm nhang, cùng hướng về Tổ quốc, hướng về quê hương thân yêu để cầu nguyện cho nơi nơi đón Xuân về vui tươi hạnh phúc, cầu mong một mùa Xuân an lạc và bất tận cho muôn nhà.
[ad_2]