[ad_1]
NSGN – Nguyên nhân và nguồn gốc dẫn chúng ta đi trong sanh tử luân hồi, trong tam đồ lục đạo để chịu đau khổ hay thọ lãnh an vui đều do tam nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Trong ba nghiệp này, ý nghiệp quan trọng nhất. Nó là chủ nhân ông của mọi nghiệp thiện ác. Muốn tìm hiểu tam nghiệp đầy đủ, chúng ta không thể qua một vài trang giấy mà nói hết được. Vậy trong bài viết ngắn này, chúng ta chỉ tìm hiểu một khía cạnh nhỏ quả báo ác của khẩu nghiệp, và từ đây chúng ta sẽ suy ra quả báo thiện ác của hai nghiệp kia.
Trong luật Sa-di có câu: “Luận người ở đời, búa để trong miệng, thường để chém mình”. Đây là một lời cảnh tỉnh, nhắc ta hãy cẩn thận lời nói của mình. Nếu như vô tình hay cố ý nói một lời nói ác, chê bai hay nhục mạ người khác thì sẽ lãnh lấy quả báo đau khổ giống như có người lấy búa chém vào thân của mình.
Trong luật Sa-di có kể một câu chuyện như sau:
Có Sa-di chê một Tỳ-kheo tụng kinh tiếng như chó sủa, vị Tỳ-kheo biết được, khởi tâm thương xót nên dạy vị này sám hối. Vị Sa-di sám hối nhưng tội vẫn không hết, sau phải đọa làm năm trăm kiếp chó.
Qua mẩu chuyện trên chúng ta thấy rõ quả báo của khẩu nghiệp nặng như thế nào. Chỉ một lời nói ác trong mấy giây mà phải chịu quả báo đau khổ nơi ác đạo trong nhiều đời nhiều kiếp. Vì vậy chúng hãy cẩn thận lời nói của mình. Chúng ta nói thì phải nói lời hay ý đẹp, nói những điều lợi ích. Nếu không nói được những điều tốt đẹp thì chúng ta im lặng, chứ tuyệt đối không nói những lời xấu ác để khỏi mang họa vào thân. Đức Phật dạy “Nói năng như Chánh pháp, im lặng như Chánh pháp” là vậy. Dân gian cũng có câu ca dao rất hay: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Chư Phật, Thánh nhân, các bậc Hiền triết luôn nhắc nhở chúng ta cẩn thận, đừng nói lời ác. Các ngài kể lại cho chúng ta biết quả báo ác của khẩu nghiệp qua nhiều mẩu chuyện trong sách, trong kinh điển mà mỗi khi khi đọc đến khiến ta rùng mình! Sau đây là những mẩu chuyện tiêu biểu từ trong kinh:
Chuyện Lộc Nữ trong kinh Đại phương piện Phật báo ân.
Vào đời rất xa xưa, vô lượng a-tăng-kỳ kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi. Vào thời Tượng pháp, có một gia đình nọ, không may người chồng mất sớm để lại người vợ và đứa con thơ. Từ ngày chồng mất, hàng ngày người vợ đi làm vất vả để nuôi con. Mỗi khi đi làm về bà đều đem thức ăn về cho con. Một bữa nọ do vì bận công việc nên bà về trễ, người con ở nhà chờ đợi lâu, đói quá sinh ra tức giận nói rằng:
– Mẹ ta ngày nay, không biết vì lẽ gì mà không cho ta ăn, chẳng nhìn ngó đến ta, để ta như thế này?
Vì quá phiền muộn, người con nhắc đi nhắc lại ba lần như vậy, rồi lại nói:
– Mẹ ta ngày nay không bằng loài súc sinh. Ta thấy loài súc sinh như con hươu, mỗi khi con nó bị đói khát, lòng nó còn chẳng nỡ rời!
Do vì tội nói mẹ như loài súc sinh mà người con phải thọ quả báo năm trăm đời làm con của hươu.
Chuyện con đại trùng trong kinh Đại phương tiện Phật báo ân.
Một hôm khi Đức Phật cùng ngài A Nan đi khất thực từ thành Vương-xá trở về, đến ngoại thành thì thấy có một vũng nước lớn và sâu. Vũng nước này rất dơ, bao nhiêu những cống nước thải, những thứ đại tiểu đều đổ vào đấy. Lúc ấy, ở trong vũng nước, có một con đại trùng, hình thù giống như người, nhưng tay chân lại rất nhiều. Con đại trùng từ xa trông thấy Đức Phật liền ngóc đầu lên khỏi mặt nước, nhìn Ngài mà nước mắt tuôn trào. Đức Phật nhìn thấy, lộ vẻ thương xót, liền trở về núi Kỳ-xà-quật.
Bấy giờ Ngài A Nan muốn biết nguồn gốc của con trùng ấy, liền giữa Đại chúng bạch hỏi Đức Phật rằng:
– Bạch Đức Thế Tôn! Con trùng trong vũng nước đó đời trước làm nghiệp ác gì mà sinh ở trong vũng nước ấy? Với thời gian là bao nhiêu? Và đến thời nào mới được thoát khỏi thân trùng?
Phật bảo A Nan và Đại chúng rằng:
– Đại chúng lắng nghe Ta sẽ giảng nói. Về đời quá khứ lâu xa, có Đức Phật ra đời giáo hóa chúng sanh, sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, vào thời Tượng pháp có một vị Duy-na ở một ngôi chùa nọ, hàng ngày được Phật tử cúng dường đầy đủ. Một hôm có vị khách Tăng đến xin tá túc, Phật tử thấy bèn làm đồ ngon thiết đãi, trong đó dầu tô là món ngon nhất. Vị Duy-na vì lòng bỏn xẻn nên giấu món dầu tô không cho vị khách Tăng dùng.
Khách Tăng biết được bèn nói rằng:
– Sao ngài không đem món dầu tô cúng dường chúng Tăng?
Vị Duy-na đáp:
– Vì ông là khách, chúng tôi là thường trụ, vì thế chúng tôi không cúng dường ông.
Tỳ-kheo khách nói:
– Đó là vật thực Phật tử cúng dường Tăng hiện tiền.
Lúc ấy, vị Duy-na kia lộ vẻ giận dữ, liền mắng vị khách Tăng:
– Sao ông không ăn đồ phẩn giải mà cứ theo tôi đòi món dầu tô đó hoài vậy?
Bởi lời nói ác ấy, cho nên từ lúc đó đến nay, đã trải qua mười ức kiếp, vị Duy-na kia thường phải sinh trong vũng phân.
Chuyện cá trăm đầu trong kinh Hiền ngu.
Một thời Đức Phật cùng Đại chúng du hóa ở vùng ven biển. Bấy giờ dân chài đánh bắt được một con cá rất kỳ lạ, mọi người tụ tập lại xem rất đông, Đức Phật và Đại chúng cũng đến xem. Con cá này có hình thù kỳ dị, mình cá nhưng lại có một trăm cái đầu thú như đầu ngựa, heo, chó, rắn, rết v.v…
Đức Phật động lòng thương cảm hỏi cá rằng:
– Cá, có phải là Ca-tỳ-lê không?
– Thưa phải.
Ngài hỏi tiếp:
– Kiếp này làm cá, kiếp sau biết về đâu không?
– Thưa Ngài, kiếp sau về địa ngục A-tỳ.
Ngài A Nan cùng Đại chúng muốn biết nguồn gốc con cá nên thưa hỏi Thế Tôn. Đức Phật liền kể:
Vào thời Đức Phật Ca Diếp, có một thanh niên thông minh lanh lợi, mỗi khi tranh luận với ai anh ta đều thắng, nhưng khi tranh luận với các vị Sa-môn anh lại thua. Sau anh ta giả dạng xuất gia làm Sa-môn, vào chùa học những bí quyết biện luận hầu mong tranh luận thắng các vị Sa-môn. Vì anh ta là người giả tâm xuất gia vào chùa học đạo, nên học hành thì thông minh nhưng không phát sinh trí tuệ, mỗi khi tranh luận với các vị Sa-môn anh ta đều thua. Quá tức giận, anh ta chửi mắng các vị Tỳ-kheo là đồ thú, là đầu bò, đầu chó v.v… Do quả báo chửi mắng các vị xuất gia nên từ đó đến nay anh ta luôn bị đọa làm cá trăm đầu hình thù kỳ dị như vậy.
Ngài A Nan và Đại chúng bạch Đức Thế Tôn:
– Kính lạy Đức thế Tôn, Ca-tỳ-lê chừng nào thoát khỏi thân cá?
Đức Phật trả lời.
– A Nan, hãy còn lâu lắm. Trong đời hiền kiếp, một ngàn Đức Phật ra đời và diệt độ, cũng chưa được thoát.
Đức Phật nói xong, ai nấy đều rùng mình, cảm thấy xót thương, đồng thanh nói: Tất cả chúng sinh thân, miệng và ý nghĩ phải nên cẩn thận!
Qua những mẩu chuyện trên, chúng ta thấy rõ quả báo của khẩu nghiệp rất nặng. Một lời nói ác, ta sẽ thọ lấy quả báo đau khổ trong vô lượng kiếp. Vì vậy hãy cẩn thận lời nói, nhất là đối với Tam bảo, cha mẹ, thầy cô, vì những bậc này là những vị đại ân nhân của chúng ta, những vị sinh đẻ, nuôi nấng dạy dỗ chúng ta. Nếu chúng ta cố ý hay vô tình dùng lời nói ác xúc phạm đến các bậc ấy thì tội lỗi sẽ không lường hết được. Trong kinh Đức Phật thường dạy, người ta sinh ra ở đời, họa từ trong miệng mà ra, nên phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy cũng chỉ có đốt cháy một đời này, còn như lời nói ác khẩu sẽ đốt cháy trong vô lượng kiếp.
Nếu chúng ta dùng lời ác chê bai, mắng chửi, nguyền rủa mọi người thì thọ lãnh quả báo đau khổ vô cùng. Còn ngược lại, chúng ta dùng lời nói thiện, dùng những lời hay ý đẹp để ca ngợi, tán dương, an ủi, giúp đỡ mọi người thì sẽ được quả báo an lạc, hạnh phúc lâu dài. Nhất là chúng ta dùng lời hay, ý đẹp mà xưng tán, ca ngợi Tam bảo, cha mẹ, thầy cô thì sẽ được phước báu vô lượng.
Trong kinh thường nói, Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Trong đó có các tướng tốt như: răng bốn mươi hai cái trắng đều và đẹp, lưỡi dài đến tai, miệng tỏa ra hương thơm và thường lưu xuất vị cam lồ ngọt ngào tươi mát. Sở dĩ Đức Phật có được những tướng tốt này là do nhiều đời, nhiều kiếp tu khẩu nghiệp mà được.
Nói tóm lại, con người chúng ta đau khổ hay an lạc đều do ba nghiệp là thân, miệng và ý gây tạo. Nếu thân, miệng, ý làm việc ác thì lãnh chịu quả báo khổ đau. Nếu thân, miệng, ý làm việc thiện sẽ hưởng quả báo an vui, hạnh phúc. Trong ba nghiệp này, ý nghiệp là quan trọng nhất, nhưng hai nghiệp kia cũng không kém phần quan trọng, nhất là khẩu nghiệp. Vì vậy mà Đức Phật mới dạy: “Luận người ở đời, búa để trong miệng, thường tự chém mình”. Dân gian cũng có những câu khuyên mọi người hãy cẩn thận trong việc phát ngôn, như: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” (Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra); hay câu: “Nhất ngôn bán ngữ, bất khả khinh xuất” (Một lời nửa tiếng, không thể khinh thường).
Nhận thấy quả báo của khẩu nghiệp quan trọng như vậy nên qua bài viết này, khuyên mọi người chúng ta hãy cẩn trọng lời nói của mình. Mỗi khi chúng ta nói thì hãy nói những lời đem lại an vui, nói đúng Chánh pháp, còn không thì im lặng. Chúng ta đừng nói những lời ác, những lời phi pháp khiến phải thọ lấy quả báo khổ đau trong nhiều đời, nhiều kiếp.
[ad_2]