[ad_1]
Sau này, thành Thăng Long có thêm Thành hoàng nữa là thần Long Đỗ (còn gọi là thần Bạch Mã) được thờ tại Thăng Long tứ trấn. Một số sách cổ và một số nhà nghiên cứu lịch sử đã đồng nhất hai thần làm một. Thực tế thế nào?
Nguồn gốc của tín ngưỡng Thành hoàng
Theo Giáo sư Hà Văn Tấn, thờ Thành hoàng đã có từ sớm ở Trung Quốc và được ghi ở Lễ Ký, sớm nhất là thời Tam quốc (220-265). Đó là đền thờ Thành hoàng do Tôn Quyền lập năm 239 ở Vu Hồ, An Huy. Sách Từ nguyên của Trung Quốc chép: “Thành hoàng do ngôn thành trì”, hay: Thành phục vụ hoàng, tức Thành hoàng hay thành hào. Kinh Dịch quẻ Thái viết: “Thành đổ thì trở nên hào – bộ Thổ, tập Sửu”. Sách Trung Quốc thần bí văn hóa cắt nghĩa cụ thể: “Thành hoàng tức thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm thành, đào hào làm hoàng”.
Theo sách Kinh Lễ, thuở xa xưa có 8 vị thần được lập tế thì vị thần thứ 7 là Thủy Dung tức Thành hoàng. Vào đời Tùy (581-618) đã có tục dùng động vật để tế Thành hoàng.
Sách Tùy thư của Trung Quốc, thiên Ngũ hành chí chép: “Lương Vũ lăng vương tế thần Thành hoàng, sắp mổ bò, có con rắn đỏ leo quanh mõm bò”. Đến đời Đường (618-907), tục thờ Thành hoàng đã phổ biến. Các nhà thơ nổi tiếng như Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Lý Thương Ẩn… đều có văn thơ tế Thành hoàng. Từ đó, Thành hoàng không còn là hóa thân của thành trì nữa mà là một con người cụ thể.
Có thể nói, ở Trung Quốc, Thành hoàng là vị thần bảo vệ thành trì cấp quốc gia, cấp phủ, châu, huyện và cư dân trong thành.
Tín ngưỡng Thành hoàng du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Năm 823, đời nhà Đường, Lý Nguyên Gia xây La Thành đã phong thần Tô Lịch làm Thành hoàng, dựng đền thờ. Như vậy, Tô Lịch là Thành hoàng đầu tiên của Việt Nam, là Thành hoàng đầu tiên của Đại La (sau đổi tên thành Thăng Long).
Đền Bạch Mã thờ thần đất Long Đỗ – Thành hoàng Thăng Long. |
Về nguồn gốc, thần Tô Lịch được nhắc tới trong truyện “Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng đại vương” (sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên) vào thế kỷ XIV, sách này dẫn theo những thư tịch cổ hơn là Báo cực truyện và Giao Châu ký, kể về Tô Lịch đại vương như sau: “Vương họ Tô, húy là Lịch, sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình của Vương lấy sự thanh bạch và hòa thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau, không chút riêng biệt.
Thời nhà Tấn đô hộ, triều đình xét những nhà có hiếu, gia đình Vương được khen. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà Vương sẵn lòng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen, nhân đó, cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng”.
Sách Lĩnh Nam chích quái cũng chép về Tô Lịch như sau: “Nước ta có người họ Tô tên Lịch xưa sống ở Long Đỗ, nay là mé ven sông, ba đời nhân nhượng mà sống chung với nhau. Đời Tấn được cử làm chức Hiếu liêm, cắm cờ ở trước cổng xóm, vì vậy người đời bèn gọi xóm ấy là xóm Tô Lịch”.
Theo Việt điện u linh, năm Trường Khánh thứ 3 (823) đời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Gia sang làm đô hộ thấy cửa Bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế xinh đẹp, mới tìm chỗ cao ráo dời phủ lỵ đến đóng ở bờ sông, dựng nhà cửa, mở nhiều cổng ngõ. Nguyên Gia sai giết trâu bò, mở tiệc náo nhiệt, mời các kỳ lão trong làng đến dự, “trăm điệu múa đều có, đàn địch vang trời” rồi hỏi chuyện về Vương (Tô Lịch) và ngỏ ý muốn tâu xin thờ Vương làm Thành hoàng. Mọi người đều vui thuận tán thành, sau đó dựng một ngôi đền nguy nga, tráng lệ để thờ.
Dòng nước chảy ngược kể trên là sông Tô Lịch. Nước sông Tô Lịch chảy ra sông Hồng nên gọi là nước chảy ngược.Trên thực tế là do vào mùa mưa, nước từ đồng đổ vào sông Tô, khiến mặt nước sông Tô cao hơn sông Hồng.
Khi Lý Nguyên Hỷ xây xong đền, mở tiệc cúng tế thì tối hôm đó, thần Tô Lịch đã hiện lên trong giấc mộng, sách Việt điện u linh chép rằng: “…Đêm ấy, Nguyên Hỷ đang yên lặng nằm bên cửa sổ, bỗng nhiên một trận thanh phong vùn vụt đến, bụi cuốn cát bay, rèm lay án động.
Rồi thấy có một người cưỡi một con nai trắng từ trên không hạ xuống, râu mày bạc phơ, áo mão thì rành rạnh, lần đến bảo Nguyên Hỷ rằng: – Nhờ ơn sứ quân uỷ cho ta làm chủ thành này, nếu sứ quân có giáo hóa được cư dân trong thành cho hết lòng hết sức thẳng ngay, thì mới sung được nhiệm vụ của quan thủ mục, mới xứng với trách nhiệm của một bậc tuần lương”.
Nguyên Hỷ bái tạ xin vâng, nhưng hỏi đến họ tên thì không đáp. Bỗng nhiên tỉnh dậy mới hay đó là mộng. Tên Tô Lịch lần đầu tiên được sử sách ghi chép là vào thế kỷ VI, trong các sách Lương thư, Trần thư của Trung Quốc, nói vắn tắt về sự kiện: Nam Việt đế Lý Bí cho đắp dựng một tòa thành bên một dòng sông xưa trên đất Hà Nội cổ, được gọi là “Tô Lịch giang thành” (Thành sông Tô Lịch).
Do đó, lần đầu trong sử sách, Tô Lịch xuất hiện là danh xưng của một con sông. Và như vậy, thành Thăng Long trước khi được chọn xây thành Đại La đã được Lý Nam Đế chọn làm kinh đô từ thế kỷ VI. Theo các tài liệu kể trên thì sông Tô Lịch bắt nguồn từ một người tên Tô Lịch, sống vào cuối thế kỷ thứ III, đầu thế kỷ thứ IV ở đất Long Đỗ, sau vì nổi tiếng thương dân nên được đặt tên cho một vùng đất (làng) là Tô Lịch. Tô Lịch vào thế kỷ IX được tôn làm thần, phong chức Thành hoàng Thăng Long.
Thành hoàng Tô Lịch được thờ ở đâu?
Dù thần sông Tô Lịch trước đó đã được phong Thành hoàng Đại La nhưng một số sách cổ lại cho rằng đến khi Cao Biền sang làm Tiết độ sứ, gặp thần Tô Lịch thì mới đặt tên sông là Tô Lịch. Thời Cao Biền, Tô Lịch một lần nữa được phong là Thành hoàng Đại La.
Thời Cao Biền, thần Tô Lịch lại xuất hiện thêm lần nữa. Sách Lĩnh Nam chích quái chép, khi chơi trên con sông quanh thành Đại La, Biền gặp vị thần tự xưng là Tô Lịch, nên mới đặt tên sông là Tô Lịch. Sách viết: “…[Cao] Biền thông hiểu thiên văn địa lý, xem hình thế đất mà xây thành Đại La ở phía Tây Lô Giang, chu vi 30 dặm để ở. Có dòng sông con từ Lô Giang chảy vào phía Tây Bắc, cuốn quanh phía Nam, ôm lấy thành Đại La rồi lại nhập vào sông cái.
Hồi đó đang giữa tháng 6 nước mưa lên cao: Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào tiểu giang đi khoảng một dặm, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng sông, cười nói tự nhiên. Biền hỏi họ tên. Đáp: Ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: Nhà ở đâu? Đáp: Nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch.
Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía Đông thành Đại La, thấy trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn mù mịt, Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần nhân tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép…”.
Nghe vậy Biền kinh hãi, sáng hôm sau lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đến hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi, than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tầm được cử sang thay.
Sách Việt điện u linh không chép lại chuyện này, chỉ ghi rằng: “Kịp đến lúc Cao Biền xây thành Đại La, nghe Vương linh dị, lập tức đem lễ điện tế bái chức Đô phủ Thành hoàng Thần quân”.
Khi Cao Biền sang đắp thành Đại La (năm 866), y đã tôn thần Tô Lịch làm “Đô phủ Thành hoàng Thành quân”. Như vậy, thần sông Tô Lịch được hai viên quan đô hộ nhà Đường là Lý Nguyên Gia và Cao Biền phong theo đúng tiêu chuẩn Bắc phương là vị thần bảo vệ thành luỹ, do nghĩa chữ “thành” là cái thành, “hoàng” là cái hào khô bao quanh thành. Tiếp theo đó, vào thời vua Lý Thái Tổ, thần Tô Lịch được phong Thành hoàng lần thứ ba và sau đó còn nhiều lần được sắc phong nữa.
Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long (năm 1010) thường nằm mơ thấy một ông lão râu bạch, đến bên bệ rồng, hô vạn tuế, chúc mừng nhà vua. Vua cười hỏi: “Tôn thần cũng giữ được hương lửa trăm năm hay sao?”. Ông liền đáp: “Mong muốn hoàng đồ như Thái Sơn bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận thái hòa, bọn thần không chỉ hương hỏa một trăm năm mà thôi”. Sau khi tỉnh dậy, bèn sai quan Thái chúc đem rượu tế, phong thần làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương.
Từ đó, cư dân trong thành đến lễ cầu đảo, thề ước, đều thấy linh ứng. Năm Trùng Hưng thứ 1 nhà Trần (1285) sắc phong hai chữ Bảo quốc, năm thứ 4 (1288) thêm hai chữ Trấn linh, năm Hưng Long thứ 21 (1313) gia phong hai chữ Định bang.
Như vậy, sau mấy lần gia phong vào thời Trần Nhân Tông (1278-1293) và Trần Anh Tông (1293-1314), vị Thành hoàng có hiệu “Bảo quốc Trấn linh Định bang Thành hoàng Đại vương”.
Tuy nhiên, các tài liệu cổ đều không hề nhắc đến ngôi đền thờ thần Thành hoàng Tô Lịch ở đâu, tên là gì, dù đền đã được Lý Nguyên Gia xây dựng vào đầu thế kỷ IX, dưới thời Đường Mục Tông.
Do bị đồng hóa với thần Long Đỗ, nên theo Từ điển bách khoa Việt Nam, nơi thờ chính của thần sông Tô Lịch là ở đền Bạch Mã, trấn Đông trong Thăng Long tứ trấn.
Qua khảo sát, người viết tìm thấy thần sông Tô Lịch được thờ ở đình Gừng (nay là đền Khương Hạ, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân). Tuy nhiên, dù được xây dựng khá khang trang, nguy nga và thuộc loại bậc nhất kinh thành Thăng Long xưa, thì đến nay, ngôi đình cổ này mới có trên 400 trăm năm tuổi.
Đình còn thờ kép đức Đại vương Lê Dương Vệ bản cảnh thành hoàng làng (là trung đẳng phúc thần) và và 12 vị tổ của 12 dòng họ có công khai phá sáng lập làng Khương Hạ. Trong đền còn lưu giữ 12 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Riêng triều Tây Sơn có đến 3 sắc phong.
Đình Tân Khai (số 44 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.) thờ riêng cả hai vị thần Bạch Mã (Long Đỗ) và Tô Lịch.
Đình Tân Khai thờ cả thần sông Tô Lịch và thần đất Long Đỗ. |
Thăng Long có hai Thành hoàng?
Về lịch sử các Thành hoàng, ngoài Thành hoàng đầu tiên là Thần sông Tô Lịch, theo sách Việt điện u linh, thời Trần còn có 2 vị thành hoàng nữa là thần Long Đỗ thờ ở đền Bạch Mã (Hà Nội) và thần thổ địa ở Đằng Châu (Hưng Yên).
Sách An nam chí của Cao Hùng Trưng viết rằng, trong giai đoạn Việt Nam bị nhà Minh xâm lược (từ 1407-1427), quan lại nhà Minh đã theo chế độ Trung Quốc lập miếu Thành hoàng ở phủ, châu, huyện Việt Nam. Đến thời Lê, theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 4/1449, Lê Nhân Tông (1441-1459): “Bắt đầu lập đàn thờ thần Đô đại Thành hoàng, đàn thờ thần gió, mây, sấm, mưa và đàn thờ ma quỷ không ai tế tự để tứ thời cúng lễ”.
Theo Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái thì thần Long Đỗ (hay Long Độ) xuất hiện vào thế kỷ IX khi phá tan trận đồ trấn yểm của Cao Biền: “Khi xưa, Cao Biền đời nhà Đường được cử sang cai trị Giao Châu, cho đắp thành Đại La. Một hôm, Biền đang vẩn vơ dạo ngoài cửa đông thành, bỗng thấy mưa to gió lớn, rồi một đám mây ngũ sắc bốc lên từ mặt đất, tụ lại ở trên không, tia sáng bốc lên chói mắt, khí trời trở nên lạnh lẽo.
Giữa đám mây, thấy hiện ra một người “đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn ở trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất”.
Cao Biền kinh dị, cho là yêu quái. Đêm hôm ấy, Biền mộng thấy người gặp lúc ban ngày, đến bảo rằng: “Ta là Long Độ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành thì đến xem chơi, chớ có ngờ”. Biền tỉnh dậy than: “Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt ta, sự này là điềm lành hay điểm gở?”. Có người khuyên Cao Biền dựng đền, đắp tượng thờ rồi lấy một nghìn cân sắt, đồng làm bùa trấn yểm, Biền làm y như vậy. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên quật đổi cây to, tung đất, làm tất cả đồng sắt trấn yếm đều biến thành tro bụi. Biền than thở: “Ta phải về Bắc thôi”, sau quả nhiên như thế.
Tượng thần thờ tại đền Bạch Mã. |
So sánh hai đoạn trích thần Tô Lịch, thần Long Đỗ đấu với Cao Biền, ta thấy chúng có mô típ giống nhau. Vậy có thể đồng nhất hai thần làm một?
Núi Nùng – sông Tô, những địa danh nổi tiếng của kinh thành Thăng Long, nơi được tôn là “Nùng sơn chính khí”, “Tô Lịch giang thần”, là long mạch chính của thành Thăng Long. Thần núi Nùng còn gọi là thần đất, chính là thần Long Đỗ (rốn rồng). Đền Bạch Mã được xây dựng phía đông thành Đại La từ thế kỷ IX thờ thần Long Đỗ, tức thần đất.
Đến thế kỷ X, khi đưa quân đi dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh đã đến đền Bạch Mã làm lễ cầu đảo xin Thần phù hộ cho nước, cho được vạn sự thì sẽ phong sắc để biểu dương sự anh linh.
Đinh Bộ Lĩnh đã đến làng Đặng Xá (Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam) chiêu binh, từ đấy ông đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng vương. Sau khi thống nhất đất nước, trở về làng Đặng Xá, vua Đinh Tiên Hoàng (làm vua từ 968-979) mơ thấy một vị thần tự xưng là thần Bạch Mã báo mộng rằng: “Thần đã vâng mệnh Hoàng Thiên, theo vua đánh giặc. Nay thiên hạ đã yên bình, nhà vua chưa lễ tạ, thế là không đúng lễ”. Vua tỉnh dậy, biết Thần rất là linh ứng, liền phong tặng mỹ tự, phong là: Hộ Quốc Bảo Cảnh linh thông tế thế, Đô Đại Thành hoàng Linh lang Bạch mã đại vương Thượng đẳng Phúc thần.
Vào thế kỷ XI, đời Lý Thái Tổ, khi vua dời đô về Đại La và đổi tên thành Thăng Long (1010), muốn mở rộng phủ thành nhưng đắp thành xong đều bị lở, bèn cử người tới cầu thần. Đêm đó, vua nằm mộng thấy thần đến chúc mừng rồi dặn nhà vua cứ theo dấu vó ngựa đắp.
Có con ngựa trắng từ đền đi ra, đi theo hướng Tây, vòng về hướng Đông, trở về điểm xuất phát rồi biến vào đền. Nhà vua y lời thần, bèn cho đắp thành xây lũy theo vết chân ngựa để lại, xây đến đâu chắc đến đấy. Lý Thái Tổ sai tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng đại vương, tức Thành hoàng của cả thành Thăng Long.
Ngựa trắng chỉ xây thành là một mô típ có từ thời cổ. Với hai câu chuyện về thần Bạch Mã ở hai thế kỷ, vậy tên gọi đền Bạch Mã có từ thời nhà Đinh hay từ thời nhà Lý? Trong Lĩnh Nam chích quái cũng như trong tín ngưỡng dân gian, từ lâu, thường đồng hóa hai vị thần của núi Nùng (Long Đỗ) và vị thần của sông Tô Lịch lại làm một.
Ngược lại, sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên lại coi hai vị thần sông Tô Lịch và thần đất Long Đỗ là hai vị khác nhau. Thực tế, hai vị thần cai quản long mạch chủ của Thăng Long, chức năng của hai thần là hộ quốc. Các đời vua đều sắc phong cho cả hai vị thần nên không thể đồng nhất hai thần làm một. Chuyện một thành phố có nhiều Thành hoàng không có gì đặc biệt khi có làng thờ tới 10 thần làng.
(Còn nữa)
[ad_2]
Source link