[ad_1]
NSGN – Từ nhỏ tôi rất thích đọc tiểu thuyết, đặc biệt là các sách như Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thủy hử truyện, Thất hiệp ngũ nghĩa… Chỉ cần có một cuốn sách trong tay, là mê tới mức quên ăn bỏ ngủ.
Tôi từng kể câu chuyện này với các học sinh ở đại lễ đường Đàn Tín Phật Quang Sơn:
Thời Chiến Quốc có một kẻ sĩ tên là An Tỏa. Một hôm, đang trong lúc thượng triều (vào chầu), vua Tề Tuyên đột nhiên gọi: “An Tỏa, đến đây!” An Tỏa nghe xong cũng gọi lại vua Tề Tuyên rằng: “Vua Tuyên, đến đây!” Các quần thần trong triều không tán thành thái độ của An Tỏa, bèn hỏi ông ta: “Vua gọi đi tới, Tỏa cũng gọi vua đi tới, được chăng?”
An Tỏa trả lời nói: “Vua gọi ‘An Tỏa, đến!’, nếu như tôi đến trước là tôi thèm khát vị trí của vua, sợ hãi quyền thế của vua mà phải nịnh hót, bợ đỡ. Giả như tôi nói ‘Vua, đến đây!’ mà vua đến thật thì cho biết vua hạ mình cầu hiền (chiêu hiền đãi sĩ), xem trọng trăm họ. Mặc dù là cùng một câu nói, nhưng có ý nghĩa khác nhau.
Tề Vương nghe xong, vẫn thể hiện vẻ không mấy quan tâm, nói: “Vua cao quý hay là kẻ hiền sĩ cao quý?” Ý là hỏi giữa đế vương và văn nhân ai cao quý hơn ai.
Thế là An Tỏa đưa ra một thí dụ rất trí tuệ, rằng: “Tất nhiên là văn nhân so với bậc đế vương cao quý hơn! Trước đây hai nước Tề và Tần giao tranh, vua Tần từng treo giải thưởng 500 lạng vàng muốn lấy cái đầu của vua Tề, đồng thời cũng đưa ra một mệnh lệnh, là các tướng sĩ không được xâm phạm phần mộ văn nhân Liễu Hạ Huệ; nếu ai không chấp hành sẽ xử lý cực hình người đó. Như vậy có thế thấy, đầu của bậc đế vương sẽ chẳng bao giờ bằng phần mộ của kẻ sĩ đã khuất!”
Bấy giờ vua Tề Tuyên mới thừa nhận quan điểm của An Tỏa, bèn vội ngồi xuống và thưởng cho An Tỏa rất nhiều tiền bạc châu báu. Nhưng An Tỏa đã từ chối.
Ở lập trường của An Tỏa, ông ấy cho rằng cuộc sống cần thực thi từng bước một, tự do tự tại, nó hơn cả mỹ tửu mà vua chúa ban cho. Không mắc thêm lầm lỗi là sự giàu sang bình an lớn lao nhất của đời người. Chiến quốc sách cho biết, từ đó về sau An Tỏa không bị sỉ nhục nữa.
Trên đây tuy là câu chuyện mà tôi đã từng đọc qua hơn 50 năm trước, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một. Ngoài tiểu thuyết, tôi còn thích đọc truyện ký của các nhân vật vĩ đại của các thời kỳ, như Cao tăng truyện trong cửa Phật, văn học truyện ký của Đài Loan trước kia… Trong những cuốn sách của mình, nữ nhà văn, nhà giáo dục, nhà từ thiện và là nhà hoạt động xã hội nước Mỹ Helen Keller (1880-1968) cho tôi biết làm thế nào để khắc phục tàn tật, vươn tới thành công. Nhà vật lý, nhà hóa học người Pháp gốc Ba Lan bà Marie Curie (1867-1934) chia sẻ nhiều kinh nghiệm mà bà ấy đã trở thành một nhà khoa học. Nhiều nhà thơ, nhà văn, thư pháp của Trung Quốc, những thành tựu của họ cũng có thể tìm thấy đáp án trong đó.
Điều khiến tôi cảm động nhất là nhiều vị danh nhân và tổng thống nước ngoài, trong đó có người từng là nhân viên giao báo, có người từng làm qua nghề bán hàng rong, trải qua giai đoạn tôi luyện khắc khổ, từ đó trở thành người có ảnh hưởng lớn của thời đại. Ở Trung Quốc, ta thấy trong giới Phật giáo, có Đại sư Thái Hư (1890-1947) hồi còn nhỏ cũng từng là chú bé chăn trâu. Pháp sư nổi tiếng Ký Thiền, tên Kính An (biệt hiệu Bát Chỉ Đầu Đà) nghèo tới mức cơm không đủ ăn, mà nguyên nhân họ thành công lại là chỗ đáng được suy ngẫm nhất.
Nói tới thành tựu, tôi cho rằng bất kỳ thành tựu nào cũng đều không hề dễ đạt được. Một căn nhà cần phải xây dựng một cách chậm rãi dựa vào từng cục gạch từng viên ngói; một cọng cỏ một ngọn cây cần phải nhờ vào việc tưới nước, bón phân… mới có thể đâm hoa kết trái. Thành tựu của một người tất cần phải trải qua bao mồ hồi, cực nhọc, bao hy sinh, cống hiến mới có thể đổi lại được.
Tôi tin rằng trong cõi đời này không có thành tựu nào không làm mà gặt hái được. Một người sở dĩ thành công, vĩ đại, là do ra sức thực hiện đạt được từ trong các cơ hội bình đẳng vô phân biệt. Tôi mong rằng các đệ tử của Phật Quang Sơn có thể trân trọng nhân tốt duyên lành mỗi một chút mỗi một giọt quanh ta, cố gắng trân trọng thế giới này, tận dụng thưởng thức đời sống đang là này. Ngoài việc cần ca ngợi tất cả thành tựu ra, càng cần phải tích cực sáng tạo tương lai của chính mình.
Tinh Vân – Nhã Tuệ dịch
___________
Nguồn: Tinh Vân (2014), Tinh Vân Đại sư bàn về đọc sách, NXB Nhân Dân Thượng Hải, tr.6-8.
[ad_2]