[ad_1]
GN – Tất cả chúng ta tu ai cũng sợ vọng tưởng dấy khởi, cho nên vọng khởi là liền bỏ, liền dẹp. Khi bỏ dẹp rồi, lúc đó nói mình không còn vọng tưởng. Nhưng chú thứ hai thứ ba trồi lên rồi bỏ dẹp… cứ làm như vậy suốt buổi có mệt không? Quả là còn nhọc hơn mấy người nông phu cuốc đất ngoài đồng nữa, phải không?
Ra đồng cuốc đất, giở cuốc lên cuốc xuống, làm mệt đứng chống cuốc thở, ngó trời ngó mây chơi. Còn mình ngồi đó, một giờ hai giờ có dám nghỉ đâu. Lúc nào cũng phải dòm chừng, hết chú này tới chú khác trồi lên liên miên. Một hai giờ đồng hồ không nghỉ chút nào hết.
Như vậy người tu mới nhìn qua thấy thảnh thơi, ngồi lim dim đó mà thực là đổ mồ hôi hột, không chút rảnh rỗi, nhàn hạ. Bởi vì chúng ta quen nhìn sự vật bên ngoài theo lối hình thức phân biệt tướng mạo, vì vậy cái gì có hình tướng, có phân biệt thì chúng ta hiểu nhận, còn cái gì không hình tướng, chúng ta lại không biết.
Ai cũng nói tâm là cái biết, là phần tinh thần của mình. Như vậy khi khởi nghĩ phân biệt hơn thua, phải quấy, tốt xấu là chân hay giả? Khi vọng tưởng thứ nhất lặng, chừng một giây hay hai giây vọng tưởng thứ hai dấy lên, thì khoảng trống giữa cái thứ nhất với cái thứ hai đó, chúng ta hữu tri hay vô tri? Hữu tri tức là có tâm. Vọng tưởng dấy lên thì có suy nghĩ, cái suy nghĩ đó là động. Mỗi một niệm dấy lên là động, động là tướng sinh diệt. Khi nó lặng, khoảng giữa này không dài, nhưng vẫn có một khoảng giữa trước khi niệm thứ hai dấy lên. Khoảng giữa đó, nếu không có tri thì niệm thứ hai dấy lên mình không thấy. Nhưng niệm thứ hai vừa trồi đầu lên, mình thấy liền, như vậy trong khoảng giữa đó có tri hay vô tri? Có tri. Cái tri của khoảng giữa đó là cái tri bất sinh bất diệt.
Khi chúng ta khởi nghĩ nhớ ba, nhớ má, thì hình bóng ba má hiện ra. Ta liền nói “vọng, buông!”. Buông thì nó lặng xuống, im lìm được một chút lại dấy lên nhớ chú, nhớ bác. Khi đó hình dáng chú, bác hiện ra. Như vậy khoảng giữa của hai niệm là cái biết không sinh diệt. Như vậy ngồi thiền hai tiếng đồng hồ, giả sử có hai trăm lần vọng tưởng, mất đi một tiếng đồng hồ, còn lại một tiếng lặng lẽ, quý vị đang làm gì, ở đâu? Chỗ này phải nhìn cho thật sâu mới thấy hết giá trị của nó. Trong hai trăm lần vọng tưởng mất một giờ động, nhưng cũng có một giờ tịnh, phải không??
Một giờ tịnh là không mê. Vừa dấy niệm chúng ta liền thấy, đó là yên tịnh trong cái rõ ràng thường biết. Góp lại từng chặng từng chặng rõ ràng thường biết đó được một giờ, như vậy buổi ngồi thiền đó hữu ích hay vô ích? Tối thiểu chúng ta cũng được một giờ yên tịnh. Vậy mà chúng ta cứ nhớ hai trăm lần vọng tưởng, bỏ quên cái khoảng lặng quý giá đó, nên cho rằng mình tu sao chỉ thấy toàn vọng tưởng, không được thanh tịnh giây phút nào.
Người mới tu mà muốn được rỗng rang, sạch làu làu, không còn gì hết sao được. Phải chia chớ! Chia cho vọng một chút phần. Tu là đang dành khoảng yên lặng nhiều vọng tưởng ít, đi từ từ như vậy. Ngày xưa Tổ Huệ Khả than với Tổ Bồ-đề-đạt-ma:
– Tâm con không an, nhờ Hòa thượng dạy pháp an tâm.
Tổ Bồ-đề đạt-ma bảo:
– Đem tâm ra ta an cho.
Ngài Huệ Khả sực tìm. Lúc trước, Ngài nhớ nó chạy lăng xăng hoài sao bây giờ dòm lại mất tiêu. Khi đó, Ngài bạch với Tổ rằng:
– Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.
Tổ Đạt-ma bảo:
– Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Ngay đó Tổ Huệ Khả nhận ra, biết được đường vào. Biết được đường vào, nhưng phải trải qua thời gian khá dài tu tập.
Một hôm, Tổ Huệ Khả thưa:
– Bạch Hòa thượng, hiện nay con bặt hết các duyên.
Tổ Đạt-ma bảo:
– Coi chừng rơi vào không.
Ngài nói:
– Rõ ràng thường biết, làm sao không được.
Tổ Đạt-ma liền nói:
– Ông như thế, ta như thế, chư Phật cũng như thế.
Nghĩa là sao? Nghĩa là bặt hết các duyên mà rõ ràng thường biết thì ông được như vậy, ta được như vậy, chư Phật cũng được như vậy. Chư Phật được như vậy nên các Ngài thành Phật. Bây giờ ta được như vậy rồi ta cũng sẽ thành Phật, ông được như vậy ông cũng sẽ thành Phật.
Trên đường tu, nhiều khi chúng ta mắc kẹt ở ngôn ngữ văn tự, mà không thấy được bản chất thực, giá trị thực của sự tu. Bây giờ phải thấy giá trị thực của nó. Chúng ta chỉ mới bặt được mười phần trăm, hai chục phần trăm hoặc năm chục phần trăm các duyên thôi. Như vậy so với chư Tổ còn cách xa nhiều, tuy nhiên cũng có một hai phút bặt duyên. Chỗ bặt hết các duyên nhà thiền gọi là ông chủ, các duyên lăng xăng lộn xộn gọi là khách. Khách thì có hình dáng, chủ không có hình dáng. Bởi không hình dáng nên khó nhận, còn khách có hình dáng nên dễ nhận. Vì vậy suốt mấy giờ ngồi thiền, chúng ta chỉ thấy khách chớ không thấy chủ. Đó là vì mình sơ suất.
Niệm khởi là duyên, hết các duyên mà rõ ràng thường biết, đó chính là chỗ Tổ Bồ-đề-đạt-ma ấn chứng cho Tổ Huệ Khả. Ấn chứng bằng cách “ông như thế, ta như thế”, tức ta và ông không khác nhau. Chẳng những ông như thế, ta như thế, mà chư Phật cũng như thế luôn. Ba bốn con dấu giống hệt nhau. Đó là ấn chứng sâu đậm. Hiểu tới nơi rồi chúng ta mới thấy giá trị của sự tu.
Người không biết tu thì cảm thấy sự tu như vô ích. Năm ngoái ngồi cũng vọng tưởng, năm nay ngồi cũng vọng tưởng, chắc năm mười năm nữa cũng vọng tưởng! Tu như vậy buồn chết. Phải thấy năm ngoái trong một giờ bao nhiêu lần vọng tưởng, năm nay một giờ bao nhiêu lần vọng tưởng. Nó thưa từ từ. Thưa vọng tưởng từ từ, thì ông chủ hiện ngày càng rõ hơn. Vọng tưởng càng vắng, ông chủ càng hiện, chứ có thiếu chỗ nào. Nên biết giờ ngồi thiền không phải thiệt thòi. Chẳng những giờ ngồi thiền thôi, cho tới giờ đi tưới hoa, nhổ cỏ, nấu cơm, lặt rau v.v… cũng biết rõ từng niệm khởi. Đó là chúng ta không thiếu ông chủ. Hiểu cho thật kỹ chúng ta mới thấy ý nghĩa, giá trị của người tu thiền.
Một số người cứ ngỡ rằng vào Niết-bàn là vào một cảnh giới rực rỡ, có đủ thứ tốt đẹp. Tưởng Niết-bàn như vậy là Niết-bàn tưởng tượng. Niết-bàn là vô sanh, vô sanh mà hằng tri hằng giác, chứ không phải vô sanh mà vô tri vô giác. Cái hằng tri hằng giác đó cũng gọi là Phật tánh. Như vậy nhận được cái vô sanh hằng tri giác là nhập được Phật tánh của mình. Nếu nhập được Phật tánh của mình thì gọi là Phật. Chúng ta cứ mong thành Phật, được ngồi trên tòa sen có hào quang rực rỡ, nhưng không biết ông Phật đó là Phật sanh tử. Phật Pháp thân thì không có hình tướng.
Cho nên người biết tu sẽ được kết quả rất cụ thể, còn người không biết tu, hết nghĩ chuyện này đến chuyện nọ liên miên, nên không có kết quả. Trong khi cái biết thầm lặng luôn ở bên mình lại không hay, không nhớ tới. Do không nhận được cái hằng tri hằng giác thầm lặng ấy, nên chỉ nghĩ hơn nghĩ thua, nghĩ phải nghĩ quấy, cho đó là tâm. Chấp giữ khư khư thân sinh diệt và tâm sinh diệt là mình thì trách gì không đi trong luân hồi sanh tử muôn kiếp. Bởi cho cái sinh diệt là mình nên vừa mất cái sinh diệt này liền ôm cái sinh diệt khác, cứ liên miên như vậy, chịu vô lượng khổ đau, không có ngày ra khỏi.
Nếu biết rõ thân này vô thường sinh diệt, tâm phân biệt hơn thua phải quấy cũng vô thường sinh diệt; chỉ có cái hằng tri hằng giác, không hình không tướng đó mới thật là mình, thì đâu còn chạy theo hay chấp giữ cái vô thường sanh diệt làm gì nữa. Ngay đây dừng lại tất cả vọng tưởng đảo điên, thân tâm an vui, tự tại. Đó chính là con đường đi đến Phật đạo.
[ad_2]